Vai trò của quảng cáo báo chí với văn học quốc ngữ Nam Bộ đầu TK XX

Sự ra đời và phát triển của báo chí quốc ngữ đầu TK XX ở Nam Bộ có ý nghĩa và tác động rất lớn đến các phương diện xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng đất này. Hoạt động quảng cáo trên báo chí góp phần kiến tạo phương thức mới về quảng bá sản phẩm, kích hoạt tiêu dùng. Bài viết nhận diện, phân tích và đánh giá vai trò của quảng cáo báo chí đối với văn học quốc ngữ Nam Bộ, góp phần khẳng định quảng cáo báo chí chiếm vị thế quan trọng trong quá trình phát triển của đời sống văn hóa, văn học Nam Bộ.

Sự ra đời và phát triển của báo chí quốc ngữ Nam Bộ tập hợp một đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp và những tác phẩm của họ là một trong những phương thức truyền thông mới - kết hợp giữa truyền thông với kinh tế, báo chí với văn hóa, văn học.

1. Quảng cáo báo chí góp phần phổ cập và phát triển chữ Quốc ngữ

Ở nước ta, khi báo chí quốc ngữ ra đời vào cuối TK XIX, thì bắt đầu xuất hiện loại hình quảng cáo trên báo chí (báo in). Trước đó, nước ta đã có dạng quảng cáo bằng lời rao vặt của những người bán hàng. Lời rao chỉ mang tính chất thông tin, thông báo cho người tiêu dùng biết sự hiện hữu của hàng hóa. Theo Đại Nam quc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, “rao” có nghĩa là “truyền rao cho ai nấy biết”; “lời rao” là “lời truyền thống”. “Lời rao” chính là hình thức sơ khởi của thể loại quảng cáo trên báo chí quốc ngữ.

Gia Định báo là tờ báo quốc ngữ đầu tiên có in quảng cáo trên mặt báo và tiếp theo là Phan Yên báoThông loại khóa trình. Đây là hình thức truyền thông dùng phương tiện báo chí giới thiệu/ thông tin sản phẩm đến công chúng/ người tiêu dùng. Nội dung của những tờ báo này chủ yếu phổ biến công văn, nghị định của nhà cầm quyền Pháp với người dân: ngày 14-2-1901 thống đốc Paul Doumer ban hành Nghị định “chuẩn cho ông Canavaggio lập nhựt trình Nông cổ in chữ Quốc ngữ và chữ Nho”. Ngày 1-8-1901 tờ Nông cổ mín đàm phát hành số đầu tiên và tích cực tham gia phong trào phổ biến chữ Quốc ngữ bằng những tác phẩm dịch từ truyện Tàu, truyện Pháp sang chữ Quốc ngữ như: Tam quốc chí tục dịch của P.Canavaggio (1901), Tiền căn báo hậu của Trần Chánh Chiếu (1907), Rocambole, Les drames de Paris tome V của Lê Hoằng Mưu (1912)…

Sau Nông cổ mín đàm, các tờ báo quốc ngữ khác lần lượt ra mắt công chúng, như Lục tỉnh Tân văn, Công Luận báo… mang ý hướng phát triển và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Những tờ báo này cổ động phong trào phổ biến, phát triển chữ Quốc ngữ bằng những bài xã luận như: Khuyên học chữ Quốc ngữ của J.B. Bùi Minh Đường (Lục tỉnh Tân văn số 118 ngày 28-4-1910), Chấn chỉnh quốc văn của Tỉnh Tâm (Lục tỉnh Tân văn số 1143 đến 1147 ngày 19-5-1922), Tiếng Annam. Tiêu một thứ tiếng, nát một dân tộc. Muốn học tiếng Annam phải học nơi nào? Nên bảo tồn tiếng Annam hay là nên bảo tồn chữ Hán của Văn (Lục tỉnh Tân văn số 1451 ngày 5-6-1923… Nội dung chính của những bài xã luận này nhằm cổ động cho phong trào quảng bá chữ Quốc ngữ.

Ngày 1-5-1929, tuần báo Phụ nữ Tân văn của bà Nguyễn Đức Nhuận xuất bản số một năm thứ nhất đăng bài Chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ với thế lực của phụ nữ. Từ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Trai cho đến Nguyễn Chánh Sắt, Đặng Thúc Liêng của Phan Khôi (số 28 ngày 7-11-1929) phản ánh tình trạng viết văn quốc ngữ “hời hợt” của một số nhà văn phía Nam như Nguyễn Chánh Sắt và Đặng Thúc Liêng. Đây là bài mở màn cho hàng loạt bài viết phản ánh cuộc tranh luận giữa Phan Khôi cùng Nguyễn Chánh Sắt, Đặng Thúc Liêng về Vấn đề viết chữ Quốc ngữ, như: Viết tên của ông Đặng Thúc Liêng cần gì bỏ chữ g? của Đặng Công Thắng (số 30 ngày 28-11-1929), Viết chữ Quốc ngữ phải viết đúng của Phan Khôi (số 31 ngày 5-12-1929), Viết chữ Quốc ngữ sao cho đúng của Phụ nữ Tân văn (số 34 ngày 26-12-1929)... Các bài viết này không những phổ biến, phát triển chữ Quốc ngữ mà còn cổ động xã hội sử dụng chữ Quốc ngữ đúng chính tả. Như vậy, thời kỳ này, chữ Quốc ngữ đã được các nhà văn, nhà nghiên cứu quan tâm nhiều hơn và ở bình diện mới.

Vào những thập niên đầu TK XX, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh Tân văn, Công Luận báo, Đông Pháp Thời báo đều có mục “Tự do diễn đàn”, “Thư tín dành cho độc giả”. Những bài này thuộc thể tùy bút, phát biểu cảm nghĩ, bình phẩm tác phẩm mới, phản ánh tình hình báo chí khuyến khích quốc dân đọc, hiểu và viết văn quốc ngữ. Như vậy, thời kỳ này, báo chí chính là phương tiện phổ biến truyền thông đại chúng, góp phần thiết thực và hiệu quả vào quá trình hoàn thiện chữ Quốc ngữ.

2. Đội ngũ người làm báo - viết văn

Tiến trình phát triển của nền báo chí Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng đi từ công báo đến bán công báo, dân báo đến tạp chí chuyên ngành. Báo chí quốc ngữ giai đoạn cuối TK XIX đầu TK XX, bán công báo là chủ yếu, dân báo chiếm một tỷ lệ rất nhỏ và tạp chí chuyên ngành hoàn toàn chưa xuất hiện. Mãi đến năm 1935, Tiểu thuyết Nam Kỳ mới ra mắt độc giả Sài Gòn. Đây là chuyên san văn học chủ yếu đăng tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh và Phú Đức. Sự ra đời của báo chí quốc ngữ ít nhiều gắn liền với sự ra đời của một số nhà văn khác hẳn với thời kỳ trung đại, một trong những tiêu chí chính của quá trình hiện đại hóa văn học là sự ra đời của một đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp. Báo chí quốc ngữ đã đáp ứng được tiêu chí này, tập hợp đội ngũ làm báo, viết văn bằng chữ Quốc ngữ.

Những thập niên đầu TK XX, đội ngũ nhà văn chủ yếu được tập hợp từ ba nhóm chính: Nhóm thứ nhất là những nhà văn sống bằng nghề làm báo, viết văn như Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Phú Đức, Nguyễn Thế Phương… Nhóm thứ hai gồm những nhà văn có sở thích viết văn, sáng tác của họ xuất hiện trên báo, nhưng họ không kiếm sống bằng việc viết lách, như: bác sĩ Nguyễn Bính tức nhà văn Biến Ngũ Nhy, đốc phủ sứ Hồ Văn Trung tức nhà văn Hồ Biểu Chánh (sau khi về hưu ông mới dành trọn thời gian, tâm huyết cho sáng tác), nhà văn Nguyễn Hữu Ngỡi bút danh Tân Dân Tử… Nhóm thứ ba là những nhà văn hầu như không tham gia viết báo như: Việt Đông, Dương Quang Nhiều tự Phụng Cát, Sơn Vương, Hoàng Minh Tự… Trong đó, số lượng nhà văn thuộc nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai chiếm tỷ lệ phần lớn. Họ là những người làm báo, viết văn, dùng tác phẩm quảng cáo để thu hút độc giả, đem đến hiệu quả kinh tế.

Công Luận báo với các cây bút quen thuộc, như: Phú Đức với tác phẩm Câu chuyện canh trường năm 23 tuổi (1924) đăng trên Trung Lập báo, Châu về hiệp phố dài trên 1.000 trang đăng trên Công Luận báo; Nam Đình Nguyễn Thế Phương với tác phẩm tiểu thuyết đầu tay Bó hoa lài, Vô oan trái, Giọt lệ má hồng, Khép cửa phòng thu… đăng dài kỳ trên Công Luận báo. Những nhà văn này có vị trí và ảnh hưởng sâu rộng đến các tờ báo. Nhà phê bình văn học Thiếu Sơn trong bài diễn thuyết Báo giới và văn học quốc ngữ tại cuộc họp của Hội Nam Kỳ khuyến học Sài Gòn, ngày 19-7-1933 khẳng định rằng: “Ở các nước văn minh tân tiến thì văn học đều có trước báo chí, mà ở nước ta thì chính lại nhờ báo chí xây dựng nên văn học”. Như vậy, báo chí quốc ngữ ra đời trước văn học quốc ngữ. Trong quá trình hình thành và phát triển, báo chí quốc ngữ đã thu hút được một đội ngũ đông đảo nhà báo, nhà văn sáng tác.

3. Quảng cáo tác phẩm: sự gắn kết giữa báo chí, văn học và kinh tế

Chính quyền Pháp khai sinh nền báo chí quốc ngữ Nam Bộ, thiết lập nền tảng cho ngành công nghiệp in ấn, xuất bản theo kỹ thuật hiện đại, góp phần đưa những người trí thức lúc bấy giờ đến với nghề làm báo. Tờ báo không chỉ là câu chuyện thông tin công văn, nghị định chính phủ, mà còn là chuyện làm ăn, buôn bán, chữa bệnh, quảng cáo, thơ văn... Ở Nam Bộ thời kỳ này, gần như không có một tờ báo chuyên về văn hóa, văn học và văn học chuyên về sáng tác, nghiên cứu hay phê bình. Những tờ báo quốc ngữ dần về sau ít chịu ảnh hưởng phong cách làm báo của Pháp, có bản sắc riêng - tờ báo mang tính tổng hợp hướng đến tính đại chúng rất rõ nét. Rõ ràng báo chí đóng trong vai trò quan trọng đưa tác phẩm văn học đến với công chúng. Mối gắn kết giữa báo chí với văn học đã tạo nên hiệu quả về lợi ích kinh tế.

Trong những thập niên đầu thế kỷ, ngành in ấn, xuất bản sách báo tại Sài Gòn được nhìn nhận là một trong những hoạt động kinh tế của xã hội. Phần lớn nhà văn dùng báo chí làm phương tiện quảng bá cho tác phẩm mới của mình. Nhà báo, nhà văn Phú Đức trong bài viết Mấy điều khó khăn cho nền văn học nước nhà trên Công Luận báo số 580 ngày 23-3-1927 cho biết tình hình các nhà văn luôn tìm đến quảng cáo để quảng bá tác phẩm của mình với công chúng: “Một lần sách sắp xuất bản thì chạy xin lời rao hàng của các hãng khắp cả Đông Tây Nam Bắc. Số tiền rao hàng đủ bỏ vào tiền in rồi, thì mang tới nhà in mà in đại, mắc rẻ cần chi, in rồi gửi đến các nhà hàng để bán, tiền hoa hồng ba mươi cũng được, bốn mươi cũng được, miễn là có bán thì có tiền tiêu, thật là một cái tệ lớn miệng thiệt không chỗ nói. Tiền xuất bản, tiền hoa hồng đắt, mà sách đắt giá, làm sao mà có đông người coi”.

Quảng cáo trên báo chí quốc ngữ rất đa dạng: thuốc bổ, thuốc chữa bệnh, hiệu may, đồ trang sức, mỹ phẩm, sữa, lương thực, nhà máy xay lúa, nhà hát, nhà in, nhà xuất bản… Quảng cáo được tin cậy như phiếu bảo hành của chất lượng sản phẩm. Từ năm 1920 đến 1930, số trang quảng cáo ở mỗi tờ báo quốc ngữ dần được tăng lên. Một vài tờ báo trang quảng cáo chiếm gần 50% trên tổng số trang báo, như: Nông cổ mín đàm (tháng 11-1923), Đông Pháp Thời báo (tháng 11-1923), Trung Lập báo (tháng 1-1930)… Quảng cáo của báo Quốc ngữ, ngoài phần trang cố định dành quảng cáo cơ sở kinh doanh của chủ báo, doanh nghiệp ký hợp đồng quảng cáo dài hạn, phần trang còn lại thuộc về quảng cáo tự do. Quảng cáo tự do thường đăng: lời rao, cáo bạch, sách mới xuất bản…

Tác phẩm văn học thường được giới thiệu ở phần trang “Quảng cáo tự do”. Theo chúng tôi thống kê, Công Luận báo từ ngày 15-3-1917 đến ngày 30-12-1932 có tổng cộng 56 bài giới thiệu sách (lời rao, cáo bạch, mới xuất bản, sách mới xuất bản). Quảng cáo tác phẩm trên báo thường viết dưới hai cách chính: quảng cáo ngắn và quảng cáo có lời bình. Quảng cáo tác phẩm ngắn theo cấu trúc diễn dịch, chủ yếu cung cấp những thông chính như: tên tác giả, tác phẩm, giá bán, nơi bán và thỉnh thoảng có vài dòng giới thiệu về tác giả, tác phẩm. Một vài tác phẩm tiêu biểu cho cách quảng cáo này như: “Truyện Kim thời dị sử của tác giả Biến Ngũ Nhy nói về Ba Lâu ròng nghề đạo tặc in đã rồi, gởi bán tại nhà in J. Viết 59 rue D’ormay Saigon. Giá mỗi cuốn 50 đồng.

Ai muốn mua lẻ hoặc mua sỉ gì, cũng cứ do nơi đó, chớ quán Công Luận không có để bán” (Công Luận báo, số 450 ngày 8-11-1921).

Ngôn ngữ sử dụng trong quảng cáo sách thường chân phương, quảng cáo chủ yếu nhấn mạnh đến tên tác phẩm, giá cả, nhà in (địa chỉ bán sách). Về quảng cáo có lời bình, bài giới thiệu thường viết theo cảm nhận của người viết nội dung quảng cáo sách của tờ báo. Những bài này phần lớn do người chủ bút viết. Bài viết chủ yếu là khen tặng, ca ngợi, nhằm kích thích độc giả tìm mua tác phẩm. Một vài tác phẩm tiêu biểu cho cách quảng cáo có lời bình.

Có thể thấy, báo chí quốc ngữ bắt đầu có ý hướng phê bình văn học và khái niệm đầu tiên được hiểu về phê bình tác phẩm là lời ca tụng, khen tặng. Từ những bài quảng cáo tác phẩm văn học, báo chí quốc ngữ đã phát triển, xây dựng trang mục Bình phẩm sách mới. Tháng 10-1927, Đông Pháp Thời báo số 635 ngày 14-10-1927 chính thức ra mắt độc giả mục Bình phẩm sách mới với lời cáo bạch như:

“Bổn báo định mỗi tuần lễ ngày thứ ba, trong tờ phụ trương văn chương của Đông Pháp Thời báo lại mở thêm ra mục Bình phẩm sách mới. Mục này cốt để bình phẩm và giới thiệu các thứ sách quốc ngữ mới xuất bản, mà bổn báo nghĩ rằng có quan hệ đến văn học nước nhà.

Nước nhà không sách thì nước phải nguy, sách mà không có người bình phẩm, thì có lẽ cũng hóa ra vô vị. Song ngặt vì gọi là bình phẩm, thì sao cho khỏi khen nhiều chê nặng. Đã phải khen chê, thì tất có lẽ làm phiền cho những bạn làm văn không hay suy nghĩ.

Sự khen chê chánh đáng là bổn phận người bình phẩm đối với chư độc giả, mà cũng là một cái nghĩa vụ lớn lao của bổn báo đối với các bạn làm văn.

Vậy xin các đồng nhơn hiểu cho rằng: nếu như bản sách mà bổn báo đem vào mục bình văn phẩm dầu cho phải chê một, hai phần thì chẳng qua theo ý “hiền giả trách bị” mà chánh là cốt để giới thiệu cho độc giả, đăng giúp cho bạn làm văn.

Còn chư độc giả lại phải hiểu rằng: mục này chẳng phải là mục rao hàng, mà chánh là mục giúp cho bạn độc giả biết mà đọc, kẻo nhiều khi lầm phải lắm đồ thật là vô nghĩa lý, mà có lẽ lại hại đến tâm lý xã hội thật nhiều.

Bấy nhiêu lời thành thật, xin ai nấy xét cho. Còn ai không hiểu mà trách thì xin chịu. Chớ phận sự chúng tôi thì vẫn giữ đàng ngay lẽ thẳng chẳng bao giờ thay đổi”.

Báo quốc ngữ cũng đăng tải truyện dài kỳ (feuilleton) để kích hoạt công chúng mua báo và đọc tác phẩm mới. Ở nước ta giai đoạn đầu TK XX, tác phẩm văn học đăng dài kỳ xuất hiện thường xuyên trên báo chí quốc ngữ. Các thể loại văn học đăng tải trên báo gồm: tuồng, kịch, đoản thiên tiểu thuyết, tiểu thuyết (dịch và sáng tác). Tuy nhiên, tiểu thuyết sáng tác được báo chí quan tâm hơn cả. Nông cổ mín đàm là tờ báo quốc ngữ đầu tiên đăng tiểu thuyết dài kỳ. Ngay từ số đầu tiên phát hành năm 1901, báo đăng tác phẩm dịch Tam quốc chí tục dịch của P.Canavaggio, với mục đích đầu tiên thu hút độc giả xem báo, giúp báo duy trì hoạt động kinh doanh, tăng lượng phát hành, dần dần đã trở thành thói quen đọc truyện (tiểu thuyết) trên báo. Những tờ báo quốc ngữ ra đời sau đó như Lục tỉnh Tân văn, Công Luận báo, Đông Pháp Thời báo, Phụ nữ Tân văn… đều dùng hình thức feuilleton để thu hút, giữ chân độc giả, kích thích bạn đọc mua báo. Một khi tờ báo có lượng phát hành lớn, thì các người chủ quảng cáo cũng sẽ tìm đến đăng quảng cáo nhiều hơn.

Những chủ tòa báo lớn do nắm bắt thị hiếu ham chuộng tiểu thuyết của bạn đọc báo, nên họ luôn chọn chủ bút báo là nhà tiểu thuyết nổi danh đương thời để đảm nhận trang tiểu thuyết, quảng cáo sách mới. Những vị chủ bút kiêm nhà tiểu thuyết thường có nhiệm vụ sáng tác cho trang tiểu thuyết và đọc duyệt, chỉnh sửa tác phẩm của những nhà văn khác gửi đến trước khi đăng báo.

Hình thức đăng tải tác phẩm dài kỳ trên báo chí quốc ngữ đã có tác động mạnh mẽ, trực tiếp đối với việc tiêu thụ báo và quảng bá tác phẩm. Thực tế vào thời điểm ấy, nhà văn muốn xuất bản tác phẩm phải có tài chính. Hơn nữa, sách phát hành luôn phải đối diện với những khó khăn như tiền hoa hồng cho nhà bán sách, thị trường tiêu thụ… Có thể nói, hoạt động tuyển chọn đăng tải tiểu thuyết của báo chí quốc ngữ mang lại hai hiệu quả chính: Thứ nhất, báo chí quốc ngữ gánh vác, chia sẻ những khó khăn với nhà văn trong quá trình đưa tác phẩm đến với bạn đọc. Thứ hai, báo chí dùng truyện dài kỳ để xây dựng lượng công chúng đọc báo. Chính tác phẩm dài kỳ là sản phẩm quảng cáo cho tờ báo, bạn đọc tìm đến tờ báo phần lớn thông qua truyện đăng báo.

Sự ra đời và phát triển hình thức quảng cáo báo chí có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống văn hóa xã hội Nam Bộ trong những thập niên đầu của TK XX. Quảng cáo báo chí xác lập những vị thế mới cho độc giả, người tiêu dùng trong xã hội - khách hàng chính là những “thượng đế” được cung cấp thông tin sản phẩm, kích thích tiêu dùng, tìm hiểu và mua sắm. Những cách thức quảng cáo, phê bình tác phẩm văn học trở thành sứ giả đắc lực trong cuộc giao lưu giữa nhà văn và độc giả. Bằng những trang tiểu thuyết dài kỳ, giới thiệu và bình phẩm tác phẩm mới, báo chí đã kích hoạt nhà văn sáng tác, kích thích nhu cầu đọc văn học của độc giả… Có thể nói, phương cách tuyển chọn và đăng tải tác phẩm tiểu thuyết dài kỳ của báo chí có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình hình thành và phát triển văn học quốc ngữ đầu thế kỷ.

Kết luận

Báo chí quốc ngữ Nam Bộ đã ra đời, thể hiện vai trò truyền thông, góp phần cung cấp những tri thức mới, định hướng công chúng trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Quảng cáo là một trong những loại hình (thể loại) truyền thông, quảng cáo báo chí dùng báo chí làm nền tảng chuyển tải thông tin. Ba thập niên đầu thế kỷ, quảng cáo báo chí có nhiều đóng góp đối với lĩnh vực văn học: đồng hành với chủ trương phổ biến, hoàn thiện chữ Quốc ngữ; xây dựng lớp người trí thức hiện đại trẻ tuổi biết làm báo, viết văn và được công chúng quan tâm. Đặc biệt, quảng cáo báo chí đưa tác phẩm văn học đến với công chúng Nam Bộ, xây dựng lớp công chúng đọc báo, đọc văn chương, văn hóa đọc của người Nam Bộ. Mặt khác, quảng cáo văn học trên báo chí tạo ra những lợi ích kinh tế đối với người sáng tác, làm báo và doanh nghiệp in ấn, xuất bản. Quảng cáo báo chí không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa văn học, xây dựng đội ngũ nhà văn mới, đưa văn học Quốc ngữ đến với công chúng; đồng thời, những tương tác giữa nhà văn, công chúng và tác phẩm góp phần tích cực vào đời sống sinh hoạt văn học ở Nam Bộ đầu TK XX.

___________________

Tài liệu tham khảo

1. Bằng Giang, Văn học quốc ngữ Nam Kỳ, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1992.

2. David Ogilvy (Khánh Trang, Mạnh Linh dịch), Lời tự thú của một bậc thầy quảng cáo, Nxb Công Thương, TP.HCM, 2017.

3. Đỗ Quang Hưng, Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2000.

4. Thiếu Sơn, Phê bình và cảo luận, Nam Ký xuất bản, Hà Nội, 1933.

5. Bùi Đức Tịnh, Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (1865-1932), Nxb TP.HCM, TP.HCM, 1992.

6. Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1930, Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn, 1973.

7. Huỳnh Văn Tòng, Kỹ thuật quảng cáo, Nxb Tổng hợp TP.HCM, TP.HCM, 2001.

8. Tế Xuyên, Nghề viết báo, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1968.

9. Trần Hữu Quang, Xã hội học báo chí, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, TP. HCM, 2015.

Ths NGUYỄN THỊ TRÚC BẠCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023

;