Văn hóa áo dài - giáo dục giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ

Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật sâu sắc. Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài trong đời sống văn hóa đương đại, cần giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được những giá trị truyền thống của áo dài, cần xây dựng văn hóa áo dài trong đời sống xã hội, góp phần làm nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục những giá trị văn hóa tốt đẹp cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ảnh minh họa: Tuấn Minh

Áo dài là từ thuần Việt được chuyển ngữ nguyên vẹn sang tiếng nước ngoài - ao dai. Điều đó cho thấy tính chất riêng có của áo dài trong văn hóa mặc của người Việt Nam nói riêng, trên toàn thế giới nói chung, trở thành đại diện cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, được biết đến và công nhận trên toàn cầu.

Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, mà từ lâu, việc mặc áo dài trong những dịp lễ, Tết, những ngày vui, dịp quan trọng, đã trở thành một nét văn hóa của người Việt. Nét văn hóa ấy, trong thời gian chiến tranh, kinh tế khó khăn, ít nhiều bị phai nhạt, song trong thời gian gần đây đã được khôi phục mạnh mẽ. Đặc biệt, văn hóa áo dài được các bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình. Thế hệ trẻ được tìm hiểu về giá trị của áo dài nói riêng, giá trị của văn hóa trang phục truyền thống Việt Nam nói chung. Từ đó, việc mặc áo dài trở thành sở thích, niềm tự hào của họ. Có thể thấy, văn hóa áo dài không chỉ góp phần giáo dục giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ mà còn giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cũng như lối sống văn hóa thanh lịch. Điều quan trọng, cần có sự quan tâm, định hướng để văn hóa áo dài giữ được những giá trị truyền thống mà vẫn đón nhận những xu thế mới, được sự quan tâm của thế hệ trẻ - những người góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của áo dài trong tương lai. Bài viết này góp phần tổng hợp lại những giá trị của văn hóa áo dài trong đời sống đương đại, ý nghĩa giáo dục của những giá trị văn hóa đó đối với thế hệ trẻ, cũng như những định hướng để phát huy vai trò giáo dục giá trị văn hóa truyền thống của văn hóa áo dài.

Giá trị nghệ thuật truyền thống của áo dài

Xác định giá trị nghệ thuật của trang phục, trong đó có nữ phục truyền thống, nhà nghiên cứu Cung Dương Hằng đã cho rằng: “Giá trị nghệ thuật, trong đó có giá trị nghệ thuật của nữ phục là một phức thể bao hàm những phương diện nhất định của các giá trị văn hóa, đạo đức, nhận thức, tư tưởng… Ở đây có thể nói đến mối liên hệ hữu cơ của những yếu tố nghệ thuật và ngoài nghệ thuật. Giá trị nghệ thuật của nữ phục truyền thống do vậy cũng là một hệ giá trị bao gồm giá trị văn hóa giá trị thẩm mỹ…” (1). Từ đó có thể thấy, với áo dài, giá trị nghệ thuật cũng được tổng hòa bởi giá trị văn hóa và giá trị thẩm mỹ, biểu hiện ra bởi nhiều yếu tố.

Giá trị thẩm mỹ

Đặc trưng làm nên vẻ đẹp của áo dài là sự mềm mại, nhẹ nhàng và kín đáo. Vẻ đẹp ấy được thể hiện bằng chiếc cổ áo cao, ôm sát, tôn dáng cổ thon của người phụ nữ, tay áo may giáp lăng ôm làm bờ vai thêm mềm mại, hai tà áo mở, góp phần tạo dáng thướt tha, mềm mại cho người mặc. Bên cạnh đó, khuôn ngực ôm sát, xẻ cao ở eo cũng tạo cho áo dài nét cuốn hút rất hiện đại. Có thể nói, mỗi khi mặc chiếc áo dài, người phụ nữ tự nhiên toát nên vẻ nữ tính, gợi cảm.

Thực ra, về kiểu dáng, từ khi ra đời, áo dài cũng có nhiều biến đổi, cách tân. Từ tà áo tứ thân truyền thống, rộng, không eo, dài đến mắt cá chân, áo dài đã được “di chuyển thẩm mỹ” tinh tế, duyên dáng bởi công lao của hai họa sĩ theo trường phái Tây học là Lê Phổ và Cát Tường vào đầu những năm 30 của TK XX. Sự kết hợp giữa văn hóa phương Đông và phương Tây tạo nên chiếc áo dài với nhiều kiểu cách phong phú: chiết eo rộng hẹp, tà ngắn dài, rộng hẹp, cổ thuyền, cổ lá, trái tim, cổ cao ba phân… Tuy kiểu dáng được thay đổi qua từng thời kỳ, theo thị hiếu của người mặc, song đa phần phụ nữ Việt Nam, do văn hóa truyền thống chi phối, vẫn thích kiểu áo dài giản dị, kín đáo.

Kiểu dáng của áo dài là sự tích hợp của văn hóa Đông - Tây. Thiết kế đặc biệt của áo dài góp phần tôn vinh vóc dáng “thắt đáy lưng ong” của người phụ nữ. Áo dài Việt được người phương Tây đánh giá là gợi cảm trong sự kín đáo, trang nhã, biểu lộ nét đẹp duyên dáng, dịu dàng, đằm thắm trong tính cách người phụ nữ Việt.

Áo dài được may bằng chất liệu truyền thống như voan, lụa, gấm… làm nổi bật vẻ mềm mại, bay bổng, cuốn hút của tà áo. Đây cũng là các chất liệu sang trọng, phù hợp để may áo dài - trang phục vốn được sử dụng nhiều trong các dịp lễ, Tết có tính chất trang trọng. Ngày nay, với công nghệ tiên tiến, chất liệu may áo dài cũng được cải tiến, cách tân nhiều: không nhăn, co dãn, thoáng mát… Hoa văn, họa tiết trên vải cũng rất đa dạng, phong phú, góp phần tôn thêm vẻ đẹp của áo dài. Với phom, dáng gần như ít thay đổi, điểm nhấn làm nên sự khác biệt của áo dài chính là ở chất liệu.

Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của một số họa sĩ, nhà tạo mẫu, vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam đã có nhiều diện mạo mới. Vẫn giữ nguyên kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài cổ điển, họ đưa thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp mới, hiện đại được chắt lọc từ văn hóa truyền thống Việt Nam như thêu, vẽ những họa tiết trang trí, điểm xuyết hoa văn từ trang phục của các dân tộc Việt Nam, họa tiết từ trống đồng Ngọc Lũ, phục hồi chiếc áo dài 300 năm, phục hồi nghệ thuật thêu truyền thống trên áo dài...

Giá trị lịch sử

Nguồn gốc của chiếc áo dài Việt Nam có từ bao giờ, đến nay chưa xác định chính xác. Song, có thể khẳng định, sự phát triển của áo dài gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc. Trước áo dài, trang phục của phụ nữ Việt Nam được biết đến trong lịch sử là áo Giao lãnh (còn gọi là Giao lĩnh), áo Tứ thân, áo Ngũ thân… Giá trị lịch sử của áo dài được thể hiện bởi sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong giai đoạn Pháp xâm lược Việt Nam. Áo dài cách tân Le Mur (theo cách gọi của người Pháp) hay áo dài Cát Tường (theo tên của họa sĩ sáng tạo) thể hiện rõ nét dấu ấn lịch sử giai đoạn này với những nét kết hợp của áo Tứ thân Việt Nam và dáng tay phồng, cổ khoét tim, thắt eo… theo kiểu trang phục phương Tây. Áo dài Lê Phổ (lấy theo tên của họa sĩ sáng tạo) cũng ra đời vào thời kỳ này, thể hiện sự cách tân của áo dài mang nét phương Tây, song loại bỏ những điểm không phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc. Do có sự cách tân từ trang phục phương Tây nên áo dài thời kỳ này chủ yếu được mặc bởi các quý cô, quý bà thuộc giới thượng lưu, gia đình có điều kiện tiếp xúc với văn hóa phương Tây, còn đa phần người phụ nữ Việt vẫn mặc áo tứ thân.

Áo dài tiếp tục đi theo chiều dài lịch sử đất nước, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của người Việt. Dấu ấn rõ nét của áo dài thời kỳ chiến tranh chống Pháp, Mỹ là chiếc áo dài cách tân của bà Lệ Xuân ở miền Nam Việt Nam. Áo dài Lệ Xuân với những nét phá cách ở cổ áo, tay áo… tạo nên nét kiêu kỳ cho quý cô những năm 60-70 TK XX. Thương hiệu áo dài “cô ba Sài Gòn” rất nổi tiếng. Trong khi đó, ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, do điều kiện chiến tranh, đời sống khó khăn, hình bóng chiếc áo dài dường như vắng bóng. Sau hòa bình lặp lại, đời sống kinh tế đi vào ổn định, văn hóa áo dài dần dần được khôi phục. Song, không thể phủ nhận, do ảnh hưởng của giai đoạn trước, văn hóa áo dài ở miền Nam vẫn được phổ biến hơn miền Bắc. Ở miền Nam việc mặc áo dài đi làm, đi học được phụ nữ yêu thích, hưởng ứng, trong khi ở miền Bắc, áo dài thường chỉ mặc trong các dịp lễ quan trọng. Mặt khác, thói quen này một phần do điều kiện tự nhiên, khí hậu miền Bắc có mùa đông lạnh giá, mùa xuân ẩm ướt, mùa hè oi nóng, không phù hợp để mặc áo dài.

Giá trị văn hóa dân tộc

Trang phục là một trong những thành tố của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa của trang phục biến đổi không ngừng dưới tác động của lịch sử, không gian, thời gian và con người. Trong quá trình đó, theo PGS, TS Nguyễn Tri Nguyên, trang phục “vẫn giữ cái cốt cách, cái nền tảng ban đầu, đó chính là quy luật kết hợp truyền thống và đổi mới của văn hóa, trang phục” (2).

Nhìn vào sự biến chuyển, cách tân của chiếc áo dài qua từng thời kỳ cũng có thể thấy được dấu ấn lịch sử của dân tộc. Từ những cách tân ban đầu theo xu hướng Âu hóa, đến nay, áo dài đã kết hợp hài hòa cả yếu tố dân tộc và hiện đại, phản ánh văn hóa mặc của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, vừa đề cao sự gợi cảm, tinh tế, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, vừa giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc.

Áo dài không chỉ là trang phục của phụ nữ Việt mà còn phản ánh tính cách, tâm hồn, bản sắc văn hóa của phụ nữ Việt qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, GS, TSKH Trần Ngọc Thêm nhận xét áo dài tân thời “bảo hoàng hơn vua” do giữ gìn nét kín đáo xưa, cân bằng lại khuynh hướng âu hóa của chính nó (3). Tư liệu của GS Trần Quốc Vượng trong Truyền thống phụ nữ Việt Nam có đề cập: Vị cố đạo người Italia Cristoforo Borri, từng sống ở Việt Nam từ năm 1618 đến 1621, viết Ký sự Đàng trong, đăng trên Đông Dương Tạp chí số 4, 1909, tr.361-367, đã ca ngợi phụ nữ Việt Nam: “tính khí êm dịu hơn bất cứ dân tộc nào khác ở phương Đông”, “đón tiếp khách khứa rất nồng hậu, mời ăn cơm và coi như bạn bè”. “Tâm tình khoáng đạt, thoải mái”, “dáng đi thong thả uy nghi”, và kết luận: “quần áo của họ có lẽ là kín đáo nhất vùng Đông Nam Á”…

Có thể thấy, áo dài phản ánh nét văn hóa truyền thống của phụ nữ Việt Nam, được chính người phương Tây ca ngợi là gợi cảm trong sự kín đáo, trang nhã, duyên dáng. Hình ảnh áo dài gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam còn được thể hiện qua các tác phẩm văn học, sân khấu, điện ảnh hay trong các sự kiện mang tính quốc tế như thi hoa hậu, thi đấu thể thao, các diễn đàn kinh tế, chính trị, văn hóa… Có thể thấy, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xuất hiện ở đâu là có hình bóng chiếc áo dài ở đó. Áo dài mang giá trị văn hóa dân tộc chính là vì thế!

Giáo dục giá trị truyền thống qua văn hóa áo dài

Với giá trị truyền thống quý báu, áo dài là tài sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, cần được gìn giữ và phát huy trong đời sống đương đại. Bên cạnh đó, văn hóa áo dài còn góp phần giáo dục giá trị văn hóa truyền thống đến mỗi người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Thông qua văn hóa áo dài, ẩn hiện đằng sau tà áo, thế hệ trẻ hiểu hơn về vẻ đẹp của trang phục truyền thống, về nét đẹp tính cách, tâm hồn dân tộc, hay những trang lịch sử thăng trầm của đất nước.

Ngày nay, có nhiều bạn trẻ yêu thích mặc áo dài, coi áo dài là trang phục không thể thiếu để mặc trong các dịp lễ, Tết, những ngày đặc biệt hay để chụp ảnh, làm mẫu… Tuy nhiên, để áo dài thực sự đi vào đời sống, văn hóa áo dài thể hiện tốt vai trò giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong xã hội, cần xác định rõ những vấn đề:

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của áo dài, bên cạnh những sáng tạo, cách tân

Thuật ngữ sáng tạo truyền thống hay truyền thống qua sáng tạo được Eric Hobsbawm viết ra đã không còn xa lạ gì với các nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới. Theo đó, “nó bao gồm những truyền thống thực tế đã được sáng tạo ra, được xây dựng thành, được hợp thức hóa, và bao gồm cả những gì đang nhen nhóm theo một lối khó truy nguyên hơn, trong một khoảng thời gian ngắn và dễ xác định niên đại hơn - cứ cho là trong vòng vài năm chẳng hạn - nhưng lại có khả năng định hình nhanh chóng hơn trong tiềm thức cộng đồng” (4).

Có thể thấy, sáng tạo là xu thế tất yếu để văn hóa truyền thống được lưu giữ trong xã hội đương đại. Song, sáng tạo như thế nào để các yếu tố truyền thống vẫn được bảo vệ mà vẫn có khả năng bắt kịp với xu thế của thời đại, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của công chúng? Đó là bài toán đặt ra đối với những nhà thiết kế áo dài hiện nay.

Trong những năm gần đây, với sự hồi sinh của văn hóa áo dài, nhiều nhà thiết kế, nhà tạo mẫu đã chú trọng đem đến vẻ đẹp mới mẻ, hiện đại cho tà áo dài. Những người đi tiên phong trong công cuộc “sáng tạo truyền thống” cho áo dài có thể kể đến các nhà thiết kế tên tuổi như: Minh Hạnh, Võ Việt Chung, Đức Hùng, Thủy Nguyễn… hay những tên tuổi trẻ như Adrian Anh Tuấn, Trisha Võ (tên thật: Võ Phúc Minh Thư), Đỗ Trịnh Hoài Nam…

Về cơ bản, kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài vẫn được giữ nguyên. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, qua nhiều cuộc cách tân, kiểu dáng của áo dài đến nay đã đạt đến độ hoàn mỹ về phom dáng, tôn vinh được vóc dáng đặc trưng của người phụ nữ Việt. Các nhà thiết kế chủ yếu đưa thêm nhiều chất liệu mới, thổi vào đó vẻ đẹp hiện đại được chắt lọc từ văn hóa truyền thống như thêu, vẽ những họa tiết từ trống đồng, từ hoa sen… Kế thừa truyền thống của các nghệ nhân áo dài đi trước, nhiều nhà thiết kế trẻ hiện nay bên cạnh việc khẳng định cái tôi cá nhân, nét sáng tạo riêng trong thiết kế, vẫn giữ gìn những nét đẹp truyền thống của tà áo dài dân tộc.

Nhà thiết kế trẻ Trisha Võ, là con gái nhà thiết kế áo dài truyền thống Liên Hương, trở về nước sau nhiều năm làm việc trong ngành công nghiệp thời trang Canada, để tiếp nối truyền thống thiết kế áo dài của gia đình. Cô tâm sự: “Mỗi ngày tôi lại thấy những gì thuộc về truyền thống càng hấp dẫn tôi hơn, tạo nên những giá trị khác biệt hơn. Vậy nên tôi muốn quay về để phát triển những sáng tạo của mình dựa trên những giá trị riêng của thời trang Việt Nam - đó là áo dài và những kỹ thuật may, thêu, rôđê… thủ công. Bên cạnh đó là việc đưa vào các ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong ngành thời trang của thế giới để những sáng tạo của mình tiện dụng, đẹp mắt và thời trang hơn (5).

Với kiến thức và kinh nghiệm có được từ trường lẫn thực tiễn làm việc tại nước ngoài, Trisha đã quyết định làm một cuộc cách tân, đưa màu sắc, họa tiết trẻ trung cũng như những chất liệu mới hơn vào áo dài Liên Hương. Trisha gần như sáng tạo, thay đổi “tới nóc” trong các hoa văn, họa tiết, chất liệu… nhưng tôn trọng tuyệt đối phom dáng áo dài chuẩn mực và kỹ thuật luồng tà bắc đã tạo nên thương hiệu Liên Hương.

Có thể thấy, hầu hết các nhà thiết kế trẻ đều có ý thức trong việc giữ gìn truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số nhà tạo mẫu chạy theo sự sáng tạo, cách tân quá đà, với mong muốn tìm sự độc lạ, gây chú ý, mà thiếu sự hiểu biết tinh tế. Sự phá cách tùy tiện đã biến áo dài thành trang phục lai căng, thiếu tính thẩm mỹ, thậm chí phá vỡ hình ảnh truyền thống của áo dài, biến nó thành trang phục lai căng, dị hợm… Không chỉ một bộ phận các nhà thiết kế, trong giới trẻ, những người mặc trang phục áo dài, cũng có nhiều bạn không hiểu hết được văn hóa áo dài, tự cho mình quyền sáng tạo trang phục để tạo nên bản sắc, cái tôi riêng như: mặc áo dài với quần ngắn, váy ngắn, mặc áo dài chất liệu quá mỏng, họa tiết phản cảm…

Văn hóa áo dài Việt Nam đã được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm nay. Để có thể sáng tạo, gìn giữ và phát huy được vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống, những người sáng tạo cần có sự hiểu biết tinh tế, tình cảm trong sáng và thấm đẫm tinh thần dân tộc. Có như vậy những giá trị truyền thống của áo dài mới đến được với người mặc, người ngắm. Cũng từ đó, văn hóa áo dài mới có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Xây dựng văn hóa áo dài trong đời sống xã hội

Với quan điểm, không chỉ coi áo dài là trang phục truyền thống của dân tộc, mà còn là một hiện tượng “văn hóa mặc” trong xã hội, bài viết không chỉ nói đến vẻ đẹp của riêng tà áo, mà còn muốn bàn đến việc mặc áo dài ở đâu, lúc nào, như thế nào là văn hóa? Việc xây dựng văn hóa áo dài trong đời sống xã hội góp phần làm nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục những giá trị văn hóa tốt đẹp cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Vậy, áo dài nên mặc ở đâu, lúc nào và như thế nào là văn hóa? Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn được tôn vinh là quốc phục của phụ nữ Việt Nam. Vì thế, trong các dịp lễ trang trọng, việc mặc áo dài là thể hiện nghi thức trang nghiêm của buổi lễ cũng như sự nghiêm túc của người mặc. Đặc biệt, trong những nghi lễ mang tính quốc tế, áo dài còn là biểu trưng cho vẻ đẹp dân tộc Việt Nam. Rất nhiều phụ nữ Việt khi mặc áo dài trong các buổi lễ đại diện cho dân tộc, đã bày tỏ niềm vui, lòng tự hào to lớn khi được giới thiệu vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam ra thế giới. Có thể thấy, áo dài được mặc đúng nơi, đúng chỗ, đã phần nào giúp người mặc thể hiện được văn hóa cá nhân, đồng thời giúp những người xung quanh nhìn nhận được phong cách, văn hóa ăn mặc của phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, vẻ đẹp của tà áo dài cũng tô đậm thêm tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc trong mỗi người phụ nữ chúng ta.

Phát huy vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo mà gợi cảm của áo dài, phụ nữ khi mặc áo dài cần lưu ý các phụ kiện đi kèm phù hợp, tránh đối chọi, lòe loẹt, gây phản cảm. Áo dài cũng phù hợp với những bước đi nhẹ nhàng, uyển chuyện, thong dong, giọng nói nhẹ nhàng, khuôn mặt thư thái, tươi tắn. Khi tổng hòa được cả vẻ đẹp của áo dài và vẻ đẹp từ vóc dáng, phong thái của người phụ nữ, ta sẽ thấy hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam: “công, dung, ngôn, hạnh”. Có thể nói, chính áo dài làm phụ nữ đẹp hơn cả về vóc dáng và tâm hồn. Và, những người được ngắm vẻ đẹp đó, cũng thấy cuộc sống nhiều chất thơ, chất nhạc!

Kết luận

Để áo dài giữ được vẹn nguyên giá trị và ngày càng trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, văn hóa Việt Nam thì cần hiểu được hết những giá trị truyền thống của áo dài. Muốn thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục là người gìn giữ, phát huy giá trị của văn hóa áo dài thì cần có những cách thức để họ chủ động nắm bắt các giá trị tốt đẹp đó và phát huy trong chính văn hóa ăn mặc của cá nhân. Khi chính người trẻ hiểu và yêu áo dài, họ sẽ tự biết cách gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của áo dài trong đời sống. Và cũng từ đó, văn hóa áo dài, văn hóa truyền thống của dân tộc ngày càng được lan tỏa trong tâm hồn người Việt trẻ.

_______________

1. Cung Dương Hằng, Mỹ thuật nữ phục truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2011, tr.205.

2. Nguyễn Tri Nguyên, Văn hóa tiếp cận lý luận và thực tiễn, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.10.

3. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP.HCM, 1996.

4. Eric Hobsbawm, Sáng tạo truyền thống, Nguyễn Hoàng Nhị Hà dịch, Tạp chí Khoa học xã hội, số 6-2011, tr.127.

5. Thiên Thanh, Nhà thiết kế Trisha Võ: Cách tân để áo dài truyền thống đẹp hơn, tuoitre.vn, 9-3-2020.

TS MAI THỊ THÙY HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;