Khung năng lực số trong đào tạo kỹ năng thông tin cho người dùng tin tại thư viện đại học

Nhu cầu về nguồn nhân lực có năng lực số (NLS) đang là vấn đề xã hội quan tâm trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Các nội dung hướng dẫn kỹ năng thông tin (KNTT) cho người dùng tin (NDT) tại các thư viện đại học giúp họ phát triển kỹ năng, tìm kiếm, khai thác, đánh giá, chọn lọc và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin vào hoạt động nghiên cứu, học tập.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, ngoài kiến thức thông tin, NDT cần có NLS để thích ứng với nhu cầu xã hội đặt ra. Khung NLS là nền tảng để xây dựng các nội dung đào tạo KNTT nhằm nâng cao NLS cho NDT. NLS giúp NDT tham gia một cách tích cực và chủ động trên môi trường số. Vì vậy, thư viện đại học song song với quá trình phát triển nguồn học liệu số cần chú trọng phát triển NLS cho NDT thông qua các nội dung hướng KNTT. NDT không chỉ là người sử dụng nguồn tài nguyên thông tin số, mà còn là người tham gia vào quá trình thẩm định, đánh giá, xuất bản thông tin số, quản trị nguồn thông tin số.

Chuyển đối số đang là xu hướng chung của thế giới, đã và đang tác động đến tất cả ngành nghề, gắn liền việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của con người. Công nghệ số mang đến cho NDT nhiều cơ hội cũng không ít thách thức. Đòi hỏi NDT phải có NLS để nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu xã hội đặt ra. Đồng thời NLS là cơ hội tốt để NDT làm chủ công nghệ trong tiến trình chuyển đổi số. Thư viện đại học thông qua chương trình đào tạo KNTT thiết kế các nội dung có liên quan để giúp NDT hình thành, phát triển kỹ năng tìm kiếm, chọn lọc, đánh giá, quản trị nguồn học liệu số và sử dụng hiệu quả vào quá trình học tập, nghiên cứu. Đồng thời, NDT nắm vững nội dung, phát triển kiến thức, tự định hướng và kiểm soát tốt với việc khai phá nguồn tài nguyên thông tin phục vụ cho việc học tập suốt đời.

1. Một số khái niệm cơ bản

Chuyển đổi số ở Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ khi chương trình Chuyển đổi số quốc gia được phê duyệt, đặc biệt là chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30-12-2021, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh về nguồn học liệu số phục vụ cho hoạt động dạy và học “Hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học vào năm 2025”.

NLS

UNESCO định nghĩa: “NLS là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho các công việc từ đơn giản đến phức tạp cũng như khởi nghiệp. NLS là tổng hợp của năng lực sử dụng máy tính, năng lực công nghệ thông tin, năng lực thông tin và năng lực truyền thông” (1). NLS là một trong những năng lực quan trọng giúp NDT có thể sử dụng những kiến thức, kỹ năng có được thông qua việc tiếp cận các lớp hướng dẫn, đào tạo hay qua quá trình tự học, tự đào sâu khai phá kiến thức có được của cá nhân, để thực hiện thành công nhiệm vụ cũng như phục vụ hữu ích cho hoạt động học tập suốt đời. Nghĩa là, NDT vừa có những trải nghiệm vừa ứng dụng vào các hoạt động học tập, nghiên cứu và thực tiễn.

Kiến thức số

Mô hình kiến thức số của Ủy ban Hệ thống thông tin liên kết đề cập đến 7 thành tố: kiến thức truyền thông, giao tiếp và kết nối, quản trị nhận dạng cá nhân và công việc, kiến thức công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ năng học tập, học thuật số và kiến thức thông tin. Mô hình 7 thành tố “nhấn mạnh đến kiến thức để học tập trong môi trường số, kiến thức thông tin và kiến thức công nghệ thông tin” (2).

Kỹ năng thông tin

“KNTT không phải là một tập hợp những nhiệm vụ hay kỹ năng thuộc về cá nhân, mà chính là cách thức tư duy cho phép các cá nhân trở thành những người suy nghĩ linh hoạt, và những người học tập suốt đời. Họ là những người sẽ gặt hái được nhiều thành công trong thời đại thông tin” (3).

NLS, kiến thức số, KNTT đều chú trọng đến sự phát triển kiến thức, kỹ năng, hình thành NLS cho NDT. Đặc biệt, các khái niệm nhấn mạnh vấn đề hỗ trợ NDT phát triển năng lực thông tin, kiến thức thông tin, có KNTT để tìm kiếm, khai phá kiến thức số, quản trị nguồn thông tin số. NDT nhận biết nhu cầu thông tin cá nhân, tìm kiếm, khai thác, sử dụng hiệu quả kiến thức thông tin, quản trị thông tin số và tham gia vào quá trình sản xuất thông tin số trong môi trường học thuật.

2. Sự cần thiết khung NLS trong đào tạo KNTT cho NDT tại thư viện đại học Việt Nam

Vấn đề đào tạo KNTT cho NDT tại thư viện đại học hiện nay

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, NDT dễ dàng tìm được nguồn tài nguyên thông tin số họ cần dùng. Nhưng NDT chưa chắc có khả năng thẩm định, đánh giá để chọn lọc nguồn tài nguyên thông tin học thuật hữu ích; hay sự am hiểu về bản quyền, sự chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin số trên môi trường internet và truyền thông. Công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách NDT học, giao tiếp, định vị thông tin và thu nhận kiến thức. Vấn đề đặt ra, dịch vụ đào tạo KNTT cho NDT tại thư viện đại học hỗ trợ NDT có khả năng nhận biết nguồn thông tin đáng tin cậy, nguồn trích dẫn. Am hiểu và tuân thủ sự liêm chính trong học thuật, cũng như biết cách bảo vệ tài sản trí tuệ của họ. Đồng thời, NDT có kỹ năng giao tiếp, tương tác trên môi trường số. NDT có NLS để phục vụ hiệu quả cho hoạt động học tập, nghiên cứu hay hoạt động nghề nghiệp.

NLS là sự kết hợp của nhiều năng lực khác nhau, trong đó năng lực thông tin rất quan trọng. NDT có năng lực thông tin biết cách tiếp cận các nguồn thông tin học thuật, tương tác với thế giới thông tin, hiểu và sử dụng nguồn thông tin hợp lệ theo quy định pháp luật. Hơn thế nữa, họ còn tham gia vào quá trình sản xuất thông tin, chia sẻ thông tin và quản trị tốt nguồn thông tin trên không gian số. NDT có NLS là một nền tảng tốt cho việc học tập suốt đời, có giá trị đối với mọi ngành nghề và giúp định hướng cho NDT trong việc kiểm soát tốt hơn việc học tập, nghiên cứu của họ.

Thư viện một số trường đại học ở Việt Nam đã xây dựng những nội dung cụ thể đối với hoạt động đào tạo KNTT cho NDT; nội dung được thiết kế phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng NDT. Thí dụ, Thư viện Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã xây dựng nội dung cho từng đối tượng NDT hướng tới mục tiêu giúp NDT phát triển kỹ năng tự học, tự nghiên cứu hay tham gia vào hoạt động xuất bản, thể hiện qua các chuyên đề: kiểm tra tỷ lệ tương tự trong công bố quốc tế; khai thác hiệu quả thư viện phục vụ nghiên cứu khoa học sinh viên; Phát triển kỹ năng đọc hiểu hiệu quả tài liệu chuyên ngành viết bằng tiếng Anh; Thực hành khai thác tài nguyên giáo dục mở; Khai thác hiệu quả thư viện phục vụ cho nghiên cứu khoa học dành cho đối tượng học viên sau đại học; Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu Web of Science; Hướng dẫn sử dụng công cụ InCtites và Journal Citation Reports; Hướng dẫn sử dụng Endnote…

Nội dung hướng dẫn KNTT cho NDT tại Trung tâm Học liệu Trường Đại học Cần Thơ được chia theo các chuyên đề: Tìm tin hiệu quả trên Internet; Tra cứu các Cơ sở dữ liệu tạp chí điện tử; Vấn đề bản quyền - Trích dẫn tài liệu và sử dụng phần mềm trích dẫn tài liệu Zotero. NDT đăng ký tham gia học miễn phí với chuyên đề phù hợp với nhu cầu của cá nhân.

Chúng tôi tiến hành khảo sát 121 NDT tham gia nội dung hướng dẫn KNTT của Trung tâm Học liệu Trường Đại học Cần Thơ, từ tháng 8-2022 đến cuối tháng 9-2022. Họ cho biết một số khó khăn thường gặp khi tìm kiếm thông tin trên môi trường số: 70,2% NDT không kiểm tra được nguồn thông tin đáng tin cậy, 43,8% không tìm kiếm được nguồn tài nguyên thông tin hữu ích, 43% không biết cách chọn lọc nguồn tài nguyên thông tin và 20,7% không biết cách giới hạn nguồn tài nguyên thông tin.

Dịch vụ đào tạo NDT thông qua các lớp KNTT là dịch vụ hướng dẫn, định hướng và phát triển kỹ năng khai thác và tìm kiếm thông tin của NDT. Thực hiện hoạt động này, người làm thư viện phải am hiểu kiến thức thông tin để là nguồn thẩm định tin cậy của bạn đọc. Người làm thư viện hỗ trợ bạn đọc tăng cường hiểu biết về các nguồn thông tin, phân biệt nguồn tin có giá trị học thuật. Hơn thế nữa, cần biết sử dụng công nghệ và trở thành cầu nối giữa thông tin và NDT. Người làm thư viện có kỹ năng tìm kiếm, phân tích, đánh giá nguồn tài nguyên và liên kết nguồn thông tin với NDT.

Các thư viện đại học từ lâu đã giúp NDT phát triển kiến thức thông tin thông qua các lớp đào tạo NDT. Tuy nhiên, ngày nay NDT tại các thư viện đại học với những nhu cầu riêng biệt, khả năng hiểu biết thông tin ngày càng chuyên sâu và đa dạng, thư viện đại học cần thiết kế lại nội dung trong dịch vụ đào tạo KNTT, bổ sung các nội dung về đào tạo phát triển NLS.

Sự cần thiết khung NLS trong đào tạo KNTT tại các thư viện đại học

Thư viện đại học thiết kế nhiều nội dung khác nhau trong nội dung hướng dẫn KNTT, đặc biệt chú trọng xây dựng các nội dung phát triển NLS cho NDT, là tạo cơ hội cho NDT được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng liên quan đến quản lý tri thức, bản quyền và sở hữu trí tuệ.

121 NDT tham gia nội dung hướng dẫn KNTT của Trung tâm Học liệu Trường Đại học Cần Thơ khi được khảo sát, họ đánh giá NLS thật sự rất cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp. Chúng tôi tạm chia theo ba nhóm trong khung NLS: nhóm nhận thức và tiếp cận về công nghệ số, nhóm về năng lực thông tin và dữ liệu, nhóm về sáng tạo nội dung số. Cụ thể, nhóm về tiếp cận công nghệ số: nhận thức về sự ảnh hưởng của công nghệ số (93%), lựa chọn thiết bị số phù hợp (98%), biết sử dụng các thiết bị số (97%); nhóm về năng lực thông tin và dữ liệu: về nhận biết được nhu cầu của cá nhân (97%); triển khai các chiến lược tìm kiếm thông tin (96%); đánh giá nguồn thông tin (97%), quản lý tổ chức thông tin (95%), kiểm tra, phân tích và đánh giá nguồn thông tin số (95%), sử dụng thông tin theo quy định của pháp luật (98%); nhóm về sáng tạo nội dung số: sử dụng công cụ và công nghệ số để xây dựng và chia sẻ nguồn thông tin số (95%), cấp phép bản quyền trên môi trường số (96%). Sự phát triển của công nghệ đã dẫn tới sự thay đổi lớn về cách thức làm việc. NDT nhận thức tầm quan trọng của NLS trong giai đoạn hiện nay. NDT có NLS sẽ giúp họ có thể phát triển bản thân, nắm bắt nhiều cơ hội nghề nghiệp, đem lại lợi thế cạnh tranh.

Trong kỷ nguyên thông tin ngày nay, NDT có xu hướng tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin số cho hoạt động nghiên cứu học tập ngày trở nên phổ biến, mức độ rất thường xuyên và thường xuyên là 78,6%. NDT ưu tiên lựa chọn nguồn tài nguyên thông tin số phục vụ cho hoạt động học tập, nghiên cứu rất cao vì nhiều lợi ích mà nó mang lại. NDT có thể tìm kiếm thông tin bất cứ khi nào và ở đâu với thiết bị thông minh có kết nối internet. Ngoài ra, NDT dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin đa dạng, tiết kiệm thời gian và chi phí. NDT lựa chọn việc tiếp cận nguồn tài liệu số từ internet (93%), các nguồn tài nguyên số từ thư viện đại học (76,9%), từ cơ sở dữ liệu miễn phí (75,2%); từ cơ sở dữ liệu có phí (24,8%), trong khi nguồn tài nguyên thông tin từ sách chuyên khảo rất thấp (0,8%). NDT nhận định việc ứng dụng khung NLS vào hoạt động hướng dẫn KNTT sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp họ tăng cường khả năng tìm kiếm thông tin chính xác và hiệu quả. Họ xác định vấn đề thông tin cần tìm kiếm, xây dựng chiến lược tìm kiếm thông tin, cũng như biết cách chọn lọc những nguồn thông tin có liên quan đến vấn đề mà họ cần tìm. Đặc biệt, họ nâng cao khả năng phân tích và đánh giá chất lượng nguồn tài nguyên thông tin, tránh sử dụng những nguồn thông tin sai lệch. Mặt khác, NDT nhanh chóng tiếp cận các nguồn tài nguyên thông tin mới thông qua việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động tìm kiếm thông tin. NLS số giúp NDT hiểu và áp dụng các công cụ, phương pháp tìm kiếm thông tin một cách hữu hiệu, giúp cho quá trình tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, họ thừa nhận tầm quan trọng khung NLS trong đào tạo KNTT là rất quan trọng (42,5%), quan trọng (49,2%).

Thư viện đại học góp phần hỗ trợ cùng nhà trường hình thành NLS cho NDT là một trong những mục tiêu quan trọng trong giáo dục và đào tạo hiện nay. NDT có khả năng thay đổi và thích ứng với nhu cầu xã hội đặt ra. Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của xã hội hiện nay. Nó tác động đến mọi mặt đời sống của con người thông qua việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của tất cả ngành nghề. Con người cần hình thành NLS để đáp ứng những yêu cầu về nguồn nhân lực của xã hội hiện đại. “Báo cáo của Quỹ Thanh niên Úc chỉ ra rằng, nhu cầu của nhà tuyển dụng về các kỹ năng số đã tăng 200% trong ba năm vừa qua và trong vòng năm năm tới, con số này còn được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên nhanh chóng (4). NDT cần có NLS để thích ứng, am hiểu, sử dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu hoạt động nghề nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số.

Đề xuất khung NLS trong đào tạo KNTT tại các thư viện đại học

NLS rất quan trọng của NDT trong kỷ nguyên số hiện nay. Hỗ trợ phát triển NLS cho NDT là một nhiệm vụ quan trọng của thư viện đại học hiện tại và cả tương lai gần. NLS không chỉ là kiến thức kỹ thuật số mà là một tập hợp các kiến thức, kỹ năng cần thiết để sử dụng nhiều loại phương tiện, thông tin, công nghệ khác nhau và định vị, truy cập dữ liệu, thông tin và nội dung số; tìm kiếm, chọn lọc dữ liệu; tạo lập và làm mới chiến lược tìm kiếm thông tin; phân tích, so sánh đánh giá được mức độ tin cậy của nguồn thông tin số, chia sẻ tài nguyên thông tin số; hiểu cách trích dẫn, bản quyền, sở hữu trí tuệ. NDT có NLS để phát huy tối đa năng lực của bản thân, đáp ứng một cách tốt nhất với những yêu cầu mà xã hội đặt ra.

Hội đồng Thủ thư Đại học Úc (CAUL - Council of Australian University Librarians) đã đưa ra định nghĩa về NLS và xây dựng một khung NLS dựa trên khung năng lực của Ủy ban Hệ thống Thông tin liên kết (JISC - Joint Information Systems Committee). Họ coi NLS là một phần quan trọng trong sự thành công của xã hội số bao gồm: khả năng nhận thức và thực hành xã hội cần thiết để sử dụng các phương tiện, thông tin và công nghệ, đạt những lợi thế nhất định theo những cách độc đáo và có tính sáng tạo nhằm tối ưu hóa giá trị cá nhân, cơ quan tổ chức và doanh nghiệp.

Ba mô hình kiến thức số của Hiệp hội truyền thông mới (2016): mô hình phổ cập, mô hình kiến thức sáng tạo và mô hình kiến thức xuyên ngành. Trong đó, mô hình phổ cập đưa ra yêu cầu NDT quen thuộc với việc sử dụng công cụ kỹ thuật số. Với mô hình kiến thức sáng tạo gồm các kiến thức phổ cập và các kỹ năng công nghệ để cho ra những kiến thức phong phú hơn; mô hình kiến thức xuyên ngành đề cập đến việc phổ biến qua các lớp học khác nhau một cách phù hợp với mỗi bối cảnh học tập.

Từ định nghĩa NLS của UNESCO, Hội đồng Thủ thư Đại học Úc và Ba mô hình kiến thức số của Hiệp hội truyền thông mới, chúng tôi đề xuất xây dựng khung NLS trong nội dung hướng dẫn KNTT tại các thư viện đại học nhằm phát triển NLS cho NDT (bảng cột bên).

Trong quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30-12-2021 Phê duyệt chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Xác định kiến thức và kỹ năng số cơ bản và nâng cao đối với người lao động trên môi trường số; lồng ghép vào chương trình đào tạo, các môn học liên quan tới kỹ năng số, công nghệ thông tin nhằm cung cấp các kỹ năng số cơ bản, nâng cao cho người học”. Thư viện đại học bước vào kỷ nguyên thông tin, thời đại công nghệ số, phải nâng cao năng lực chuyên môn và rèn luyện kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Thư viện được xem như là giảng đường thứ hai của người học. Vì vậy, tổ chức môi trường học tập, hỗ trợ phát triển NLS cho NDT thông qua hướng dẫn KNTT cho NDT là vô cùng quan trọng. Sự hình thành NLS tạo cho NDT cơ hội khám phá, tiếp cận, khai thác và ứng dụng hiệu quả các nguồn học liệu số vào hoạt động học tập, nghiên cứu.

____________________

1. UNESCO, A Global Framework of Reference on Digital Literacy Skills for Indicator 4.4.2 (Khung tham chiếu toàn cầu về kỹ năng đọc viết kiến thức số cho Chỉ số 4.4.2), Viện Thống kê UNESCO, uis.unesco.org, 2018.

2. Vũ Thị Dung, Ngô Thị Huyền, Mô hình và khung kiến thức số, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 6, 2019, tr.27-33.

3. Kuhlthau, C.C, Seeking meaning: A process approach to library & information (Đi tìm ý nghĩa cho một quá trình tiếp cận tới thư viện & thông tin), proquest.com.

4. Trần Đức Hòa, Đỗ Văn Hùng, Khung năng lực số cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, Tạp chí Thông tin Tư liệu, tháng 1, 2021, tr.12-21.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30-12-2021 Phê duyệt chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thuvienphapluat.vn.

2. lib.tdtu.edu.vn.

3. lrc.ctu.edu.vn.

BÙI THỊ PHƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;