Gia đình Phật tử (GĐPT) Việt Nam thoát thai từ Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục ra đời từ những năm 40 của TK XX (1) trong nhiều thập kỷ qua đã giữ vững mục tiêu, lý tưởng, hoài bão đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ. Đó là điều mà bất cứ đơn vị GĐPT ở ba miền Tổ quốc đều tự hào, nó mang ý nghĩa về sự tồn tại, hiện diện, tính “bền” của tổ chức. Bài viết lý giải các hoạt động của tổ chức GĐPT nhằm cố kết cộng đồng, phát triển cộng đồng. Các hoạt động tu học, huấn luyện, hoạt động thanh niên, trại hè, trại họp bạn, hoạt động văn nghệ, hoạt động xã hội vừa đáp ứng nội dung sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa đổi mới, sáng tạo để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
1. Bối cảnh
Khoảng hai thập kỷ trở lại đây, người ta chứng kiến sự “phục hưng” trở lại, nhưng ở những hình thức mới và quy mô lớn hơn rất nhiều của cộng đồng tôn giáo Việt Nam, trong đó có Phật giáo. Trong bức tranh chung về sự phục hưng đó, sự bộc phát của khóa tu mùa hè trở thành tâm điểm quan tâm của xã hội. Chứng kiến công nghệ số, mạng xã hội, game online dần dần tác động xấu đến sự phát triển thể chất và tinh thần của giới trẻ, nhiều phụ huynh đã chọn gửi con lên chùa tu học. Tuy nhiên, việc tham gia khóa tu mùa hè hiện nay cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều, ở một số nơi, khâu tổ chức không được kiểm soát chặt chẽ, đã để lại nhiều trải nghiệm xấu cho các em, thái độ tham gia khóa tu cũng là bị cha mẹ bắt buộc, không tự nguyện, không xác định được mục đích của bản thân khi tham gia khóa tu. Cha mẹ cũng không nên kỳ vọng một khóa tu ngắn ngủi có thể giúp con em sớm trưởng thành, thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thay vì chọn các khóa tu mùa hè ở các ngôi chùa, thiền viện, ít sự tin tưởng, ít sự rèn giũa lâu dài như miền Bắc, thì tại miền Trung và miền Nam người ta dần chọn tổ chức GĐPT. Tại miền Trung và miền Nam, chưa bao giờ người ta thấy GĐPT phát triển rầm rộ, nhiều đơn vị gia đình mới được hình thành và nhiều thanh, thiếu niên tham gia đến vậy. Quy mô và tính chất của GĐPT được mở rộng, sự hiện diện của các sinh hoạt GĐPT ngày càng nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là Facebook, Zalo. Ngoài các trang fanpage, mỗi thành viên trong đơn vị GĐPT cũng tự hào khoe hình ảnh hoạt động của tổ chức lên trang tài khoản cá nhân, tăng cường sự quảng bá.
GĐPT là một tổ chức đoàn thể đặc thù của Phật giáo nhằm tập hợp, tổ chức, giáo dục, rèn luyện thanh, thiếu niên tin Phật thành phật tử chân chính, sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và luật pháp hiện hành, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội theo phương châm Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội. GĐPT là một trong những thành tựu, kết quả của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung, sau đó lan rộng ra miền Nam và miền Bắc (2).
Đến tháng 6-2021, tại Việt Nam, số lượng GĐPT hiện có: 1.035 đơn vị, trong đó có 63.060 đoàn viên các cấp gồm: 9.343 Huynh trưởng, 53.717 Đoàn sinh (3). Số lượng cũng như chất lượng hoạt động của nhiều GĐPT ở khu vực miền Trung, miền Nam ngày càng được nâng cao.
2. Hoạt động tu học và huấn luyện
Giáo dục Phật giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người tu học Phật. Đối tượng giáo dục hẳn nhiên là con người ở mọi lứa tuổi thuộc mọi giai tầng của xã hội. Tuy nhiên, trong mô hình hoằng pháp hiện tại, Việt Nam lại chú trọng quá nhiều đến người trưởng thành qua các lễ hội văn hóa Phật giáo, khóa tụng niệm, các khóa tu định kỳ, các buổi thuyết giảng, các chuyến đi từ thiện… Vậy thế hệ trẻ khi nào mới là lúc thích hợp nhất để tiếp cận đạo Phật? Các nhà tâm lý giáo dục, nhà phân tâm học như Sigmund Freud, Carl Jung, Alfred Adler đến các nhà tâm lý học hành vi như I.P. Pavlov, B.F. Skinner hay các nhà tâm lý học nhân cách như Carl Rogers và Abraham Maslow hoặc các nhà tâm lý xã hội như Jean Piaget, L.S.Vygotsky đều đồng ý rằng con người ở tuổi nhỏ sẽ tiếp thu kiến thức và các kỹ năng nhanh nhạy hơn và quá trình học diễn ra dễ dàng hơn so với tuổi lớn.
Mục đích của GĐPT, ngoài sự giáo dục con em trở thành người tốt trong xã hội, một phật tử chân chính, đây còn là điểm khởi đầu, là cánh cửa vào đạo chân chính nhất. Từ đó, nhiều Đoàn sinh GĐPT khi lớn lên, xuất gia và đã trở thành rường cột của Giáo hội, người tại gia thì trở thành hội viên chân chính lãnh đạo các khuôn hội, niệm Phật đường… có người trở thành đại cư sĩ phục vụ đắc lực cho Giáo hội, cho các cơ sở, tự viện và nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội khác. Hoạt động giáo dục Phật giáo của GĐPT luôn thích ứng với tư tưởng của con người Việt Nam. Tinh thần giáo dục GĐPT đặt trên nền tảng giáo lý của đức Phật mà ba đức tính Bi - Trí - Dũng là chính yếu, chúng hòa hợp tạo nên một con người toàn diện phẩm hạnh, có đủ đức tính từ bi thương người mến vật, có trí tuệ mới hiểu biết đúng đắn sự vật một cách chân thật, có dũng lực để tinh tấn vượt qua mọi khó khăn chướng ngại. Nền giáo dục GĐPT không có tham vọng bổ túc cho giáo dục ở học đường mà chỉ có mục tiêu khơi dậy tiềm năng của con người. Vì thế, GĐPT đã phát triển một cách tự nhiên không gò bó. Dù gặp biết bao khó khăn, trở ngại nhưng chính những trở ngại, khó khăn ấy đã tôi luyện, làm động lực cho sự phát triển và trưởng thành của GĐPT cho đến ngày nay.
Hoạt động tu học và huấn luyện dành cho huynh trưởng GĐPT qua các bậc: bậc Kiên, bậc Trì, bậc Định, bậc Lực được chú trọng nhất. Huynh trưởng có vững vàng, tâm - tài - trí thì mới dìu dắt được thế hệ Đoàn sinh và đơn vị GĐPT mình.
3. Hoạt động thanh niên và trại hè truyền thống
Vào mỗi tuần sinh hoạt, Đoàn sinh áo lam được học và thực hành các bộ môn, phân môn truyền tin như: morse, sempahore, mật thư; các hình thức sơ cấp cứu, cắm trại, dựng trại, rút dây, xác định phương hướng... Một năm, các Đoàn sinh tham gia nhiều buổi học thực hành và tổ chức hội trại. Cuộc sống hiện đại khiến con người mạnh lên về vật chất, nhưng yếu đi kỹ năng sinh tồn khi đối mặt với tự nhiên. Vì vậy, thỉnh thoảng GĐPT vẫn tổ chức những chuyến trại hè truyền thống tại khu vực rừng núi để các bạn phát huy kiến thức mà mình được học.
Cắm trại hay có lúc phải hành quân, đi bộ trong rừng, các Đoàn sinh phải học quan sát. Nhờ dấu đi đường, đoàn sinh biết đâu là đường phải đi, chỗ nguy hiểm phải tránh… Đoàn sinh phải phân biệt kỹ dấu đi đường để khỏi bị lạc trong khi đi đường, đi trại, phải học ước đạc. Dựng lều trại trong rừng cũng là một quy trình nhiều bước phức tạp. Kỹ năng dựng lều trại, rút dây thể hiện cái đẹp của một công trình trại không phải ở chỗ nó được làm bằng đinh, ốc, máy khoan… mà nó đẹp ở chỗ sự khéo tay, đường nét, mỹ thuật, chỉ có những rút dây trong từng đoạn nối mới nói lên được và thể hiện được khi nó được cấu thành vững chắc bằng chính đôi tay. Ngoài được dạy các kỹ năng đoàn thanh niên như trên, GĐPT còn được huấn luyện bao gồm: hô hấp nhân tạo, cứu người bị ngất, xuất huyết, bỏng, băng bó vết thương… Do được đào luyện trong môi trường hoạt động thanh niên, nên các Đoàn sinh sẽ được phát triển rất nhiều kỹ năng mềm như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thuyết phục... Với GĐPT, phụ huynh không tự hào con mình là số 1, con mình là giỏi nhất, mà con mình bản lĩnh nhất.
Hằng năm, mỗi đơn vị GĐPT đều tổ chức Trại hè gia đình và các trại họp bạn cấp quận, huyện, tỉnh, thành. Tham gia hoạt động trại vui nhất là các Oanh Vũ, Đoàn Thiếu và Đoàn Thanh. Trại giúp các em vui chơi, giải trí sau thời gian học hành ở trường lớp, tăng cường cọ sát thực tế, thực hành các kỹ năng mềm. Hoạt động trại giúp các Đoàn sinh giải tỏa những nghi ngại, hiềm khích cá nhân, hòa đồng với tập thể. Các Đoàn sinh cởi mở hơn, thân thiện hơn, “yêu” GĐPT hơn.
4. Hoạt động văn nghệ
Văn nghệ là phương thức gắn kết mọi người nhanh nhất và hiệu quả nhất. Sinh hoạt văn nghệ điểm thêm nét tươi trẻ cho GĐPT, không nặng nề tính tuyên truyền Đạo pháp theo khuôn mẫu sách vở, kinh kệ. Đây là một lợi thế giáo dục, dẫn dắt thanh niên đến với giáo lý Phật, bảo vệ và củng cố đức tin, đề cao lý tưởng phong trào, đào tạo thành con người chân chính bằng văn hóa nghệ thuật. Thời kỳ đầu, các anh chị Trưởng dày công nghiên cứu cách tổ chức hoạt động văn nghệ và thống nhất theo châm ngôn đã đề ra. Văn nghệ trong GĐPT tôn trọng và thể hiện chân - thiện - mỹ, loại trừ các thứ văn nghệ trữ tình, ly khai văn chương dâm uế, ủy mị, khêu gợi dục vọng, căm thù. Các anh chị Trưởng đã tự sáng tác các ca khúc, vở kịch nhằm chuyển tải tinh thần từ bi, hiếu hạnh của Phật giáo. Đề tài văn nghệ trong GĐPT rút từ giáo lý Phật đà, từ đời sống cao đẹp của chư Phật và Bồ tát; rút từ châm ngôn, mục đích, luật GĐPT, từ tình thương; rút từ đề tài trong lịch sử dân tộc, trong cuộc sống gia đình, trường học, xã hội, trong niềm yêu thương xứ sở.
Ở Đà Nẵng, cứ mỗi dịp Trung Thu, một số đơn vị GĐPT có tổ chức đội lân, đội rồng vừa diễn ở chùa cho các em thiếu nhi xem, vừa chạy khắp thành phố biểu diễn. Đi theo đoàn lân có cả Đoàn sinh nam và Đoàn sinh nữ, các bạn trẻ rất hào hứng, dẻo dai, múa, diễn rất đẹp, không thua các đội lân chuyên nghệp. Các bạn tự làm đầu lân, tự tập diễn. Đội lân ở chùa không diễn vì tiền bạc, vật chất, không ganh đua với đội, đoàn lân khác, vẫn vui là chính, trong sáng và lưu giữ truyền thống của cha ông để lại. Một cựu Đoàn sinh GĐPT đã chia sẻ: “Mấy chục năm rồi, có người xa xứ làm ăn, nhưng cứ dịp Trung Thu thì các anh lớn đều về Đà Nẵng, lên chùa xem các em diễn múa lân”. Thật ấm lòng! Kỷ niệm níu kéo mọi người về với GĐPT, có khi không phải là giáo lý nhiệm màu của Phật pháp, mà chính là hoạt động văn nghệ bình dị ấy, là những buổi diễn đêm văn nghệ mừng Phật đản, đêm văn nghệ Vu lan, đêm văn nghệ cúng dường, thiện nguyện, đêm rằm Trung Thu, mọi người tề tựu, cùng tỏa sáng, cùng vui vẻ, không gì đánh đổi bằng. Văn nghệ không chỉ ca hát, sâu khấu, diễn kịch mà còn có thi kể chuyện, làm thơ, sáng tác truyện, vẽ tranh… Các Đoàn sinh thể hiện tài năng qua các cuộc thi nhỏ do đơn vị gia đình mình tổ chức, hoặc các cuộc thi liên trại, liên đơn vị. Các anh chị Huynh trưởng cũng nghĩ ra các bài hát mới để giáo dục thế hệ trẻ. Giai điệu, nhạc lý tràn đầy hào khí, hứng khởi, gắn kết Đoàn sinh, giúp Đoàn sinh thực hành giáo lý. Việc thực hiện văn nghệ được kết quả hay không còn đòi hỏi ở Huynh trưởng nhiều thiện chí và cố gắng đạt các mục đích trên.
5. Hoạt động xã hội
GĐPT đề ra hoạt động xã hội, nhằm hiện thức hóa vai trò, nhiệm vụ phụng sự đời. Nhiệm vụ đầu tiên là quan tâm đến nội bộ cộng đồng áo lam (4). Tình lam của GĐPT rộng lớn, bao gồm sự quan tâm, giúp đỡ cộng sự áo lam trong đơn vị mình, đơn vị bạn, hoặc ở tỉnh, thành khác. Hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện còn để nêu gương với các Đoàn sinh nhỏ tuổi, rèn cho các bạn lòng thương người. Sâu thẳm trong con người, đó chính là lòng trắc ẩn trước những hoàn cảnh khó khăn và nỗi đau. Khi tham gia vào GĐPT, hầu hết mọi người đều thấm nhuần nỗi đau của con người trong Khổ đế và Tứ Diệu đế. Những người sinh hoạt trong GĐPT đã có sự thấu hiểu mạnh mẽ đến nỗi đau của con người và lòng trắc ẩn luôn sẵn có trong họ. Các thành viên thường dành thời gian thăm hỏi, nói chuyện về Phật pháp để xoa dịu nỗi đau về tinh thần, thể xác đối với những cá nhân gặp khó khăn trong cuộc sống. Những hoàn cảnh đó thường được giúp đỡ có việc làm kiếm thêm thu nhập, có thêm động lực để tiếp tục sống.
Hoạt động xã hội, thiện nguyện của GĐPT Đà Nẵng so với các đơn vị khác không khác nhau mấy, có khi số tiền kêu gọi từ thiện thu về còn khá khiêm tốn, nhiều khi lực bất tòng tâm. Năm 2015, dưới sự chỉ đạo, tư vấn, hỗ trợ của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố, nhất là các vị chức sắc như: Đại đức Thích Thông Đạo - Phó Trưởng Ban, kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng; Đại đức Thích Thông Quang - Trú trì chùa Liên Trì, quận Sơn Trà đã thành lập Đội Tình nguyện viên máu sống GĐPT Đà Nẵng thuộc sự quản lý chung của Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT Đà Nẵng. Từ con số hơn 30 thành viên đăng ký trong những ngày đầu phát động, sau một tháng con số thành viên đã lên đến 150 người trong ngày ra mắt đội vào dịp lễ tổng kết hoạt động năm 2015 của Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT Đà Nẵng (5). Và đến hôm nay, sau 6 năm hoạt động, số thành viên tham gia hiến máu theo lời kêu gọi của đội đã là 1.553 thành viên. Tổng kết hoạt động của đội: hiến 413 đơn vị máu và tiểu cầu máy (2016); hiến 525 đơn vị máu và tiểu cầu máy (2017); hiến 461 đơn vị máu và tiểu cầu máy (2018); hiến 430 đơn vị máu và tiểu cầu máy (2019); hiến 423 đơn vị máu và tiểu cầu máy (2020); hiến 495 đơn vị máu và tiểu cầu máy (2021). Trong đó có những tình nguyện viên đã tham gia hiến máu, tiểu cầu máy trên 20 lần (6).
Hiện nay, bên cạnh việc hiến máu cứu người, Đội Tình nguyện viên máu sống GĐPT Đà Nẵng nói chung đã thực hiện một số công tác từ thiện xã hội khác như: quyên góp giúp đỡ cho các bệnh nhân khó khăn hoặc bị bệnh nặng phải ở lại điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; thường xuyên tổ chức các đợt thiện nguyện đến với người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh lân cận; tham gia hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt, hỗ trợ chuyến xe tình nghĩa cho các bệnh nhân tại bệnh viện Đà Nẵng về quê ăn tết… Đặc biệt, kể cả số tiền bồi dưỡng theo quy định của Bộ Y tế sau mỗi lần tham gia hiến máu cũng được các tình nguyện viên trong đội nộp vào nguồn quỹ chung để ủng hộ những trường hợp bệnh nhân nghèo, ở xa... Có thể khẳng định rằng, bằng chính các giá trị đạo đức nhân văn và nhiều hoạt động thiết thực, GĐPT thành phố đã góp phần hình thành nên trong mỗi cá nhân con người, nhất là người phật tử nếp sống hiền thiện. Đối với cộng đồng, GĐPT đã góp phần tạo nên lối sống có trách nhiệm với xã hội, hình thành nên cộng đồng biết thương yêu, chia sẻ lẫn nhau.
________________
1, 2. Lê Văn Đính, Về lịch sử hình thành và hoạt động của Gia đình Phật tử trong Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3, 2004, tr.28, 29.
3. Quảng Điền, Kỷ niệm 70 năm thành lập gia đình phật tử Việt Nam, giacngo.vn, 20-12-2021.
4. Bậc chân cứng: ý nghĩa màu lam, gdptthanhphohue.com, 5-8-2022.
5. Đinh Đức Hiền, Tổ chức Gia đình Phật tử Đà Nẵng thành lập đội hiến máu tình nguyện, noivu.danang.gov.vn, 25-11-2015.
6. Báo cáo 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng, 2021.
Ths HOÀNG THỊ MAI SA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023