Quản lý hoạt động văn nghệ quần chúng tại Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội

Hoạt động văn nghệ quần chúng (VNQC) được nhìn nhận như “món ăn tinh thần”, góp phần tạo ra nền tảng văn hóa lành mạnh, lối sống tích cực của nhân dân. Hoạt động VNQC đã được duy trì thường xuyên tại nhiều tổ chức, đơn vị, song song với đó là công tác quản lý VNQC cũng được chú trọng và ngày càng hoàn thiện cả về cơ sở lý luận và thực tiễn. Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) là một trong những đơn vị có hoạt động VNQC phong phú. Điều này cũng đặt ra yêu cầu quản lý và vai trò của quản lý với hoạt động VNQC của EVN Hà Nội.

Về khái niệm quản lý hoạt động VNQC

Văn nghệ được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng là văn học và nghệ thuật, bao gồm văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, kịch, múa, điện ảnh; nghĩa hẹp là hoạt động biểu diễn nghệ thuật như ca, múa, nhạc... (1). VNQC là nghệ thuật do quần chúng thực hiện trên cơ sở phát huy tính sáng tạo, chủ động, tự nguyện của quần chúng. Hoạt động VNQC được hiểu là quá trình sáng tạo văn hóa, nghệ thuật mà chủ thể là quần chúng nhân dân lao động - những nghệ sĩ không chuyên nhằm tạo ra những giá trị, sản phẩm tinh thần thỏa mãn nhu cầu của chính chủ thể đó (2).

Quản lý hoạt động VNQC là quản lý, chỉ đạo, tổ chức toàn bộ những hoạt động thao tác từ tư duy đến tay chân để sáng tạo ra các sản phẩm, công trình văn hóa, VNQC (sân khấu, âm nhạc, múa, hội họa, thơ ca…). Một cách hiểu khác, công tác quản lý các hoạt động VNQC là một lĩnh vực quan trọng cần quản lý, chỉ đạo hành động và phát triển văn hóa. Quản lý hoạt động VNQC xuất hiện từ chức năng quản lý văn hóa và từ hoạt động xã hội, nhu cầu lý thuyết khoa học quản lý, bao gồm cả hoạt động VNQC. Hoạt động quản lý VNQC có thể được tiến hành bằng việc tổ chức các hoạt động văn nghệ hướng đến đông đảo quần chúng, tổ chức để khuyến khích quần chúng tham gia, đồng thời kiểm tra về nội dung, đánh giá chất lượng của các hoạt động VNQC.

Như vậy, quản lý hoạt động VNQC là quá trình quản lý nhằm khuyến khích con người sáng tạo; thông qua các hình thức cụ thể để truyền bá những giá trị văn hóa, văn nghệ vào đời sống với mục đích bồi dưỡng tư tưởng và tình cảm của con người. Quản lý hoạt động VNQC giúp phát huy vai trò của VNQC, đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người và giúp thúc đẩy xã hội phát triển.    

Đặc điểm và nhu cầu thưởng thức VNQC của công nhân, viên chức EVN Hà Nội

Đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động là nhân tố quyết định sự phát triển, tạo ra truyền thống, bản sắc của công nhân lao động EVN Hà Nội nói riêng, công nhân Thủ đô nói chung. Cán bộ viên chức EVN Hà Nội trở thành một trong những điểm tựa để đội ngũ công nhân, người lao động phát triển và khẳng định vị trí quan trọng của mình; vững vàng vượt qua khó khăn với tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực học tập và rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, đóng góp to lớn vào thành quả xây dựng, phát triển ngành Điện lực nói riêng và Thủ đô nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đa số cán bộ viên chức ở EVN Hà Nội có tuổi đời trẻ, năng động, ham học hỏi, thích ứng nhanh với khoa học công nghệ hiện đại và cơ chế thị trường, thể hiện bản lĩnh chính trị, lập trường kiên định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ tiêu biểu cho sự lớn mạnh và những đóng góp to lớn cho sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô.

Sản xuất, cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế và góp phần đảm bảo điện năng là nhiệm vụ hàng đầu của EVN Hà Nội và các đơn vị thành viên. Đặc thù làm việc ở môi trường bên ngoài, trong điều kiện nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời có nơi lên đến hơn 400C nhưng cán bộ, viên chức EVN Hà Nội vẫn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Công nhân các bộ phận quản lý lưới điện phải làm việc ngoài hiện trường lại càng thêm vất vả. Vào những ngày cao điểm nắng nóng, khối lượng công việc của công nhân có thể tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, hầu như không có ngày nghỉ. Vì vậy, hoạt động VNQC tạo không khí thi đua, sôi nổi trong lao động sản xuất giúp cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tại EVN Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật được giao.

VNQC giúp cho các thành viên thể hiện bản thân mình ở lĩnh vực nghệ thuật, mang lại những hoạt động giải trí, lấy lại tinh thần và năng lượng sau thời gian làm việc. Các thành viên trong đơn vị đã tích cực tham gia hoạt động VNQC do Đảng ủy EVN Hà Nội lãnh đạo và Công đoàn cùng các tổ chức khác quan tâm và tạo điều kiện tổ chức. Thường các thành viên tham gia và thưởng thức hoạt động VNQC vào những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày truyền thống của ngành, ngày thành lập đơn vị, ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Phụ nữ Việt Nam (20-10)… Hằng năm, tập thể cán bộ, viên chức phấn khởi tham gia các phong trào do EVN Hà Nội phát động, triển khai tổ chức. Chính vì có tổ chức cấp Tập đoàn, cấp EVN Hà Nội, nên các cấp cơ sở mới thường xuyên tạo điều kiện cho người lao động hoạt động VNQC. Ngoài ra, các cán bộ, viên chức sau giờ làm còn tự tổ chức và tham gia nhiều câu lạc bộ thơ, khiêu vũ, nhạc cụ… nhằm mục đích thỏa mãn đam mê, sở thích, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng và giao lưu, giải trí.

Địa bàn EVN Hà Nội nằm tại Thủ đô, nơi hội tụ và giao thoa nhiều tinh hoa văn hóa. Hiện nay, các dịch vụ giải trí phong phú về quy mô và hình thức hoạt động, nên ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào VNQC tại các đơn vị cơ sở. Các đơn vị nằm tại địa bàn nội thành, nơi có nhiều dịch vụ giải trí và trình độ dân trí cao hơn sẽ có nhu cầu thưởng thức VNQC cao hơn. Các đơn vị nằm ở ngoại thành, nơi còn có nhiều khó khăn về kinh tế và ít dịch vụ giải trí sẽ có nhu cầu khác hơn, cụ thể là không chú trọng đến hoạt động VNQC, nhiều khi chỉ tham gia để hoàn thành nhiệm vụ. Dựa vào đặc điểm, tình hình thực tế của từng đơn vị mà các hoạt động VNQC được tổ chức khác nhau dẫn đến nhu cầu thưởng thức văn nghệ khác nhau. Nhiều đơn vị, hoạt động VNQC chỉ xuất hiện ở một phía. Nghĩa là, có một lượng không nhiều tích cực hoạt động, còn đại bộ phận thành viên chỉ thưởng thức. Ở những đơn vị đó, có thể gọi là “hoạt động quần chúng xem văn nghệ” chứ không phải “hoạt động VNQC”. 

Vai trò của quản lý với hoạt động VNQC

Thứ nhất, hoạt động quản lý giúp quan tâm và đầu tư tốt hơn cho hoạt động VNQC của EVN Hà Nội. Lãnh đạo tạo điều kiện triển khai văn bản quản lý hoạt động VNQC kịp thời. Chỉ thị Liên tịch số 427/CTLT-EVN-CĐĐVN ngày 12-2-2014 của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công đoàn Điện lực Việt Nam về tổ chức hội diễn văn nghệ được lãnh đạo EVN Hà Nội triển khai thực hiện tại đơn vị thành viên như: Cuộc thi Tiếng hát công nhân viên chức lao động năm 2019, các chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng. Hằng năm, EVN Hà Nội chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tốt hoạt động VNQC phục vụ mục đích chính trị như: Cuộc thi Tiếng hát Đoàn viên, người lao động chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, hướng tới Đại hội VI Công đoàn Điện lực Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028. Nhờ có công tác quản lý hoạt động VNQC, lãnh đạo EVN Hà Nội đã tổ chức phong phú hoạt động giao lưu, giải trí cho cán bộ, viên chức như Hội thi Ảnh và Thơ tổ chức thường niên vào dịp đầu Xuân. Lãnh đạo chú trọng quản lý hoạt động VNQC giúp việc tổ chức diễn ra thường xuyên, từ đó phát hiện được các hạt nhân văn nghệ là các cán bộ, viên chức của EVN Hà Nội.

Thứ hai, hoạt động quản lý giúp duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng hoạt động VNQC. Lãnh đạo EVN Hà Nội đã giao cho Công đoàn làm đầu mối quản lý và phối hợp với các bộ phận Đoàn Thanh niên, Ban Nữ công tổ chức tốt hoạt động VNQC tại đơn vị và các công ty thành viên. Ban Nữ công có vai trò huy động các cán bộ, nhân viên nữ tích cực tham gia hoạt động VNQC. Hiện nay, các hoạt động VNQC được EVN Hà Nội tổ chức thường niên như một nét đẹp về văn hóa của Công ty. Cùng với đó, chất lượng của hoạt động VNQC cũng ngày càng được trau dồi, cải thiện tốt hơn.

Thứ ba, quản lý hoạt động VNQC tại EVN Hà Nội có vai trò phát triển đời sống tinh thần cho người lao động. Tổ chức hoạt động VNQC hướng đến nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần định hướng giáo dục, định hướng lối sống, thẩm mỹ của người xem. Thông qua VNQC để truyền tải những giá trị tốt đẹp về hình ảnh con người, văn hóa đất nước và đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn nghệ của quần chúng. Đặc thù môi trường làm việc của cán bộ, viên chức, người lao động ngành Điện lực phải làm việc ở bên ngoài, dưới thời tiết nắng nóng, vất vả, chính vì vậy, hoạt động VNQC như “món ăn tinh thần”, là thời gian thư giãn, nơi tái tạo năng lượng sản xuất, cơ hội để những cán bộ, viên chức tại EVN Hà Nội có cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc với nhau nhằm gắn kết mối quan hệ công việc và giải trí sau những giờ làm việc, cống hiến hết mình.

Thứ tư, góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cổ động cho nhiệm vụ chính trị. Thông qua hoạt động quản lý VNQC, lãnh đạo, Công đoàn EVN Hà Nội đã có nhiều hình thức tuyên truyền gần gũi, có hiệu quả cao tới các thành viên như đưa ra những tiết mục văn nghệ mang tính xây dựng hình ảnh, tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, đất nước, những chương trình VNQC sáng tạo, phù hợp với nét đẹp văn hóa của EVN Hà Nội, phù hợp với những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Đây là một trong những vai trò rất là tích cực của hoạt động VNQC.

Thứ năm, quản lý hoạt động VNQC có vai trò góp phần phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân VNQC. Thông qua việc tham gia hoạt động VNQC của EVN Hà Nội, phát hiện được những nhân sự có năng khiếu, yêu thích và tham gia tích cực hoạt động văn nghệ. Mỗi khi tổ chức hoạt động VNQC, lãnh đạo EVN Hà Nội phối hợp với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, mời những người có chuyên môn về dàn dựng chương trình, từ đó các hạt nhân được hướng dẫn và phát hiện. Đội ngũ tham gia hoạt động văn nghệ là các nhân viên, lao động trẻ, có tinh thần hăng hái tham gia các hoạt động phong trào. Bên cạnh đó, một số cán bộ, viên chức, người lao động lớn tuổi có giọng hát tốt, yêu thích văn nghệ, thích làm thơ, nhiếp ảnh cũng là nguồn hạt nhân của hoạt động VNQC. Việc quản lý hoạt động VNQC đã bồi dưỡng họ, giúp họ phát huy tài năng và cống hiến hết mình cho tổ chức, tuyên truyền những tư tưởng tốt đẹp cho những người xung quanh.

Có thể nói, công tác quản lý hoạt động VNQC đã được EVN Hà Nội quan tâm, điều này có vai trò quan trọng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của EVN Hà Nội, đáp ứng nhu cầu giao lưu, giải trí của cán bộ, viên chức và phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân của hoạt động VNQC. Vì vậy, quản lý hoạt động VNQC cần được duy trì để phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc, của truyền thống EVN Hà Nội.

__________________

1. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại Từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.823.

2. Trần Độ, Thử bàn về văn nghệ quần chúng, văn nghệ nghiệp dư, văn nghệ dân gian, trong Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Văn Bính, Một số vấn đề về văn hóa văn nghệ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007.

2. Đinh Xuân Dũng, Mấy cảm nhận về văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004.

NGUYỄN NGỌC TUYẾT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;