Gen Z và trào lưu phục dựng cổ phục Việt - Tương lai nối dài quá khứ

Việt Nam là một nước có nền văn hóa đa dạng, không chỉ về các phong tục, tập quán mà còn ở các nét đẹp văn hóa trang phục. Trang phục Việt Nam không chỉ đơn thuần là áo dài truyền thống hay áo bà ba mà còn rất nhiều cổ phục khác. Bài viết tập trung nghiên cứu những nét đặc trưng của cổ phục Việt và trào lưu phục dựng cổ phục Việt của giới trẻ hiện nay. Qua đó, đánh giá những ưu và nhược điểm của vấn đề nghiên cứu trên và đưa ra một số giải pháp nhằm gìn giữ giá trị và nâng cao ý nghĩa của cổ phục Việt - Tương lai nối dài quá khứ.

Áo tấc - Nguồn: internet

Xu hướng phát triển và hội nhập toàn cầu đã mang lại nhiều cơ hội không chỉ dành cho phát triển kinh tế, quốc phòng các nước mà còn phát triển và tôn vinh giá trị văn hóa riêng biệt và trong đó có cả Việt Nam.

Nền văn hóa cổ phục Việt tuy đã có từ rất lâu đời theo chiều dài lịch sử, nhưng đến ngày nay nó vẫn còn giá trị và hiện diện trong đời sống của nhân dân Việt Nam. Vấn đề về trang phục cổ truyền rất đa dạng, do đó có thể khiến cho nhiều thế hệ khó tiếp nhận và lãng quên dần, tuy nhiên đối với Gen Z ở Việt Nam lại khác. Họ không những tìm tòi những nét đặc trưng, thú vị của những cổ phục Việt mà còn thành lập các hội nhóm cổ phục Việt để chung tay phục dựng những nét đẹp và truyền thống ấy. Những năm gần đây xuất hiện nhiều trào lưu, làn sóng phục dựng, nghiên cứu và quảng bá những giá trị văn hóa của cổ phục Việt của những thời kỳ trước tiến tới hòa nhập với lối sống của ngày nay đã tạo thành một xu hướng rầm rộ ở giới trẻ.

Trào lưu phục dựng cổ phục Việt - Tương lai nối dài quá khứ của Gen Z sẽ là một trong những định hướng quan trọng và cấp thiết góp phần gìn giữ bản sắc trang phục Việt và nâng cao giá trị văn hóa dân tộc.

1. Khái niệm về cổ phục Việt

Cổ phục Việt là một trong những nét văn hóa độc đáo và quý báu của dân tộc. Cổ phục không chỉ góp phần tạo nên nét đẹp di sản cổ xưa mà còn thúc đẩy những giá trị trong hiện tại và tương lai. “Cổ phục Việt là thuật ngữ chung để nói về trang phục truyền thống Việt Nam như áo Giao lĩnh, áo Nhật Bình, áo Ngũ thân” (1). Một số chuyên gia văn hóa và thời trang lại gọi tóm gọn là “Việt phục” để tương ứng với khái niệm quốc tế, như: Hàn phục (Hanbok), Hán phục và Hòa phục (Kimono Nhật Bản).

Với lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc. Cùng với các yếu tố như phong tục tập quán, lễ hội… thì trang phục đã góp phần không nhỏ làm nên nét đặc sắc cho văn hóa Việt. Có thể nói, ngoài áo dài, cổ phục Việt xứng đáng là một kho tàng với nhiều trang phục phong phú khác nhau, mang đậm dấu ấn, bản sắc của từng thời kỳ. Tuy nhiên, một thời gian dài, những trang phục Việt cổ nhiều giá trị văn hóa, thẩm mỹ chưa được nhiều người biết tới. Trong khi đó, những trang phục truyền thống như Hanbok của Hàn Quốc, Kimono của Nhật Bản đã được thế giới biết đến khá nhiều từ sự ảnh hưởng của phim ảnh, ca nhạc…

Gần đây, với nỗ lực của nhiều tổ chức cá nhân, đặc biệt của những người trẻ yêu truyền thống, những cụm từ như áo Tấc, Nhật Bình, Ngũ thân, Giao lĩnh, áo Viên lĩnh, Phượng bào triều Nguyễn… đã được nhiều người biết đến hơn. Thời gian gần đây, có khá nhiều hoạt động về cổ phục Việt Nam đã được tổ chức cho thấy trang phục này ngày càng được quan tâm trong cuộc sống hiện đại.

Trong bối cảnh hội nhập với xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa thì việc khôi phục, bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc lại vô cùng quan trọng. Đưa trang phục cổ Việt Nam trở lại với đời sống đương đại, giúp cổ phục Việt có vai trò và đời sống riêng sẽ là phương pháp bảo tồn hiệu quả nhất. Thành công trong việc bảo tồn cổ phục Việt sẽ góp phần vào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tác động tới thị hiếu thời trang người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ theo hướng trân trọng và tôn vinh nét đẹp cổ truyền, góp phần vào sự phát triển của ngành Thời trang mang bản sắc Việt.

2. Đặc trưng cổ phục Việt qua từng thời kỳ

Khi nhắc đến trang phục truyền thống nước ta, nhiều người chỉ nghĩ đến áo dài và biết đến áo dài. Tuy nhiên, cổ phục Việt không chỉ có vậy mà cả một kho tàng với nhiều loại trang phục khác. Trải qua mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử chúng ta đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc từng thời kỳ.

Thời Lý - Trần: áo Đối khâm

Đây là cổ phục có hai vạt áo song song với nhau, được xẻ tà hai bên và thường dài đến chân váy của người mặc. Người ta sẽ mặc buông thõng hoặc dùng để làm áo khoác bên ngoài, do đó chúng ta có thể nhìn thấy được những lớp áo từ bên trong.

Thời Lý - Trần - Lê: áo Giao lĩnh

Loại áo này có phần cổ giao nhau ở trước ngực, vạt trái đè lên vạt phải, tay áo chủ yếu là loại tay thụng và tay hẹp. Áo Giao lĩnh có nhiều nét khá giống với trang phục cổ truyền của Trung Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ nhất là hai vạt váy trong và ngoài không bằng nhau. Đây cũng chính là một trong những bản sắc của cổ phục Việt Nam.

Thời nhà Nguyễn: áo Nhật Bình và áo Tấc

Áo Nhật Bình là trang phục của Hoàng tộc, là thường phục của hoàng hậu, phi tần và công chúa. Áo Nhật Bình là kiểu áo đối khâm, có cổ hình chữ nhật to bản chạy dọc từ cổ đến ngực. Hai vạt áo sẽ được dùng dây buộc lại. Cổ phục này có tên là “Nhật Bình” bởi hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực. Sau thời nhà Nguyễn, bộ áo này trở thành trang phục giới quý tộc mặc vào những dịp quan trọng.

Áo Tấc là loại lễ phục trang trọng thời Nguyễn thường được sử dụng trong các dịp trọng đại như kết hôn, lễ, Tết, tang lễ… Đây là loại trang phục phổ biến từ dân thường cho đến quan lại, vua chúa đều mặc vào thời Nguyễn. Loại áo này thường gồm một áo ngũ thân dài quá đầu gối với tay thụng dài bằng gấu (vì vậy còn được gọi là áo Lễ hay áo Ngũ thân), cài khuy bên phải, áo lót bên trong màu trắng, mặc cùng với quần dài trắng và khăn vấn.

Thời nhà Nguyễn sau 1744: áo Ngũ thân

Loại áo này với 4 vạt chính và 1 vạt phụ, có cổ đứng, cài khuy bên phải, tay áo hẹp kết hợp với áo lót trắng bên trong và quần dài. Áo Ngũ thân có màu sắc nhã nhặn, không có diềm cổ hay diềm tay áo.

Đầu TK XX: áo Tứ thân

Đây là loại trang phục hằng ngày của người dân Việt Nam xưa. Áo Tứ thân gồm hai vạt, bốn tà, dài từ cổ buông xuống dưới đầu gối chừng 20cm. Áo có hai vạt trước và sau. Vạt trước tách thành 2 tà theo chiều dài. Vạt sau cũng tách làm 2 tà nhưng được khâu vào với nhau hình thành một đường dài gọi là sống áo. Áo này không có khuy, dài và có hai tay áo để xỏ vào khi mặc. Bên trong, con gái mặc yếm, rồi đến chiếc áo cánh mỏng màu trắng tinh và cuối cùng mới là chiếc áo tứ thân khoác bên ngoài.

3. Thực trạng trào lưu phục dựng cổ phục Việt - Tương lai nối dài quá khứ của thế hệ Gen Z

Hiện nay, với những nỗ lực phục dựng trang phục cổ Việt Nam của các bạn trẻ, khái niệm “cổ phục Việt” đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, đưa cổ phục Việt từng bước đứng ngang hàng với các nước trên thế giới. Không ít bạn trẻ quan tâm, dùng trang phục cổ (cổ phục) để du xuân, chụp ảnh cưới, ảnh kỷ yếu… Cũng có bạn trẻ sưu tầm, thành lập những hội, nhóm chia sẻ và gìn giữ vẻ đẹp của các loại trang phục vốn được sử dụng nhiều trong lịch sử phong kiến.

Áo Giao lĩnh - Nguồn: internet

Những năm gần đây, cùng với sự nở rộ về không gian sáng tạo đã xuất hiện không ít không gian thiết kế thời trang, trong đó có cổ phục. Đại Việt Cổ Phong có lẽ là hội nhóm về cổ phục đầu tiên được thành lập vào năm 2014. Nhóm gồm các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hóa cổ Việt Nam, mong ước tái hiện văn vật của nước Việt xưa một cách chuẩn xác qua tranh vẽ, mô hình, phim ảnh... để người nay có thể hình dung, cảm nhận được cảm quan thẩm mỹ của người Việt xưa. Cho đến nay, số lượng thành viên Đại Việt Cổ Phong đã lên tới hơn 151.000 người. Điều đó cho thấy sự quan tâm “không hề nhẹ” của giới trẻ với cổ phục nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Cổ phục Việt không chỉ hồi sinh trong đời sống văn hóa nghệ thuật khi việc may hoặc thuê cổ phục để chụp ảnh cho lễ cưới, kỷ yếu tốt nghiệp, ảnh nghệ thuật hay “check in” tại các di tích, danh lam thắng cảnh đã và đang là “trend” của giới trẻ.

Đến khoảng năm 2020, sau thời gian dài tích lũy cùng sự ấn tượng của dự án phim cổ trang Phượng Khấu với phục trang được đầu tư lớn, độ chuẩn xác cao đã giúp phong trào cổ phục nhanh chóng được biết đến, tiếp cận và nhận được hưởng ứng của nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ. Tiếp theo sau là sự ra đời và phát triển nhanh của các nhà may, thương hiệu Việt Phục uy tín, đa dạng mẫu mã đã khiến Việt Phục không còn chỉ là di sản được bảo tồn mà trở thành một phần của thời trang, nhờ sự linh hoạt và đa dạng trong phương hướng thiết kế (nguyên mẫu cổ phục Việt và trang phục cách tân) nên đã thu hút ngày một nhiều giới trẻ.

Vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông xuất hiện nhiều hình ảnh các nghệ sĩ, các nhóm học sinh - sinh viên, hoặc các đôi vợ chồng trẻ mặc cổ phục Việt trong các sự kiện giải trí, biểu diễn nghệ thuật, hoặc các hoạt động vui chơi, du lịch, cưới hỏi… Có thể nói rằng, việc giới trẻ yêu thích và sử dụng cổ phục Việt là một tín hiệu đáng mừng sau thời gian dài nét văn hóa này bị lu mờ.

Giữa tháng 1-2021, Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức tuần lễ văn hóa mang tên Sóng đôi với điểm nhấn là ngày hội “Tóc xanh - Vạt áo”, có sự tham gia của 12 nhóm cổ phong (văn hóa xưa, phong cách cổ) khắp cả nước, trưng bày và trình diễn các loại trang phục truyền thống qua nhiều thời kỳ lịch sử như: áo dài, áo Ngũ thân, Tứ thân, Viên lĩnh, Giao lĩnh, Nhật Bình, Đối khâm… với nhiều loại phụ kiện như mũ, giày, quạt mang màu sắc và họa tiết lộng lẫy, bắt mắt.

Tháng 11-2022, sự kiện trình diễn 100 bộ cổ phục và áo dài truyền thống Việt tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế 37 Hùng Vương (Hà Nội) đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo những người yêu trang phục truyền thống. Đây là một trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Sự kiện do Trung tâm UNESCO phối hợp cùng một số cơ quan và đơn vị phục dựng cổ phục như Cổ trang Đại Việt quán, Đại Việt Phong Hoa, Đa La Xước Phục, Đông Phong, V Styles… Điều đặc biệt là hầu hết các thành viên ở các đơn vị này đều là những bạn trẻ. Với tình yêu cổ phục Việt, họ đã tự nghiên cứu và tìm kiếm nguyên liệu để phục dựng lại những trang phục, phụ kiện hay vũ khí thời xưa.

Song song với sự phát triển của các bạn trẻ, cổ phục Việt những năm gần đây cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo giới nghệ thuật. Các dự án phim cổ trang, từ điện ảnh như Quỳnh hoa nhất dạ tới truyền hình như Phượng Khấu, các MV ca nhạc như Không thể cùng nhau suốt kiếp (ca sĩ Hòa Minzy) hay Hết thương cạn nhớ (Đức Phúc) và Anh ơi ở lại (Chi Pu) nối đuôi nhau lên sóng đã gây được tiếng vang lớn thu hút sự chú ý đông đảo của khán giả trong nước lẫn quốc tế. Các MV này không chỉ được đầu tư về bối cảnh, nội dung đến từng chi tiết nhỏ, tạo hình mà các phục trang mô phỏng các nhân vật cũng được đầu tư rất chỉn chu. Việc liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đã khiến cổ phục Việt trở thành một trend (xu hướng) mới được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Rất nhiều bạn trẻ đã không ngại đầu tư để có cho mình một bộ cổ phục mặc trong những dịp quan trọng hay chụp những bộ ảnh cổ trang. Những cô gái Việt thướt tha trong bộ áo Tấc đủ màu, áo Nhật Bình sang trọng, vấn đội đầu, guốc mộc, vòng ngọc… đã trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống hằng ngày.

4. Ảnh hưởng của trào lưu phục dựng đến cái nhìn và hiểu biết của Gen Z tới văn hóa cổ phục Việt - Tương lai nối dài quá khứ

Tích cực

Thứ nhất, trào lưu phục dựng lại cổ phục Việt giúp Gen Z có thể hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa mà trang phục đó đại diện. Điều này giúp truyền lại những truyền thống và giá trị văn hóa cổ truyền Việt Nam cho thế hệ trẻ, mang lại nhiều kiến thức thú vị từ khi tham gia phong trào cổ phục Việt và các hội nhóm, văn hóa truyền thống gần gũi hơn, đẹp hơn và rất đáng để tìm hiểu. Giới trẻ sẽ có cơ hội được tiếp xúc gần với hiện vật, cổ vật, được trải nghiệm Việt Phục và một số văn hóa thẩm mỹ xưa như làm răng đen, vấn tóc, búi tóc bánh lái trong các hoạt động về Việt Phục do tư nhân và Nhà nước tổ chức. Có thêm kiến thức khiến các bạn tự tin và yêu văn hóa nước nhà hơn, nếu có cơ hội sẽ tìm hiểu thêm về cổ phục Việt.

Thứ hai, trào lưu phục dựng khiến giới Gen Z trở nên thích thú, yêu thích văn hóa truyền thống và có ý định tìm hiểu và phát triển. Ngày nay, Gen Z có xu hướng chạy theo các xu hướng và điều này cũng kích thích tính sáng tạo của giới trẻ từ các trang phục cổ truyền Việt Nam, họ không chỉ ngắm nhìn và còn mặc vào các dịp quan trọng như lễ hội, cưới hỏi, du xuân… Với những cổ phục Việt xưa đó, giới trẻ sẽ tận dụng sự phát triển của xã hội và cải tiến thành những trang phục hợp thời vẫn giữ được nét đẹp cổ phục Việt.

Thứ ba, trào lưu phục dựng còn đóng góp vào việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa cổ phục Việt Nam. Các bộ trang phục cổ truyền rất đặc biệt và có giá trị lịch sử, là một phần quan trọng của văn hóa Việt Nam cần được bảo tồn. Điều đáng nói, những bạn trẻ tâm huyết, gìn giữ, làm lan tỏa cổ phục cũng chính là những gạch nối quá khứ và hiện tại. Khi xã hội phát triển, cuộc sống trôi đi quá gấp gáp, thì những nét đẹp của cổ phục và giá trị văn hóa của nó, ở hoàn cảnh phù hợp cũng chính là cách gây dựng thương hiệu và giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam.

Thứ tư, trào lưu phục dựng cổ phục Việt của Gen Z góp phần quảng bá nét đẹp cổ phục Việt tới đông đảo người dân ở Việt Nam và ở các nước khác. Với thời kỳ bùng nổ kỹ thuật số như hiện nay đã tạo điều kiện cho giới trẻ không chỉ quảng bá và giới thiệu tới tất cả lứa tuổi ở Việt Nam mà còn tới các bạn bè quốc tế về nét đẹp các cổ phục Việt. Điều này càng khẳng định được giá trị bền vững và tinh hoa văn hóa trang phục Việt.

Tiêu cực

Mặc dù trào lưu phục dựng cổ phục Việt của Gen Z đang trở thành trào lưu phổ biến nhưng cũng không tránh khỏi những tiêu cực nhất định.

Thứ nhất, lạm dụng phong cách trang phục cổ truyền: một số giới trẻ có xu hướng lạm dụng phong cách trang phục cổ truyền, biến tấu những bộ trang phục cổ truyền một cách phi lý, không tôn trọng giá trị văn hóa. Điều này không những giữ được nét đẹp của các cổ phục Việt mà còn ảnh hưởng đến cách nhận thức văn hóa trang phục của các thế hệ trẻ sau này.

Thứ hai, thiếu sự tôn trọng: trong quá trình thực hiện trào lưu phục dựng, nhiều người thiếu tôn trọng giá trị của trang phục cổ truyền, dẫn đến việc cắt, cắt ghép và thay đổi không cần thiết.

Thứ ba, thiếu kiến thức về cổ phục Việt Nam: một số giới trẻ tham gia vào trào lưu phục dựng cổ phục Việt nhưng lại không có đủ nền tảng kiến thức về văn hóa cổ truyền Việt Nam. Điều này dẫn đến việc hiểu sai và đánh giá không chính xác về các bộ trang phục cổ truyền làm mất đi giá trị và bản chất văn hóa của trang phục Việt. Đặc biệt, một số bộ phận giới trẻ đã chia sẻ các kiến thức không phù hợp, thiếu chính xác làm mọi người hoang mang và khó khăn trong việc chọn lọc thông tin.

Thứ tư, cung cấp sản phẩm kém chất lượng: nhiều nơi sản xuất các sản phẩm với giá rẻ, nhưng chất lượng thường không đảm bảo. Ngoài ra, một số cơ sở chưa hiểu được thiết kế của các cổ phục và cách thêu hoa văn phù hợp. Điều này làm giảm giá trị của các bộ trang phục cổ truyền, gây thất vọng cho người tiêu dùng.

Thứ năm, cạnh tranh không lành mạnh: nhiều thương hiệu cạnh tranh không lành mạnh, sao chép và phân phối các sản phẩm giống nhau. Việc này làm giảm giá trị của trang phục cổ truyền và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trào lưu phục dựng.

5. Giải pháp

Việc giữ gìn và bảo tồn cổ phục Việt của các dân tộc là vô cùng cần thiết. Không chỉ ở Việt Nam, mà các dân tộc trên thế giới cũng rất quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn trang phục của họ, bởi đây chính là bản sắc dân tộc, là linh hồn, cốt cách của các dân tộc thể hiện qua bộ trang phục truyền thống. Để bảo tồn giá trị và nâng cao ý nghĩa của cổ phục Việt trong trào lưu phục dựng cổ phục Việt của giới trẻ, có thể thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, phát triển sản phẩm chất lượng: cần đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có chất lượng, mang tính văn hóa cao, kế thừa giá trị văn hóa của cổ phục Việt Nam. Khi tiếp nhận các cổ phục có chất lượng cao sẽ khiến chúng ta trân trọng về giá trị của chúng, đặc biệt đối với giới trẻ hiện nay rất coi trọng chất lượng sản phẩm đặc biệt là các trang phục.

Hai là, rèn luyện các kiến thức về cổ phục Việt cho giới trẻ: cần phổ biến kiến thức về văn hóa cổ truyền Việt Nam, giới thiệu đến giới trẻ về lịch sử và giá trị của trang phục cổ truyền. Điều này góp phần định hướng đúng đắn trong suy nghĩ của giới trẻ về cổ phục Việt giúp họ tiếp nhận một cách dễ dàng và đúng đắn.

Ba là, cần tôn trọng giá trị của cổ truyền: cần xây dựng ý thức về tôn trọng giá trị của trang phục cổ truyền, không lạm dụng, thay đổi không cần thiết và xâm phạm vào nguyên bản của trang phục cổ truyền.

Bốn là, khuyến khích sáng tạo: giới trẻ là lứa tuổi có nhiều năng lượng và tư duy cao, việc kích thích và truyền cảm hứng cho giới trẻ sẽ tạo động lực cho họ dám thử nghiệm các thiết kế trang phục mới dựa trên cổ phục Việt Nam, tạo ra phong cách thời trang mới mẻ và độc đáo.

Năm là, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị: có thể tăng cường phối hợp giữa các đơn vị như trường đại học, các cá nhân, các nhà thiết kế và các doanh nghiệp thời trang để bảo tồn giá trị của cổ truyền và khuyến khích sự phát triển của trào lưu phục dựng cổ phục ở giới trẻ.

Thông qua các giải pháp trên, chúng ta có thể tạo ra môi trường thích hợp cho giới trẻ tiếp cận và phát huy thế mạnh của trang phục Việt Nam, góp phần cho sự phát triển mang tính bền vững của trào lưu phục dựng cổ phục Việt.

Nét đẹp trong văn hóa trang phục cổ truyền của Việt Nam luôn là niềm tự hào, yêu thích của dân tộc Việt. Dù thời gian có trôi qua thì giá trị của những cổ phục Việt vẫn luôn hiện diện và tồn tại trong đời sống của ý nghĩ của dân tộc ta và hiện nay trào lưu khôi phục và bảo tồn những trang phục đó đang được thế hệ trẻ quan tâm. Bằng những hành động nghiên cứu, sáng tạo đổi mới, thiết kế và chung tay thành lập các hội nhóm tìm hiểu các giá trị tiềm ẩn của trang phục Việt, giới trẻ đã tạo nên sức sống mới cho cổ phục Việt dần dần trở lại và khẳng định tính bền vững nó trong xã hội hiện đại ngày nay. Do đó, việc rèn luyện và giáo dục những kiến thức phù hợp về các văn hóa trang phục Việt cho giới trẻ hiện nay là cần thiết và đúng đắn để họ có thể nâng cao nhận thức và hiểu biết các giá trị của trang phục Việt từ đó không ngừng góp phần bảo tồn giá trị và ý nghĩa của cổ phục Việt.

____________________

1. Trần Hòa, Sức hút cổ phục Việt, giaoducthoidai.vn, 21-3-2022.

Tài liệu tham khảo

1. Thiên Anh, Hàng nghìn bạn trẻ khám phá, trải nghiệm cổ phục Việt, thanhnien.vn, 24-4-2023.

2. Vân Hà, Hồi sinh cổ phục trong đời sống đương đại, hanoimoi.com.vn, 27-3-2022.

3. Hoàng Phương Ly, Xu hướng phục dựng cổ phục Việt và sự góp sức của giới trẻ, vietnam.ajunews.com, 10-3-2021.

4. Hải Miên, Giới trẻ & cổ phục, daidoanket.vn, 21-5-2022.

5. Hồng Phúc, Cổ phục Việt - Trở về quá khứ để đi xa, baodantoc.vn, 1-6-2022.

6. Khánh Thảo, Lan tỏa cổ phục Việt trong đời sống hiện đại, cand.com.vn, 3-2-2023.

7. Thủy Trà, Giới trẻ và trào lưu phục dựng cổ phục Việt: Tương lai nối dài quá khứ, emoi.vn, 2021.

CHÂU THÚY AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;