Vai trò của hoạt động giải trí đối với người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay

Giải trí là nhu cầu cơ bản, thiết yếu, mang tính văn hóa - xã hội của con người ở các giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn lão hóa. Theo dự báo, đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già (1). Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, đồng thời đòi hỏi mỗi quốc gia thực hiện những thay đổi trong chính sách an sinh dành cho người cao tuổi (NCT). Bên cạnh chăm sóc sức khỏe, đảm bảo điều kiện sống, thu nhập… nhu cầu văn hóa, giải trí của NCT cũng cần được quan tâm.

Trong suốt quá trình phát triển của nhân loại, nhu cầu giải trí luôn là nhu cầu mang bản chất người, là một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống văn hóa, xã hội. Tùy từng giai đoạn lịch sử, từng nền văn hóa khác nhau mà giải trí được hiểu theo các cách khác nhau, tựu chung lại, có thể hiểu, giải trí là hoạt động do con người lựa chọn và tự nguyện thực hiện trong thời gian rỗi, bao gồm các hoạt động thể chất và tinh thần nhằm đem lại sự thư giãn, phục hồi thể lực và trí lực, thỏa mãn nhu cầu, sở thích của con người, thể hiện bản thân, phát huy tính sáng tạo, góp phần phát triển toàn diện con người. Hoạt động giải trí là một thành tố quan trọng, có tác động mạnh mẽ tới chất lượng sống của con người nói chung, NCT nói riêng.

Theo kết quả điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình do Tổng cục Thống kê phối hợp với quỹ Dân số Liên hợp quốc và Quỹ Nhân dân Nhật Bản tiến hành, đến năm 2021, dân số Việt Nam là 98,28 triệu người, trong đó số lượng NCT là 12,58 triệu, tương ứng với 12,8% tổng dân số. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn già hóa dân số. Theo dự báo, đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già và đến năm 2050, tỷ lệ NCT ở Việt Nam sẽ chiếm hơn 25% dân số (2).

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm lo đời sống cho NCT, hướng tới một xã hội già hóa chủ động, ngày 22-11-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1782/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020, trong đó một trong ba mục tiêu cụ thể của chương trình là “Tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần của người cao tuổi (…), xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí” (3). Nội dung này tiếp tục được nhấn mạnh trong Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2021-2030 (4). Có thể thấy, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho NCT là một trong những mục tiêu quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra nhằm nâng cao chất lượng sống của NCT, thích ứng với tình trạng già hóa dân số, hướng tới một xã hội già hóa chủ động; trong đó, các hoạt động văn nghệ, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí đóng góp vai trò quan trọng.

NCT có lợi thế hơn so với các lứa tuổi khác về thời gian rỗi và thu nhập - là những yếu tố quan trọng để thực hành hoạt động giải trí. Để nâng cao chất lượng cuộc sống, NCT thường dành nhiều thời gian để tham gia các hoạt động giải trí, thư giãn, bởi lẽ các hoạt động này có nhiều lợi ích đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Nghiên cứu của Phan Thuận cho thấy, thời gian dành cho hoạt động giải trí, thư giãn là khoảng thời gian lớn thứ hai trong ngày sau thời gian chăm sóc bản thân của NCT và khoảng thời gian này tương đối ổn định giữa ngày trong tuần và ngày cuối tuần (5). Các nghiên cứu quốc tế cũng cho thấy, NCT càng dành nhiều thời gian cho hoạt động thư giãn, giải trí thì mức độ hài lòng với cuộc sống của họ ngày càng cao (6). Tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức thu nhập, điều kiện sống, trình độ học vấn… mà nhu cầu và hoạt động thư giãn, hoạt động giải trí của NCT có sự biến đổi khác nhau. Đối với NCT tại Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung, hoạt động giải trí có những vai trò quan trọng sau:

Thứ nhất, cải thiện sức khỏe và thể chất. Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giảm thiểu và ngăn ngừa các bệnh mãn tính và tăng khả năng hoạt động ở NCT (7). Một số hoạt động giải trí thể chất mà NCT nước ta thường tham gia bao gồm: đi bộ, tập thể dục, khiêu vũ, tập yoga, bơi lội, bóng chuyền hơi... Các hoạt động giải trí thể chất cung cấp động lực để duy trì một lối sống tích cực và giữ cơ thể NCT khỏe mạnh, hạn chế bệnh tật; từ đó giảm chi phí khám, chữa bệnh ở NCT, tập trung nguồn lực tài chính cho các lĩnh vực khác để nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.

Thứ hai, giảm căng thẳng và tạo ra sự thư giãn. Tham gia vào các hoạt động giải trí như xem phim, nghe nhạc, đọc sách, tập luyện thể dục thể thao… giúp NCT giảm căng thẳng và giải tỏa những cảm xúc tiêu cực hữu hiệu. Các hoạt động giải trí kích thích não bộ sản sinh các morphin nội sinh, trong đó có hormone dopamine giúp giải tỏa căng thẳng và mang đến sự hưng phấn. Qua đó, NCT có thể tạm quên đi những áp lực và lo lắng, từ đó cải thiện tâm trạng và tăng cường trạng thái tinh thần tích cực, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thứ ba, tăng cường tư duy và trí tuệ. Tham gia vào các hoạt động giải trí có thể giúp NCT duy trì hoặc cải thiện trí tuệ và khả năng tư duy của mình. Đọc sách, giải đố, chơi trò chơi logic hoặc học một kỹ năng mới có thể kích thích não bộ và duy trì trí nhớ, tăng cường sự tập trung và khả năng tư duy linh hoạt cho NCT, giúp cải thiện tình trạng bệnh alzeimer ở NCT (8).

Thứ tư, tạo ra môi trường xã hội và tăng cường mối quan hệ. Giải trí mở ra các cơ hội để NCT giao lưu và tương tác với những người khác trong quá trình thực hành hoạt động giải trí, giúp họ tăng cường các mối quan hệ. Tham gia vào các câu lạc bộ, nhóm hoạt động và sự kiện xã hội giúp họ kết nối với những người có cùng sở thích và tạo ra mối quan hệ mới. Sự giao tiếp và kết nối xã hội có thể giúp NCT cảm thấy được hòa nhập, hỗ trợ, cải thiện tâm trạng và giảm cảm giác cô đơn. Mặc dù NCT thực hành các loại hình giải trí đa dạng nhưng mục đích của NCT khi thực hiện các hoạt động giải trí tập trung chủ yếu vào: gặp gỡ, giao lưu, tiếp xúc với mọi người (36,67%); giữ gìn, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần (31,67%); được tìm hiểu, học hỏi thêm các kiến thức mới, bổ ích trong các lĩnh vực khác nhau (16,67%); được phát triển bản thân, nhận được sự tôn trọng của những người xung quanh (10%) và trao truyền lại vốn kiến thức, kinh nghiệm của mình cho thế hệ sau, đóng góp cho xã hội (5%) (9).

Thứ năm, kích thích sự sáng tạo. Giải trí mở ra cơ hội để NCT thể hiện sự sáng tạo và khám phá sở thích của mình. Họ có thể tham gia vào các hoạt động như vẽ tranh, làm thơ, trồng cây, nghệ thuật thủ công, nấu ăn hoặc bất kỳ hoạt động sáng tạo nào khác để tạo ra niềm vui, giúp họ cảm thấy hài lòng trong cuộc sống. Nhiều NCT đã phát huy năng lực của mình trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật thông qua các hoạt động giải trí. Chẳng hạn, nhóm vẽ So you can paint gồm 12 họa sĩ nghiệp dư tuổi từ 60-75 tuổi, là những kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản lý đã về hưu, thậm chí chưa một ai trong số họ từng trải qua một lớp học về văn học, nghệ thuật nào. Tình yêu hội họa, sự kiên trì đã thức tỉnh trong họ những tư chất vốn có (tài năng) vì suốt tuổi thơ và tuổi tráng niên không có điều kiện theo học (10).

Như vậy, giải trí có ý nghĩa to lớn đối với NCT, vừa giúp tăng cường sức khỏe thể chất, giúp giải tỏa căng thẳng, đồng thời duy trì hoạt động của trí não, phát huy tính sáng tạo, tăng cường sự hài lòng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.

Trong thời gian qua, đời sống NCT ở nước ta đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội của nước ta thời kỳ tới, trong đó có: “Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi…” (11). Quán triệt quan điểm trên, nhiều chương trình, kế hoạch chăm lo đời sống cho NCT đã được ban hành và triển khai trên khắp cả nước. Đến nay, NCT ở nước ta được chăm sóc ngày càng tốt hơn, hằng năm có 1,1 triệu người được chúc thọ, mừng thọ; 3 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, 4 triệu NCT được khám sức khỏe định kỳ; trên 95% NCT có thẻ bảo hiểm y tế; cả nước có trên 77 nghìn câu lạc bộ với nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ, thể thao thu hút trên 2,5 triệu NCT tham gia. Trên 3.500 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút trên 170.000 NCT tham gia trong cả nước. Mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được các tổ chức, cộng đồng trong và ngoài nước đánh giá cao; đạt giải nhất Sáng kiến vì một châu Á khỏe mạnh (12).

Tuy nhiên, hoạt động chăm lo đời sống cho NCT chủ yếu tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo thu nhập, chỗ ở… cho NCT. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí cho NCT ở nước ta còn hạn chế, chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Trong Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2021-2030, mục tiêu cụ thể đối với giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 chỉ có 2/13 và 3/13 nội dung liên quan tới đời sống văn hóa, nghệ thuật, giải trí cho NCT (13). Do vậy, hoạt động văn hóa, giải trí của NCT ở nước ta thời gian qua dù có những nét khởi sắc song vẫn còn tồn tại một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nhận thức của phần lớn người dân và các cơ quan, tổ chức về NCT, nhu cầu và hoạt động giải trí của NCT còn hạn chế. NCT thường được coi là nhóm yếu thế do đặc điểm sức khỏe thể chất và tinh thần suy giảm theo lứa tuổi. Trong xã hội, vẫn còn định kiến với NCT, cho rằng họ là gánh nặng của xã hội, cần được chăm sóc nên phản ứng chính sách chủ yếu tập trung vào chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội; điều này ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò, sự đóng góp của NCT đối với sự phát triển quốc gia. Nhu cầu và hoạt động giải trí dành cho NCT chưa được coi trọng trong khi đây cũng là một mặt thiết yếu, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống của NCT. Từ đó, dễ dàng nhận thấy sự thiếu quan tâm, đầu tư vào các chương trình, hoạt động, sản phẩm, dịch vụ giải trí dành riêng cho nhóm đối tượng này.

Thứ hai, không gian công cộng phục vụ hoạt động giải trí cho NCT còn thiếu và chưa được chú trọng. Tại các khu dân cư, ít nhiều đã bố trí các không gian công cộng (sân chơi, vườn hoa…) và các thiết bị phục vụ hoạt động giải trí (máy tập thể thao, xích đu…) cho dân cư nhưng chưa có không gian riêng cho NCT. Các hoạt động giải trí, văn hóa văn nghệ của NCT chủ yếu diễn ra tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư thường có diện tích hạn chế hoặc phải chia sẻ thời gian, không gian sử dụng với các đối tượng khác. Các thiết chế văn hóa, giải trí dành cho NCT còn thiếu; kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho NCT còn ít so với nhu cầu; thiếu các quy định, quy chế về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi giải trí cho NCT.

Thứ ba, các dịch vụ giải trí phục vụ NCT còn hạn chế. Trong số các loại hình giải trí của NCT ở nước ta hiện nay, xem ti vi, đọc sách báo, nghe nhạc… là các hình thức phổ biến hơn cả do sự tiện lợi của các loại hình này. Nhưng hiện nay, các chương trình giải trí dành cho nhóm đối tượng này trên sóng phát thanh, truyền hình chưa nhiều, tập trung chủ yếu vào các chương trình của các đài truyền hình lớn như: Cây cao bóng cả, Vui - Khỏe - Có ích, Tiếng hát mãi xanh, Vũ điệu vàng... (Đài Truyền hình Việt Nam); Tình trăm năm (Đài Truyền hình TP.HCM). Ghi dấu ấn nhờ những giá trị nhân văn nhưng các chương trình truyền hình dành cho NCT rất ít xuất hiện trên sóng truyền hình, chưa kể một số chương trình đã bị dừng sản xuất chỉ sau một thời gian ngắn phát sóng do những chương trình dành cho NCT với tính chất khó sôi động, kén người xem nên khó thu hút quảng cáo, thậm chí là không có quảng cáo, không đem lại lợi ích kinh tế cho các nhà tổ chức. Trong khi đó, đối tượng NCT mới là những người thường xuyên theo dõi truyền hình do đang được hưởng sự an nhàn của tuổi già. Việc thiếu vắng những chương trình đặc thù đã khiến không ít NCT phải xem các chương trình giải trí không phù hợp với độ tuổi của mình, hạn chế việc đáp ứng nhu cầu giải trí của NCT.

Thứ tư, có thể thấy rõ sự chênh lệch về đầu tư dịch vụ văn hóa giữa các vùng, miền khác nhau của đất nước. Trừ những dịch vụ văn hóa công cộng do Nhà nước bao cấp, phần lớn các trung tâm, đơn vị cung cấp dịch vụ văn hóa đều tập trung tại các đô thị, khu vực kinh tế phát triển, đông dân cư, nơi có hạ tầng cơ sở thuận lợi. Điều này là dễ hiểu bởi các đơn vị cung cấp dịch vụ coi sản phẩm, dịch vụ văn hóa là hàng hóa để kiếm lời, họ cần đầu tư vào các khu vực đông dân cư, có khả năng thu lợi nhuận cao. Sự chênh lệch này dẫn đến sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận dịch vụ văn hóa giữa vùng núi, nông thôn và đô thị, cũng như giữa các khu vực khác nhau tại cùng một đô thị; làm ảnh hưởng tới quyền thụ hưởng văn hóa của người dân nói chung, NCT nói riêng, cũng như sự phát triển thị trường dịch vụ văn hóa tại các vùng miền. Đồng thời sự chênh lệch này cũng thể hiện sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch phát triển văn hóa giữa các khu vực, sự bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ văn hóa của người dân giữa các khu vực khác nhau.

Thứ năm, thiếu các chương trình, hoạt động phát huy vai trò của NCT trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động giải trí của NCT. NCT là vốn quý của xã hội, là người gìn giữ, trao truyền tri thức, giá trị văn hóa của ông cha để lại cho thế hệ sau. Việc thiếu các chương trình, hoạt động phát huy vai trò của NCT trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vừa không đáp ứng được nhu cầu giải trí của NCT, vừa gây lãng phí nguồn lực NCT, vừa dẫn đến sự đứt gãy về văn hóa giữa các thế hệ, ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Để nâng cao chất lượng hoạt động giải trí, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững cho đất nước, trong thời gian tới cần thực hiện động bộ một số giải pháp sau:

Một là, xóa bỏ định kiến về NCT, nâng cao nhận thức của chính quyền, xã hội và người dân về NCT và nguồn lực NCT tại Việt Nam là một yếu tố quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và phát triển bền vững. Chính quyền có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và tạo ra các chính sách hỗ trợ cho NCT. Cần xây dựng các chương trình giáo dục và thông tin nhằm chuyển đổi quan niệm tiêu cực về NCT thành một tư duy tích cực, nhìn nhận họ là nguồn lực quý giá của xã hội. Đồng thời, Nhà nước cần đảm bảo rằng, các chính sách hỗ trợ xã hội và dịch vụ công cộng đáp ứng được nhu cầu đa dạng của NCT, bao gồm chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như tạo ra cơ hội tham gia vào các hoạt động xã hội. Khuyến khích, phát triển, mở rộng các hoạt động xã hội mà NCT có thể tham gia như câu lạc bộ, nhóm họp, hoạt động tình nguyện và các sự kiện văn hóa. Về phía xã hội, cần nhìn nhận những đóng góp quan trọng mà NCT mang lại, bao gồm kiến thức và kinh nghiệm lâu năm, sự ổn định và sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội. Đối với người dân, cần thay đổi cách tiếp cận và đối xử với NCT; thay vì coi họ là những người yếu thế và cần sự giúp đỡ, cần thể hiện sự tôn trọng và tình yêu thương đối với họ. Gia đình và cá nhân nên dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ NCT trong cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, cần khuyến khích sự tương tác và giao lưu giữa các thế hệ để xây dựng một xã hội hài hòa và đoàn kết.

Hai là, coi trọng và bố trí nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa nói chung, thiết chế giải trí dành riêng cho NCT nói riêng tại Việt Nam, là một bước quan trọng trong việc tạo ra một môi trường sống đầy đủ và hạnh phúc cho nhóm tuổi này. Tập trung đầu tư và phát triển các cơ sở văn hóa và giải trí dành riêng cho NCT thông qua việc xây dựng các trung tâm văn hóa và thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu của NCT, cung cấp các khóa học nghệ thuật, âm nhạc, vũ đạo và các hoạt động thể thao phù hợp với khả năng và sức khỏe của họ. Các thiết chế văn hóa công cộng như thư viện, bảo tàng và rạp chiếu phim… nên cung cấp dịch vụ phù hợp, giá cả ưu đãi và bố trí không gian phù hợp cho NCT. Ngoài ra, việc tạo ra không gian gặp gỡ và giao lưu như các câu lạc bộ, hội thảo hay sự kiện văn hóa cũng giúp NCT tìm thấy niềm vui và cảm thấy được đánh giá cao trong xã hội. Cần tạo ra môi trường thoải mái và hỗ trợ cho NCT tham gia vào các hoạt động văn hóa và giải trí. Đồng thời, các tổ chức xã hội và các nhóm tình nguyện có thể tổ chức các chương trình và hoạt động văn hóa đa dạng, nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu của NCT. Đầu tư đồng bộ về thiết chế văn hóa nói chung và thiết chế, dịch vụ văn hóa phục vụ NCT nói riêng, giữa các vùng, miền; đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ văn hóa, giải trí cho NCT ở các khu vực.

Ba là, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” (14). Do đó, phải nhìn nhận NCT là một nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta thông qua phát triển các sản phẩm, dịch vụ dành cho NCT, hướng tới hình thành ngành “kinh tế dành cho NCT”, chuẩn bị và thích ứng với xu thế già hóa dân số không thể đảo ngược trên toàn cầu. Trong công nghiệp văn hóa, cần coi NCT là một nhóm “khách hàng” tiềm năng, có thời gian, điều kiện kinh tế đáng để khai thác bên cạnh các nhóm khách hàng trẻ tuổi như hiện nay.

Bốn là, trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay, xu hướng sử dụng các thiết bị công nghệ phục vụ cuộc sống nói chung, hoạt động giải trí nói riêng là điều tất yếu. NCT cũng không nằm ngoài quy luật này. Tuy nhiên, do đặc điểm lứa tuổi, NCT thường gặp khó khăn trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ cuộc sống cũng như hoạt động giải trí. Do đó, cần chú trọng nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm công nghệ, các phầm mềm ứng dụng giải trí thân thiện với NCT để họ có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện với các dịch vụ cũng như các xu hướng giải trí tiên tiến trong nước và trên thế giới, hướng tới không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

_____________________

1, 2. Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Già hóa dân số, vietnam.unfpa.org.

3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 22-11-2012 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020.

4, 13. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2156/QD-TTg ngày 21-12-2021 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

5. Phan Thuận, Khuôn mẫu sử dụng thời gian của người cao tuổi tại thành phố Cần Thơ, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Xã hội học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2023, tr.101-107.

6. Kristine K.Mcguiin, Pearl M.Mosher-Ashley, Participation in recreational activities and its effect on perception of life satisfaction in residential settings (Tham gia vào các hoạt động giải trí và ảnh hưởng của nó đối với nhận thức về sự hài lòng trong cuộc sống trong môi trường dân cư), Activities Adaption and Aging, 25 (1), 7-2001, tr.77-86.

7. Allson, Molly RN, Keller Cohen PhD, Physical activity in the elderly: Benefits and intervention strategies (Hoạt động thể chất ở người cao tuổi: Lợi ích và chiến lược can thiệp), The Nurse Practitioner, 22(8), 8-1997, tr.53-69.

8. Forbes D, Forbes SC, Blake CM, Thiessen EJ, Forbes S, Exercise programs for people with dementia (Các chương trình tập thể dục cho người mắc chứng sa sút trí tuệ), The Cochrane Database of Systematic Reviews (submitted manuscript), 132 (4), 4-2015.

9. Kết quả khảo sát người cao tuổi của tác giả tại Hà Nội, 2023.

10. Hương Thu, Triển lãm tranh “Đi qua mùa thu” của 12 họa sĩ nghiệp dư cao tuổi, tuoitrethudo.com.vn, 28-10-2021.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.271.

12. Hội Người cao tuổi Việt Nam, Kỷ yếu Đại hội và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VI Hội người cao tuổi Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2021, tr.13.

14. Nguyễn Thanh Bình, Già hóa dân số nhanh ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách, nhandan.vn, 6-6-2023.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Đồng, Quản lý mô hình liên kết tự giúp nhau của người cao tuổi và vai trò của công tác xã hội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2020.

2. Phạm Duy Đức, Hoạt động giải trí ở đô thị Việt Nam hiện nay: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2004.

3. Nguyễn Thị Hà, Vai trò của người cao tuổi trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2021.

4. Phạm Vũ Hoàng, Một số giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Hà Nội, 2013.

5. Đỗ Huy, Người cao tuổi - một nguồn lực quan trọng phát triển văn hóa - xã hội ở nước ta, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 3, 1999.

6. Nguyễn Thế Huệ, Thực trạng đời sống người cao tuổi từ 80 trở lên, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2010.

7. Phương Lan, Tiếp cận văn hóa người cao tuổi, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2000.

8. Tổng cục Thống kê - Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Người cao tuổi Việt Nam: Phân tích từ Điều tra biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2021, Hà Nội, 2021.

9. Phan Thuận, Khuôn mẫu sử dụng thời gian của người cao tuổi tại thành phố Cần Thơ, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Xã hội học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2023.

10. Hoàng Vinh, Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1999.

11. Yuwa Hedrick Wong, The glittering silver market: The rise of the elderly consumers in Asia (Thị trường bạc lấp lánh: sự gia tăng của người tiêu dùng cao tuổi ở châu Á), John Wiley& Sons, Singapore, 2007.

Ths HÀ ĐỖ QUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;