Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa)

Trong nhiều năm qua, hoạt động văn hóa thông qua thiết chế nhà văn hóa, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (VHTTTTDL) huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa luôn được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao dân trí, tác động tích cực đến đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra không ít những vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu, chỉ đạo và hướng dẫn nhằm thúc đẩy cho sự phát triển vững chắc của văn hóa trong thời kỳ mới.

Huyện Vĩnh Lộc công bố quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (3-12-2019) - Nguồn: http://vinhloc.thanhhoa.gov.vn/

1. Thực trạng về quản lý hoạt động tại Trung tâm VHTTTTDL huyện Vĩnh Lộc

Quản lý hoạt động câu lạc bộ (CLB)

Hiện nay trên địa bàn huyện có 246 CLB văn hóa văn nghệ bao gồm: 1 CLB chèo, 1 CLB tuồng cổ, 1 CLB văn nghệ vùng di sản, 108 CLB văn nghệ liên thế hệ tại 108 thôn, 65 CLB văn nghệ khối cơ quan văn hóa, 70 CLB gia đình hạnh phúc, 85 CLB thể dục thể thao. Các CLB được tổ chức duy trì thường xuyên và đạt hiệu quả cao trong hoạt động.

Hằng năm, Trung tâm đều có kế hoạch xây dựng các nội dung hoạt động tới các xã tại địa bàn trên cơ sở hướng dẫn của phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT). Hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cho cán bộ văn hóa cơ sở vừa là chức năng, vừa là nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm văn hóa cấp huyện. Thời gian qua, mặc dù Trung tâm đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế. Kinh phí Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và đào tạo cán bộ cho Trung tâm chỉ mới đáp ứng một phần chi phí duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao còn ở mức thấp. Điều này gây khó khăn cho việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tại chỗ cho cán bộ văn hóa cơ sở lẫn việc cử cán bộ của Trung tâm đi học nâng cao trình độ bên ngoài.

Quản lý hoạt động tuyên truyền - cổ động

Cơ quan và đơn vị chịu trách nhiệm chính tổ chức quản lý và tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị (ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương, các đợt tuyên truyền cổ động trực quan của Trung ương và tỉnh phát động…) do phòng VHTT và Trung tâm đảm nhiệm, thời gian tuyên truyền trực quan thực hiện theo kế hoạch tuyên truyền của tỉnh. Đến nay các bảng thông tin, tuyên truyền trực quan phân bố như sau: tại huyện Vĩnh Lộc hiện có 3 tranh cổ động lớn tại trung tâm huyện và ngã ba; tại Trung tâm của huyện có 2 bảng tuyên truyền cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị, xây dựng tại vị trí trung tâm huyện có diện tích từ 30m2-60m2; trên các tuyến đường chính của huyện, thị trấn có bảng hộp đèn được treo trên cột đèn chiếu sáng, băng rôn được treo ngang đường.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện, các hoạt động thông tin, tuyên truyền cổ động từ huyện đến các xã ngày càng khởi sắc và đạt hiệu quả, vừa bảo đảm nhiệm vụ tuyên truyền, vừa nâng cao đời sống văn hóa xã hội, tạo không khí tưng bừng của các ngày hội lớn.

Quản lý tổ chức sự kiện VHTTTTDL

Các sự kiện được tổ chức tại trung tâm luôn được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động. Tuy nhiên, do hạ tầng cơ sở đã được đầu tư xây dựng từ lâu nên đối với các sự kiện lớn, Trung tâm không đáp ứng được nhu cầu sức chứa cũng như nội dung hoạt động. Cán bộ của Trung tâm đa số chưa được đào tạo cơ bản về tổ chức sự kiện, nên còn lúng túng khi tổ chức các sự kiện có quy mô lớn. Chính vì vậy cần phải được tài trợ từ các đơn vị khác.

Quản lý công tác tổ chức cán bộ

Trung tâm VHTTTTDL hiện có 14 cán bộ, viên chức (thiếu 2 biên chế được giao). Trong đó, về trình độ chuyên môn có: 1 thạc sĩ, 11 đại học, 2 trung cấp. Số lượng viên chức với trình độ chuyên môn phù hợp, cơ bản đáp ứng với vị trí việc làm theo quy định. Cán bộ trung tâm đều có phẩm chất chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao, ý thức cầu tiến, ham học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành tốt nội quy, quy chế của cơ quan.

Quản lý tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ

Trung tâm VHTTTTDL phối hợp, hướng dẫn các xã, thị trấn, các đơn vị cơ sở tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Ở các thôn, làng đều có các CLB văn nghệ, CLB thể dục thể thao, thường xuyên luyện tập và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân và các sự kiện chính trị diễn ra tại địa phương. Hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em nhân tháng hành động vì trẻ em.

Quản lý hoạt động thư viện

Trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, tất cả các thôn đều có thư viện. Hoạt động phát hành sách đã mở rộng mạng lưới trên địa bàn toàn huyện, chuyển giao 1.000 bản sách thiếu nhi được tài trợ về các trường tiểu học và trung học cơ sở trong huyện. Hằng năm, thư viện còn mua bổ sung hàng trăm đầu sách mới phục vụ bạn đọc; duy trì mở cửa phục vụ bạn đọc 8 giờ/ ngày, 6 ngày/ tuần; thực hiện luân chuyển sách xuống tủ sách cơ sở làm phong phú về số lượng và chất lượng vốn tài liệu; tổ chức triển lãm, trưng bày sách theo các chuyên đề về các ngày lễ, kỷ niệm trong năm; tổ chức ngày hội sách và văn hóa đọc, hội thi tuyên truyền giới thiệu sách cho các cháu thiếu nhi trên địa bàn huyện. Do kinh phí còn hạn hẹp, số lượng sách mới phân bổ cho thư viện còn hạn chế chủ yếu là sách cấp, tặng nên chưa phong phú số lượng đầu sách cho thư viện.

Quản lý công tác xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Với sự đầu tư của Nhà nước và nguồn xã hội hóa từ nhân dân, thời gian qua, hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở như: nhà văn hóa, sân chơi thể thao xóm, nhà văn hóa trung tâm thị trấn trên địa bàn huyện đã được nâng cấp, xây dựng và từng bước phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

2. Giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức quản lý hoạt động của Trung tâm VHTTTTDL

Giải pháp về chính sách

Cần sự phối hợp nhất quán giữa các cấp chính quyền, các cấp quản lý trong việc ban hành những văn bản pháp lý phù hợp, thực sự mang lại hiệu quả thực tế. Các cấp quản lý cũng cần tiếp nhận thông tin từ phía UBND huyện nói riêng, các cấp quản lý cơ sở nói chung một cách nhanh chóng. Nếu các đề án, kiến nghị hợp lý thì cần triển khai ngay để mang lại hiệu quả một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, các cấp quản lý cần có những chính sách khuyến khích các cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa: miễn giảm thuế, đăng ký hoạt động… như vậy mới tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho các hoạt động văn hóa, tạo cơ sở thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và xã hội tham gia vào phát triển văn hóa, đồng thời giúp các nhà quản lý văn hóa làm tốt hơn vai trò của mình, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa.

Giải pháp về tổ chức hoạt động

Thứ nhất, mở rộng các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao: Công tác văn nghệ được trung tâm tăng cường hợp tác, mở rộng với các nghệ nhân, CLB, hạt nhân có năng khiếu về văn nghệ để luyện tập, bồi dưỡng chuyên môn. Từ những nhân tố đó xây dựng, lên phương án, đề xuất hỗ trợ kinh phí luyện tập để từ đó phục vụ tại chỗ hoạt động văn hóa, văn nghệ của Trung tâm, phục vụ các công tác hội nghị chính trị, tuyên truyền, cổ động nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và tham gia thi các giải văn nghệ của huyện. Bên cạnh đó, Trung tâm cần xây dựng mở rộng thêm các khu tập luyện, nhà thi đấu để người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao; đầu mối với các nhà trường để mở các câu lạc bộ năng khiếu cho các em trên địa bàn: bơi, ca hát, múa… Đồng thời, phối hợp với các ngành, đoàn thể ở địa phương, hằng tuần, hằng tháng tổ chức sinh hoạt các CLB về văn hóa, thể thao; từ đó tạo ra sân chơi lành mạnh cho người dân.

 Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở: Tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp hoàn thiện, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao của cơ quan, đơn vị. Trung tâm cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các loại hình CLB, tổ chức các hoạt động phù hợp với các tổ chức đoàn thể khối, thôn và với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt của khối thôn, của các đoàn thể, các CLB, tránh sự nhàm chán, tạo sự mới mẻ hấp dẫn, thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia.

Thứ ba, mở rộng các hình thức thông tin tuyên truyền: Phát triển các hình thức hoạt động trong công tác thông tin, tuyên truyền, sử dụng internet nhằm tăng cường quản lý trong việc xử lý kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền ở cơ sở và những sự kiện trọng đại của tỉnh và huyện. Kiện toàn đội ngũ làm công tác thông tin tuyên truyền của Trung tâm, phòng VHTT huyện và ban văn hóa xã, thị trấn. Đầu tư trang thiết bị chuyên dụng hiện đại thay thế những thiết bị cũ, hỏng, lạc hậu, đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin, internet đến các xã, thị trấn trong toàn huyện.

Giải pháp huy động nguồn lực, cơ sở vật chất, kinh phí

Tạo điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, xã hội hóa đầu tư vào trung tâm. Chủ động liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc tìm nguồn tài trợ. Đẩy mạnh quá trình xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm thu hút toàn xã hội, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sáng tạo, cung cấp, phổ biến sản phẩm văn hóa, xây dựng cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội chung tay phát triển sự nghiệp văn hóa, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao hơn nữa mức hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân.

Giải pháp về tăng cường hợp tác, xã hội hóa

Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa phải được thực hiện đồng bộ ở nhiều mặt và đạt được những kết quả tích cực. Trong công tác xã hội hóa, các hoạt động văn hóa, các cấp ủy, chính quyền giữ vai trò nòng cốt, chuyển một phần công việc của Nhà nước cho nhân dân nhưng không giảm trách nhiệm, tăng cường đầu tư ngân sách, huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần cùng tham gia sáng tạo, liên doanh, liên kết, tài trợ…

Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức cho nhân dân và đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng về công tác xã hội hóa văn hóa. Các cán bộ của Trung tâm cũng cần năng động trong việc tìm các đối tác trong công tác xã hội hóa các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan để vừa tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương và cũng là tuyên truyền quảng bá cho các doanh nghiệp.

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trung tâm cần tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí nhân lực phù hợp với trình độ chuyên môn, sở trường, năng lực công tác và quy định mới hiện hành về quản lý, sử dụng viên chức. Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh của Nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ có tri thức, tinh thông nghề nghiệp, có chuyên môn giỏi, vững vàng về tư tưởng chính trị. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở cho cán bộ văn hóa ở cơ sở.

Bên cạnh đó, bản thân các cán bộ của trung tâm cần nỗ lực học hỏi trong việc đổi mới, sáng tạo cách thức tổ chức sinh hoạt, đổi mới phong cách làm việc, hướng đến thái độ phục vụ người dân đến tham gia hoạt động.

Giải pháp về thanh tra, kiểm tra, khen thưởng

Cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động của từng bộ phận đồng thời cũng cần có những đợt khảo sát, lấy ý kiến của người dân tham gia, cũng như lấy ý kiến về những hoạt động mà người dân mong muốn trung tâm tổ chức để có cái nhìn toàn diện, nhằm có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, tránh để việc tổ chức những hoạt động hình thức, không hữu ích.

Công tác khen thưởng đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, giải quyết hài hòa các quyền lợi của trung tâm, của tập thể với quyền lợi của cá nhân. Bên cạnh đó, cán bộ trung tâm cần mạnh dạn phê bình nhắc nhở, cũng như nâng cao phần tự sửa chữa những vướng mắc, yếu kém còn tồn tại trong công tác là những việc làm cần thiết hỗ trợ giúp cho công tác quản lý có hiệu quả. Trung tâm phải xây dựng các phong trào thi đua trong hoạt động văn hóa góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Nghiêm Mai Hương, Quản lý các câu lạc bộ thuộc Trung tâm văn hóa, 2012.

2. Nguyễn Văn Hy, Mấy vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hiện nay, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1985.

3. Nguyễn Hồng Phong, Quản lý hoạt động Nhà Văn hóa thành phố Thanh Hóa, Luận văn thạc sĩ quản lý văn hóa, Đại học Văn hóa, Hà Nội, 2015.

4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2164/QĐ-TTg, ngày 11-11-2013 về việc “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế Văn hóa - Thông tin cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030”, 2013.

5. Hoàng Vinh, Mấy vấn đề lý luận và thực tiêñ xây dựng văn hóa ở nước ta, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1999.

TS HÀ THÚY MAI - Ths LÊ THỊ QUÝ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;