Tóm tắt: Huyện Đông Anh, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, là một trong những vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Không chỉ là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể quý báu như Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh còn nổi tiếng với các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) độc đáo, bao gồm lễ hội truyền thống, nghề thủ công và các loại hình nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa và phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ, các di sản này đang đứng trước nguy cơ mai một nếu không được quan tâm bảo tồn và phát huy đúng mức. Bài viết đi sâu phân tích thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT trên địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Qua đó, tác giả đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy các DSVHPVT này một cách bền vững.
Từ khóa: bảo tồn, phát huy, di sản văn hóa phi vật thể, huyện Đông Anh.
Abstract: Intangible cultural heritage plays an extremely important role in maintaining and developing the cultural identity of a nation. It also contributes significantly to affirming a country’s cultural position and strength on the international stage. In the context of today’s globalization, preserving and promoting the values of intangible cultural heritage has become an urgent task. This is crucial not only for maintaining cultural diversity but also for protecting the spiritual values, traditions, and customs of communities. Dong Anh District, situated at the northern gateway of Hanoi, is a region with a rich historical and cultural heritage. While home to valuable tangible cultural heritage sites like the Co Loa Relic Site, Dong Anh is particularly renowned for its unique intangible cultural heritage, encompassing traditional festivals, crafts, and folk arts. However, amidst rapid urbanization and socio-economic development, these invaluable heritages face the risk of disappearing if not properly preserved and promoted. This article will analyze the current state of preserving and promoting intangible cultural heritage values within Dong Anh District, Hanoi. Through this analysis, the author will propose solutions for sustainably protecting and promoting these vital intangible heritages.
Keywords: preservation, promotion, intangible cultural heritage, Dong Anh district.
Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh) được tổ chức hằng năm vào tháng Giêng - Ảnh: thanhcoloa.vn
1. Tổng quan về DSVHPVT ở huyện Đông Anh
Huyện Đông Anh có diện tích tự nhiên 185,68 km2, quy mô dân số đạt hơn 437.000 người, có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (1). Vị trí địa lý đặc biệt của Đông Anh, vừa tiếp giáp với vùng đô thị phát triển, vừa là cửa ngõ ra vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng, đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa và lối sống. Trong lịch sử, Đông Anh không chỉ là nơi lưu giữ những chứng tích của văn hóa Cổ Loa - một trung tâm quyền lực của các thời kỳ Âu Lạc và An Dương Vương, mà còn là vùng đất có sự giao thoa và kế thừa nhiều giá trị văn hóa từ các triều đại phong kiến. Với bề dày lịch sử và sự phong phú về dân cư, huyện Đông Anh hiện nay là nơi lưu giữ nhiều loại hình DSVHPVT độc đáo, phản ánh đa dạng các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và nghệ thuật truyền thống của người dân nơi đây.
Theo số liệu của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện nay trên địa bàn huyện Đông Anh có 128 DSVHPVT được phân bố ở 23/24 xã, thị trấn (2). Cụ thể: loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có 23 di sản; loại hình tập quán xã hội có 59 di sản; loại hình lễ hội truyền thống có 29 di sản; loại hình nghề thủ công truyền thống có 8 di sản; loại hình tri thức dân gian có 9 di sản (3). Trong tổng số DSVHPVT trên địa bàn huyện có 18 di sản văn hóa cần ưu tiên bảo vệ: vật truyền thống, xã Bắc Hồng; hội cầu mát làng Quan Âm, xã Bắc Hồng; nghệ thuật bắn nỏ, xã Cổ Loa; hát tuồng cổ tại thôn Mít, xã Cổ Loa; nghề làm bún ở thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa; tri thức làm bỏng Chủ, xã Cổ Loa; nghệ thuật múa sư tử thôn Lại Đà, xã Đông Hội; tri thức sơn mài làng Châu Phong, xã Liên Hà; tri thức nấu cháo cói thôn Thái Bình, xã Mai Lâm; vật truyền thống thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm; nghệ thuật múa rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm; hội đền Sái, thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm; tri thức trồng lúa nếp cái hoa vàng, thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm; nghề chạm khắc gỗ mỹ thuật Thiết Úng, xã Vân Hà; nghệ thuật hát tuồng cổ thôn Dục Nội, xã Việt Hùng và 1 di sản văn hóa thuộc danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (ca trù, làng Lỗ Khê, xã Liên Hà) (4).
Một số DSVHPVT tiêu biểu trên địa bàn huyện Đông Anh có thể kể đến lễ hội Cổ Loa được tổ chức hằng năm vào tháng Giêng. Lễ hội này không chỉ nhằm tưởng nhớ Vua An Dương Vương và truyền thuyết về nỏ thần, mà còn là dịp để người dân địa phương và du khách tham gia vào các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian. Bên cạnh lễ hội Cổ Loa, nhiều làng xã trong huyện còn tổ chức các lễ hội riêng mang đậm bản sắc dân tộc và tín ngưỡng truyền thống. Bên cạnh đó, huyện Đông Anh cũng là nơi bảo tồn và phát triển nhiều nghề thủ công truyền thống như: nghề dệt, nghề đúc đồng, nghề mộc. Những làng nghề như làng nghề Thiết Úng, làng nghề Liên Hà, không chỉ là nơi sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao mà còn lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc. Đông Anh cũng là một trong những địa phương giữ được các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như hát chèo, hát ca trù và múa rối nước. Những loại hình nghệ thuật này không chỉ là phương tiện giải trí mà còn phản ánh những giá trị tinh thần, triết lý sống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
2. Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT ở huyện Đông Anh
Thời gian qua, các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương trên địa bàn huyện Đông Anh rất quan tâm bảo tồn các loại hình DSVHPVT. Năm 2016, UBND huyện Đông Anh đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị sản sản văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2021 (5), trong đó có nội dung về các công việc bảo vệ và phát huy giá trị của các DSVHPVT.
UBND huyện Đông Anh đã tập trung nguồn lực chú trọng đến việc khôi phục và duy trì các lễ hội truyền thống, đặc biệt là lễ hội Cổ Loa. Các nghi lễ truyền thống trong lễ hội được tái hiện một cách chân thực, giúp người dân và du khách có thể hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương. Các làng nghề truyền thống tại Đông Anh như làng nghề mộc Liên Hà, làng Thiết Úng đang được đầu tư để phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, các nghệ nhân cũng được khuyến khích truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ nhằm bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống.
Các DSVHPVT tiêu biểu được UBND huyện quan tâm xây dựng hồ sơ khoa học như: lễ hội rước kiệu ở thôn Thụy Hà, xã Bắc Hồng; lễ hội rước nước tại đình làng Xuân Canh, xã Xuân Canh; lễ hội kéo lửa thổi cơm ở xã Xuân Nộn; lễ hội kén rể, thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn; múa rối nước làng Đào Thục, xã Thụy Lâm…
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh thường xuyên tham mưu cho UBND huyện để đưa ra các hoạt động nhằm tăng cường giáo dục về di sản văn hóa: các trường học tại Đông Anh đã tổ chức nhiều chương trình giáo dục về di sản văn hóa, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Những buổi học ngoại khóa, tham quan các di tích lịch sử văn hóa cũng được triển khai thường xuyên để tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm và tiếp xúc với các di sản văn hóa.
Mặc dù huyện Đông Anh có nhiều loại hình DSVHPVT phong phú, đa dạng, được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị, nhưng công tác bảo tồn vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức:
Sự mai một của các giá trị văn hóa truyền thống: dưới tác động của quá trình đô thị hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Các lễ hội truyền thống, mặc dù vẫn được tổ chức, nhưng đã mất đi một phần ý nghĩa và giá trị tinh thần so với trước đây. Các loại hình nghệ thuật dân gian như ca trù, múa rối nước ngày càng ít được biểu diễn và không thu hút khán giả.
Thiếu sự quan tâm và đầu tư đúng mức: một số DSVHPVT chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư cần thiết từ chính quyền địa phương và các bên liên quan. Việc bảo tồn di sản vẫn chủ yếu dựa vào các nỗ lực tự phát của cộng đồng, thiếu sự hỗ trợ về tài chính và cơ sở vật chất từ phía Nhà nước.
Thế hệ trẻ thiếu hiểu biết về di sản: trong bối cảnh xã hội ngày càng bị cuốn vào lối sống hiện đại và công nghệ số, giới trẻ ít có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống. Điều này dẫn đến nguy cơ mất mát các giá trị di sản qua các thế hệ.
Để tháo gỡ những khó khăn này, đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ và sự phối hợp của các cấp, các ngành và cộng đồng địa phương nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT trên địa bàn huyện Đông Anh.
3. Giải pháp bảo tồn và phát huy DSVHPVT tại Đông Anh
Một là, nâng cao nhận thức cộng đồng
Việc bảo tồn DSVHPVT không thể thành công nếu thiếu sự tham gia tích cực của cộng đồng. Do đó, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cộng đồng cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản thông qua các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian, các cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa địa phương.
Hai là, đào tạo và phát triển đội ngũ kế thừa
Các loại hình DSVHPVT như nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống đòi hỏi sự tiếp nối giữa các thế hệ. Chính quyền cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các nghệ nhân, người có kỹ năng đặc biệt truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Đồng thời, việc thành lập các câu lạc bộ, tổ chức văn hóa dân gian có thể là một cách hiệu quả để bảo tồn và phát triển di sản trong cộng đồng.
Ba là, phát triển du lịch văn hóa gắn liền với di sản
Một trong những phương hướng hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT là phát triển du lịch văn hóa. Du lịch văn hóa gắn liền với di sản không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho địa phương mà còn là cách thức giúp giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Để phát triển du lịch văn hóa tại huyện Đông Anh, các giải pháp sau có thể được xem xét:
Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng: các lễ hội truyền thống như lễ hội Cổ Loa, lễ hội đền Sái có tiềm năng trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Đông Anh. Bên cạnh việc tổ chức lễ hội, cần phát triển thêm các dịch vụ đi kèm như trải nghiệm nghề thủ công, tham quan làng nghề truyền thống, biểu diễn nghệ thuật dân gian để du khách có thể tiếp cận sâu hơn với văn hóa địa phương.
Đẩy mạnh quảng bá du lịch: chính quyền và các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh du lịch văn hóa của Đông Anh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến về du lịch. Ngoài ra, việc hợp tác với các công ty du lịch lữ hành trong và ngoài nước để đưa Đông Anh vào danh sách các điểm đến du lịch văn hóa là cần thiết.
Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch: Đông Anh cần đầu tư phát triển hệ thống giao thông, nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng phục vụ du khách. Các làng nghề cũng cần xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm, nơi trưng bày và bán sản phẩm thủ công để kết nối du khách với văn hóa địa phương.
Tổ chức các chương trình du lịch trải nghiệm: các tour trải nghiệm được thiết kế để du khách có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động như học làm nghề thủ công, tham gia biểu diễn nghệ thuật dân gian hoặc tham gia các nghi lễ trong các lễ hội. Những trải nghiệm này giúp du khách cảm nhận sâu sắc hơn về các giá trị DSVHPVT của Đông Anh.
Bốn là, tăng cường giáo dục di sản văn hóa trong trường học
Giáo dục di sản văn hóa là một trong những giải pháp then chốt để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững. Để thực hiện điều này, huyện Đông Anh có thể tăng cường sự liên kết giữa giáo dục và di sản văn hóa thông qua các hoạt động sau:
Đưa di sản vào chương trình học: các giá trị DSVHPVT của Đông Anh có thể được lồng ghép vào chương trình giảng dạy tại các trường học trên địa bàn huyện. Các môn học như lịch sử, văn học và giáo dục công dân có thể tích hợp nội dung về di sản văn hóa, từ đó giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của địa phương.
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa về di sản: Ngoài việc đưa nội dung di sản vào chương trình học chính thức, các trường học cần tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa như tham quan các di tích lịch sử, tham gia các lễ hội truyền thống, học làm các sản phẩm thủ công truyền thống... Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh có kiến thức thực tiễn mà còn khơi dậy tình yêu và lòng tự hào về di sản văn hóa của quê hương.
Xây dựng mô hình “Nhà trường với di sản”: theo mô hình này, các trường học sẽ hợp tác chặt chẽ với các nghệ nhân, các cơ sở văn hóa để tổ chức các buổi học trải nghiệm về di sản. Học sinh có cơ hội trực tiếp gặp gỡ, học hỏi từ những người gìn giữ di sản, từ đó tạo ra sự gắn kết sâu sắc hơn giữa thế hệ trẻ với các giá trị truyền thống.
Năm là, hỗ trợ nghệ nhân và cộng đồng giữ gìn di sản
Nghệ nhân là những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và truyền dạy DSVHPVT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều nghệ nhân cao tuổi đang gặp khó khăn trong việc duy trì và truyền lại nghề cho thế hệ trẻ. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể dành cho các nghệ nhân và cộng đồng giữ gìn di sản. Công nhận và tôn vinh nghệ nhân: các nghệ nhân giữ gìn các loại hình DSVHPVT như nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống cần được công nhận và tôn vinh xứng đáng. Cần có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các nghệ nhân, như trợ cấp cho những người làm nghề, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, hoặc trợ cấp hằng tháng cho nghệ nhân cao tuổi. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ: việc truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ là yếu tố quan trọng để duy trì DSVHPVT. Chính quyền cần có các chương trình hỗ trợ, như tổ chức các lớp học nghề miễn phí, tài trợ các khóa học đào tạo nghệ nhân trẻ, hay khuyến khích các làng nghề tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu.
Sáu là, tăng cường vai trò của truyền thông trong bảo tồn DSVHPVT
Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của DSVHPVT. Cần tăng cường hơn nữa việc sử dụng truyền thông để quảng bá và giới thiệu các loại hình di sản văn hóa của Đông Anh đến rộng rãi công chúng. Các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, đài phát thanh, báo chí và internet cần đẩy mạnh việc giới thiệu về các DSVHPVT của Đông Anh. Các chương trình truyền hình, phim tài liệu, phóng sự về lễ hội, làng nghề và nghệ thuật dân gian có thể thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách. Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng các mạng xã hội và các nền tảng số cũng trở thành công cụ hữu hiệu để truyền bá văn hóa. Các trang Facebook, YouTube, Instagram của huyện Đông Anh và các tổ chức văn hóa địa phương có thể đăng tải video, hình ảnh và bài viết về di sản văn hóa. Các chương trình livestream về lễ hội hoặc sự kiện văn hóa cũng có thể thu hút sự quan tâm của giới trẻ và cộng đồng quốc tế.
4. Kết luận
Việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT trên địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. DSVHPVT không chỉ là nguồn lực văn hóa, mà còn là tài sản quý báu góp phần định hình bản sắc và lịch sử của một dân tộc. Để bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan. Các giải pháp bảo tồn cần được thực hiện đồng bộ, từ việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường giáo dục di sản, hỗ trợ nghệ nhân đến phát triển du lịch văn hóa. Đồng thời, vai trò của truyền thông và mạng xã hội cần được đẩy mạnh nhằm quảng bá và lan tỏa các giá trị di sản đến với đông đảo công chúng. Chỉ khi có sự quan tâm, đầu tư đúng mức và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, DSVHPVT tại Đông Anh mới có thể được bảo tồn và phát huy bền vững, góp phần xây dựng một cộng đồng văn hóa phát triển hài hòa trong tương lai.
___________________
1. Hữu Hưng, Huyện Đông Anh trước ngày trở thành 1 quận của TP Hà Nội, nld.com.vn, 13-8-2023.
2, 3, 4. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Danh mục di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2016.
5. UBND huyện Đông Anh, Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2021, 2016.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 9-10-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 20-11-2024; Ngày duyệt đăng: 23-1-2025.
TS NGUYỄN TRI PHƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025