Giữa tháng 5 năm 2025, nhạc sĩ Sa Huỳnh công bố tác phẩm độc tấu Piano mang tên Prelude N.11 Op.195 Khúc tre ru nhớ Bác Hồ. Sa Huỳnh là một trong số ít nữ nhạc sĩ sáng tác khí nhạc tại Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Sa Huỳnh về tác phẩm mới cũng như hoạt động sáng tác khí nhạc.
• Chúc mừng nữ nhạc sĩ Sa Huỳnh mới hoàn thành tác phẩm khí nhạc viết cho piano. Cảm xúc của chị khi viết tác phẩm này?
Tôi viết bản Prelude N.11, Op.195 Khúc tre ru nhớ Bác Hồ với một tâm trạng đặc biệt: lặng lẽ, thành kính và nhiều xao xuyến. Đó không phải là một xúc cảm lớn tiếng hay dữ dội, mà giống như một lời ru thì thầm, một tiếng vọng nội tâm dành cho Bác Hồ - người mà tôi luôn kính yêu. Với tôi, hàng tre là biểu tượng rất Việt Nam và cũng rất gần gũi với Bác - giản dị, khiêm nhường, kiên cường nhưng đầy nhân ái.
Phần đầu của tác phẩm mở ra bằng giai điệu ngũ cung mang âm hưởng dân ca Nam Bộ nhẹ nhàng, phảng phất như lời ru. Phần giữa có chút phát triển hòa âm kết hợp kĩ thuật chạy ngón tay phải từ nhỏ đến lớn thể hiện tiếng reo của những bụi tre nương vào nhau đong đưa theo gió nhưng vẫn giữ tinh thần mộc mạc. Phần kết đưa chủ đề trở lại với vài biến tấu nhỏ và đẩy chủ đề lên cao trào một lần nữa để thể hiện niềm nhớ thương Bác Hồ da diết trong tôi, như một hồi ức được ngân lên trong tâm trí.
• Sa Huỳnh đã viết bao nhiêu tác phẩm khí nhạc rồi?
Tôi viết khí nhạc chủ yếu cho Piano, bắt đầu từ năm 2004 với tác phẩm Prelude in e - minor N.1 Op.311 The dream of the bean, cho tới bản Prelude N.11, Op.195 Khúc tre ru nhớ Bác Hồ vừa rồi thì loạt Prelude hiện tại của tôi đến bản thứ 11. Bên cạnh đó, tôi sáng tác 3 bản Romance (ca khúc nghệ thuật) cho Thanh nhạc với phần đệm Piano. Ngoài ra, tôi còn một số bản hòa tấu nhỏ đang trong quá trình hoàn chỉnh và 3 Phức điệu 2 bè Invention viết cho Piano. Tôi xem việc viết khí nhạc như cách để ghi lại những trạng thái tinh thần khó diễn đạt bằng lời nói.
• Suy nghĩ của chị về thực trạng sáng tác, biểu diễn khí nhạc và cả sự đón nhận của khán giả tại Việt Nam?
Sáng tác khí nhạc ở Việt Nam vẫn đang đối diện nhiều thách thức. Người viết không nhiều, người biểu diễn khí nhạc Việt lại càng ít. Các chương trình biểu diễn thường ưu tiên nhạc cổ điển châu Âu, còn tác phẩm của nhạc sĩ Việt thì hiếm khi có cơ hội vang lên. Khán giả yêu khí nhạc tuy có, nhưng chưa đủ đông để tạo nên một cộng đồng vững mạnh. Việc thiếu hệ sinh thái hỗ trợ khiến nhiều nhạc sĩ khí nhạc không trụ được lâu dài.
• Như vậy tình hình chung là rất khó khăn, nhưng nếu nói chi tiết hơn về khó khăn, chị sẽ nói những điều gì?
Vâng. Khó khăn lớn nhất là không gian công cộng cho khí nhạc còn hạn chế. Thiếu dàn nhạc biểu diễn, thiếu sự hỗ trợ từ các tổ chức nghệ thuật và thiếu khán giả đồng hành là ba điều khiến người sáng tác khí nhạc dễ rơi vào trạng thái “viết cho chính mình”. Đó vừa là sự tự do, vừa là nỗi cô đơn.
• Chị thoát trạng thái này như thế nào để vẫn gắn bó với sáng tác khí nhạc và sở hữu một lượng tác phẩm cũng có thể nói là kha khá đối với lĩnh vực sáng tác đặc thù và vẫn được coi là đỉnh cao này?
May thay trong đời sống và trong âm nhạc tôi luôn có người bạn đời đồng hành là nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng. Hai chúng tôi chia sẻ mọi điều với nhau, cùng khuyến khích nhau sáng tác âm nhạc. Anh ấy cũng đang viết Tuyển tập những tác phẩm Piano nhỏ cho trẻ em, dễ tập, dễ nhớ và dễ cảm hướng tới thế hệ tương lai.
Nhạc sĩ Sa Huỳnh và ca sĩ Tùng Dương
• Vậy, theo chị, sáng tác khí nhạc có những thuận lợi gì?
Hiện nay, các công cụ hỗ trợ sáng tác - từ phần mềm, thư viện âm thanh, công nghệ ghi âm - giúp nhạc sĩ có thể hoàn thiện và thử nghiệm tác phẩm một cách chủ động hơn. Ngoài ra, mạng xã hội và các nền tảng phát hành nhạc trực tuyến cũng mở ra cơ hội chia sẻ rộng rãi hơn, dù vẫn cần thời gian để khán giả định hình “gu” thưởng thức. Còn tôi vẫn thiên về hướng sử dụng giấy trắng và bút chì để kí âm bằng tay những tác phẩm khi tôi đàn lên bằng cây Piano, tôi thích cái cảm giác biến những thanh âm được đôi tay tôi đàn vang lên và sau đó được viết xuống tờ giấy trắng những đường nét giai điệu dần hiện lên ngày một rõ nét hơn.
• Sa Huỳnh còn sáng tác ca khúc, chị nghĩ sao về sự chênh lệch giữa khí nhạc và ca khúc?
Tôi nghĩ đó là một thực tế hiển nhiên. Ca khúc gần với công chúng, lan truyền nhanh, dễ biểu diễn và dễ được ghi nhận. Trong khi đó, sáng tác khí nhạc đòi hỏi kỹ thuật cao, nền tảng học thuật, thời gian dài đầu tư và cả sự bền bỉ tâm lý. Tuy nhiên, tôi tin rằng mỗi thể loại có giá trị riêng. Với tôi, khí nhạc là vùng sâu của nội tâm - nơi tôi có thể tìm về và đối thoại với chính mình.
• Tỷ lệ sáng tác giữa khí nhạc và ca khúc của chị hiện nay như thế nào?
Về số lượng, tôi đã viết hơn 70 ca khúc và 15 tác phẩm khí nhạc, tức khoảng 6:1. Tuy nhiên, về năng lượng và tâm huyết, tôi dành tới khoảng 70% cho khí nhạc. Với tôi, viết ca khúc là để chia sẻ với công chúng, còn khí nhạc là không gian nội tâm riêng, mang tính cá nhân sâu sắc hơn.
Nhạc sĩ Sa Huỳnh và ông xã - nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng
• Chị có mong muốn gì với những tác phẩm khí nhạc của chính mình?
Tôi mong chúng được vang lên, dù chỉ ở không gian nhỏ - nhưng đúng tinh thần. Tôi không mong đại chúng hóa mà mong tìm được những người lắng nghe thật sự. Mỗi tác phẩm khí nhạc, nếu được trình diễn đúng cách, sẽ tự có tiếng nói và sức sống riêng. Tôi cũng hay tổ chức các buổi biểu diễn Piano thính phòng nhỏ tại Văn phòng Studio Âm nhạc của tôi từ trực tuyến đến trực tiếp hướng tới đào tạo phổ cập âm nhạc hàn lâm cổ điển cho các trò một cách bài bản và chuyên nghiệp nhất có thể.
• Nữ nhạc sĩ sáng tác khí nhạc ở Việt Nam rất hiếm, theo chị lý do vì sao?
Sự hiếm hoi này là do nhiều yếu tố cộng dồn. Trước đây, đã có cô Trương Tuyết Mai, sau đó là các chị như Kim Ngọc, Giáng Son… nhưng vẫn đếm được trên đầu ngón tay. Sáng tác khí nhạc đòi hỏi sự tập trung cao, sự hy sinh thời gian cá nhân - điều mà nhiều nữ nhạc sĩ, đặc biệt khi vừa làm nghề, vừa lo cho gia đình, rất khó duy trì được. Ngoài ra, xã hội vẫn thường kỳ vọng phụ nữ ở vai trò khác, khiến áp lực lớn hơn khi họ chọn con đường nghệ thuật chuyên sâu như khí nhạc.
• Chị có mong muốn gì với âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam?
Tôi mong lĩnh vực này được đưa ra khỏi phạm vi “hàn lâm khép kín” để đến gần hơn với công chúng - không bằng cách làm nó dễ dãi đi, mà bằng việc xây dựng môi trường thưởng thức mới: kết hợp không gian mở, liên ngành nghệ thuật, kể chuyện bằng âm nhạc, đưa vào phim ảnh, sân khấu, giáo dục… Tôi tin nhạc hàn lâm sẽ có đời sống mới nếu ta tiếp cận nó một cách sáng tạo và nhân văn hơn.
• Theo chị, chúng ta nên làm những gì để có thể “kích hoạt” sự phát triển của âm nhạc hàn lâm?
Trước hết, cần xây dựng cộng đồng - gồm người viết, người biểu diễn và người nghe - cùng đồng hành, dù nhỏ nhưng thật sự gắn bó. Tiếp theo, cần có các chương trình biểu diễn định kỳ, có chất lượng và dài hơi. Đồng thời, các trường đào tạo âm nhạc nên chú trọng hơn vào sáng tác khí nhạc hiện đại, chứ không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy lịch sử hay lý thuyết cổ điển cho thế hệ trẻ tương lai. Và cuối cùng, truyền thông cần tạo không gian cho nhạc hàn lâm được hiện diện bằng góc nhìn gần gũi, dễ cảm.
• Xin cảm ơn nữ nhạc sĩ Sa Huỳnh!
NGUYỂN QUANG LONG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 610, tháng 6-2025