Gốm - phương tiện nghệ thuật giàu tiềm năng

Gốm có lịch sử từ cổ xưa ở nhiều quốc gia, vùng văn hóa. Gốm Việt Nam có một truyền thống riêng và luôn được mở rộng về chất liệu, kỹ thuật, tạo hình và thẩm mỹ. Truyền thống phong phú của gốm Việt Nam đã trở thành sức mạnh nội sinh quý giá cho các thực hành sáng tác nghệ thuật ngày nay.Gốm có lịch sử từ cổ xưa ở nhiều quốc gia, vùng văn hóa. Gốm Việt Nam có một truyền thống riêng và luôn được mở rộng về chất liệu, kỹ thuật, tạo hình và thẩm mỹ. Truyền thống phong phú của gốm Việt Nam đã trở thành sức mạnh nội sinh quý giá cho các thực hành sáng tác nghệ thuật ngày nay.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao đổi cùng tác giả đạt giải Nguyễn Bảo Toàn tại triển lãm Gốm nghệ thuật Việt Nam năm 2021

Nhìn lại năm 2021, có thể gọi đây là năm của Gốm nghệ thuật với hàng loạt sự kiện liên tiếp được diễn ra. Trong đó xuất hiện những cái mới về cách tiếp cận, cho thấy gốm như một phương tiện nghệ thuật đương đại giàu tiềm năng ở Việt Nam. 

Mở đầu cho năm 2021 là triển lãm “Gốm Xuân 2021” nhân sự kiện ra mắt Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Hội Mỹ thuật có câu lạc bộ chuyên về một chất liệu, loại hình nghệ thuật - Gốm. Sự ra đời của nó gắn với ý tưởng tạo sự bứt phá, kết hợp tinh hoa làng nghề với sáng tác chuyên nghiệp, đưa nghệ thuật gốm Việt Nam lên tầm cao mới. Triển lãm diễn ra vào giữa tháng 1/2021 tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Một cách tự nhiên, nó trở thành sự kiện khởi đầu cho chuỗi hoạt động chuyên sâu của Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật và cũng là cho cả một năm đầy ắp các triển lãm gốm tại Hà Nội. Triển lãm trưng bày các tác phẩm của nhiều tác giả từ các chuyên ngành khác nhau và từ làng nghề gốm ở phía Bắc. Trong đó, có nhiều “cây đại thụ” của lĩnh vực này như: Lê Ngọc Hân, Nguyễn Trọng Đoan, Trần Khánh Chương, Lưu Danh Thanh, Ngô Doãn Kinh… Tất cả đã tạo nên sự đa diện về nghệ thuật gốm và có phần mang tính khái quát những tìm tòi đa dạng của loại hình này trong khoảng 10 năm gần đây. 

Song song với “Gốm Xuân 2021” có triển lãm “Chúng tôi kể chuyện gốm” của các họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ tại Hanoi Studio cách đó không xa (13 Tràng Tiền). Tại đây, 16 tác giả trong nước và nước ngoài có sự tiếp cận gốm với nhiều ý tưởng mới mẻ, gợi mở theo hướng thực hành nghệ thuật đương đại. Nhiều tác phẩm chứa đựng sự pha trộn đa ngôn ngữ thị giác và thông điệp cá nhân mạnh mẽ. Gốm đã trở thành phương tiện nghệ thuật để các tác giả kể câu chuyện của riêng mình, nó đã vượt ranh giới của đất, hình khối, sắc men vốn dĩ quen thuộc.

Năng lượng tích cực, sự hưng phấn với gốm đã gắn kết các tác giả cùng sáng tác tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại Hà Nội và các làng nghề như Bát Tràng, Phù Lãng, hay tại một số địa điểm gốm ở miền Nam… Thành quả của quá trình sáng tác được thể hiện trong triển lãm thứ hai của Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật mang tên “Sắc hạ” (tháng 5/2021 tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền). “Sắc hạ” quy tụ 75 tác phẩm “nóng hổi” được đem về Hà Nội từ các lò gốm tại Phù Lãng, Hương Canh, Bát Tràng. Chúng cho thấy một khi thế mới qua những biểu hiện ngôn ngữ điêu khắc, phù điêu, sắp đặt của gốm sành Phù Lãng, Hương Canh như những nét khám phá thú vị và gợi mở cho chất liệu xưa cũ và đang cần những cú hích mới.

Ngọn lửa của gốm nghệ thuật được tiếp thêm năng lượng khi Bộ VHTTDL phát động sáng tác hướng tới Triển lãm “Gốm Nghệ thuật Việt Nam - 2021”. Đây là lần tiếp nối sau 13 năm kể từ triển lãm Gốm Việt Nam - 2008. Đến tháng 10/2021, Triển lãm “Gốm Nghệ thuật Việt Nam - 2021” được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu cho tình trạng bình thường mới của giới mỹ thuật sau những tháng giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Triển lãm hội tụ những sáng tác mới ở hai lĩnh vực là gốm nghệ thuật và gốm ứng dụng. Tuy không thể có được sự đầy đủ với các đại diện của gốm nghệ thuật và gốm ứng dụng trên cả nước do dịch bệnh hoành hành ở các tỉnh phía Nam, nhưng đây cũng là sự kiện rất đáng ghi nhận về thành tựu hiện tại của gốm Việt Nam. Sau khi phát động, ban tổ chức chỉ nhận được 278 tác phẩm do 120 tác giả của 25 tỉnh, thành phố gửi tới. Số lượng này là khá khiêm tốn so với thực tế sáng tác gốm nghệ thuật, gốm ứng dụng (qua trại sáng tác, triển lãm nhóm, cá nhân) của các nghệ sĩ và nghệ nhân giỏi ở các làng nghề. Chất lượng và kích thước tác phẩm, sản phẩm cũng chưa phản ánh đầy đủ thành tựu của gốm nghệ thuật và gốm ứng dụng. Hội đồng nghệ thuật chỉ chọn được 107 tác phẩm, sản phẩm của 56 tác giả để trưng bày. Trong đó có 6 tác phẩm, sản phẩm xuất sắc hơn được trao Giải thưởng đồng hạng. Các tác phẩm gốm nghệ thuật được trao giải thưởng gồm: Câu chuyện trẻ thơ, gốm samot của Lê Văn Khuy; Bình thường mới, gốm men màu của Nguyễn Khắc Quân; Ngựa (Bạch mã), gốm đất trắng, men màu của Nguyễn Bảo Toàn; Cao nguyên trắng, gốm men màu của Phan Thanh Sơn; Vũ môn 1, gốm men của Hoàng Mai Thiệp; và sản phẩm gốm ứng dụng Hà Nội trong tôi, đèn sứ thấu quang của Nguyễn Danh Tú. Đó thực sự là những sáng tác thể hiện sự đa dạng, phong phú và các kết quả mới của gốm trong những năm gần đây. Các tác giả đạt giải có người đã thành danh trong sáng tác gốm nghệ thuật, có tay nghề cao trong tạo tác sản phẩm gốm ứng dụng, cũng có người mới bước vào nghề với nhiều cái nhìn mới lạ. Sự đa dạng của các hình thức gốm được ghi nhận qua các chất liệu như gốm sứ phủ men, gốm sành nâu, sành trắng men màu, đất nung, gốm samot; qua các dạng điêu khắc tượng tròn, phù điêu, gốm trang trí sân vườn, đèn, ấm, bình, đĩa, gốm trang sức… Nội dung tác phẩm xoay quanh nhiều chủ đề, từ những tư duy triết lý về đời sống nhân sinh, về biến đổi văn hóa, đến các vấn đề của thời dịch bệnh, và nhiều hơn cả là những bộc bạch trong sáng, giản dị của tình người, của cảm hứng nghệ sĩ.

Không gian triển lãm Loong Koong tại VCCA

Triển lãm “Gốm nghệ thuật Việt Nam - 2021” đã phần nào cho công chúng thấy được những biểu hiện của gốm qua sự đa dạng về cách tạo hình ba chiều, hai chiều với đất, men và lửa của đông đảo nghệ sĩ và nghệ nhân thời gian qua. Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật tạo hình trẻ trung, hiện đại của các nhà điêu khắc, họa sĩ từ các chuyên ngành khác nhau, người xem được chiêm ngưỡng không ít sản phẩm nghệ thuật từ các làng nghề chứa đựng sự kết tinh giữa truyền thống sâu thẳm với nét mới hôm nay trong chất liệu, tạo dáng và sắc men. Song hành với các tác phẩm đậm chất trang trí vui mắt là những tác phẩm sâu sắc về ý tưởng nghệ thuật. Sự kết hợp ngôn ngữ điêu khắc với đồ họa trong sáng tạo hình khối, chi tiết bề mặt; sự kế thừa truyền thống và phát triển chất men hiện đại, hay phối hợp các loại đất một cách hiệu quả đã tạo nên những tác phẩm gốm mang giá trị thẩm mỹ cao, qua đó góp phần làm cho sự kiện trở nên thu hút đặc biệt, đưa ra nét tổng quát về thực trạng sáng tác gốm ở Việt Nam hiện nay.

Như một điểm nhấn đẹp để kết thúc năm của các triển lãm gốm nghệ thuật chính là sự kiện với tên gọi mang âm thanh va chạm của chất liệu đất đã qua lửa. Đó là triển lãm “Loong Koong” tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA). Loong và Koong là hai phần của triển lãm, là tiếng chạm nhau thú vị của hai hướng tiếp cận nghệ thuật cùng lấy gốm làm phương tiện biểu hiện. Trịnh Vũ Hiếu là tác giả gốm lâu năm kết hợp với Bùi Quốc Khánh mới bén duyên với gốm. Sự kết hợp của hai tác giả có kinh nghiệm với gốm khác nhau nhưng lại cùng chung tình yêu, sự trăn trở về những giá trị truyền thống của người Việt, và cùng gặp gỡ nhau khi lấy “tiếng kêu” của gốm để trải lòng mình. Với hai cách nhìn rất khác nhau, một như thâm trầm sâu xa, một như hài hước châm biếm, những vấn đề về dân tộc, lịch sử lại được khơi dậy, đặt ra như một câu hỏi, như những thách thức trước sự đổi thay trong xã hội đương đại. Thông qua các hình tượng từ tranh Hàng Trống được vẽ trên những bình gốm với màu men truyền thống có vẻ cũ kỹ, Trịnh Vũ Hiếu đặt vấn đề về sự hiện diện của các di sản dân tộc trong bối cảnh ngày nay. Như trái ngược với anh, Bùi Quốc Khánh đưa ra các tạo hình đậm chất Pop đương đại dưới hình thức pha trộn của điêu khắc, nghệ thuật gốm hiện đại, nghề tạo tác tò he dân gian… và cả những trò chơi của thế hệ công dân toàn cầu. Ở đó thẩm mỹ mang tính pha trộn, hài hước, hóm hỉnh nhưng gợi nhiều suy nghĩ được biểu lộ qua sự đan cài, liên kết các hình ảnh, hình tượng cũ và mới, dân tộc và quốc tế, cao quý và đại chúng. Đa phần các tác phẩm của Bùi Quốc Khánh có yếu tố sắp đặt về hình thức và giễu nhại về nội dung. Chúng thể hiện óc tưởng tượng, sáng tạo như vô tận của tác giả; sự phức tạp, ngẫu hứng trong cấu trúc các thành phần, chi tiết bằng chất liệu gốm với các kỹ thuật nặn, khắc, vẽ men màu. “Loong Koong” như một phản chiếu về bối cảnh văn hoá, xã hội đương đại Việt Nam, nơi mà những xung động giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giữa những giá trị cũ và mới đang len lỏi tồn tại song song. Đó là những trăn trở, băn khoăn với thời cuộc được chuyển hoá một cách hết sức tinh tế, ý nhị và hài hước với một thái độ an nhiên, bình thản (Theo lời giới thiệu triển lãm). “Loong Koong” là một trưng bày hết sức chuyên nghiệp về ánh sáng, cách sắp đặt không gian, tạo ấn tượng thị giác mạnh, tiếp thêm sức biểu cảm cho mỗi tác phẩm. 

Các sự kiện kể trên đã cho thấy tiềm năng vô hạn của gốm trong sáng tạo nghệ thuật. Gốm đem lại nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ ở các chuyên ngành khác nhau và đáp ứng mọi tìm tòi ngôn ngữ thể hiện, mục đích và ý tưởng nghệ thuật, từ các dáng vẻ truyền thống đến hình khối hiện đại, đặc biệt là phương tiện hết sức linh hoạt cho những thực hành nghệ thuật đương đại. Để có thể khai thác phương tiện nghệ thuật này một cách hay và rộng hơn nữa, bên cạnh các triển lãm, workshop, thì hình thức hội thảo khoa học, tọa đàm chuyên gia cũng là khía cạnh cần thiết để tạo nên sự bứt phá hơn nữa cho nghệ thuật gốm Việt Nam trong năm tới - 2022. Cùng với các bên liên quan khác, hy vọng hệ sinh thái cho gốm phát triển như một khía cạnh của công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ dần thành hiện thực. 

NGUYỄN NGHĨA PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022

;