Phát triển tài nguyên giáo dục mở trong quá trình chuyển đổi số giáo dục đại học

Trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục đào tạo trên thế giới và tại Việt Nam, việc phát triển tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) mang lại những lợi ích nhất định. Bài viết giới thiệu về nguồn TNGDM; nêu ý nghĩa và những lợi ích mà TNGDM mang lại đối với các nhà giáo dục, với người học và các cơ sở đào tạo. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị phát triển TNGDM đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số giáo dục đại học hiện nay.

1. Chuyển đổi số trong giáo dục đại học

Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên của công nghệ, có thể thấy chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội nói chung và giáo dục đào tạo nói riêng. Chuyển đổi số tác động sâu rộng lên tất cả các ngành nghề lĩnh vực, góp phần chuyển đổi mô hình hoạt động, tối ưu nguồn lực, tăng năng suất lao động và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 đã xác định giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện (1).

Đối với giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy - học. Những hạn chế của mô hình lớp học truyền thống (không gian hạn chế, chi phí tổ chức cao, thời gian cố định…) sẽ được thay thế bởi các lớp học trực tuyến, lớp học từ xa. Tài nguyên học tập số sẽ trở nên phong phú, không gian thư viện không còn là địa điểm cố định, mà thư viện có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Ứng dụng của chuyển đổi số trong giáo dục được thể hiện trong các khía cạnh ở bảng trang 101 (2).

Nhìn vào bảng ở trang 101, có thể thấy việc phát triển nội dung số, bao gồm các tài liệu, bài giảng, bài tập và các tài nguyên học tập trực tuyến là một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Để thực hiện việc phát triển nội dung số thì xây dựng và phát triển nguồn TNGDM là yêu cầu thiết yếu.

Dù đã được đề cập đến nhiều từ khi bước sang TK XXI, tuy nhiên, thực tế việc chuyển đổi số trong giáo dục đại học diễn ra với tốc độ khá chậm. Chỉ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ đã tạo ra yêu cầu bắt buộc các cơ sở giáo dục phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Báo cáo của Công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu Gartner cho thấy, quá trình chuyển đổi số gồm sáu giai đoạn: chưa có ý tưởng gì; có mong muốn chuyển đổi số; thiết kế chuyển đổi số; triển khai chuyển đổi số; mở rộng phạm vi chuyển đổi số; gặt hái kết quả chuyển đổi số (3).

Với cách phân chia giai đoạn như trên, khảo sát năm 2018 của Gartner tại 98 quốc gia cho thấy tỷ lệ các cơ sở giáo dục đại học ở giai đoạn 1: 11%, giai đoạn 2: 23%, giai đoạn 3: 27%, giai đoạn 4: 24%, giai đoạn 5: 13%, giai đoạn 6: 2%.

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có khảo sát để đánh giá ít nhiều rõ ràng về hiện trạng chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, căn cứ vào việc triển khai giáo dục trực tuyến trong đại dịch COVID-19, theo số liệu cuối năm 2020, có thể khoảng 45% cơ sở giáo dục đại học đang ở giữa giai đoạn 3 và 4; còn lại 55% đang ở giai đoạn 1, 2 hoặc 3 (4). Tất cả các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đã triển khai giáo dục trực tuyến, vì vậy, việc xây dựng và phát triển TNGDM góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, từ đó tạo nên sự đổi mới mang tính đột phá trong dạy - học, quản trị và quản lý nhà trường.

2. Ý nghĩa của TNGDM trong chuyển đổi số giáo dục đại học

Tài liệu Khuyến cáo TNGDM của UNESCO năm 2019 nêu rõ: “TNGDM là các tư liệu dạy, học và nghiên cứu ở bất kỳ định dạng và phương tiện nào mà nằm trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền đã được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác không mất chi phí để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại”.

Ưu điểm nổi bật của TNGDM là người dùng khi muốn sử dụng các tài nguyên này không phải xin phép ai, kể cả tác giả, miễn là tuân thủ đúng các điều khoản và điều kiện của giấy phép mở. Bất kỳ người dùng nào trên thế giới đều có thể tự do không mất tiền để truy cập và khai thác các nguồn tài nguyên này, nếu họ biết tìm chúng ở đâu và biết cách sử dụng chúng với sự tuân thủ các điều khoản và điều kiện của giấy phép mở được gắn với chúng.

TNGDM hứa hẹn tạo ra nhiều chuyển biến lớn, là công cụ hiệu quả giúp bảo đảm cho tất cả mọi người quyền được tiếp cận bình đẳng với một nền giáo dục chất lượng, đồng thời tạo dựng thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời. Trong bối cảnh hoạt động truyền thông về TNGDM ngày càng phổ biến, cung cấp cho tất cả mọi người công cụ phù hợp để thay đổi thói quen học tập một cách cơ bản và lâu dài là việc cần thiết.

Những lợi ích cơ bản của việc ứng dụng và phát triển TNGDM góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học được thể hiện qua các khía cạnh sau:

Mở ra cơ hội học tập cho tất cả mọi người: Người học khắp nơi trên thế giới đều có quyền bình đẳng như nhau trong việc truy cập tới các tư liệu học tập chất lượng cao với nội dung thích hợp và cập nhật nhất.

Giảm giá thành phát triển học liệu và giảm giá thành giáo dục: TNGDM giúp tiết kiệm chi phí cho người học, vì chúng là tự do không mất tiền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại các tư liệu giáo dục.

Duy trì nội dung thích hợp và chất lượng cao, nhất là các TNGDM ở dạng số, vì chúng được các chuyên gia rà soát lại một cách minh bạch, được cập nhật liên tục và có những tính năng vượt trội mà các tài liệu in theo truyền thống không thể có.

Khuyến khích khả năng sáng tạo của người sử dụng: Đây được coi là lợi ích quan trọng nhất trong số các lợi ích của việc ứng dụng và phát triển TNGDM. Người sử dụng dựa vào các TNGDM có sẵn để tùy chỉnh, sửa đổi và sáng tạo ra tri thức mới phù hợp với các nhu cầu của chính họ, biến họ trở thành những người đồng sáng tạo, chứ không đơn giản là những người sử dụng thụ động tri thức. Về lợi ích quan trọng nhất này, tài liệu của UNESCO đã nhấn mạnh như sau: “Việc tùy chỉnh TNGDM có thể bao gồm việc dịch nội dung sang một ngôn ngữ khác, sửa đổi nội dung đang có để làm cho nó phù hợp với các bối cảnh của địa phương hoặc văn hóa vùng miền, hoặc làm lại tư liệu cho một môi trường hoặc cấp học khác” (5).

Việc ứng dụng và phát triển TNGDM trong thực tế ở nhiều trường đại học và cao đẳng ở nước Mỹ hiện nay cho thấy TNGDM mang lại nhiều lợi ích cả cho những người học, nhà giáo dục và cơ sở giáo dục. Cụ thể (6):

Đối với các nhà giáo dục: Đảm bảo cho mọi người học có truy cập tức thì và không giới hạn tới nội dung khóa học; Lựa chọn đối tác công nghệ thay vì bị khóa trói vào một nền tảng hoặc hệ thống nhất định; Có khả năng để sử dụng, sửa đổi và tùy biến thích nghi các tư liệu đang có mà không cần có sự cho phép bản quyền; Sẵn sàng trong nhiều định dạng (như HTML, PDF, ePUB) hoặc khả năng sản xuất tài nguyên ở các định dạng lựa chọn thay thế; Chủ sở hữu nội dung vĩnh viễn; Linh hoạt về khi nào và liệu có chuyển sang một ấn bản mới hay không.

Đối với những người học: Truy cập tới nội dung khóa học ở các định dạng thích hợp cho các thiết bị và tình huống khác nhau, bao gồm lựa chọn tải về tư liệu học tập khi không có truy cập internet; Khả năng chia sẻ nội dung trên các mạng xã hội và các diễn đàn công cộng, bao gồm các môi trường học tập kết hợp; Truy cập tới nội dung tức thì, không có giới hạn và vĩnh viễn; Khả năng in tất cả các tư liệu khóa học khi thuận tiện.

Đối với các cơ sở giáo dục: Tạo sự truy cập rộng hơn của người học tới các tư liệu khóa học, giúp người học nâng cao trình độ và/ hoặc giảm thiểu tỷ lệ thất bại, bỏ học; Gia tăng tác động và sự trực quan cho các nhà giáo dục để tạo lập và chia sẻ TNGDM, từ đó tác động tới sự phát triển của khóa học ở các cơ sở khác; Khả năng sư phạm được cải thiện, vì các nhà giáo dục có thể tùy chỉnh/ sửa đổi các tư liệu khóa học cho các mục đích học tập của họ thay vì làm cho nội dung khóa học “vừa” với sách giáo khoa được chỉ định; Làm giảm chi phí của người học.

Như vậy, có thể thấy ứng dụng TNGDM mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục đào tạo. Ở thời điểm hiện tại, số lượng các TNGDM có sẵn trên internet là rất nhiều, cụ thể: Gần 12 tỷ tệp mã nguồn phần mềm được chia sẻ công khai nằm trong gần 170 triệu dự án phần mềm trên thế giới; khoảng 2 tỷ các tài nguyên được cấp phép mở bằng các giấy phép Creative Commons với các dạng nội dung khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video; trong số này có khoảng 60 triệu video có giấy phép mở CC BY, một loại giấy phép cho phép người sử dụng tự do không mất tiền để truy cập và tải về để sử dụng, sử dụng lại, tái mục đích, sửa đổi, phân phối lại chúng, miễn là thừa nhận ghi công đúng các tác giả của các video đó.

3. Một số khuyến nghị phát triển TNGDM đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số giáo dục đại học

Nhìn chung, để xây dựng được các nguồn TNGDM có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong giáo dục đại học thì cần các chính sách điều hành vĩ mô phù hợp từ Chính phủ; đồng thời cần sự vào cuộc, chung tay của ngành Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, các cơ quan thông tin - thư viện, các đơn vị cung cấp nội dung số và các nhà mạng viễn thông. Sau đây là một số khuyến nghị để phát triển TNGDM đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập và phục vụ việc học tập suốt đời (7).

Một là, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đóng vai trò là cơ quan chủ trì nhằm mục đích tập hợp và liên kết các trường đại học, các học viện và doanh nghiệp lớn chung tay xây dựng hệ thống TNGDM. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là đầu mối để kết nối các tổ chức, cá nhân, từ đó tạo ra một sự thống nhất trong triển khai và hành động.

Hai là, xây dựng và ban hành các chính sách: hiện nay chưa có nhiều các chính sách liên quan tới việc phát triển TNGDM trong các trường đại học nói riêng và phát triển TNGDM tại Việt Nam nói chung. Chính sách cũng cần xác định rõ vai trò đầu tàu của các trường đại học trong việc phát triển hệ thống TNGDM của Việt Nam, vì nguồn nhân lực nghiên cứu chất lượng cao hiện nay đang chủ yếu tập trung trong môi trường đại học, các tài liệu TNGDM này cũng sẽ chủ yếu phù hợp với đối tượng là các trường đại học.

Ba là, bám sát khuyến nghị TNGDM của UNESCO: Khuyến nghị TNGDM của UNESCO cho tất cả 193 quốc gia thành viên là tài liệu quan trọng để các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, bám sát và tùy chỉnh cho phù hợp với bối cảnh cụ thể của quốc gia mình. Sau khi nêu một loạt các lý do, khuyến nghị đưa ra tên gọi, mô tả và cả phần chi tiết hóa cho 5 mục đích và lĩnh vực hành động:

Xây dựng năng lực: phát triển năng lực của tất cả các bên liên quan cho giáo dục để tạo lập, truy cập, sử dụng lại, tùy biến và phân phối lại TNGDM, cũng như để sử dụng và áp dụng các giấy phép mở theo cách thức ổn định với pháp luật bản quyền quốc gia và các bổn phận quốc tế;

Phát triển chính sách hỗ trợ: khuyến khích chính phủ, các nhà chức trách và các cơ sở giáo dục áp dụng thường xuyên khung công việc hỗ trợ cho việc cấp phép mở (Khung cấp phép mở) cho các tư liệu giáo dục và nghiên cứu được nhà nước cấp vốn, phát triển các chiến lược để xúc tác cho sử dụng và tùy biến thích nghi TNGDM để hỗ trợ cho giáo dục chất lượng cao, hòa nhập và học tập suốt đời cho tất cả mọi người, được nghiên cứu thích hợp trong lĩnh vực này hỗ trợ;

Truy cập hiệu quả, hòa nhập và công bằng tới TNGDM chất lượng: hỗ trợ áp dụng các chiến lược và chương trình, bao gồm các giải pháp công nghệ thích hợp để đảm bảo TNGDM trong bất kỳ phương tiện nào được chia sẻ ở các định dạng và các tiêu chuẩn mở để tối đa hóa truy cập công bằng, đồng sáng tạo và khả năng tìm thấy được, bao gồm cho những người từ các nhóm yếu thế và những người khuyết tật;

Nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM: hỗ trợ, khuyến khích sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM ở các mức quốc gia, khu vực và cơ sở; lên kế hoạch và kiểm thử thí điểm các dạng thức bền vững mới của giáo dục và học tập;

Khai thác và tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế: hỗ trợ hợp tác quốc tế giữa các bên liên quan để tối thiểu hóa việc trùng lặp trong phát triển TNGDM và để phát triển kho toàn cầu các tư liệu giáo dục đa dạng, phù hợp với địa phương, truy cập được theo nhiều ngôn ngữ và định dạng.

Chuyển đổi số là một phần tất yếu trong quá trình phát triển giáo dục đại học nói riêng. Với ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội ngày nay đang có sự biến chuyển sâu sắc. Việc chuyển đổi số trong giáo dục đã giúp người học tiếp cận thông tin, kiến thức dễ dàng, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian và thời gian, cung ứng cho mỗi người nhiều cơ hội học tập, phát triển bản thân. Để đáp ứng nhu cầu đó, TNGDM ra đời và có đóng góp quan trọng trong việc hình thành thói quen học tập trực tuyến. Nguồn TNGDM sẽ phát huy vai trò hỗ trợ người học, tạo ra một thói quen học tập chủ động, từ đó góp phần phát triển con người và xã hội.

_________________

1. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

2. Chuyển đổi số trong giáo dục: thực trạng, vai trò và giải pháp, pace.edu.vn.

3. Clark, E, Digital Transformation: What Is It? (Chuyển đổi số là gì?), EDUCAUSE Review Monday, 21-5-2018.

4. Phạm Đỗ Nhật Tiến, Bao nhiêu cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã bước vào chuyển đổi số?, giaoduc.net.vn, 10-4-2022.

5. UNESCO, Guidelines on Open and Distance Learning for Youth and Adult Literacy (Hướng dẫn về đào tạo từ xa và đào tạo mở cho thanh thiếu niên và người trưởng thành), unesdoc.unesco.org, 2021.

6. Lê Trung Nghĩa, Tài nguyên giáo dục mở: Xu thế tất yếu của giáo dục nghề nghiệp kỷ nguyên số, nghenghiepcuocsong.vn, 27-1-2022.

7. Xem thêm: Đồng Đức Hùng, Phát triển tài nguyên giáo dục mở hướng tới xã hội học tập và học tập suốt đời, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 7, số 5b, 2021, tr.822-832.

Ths ĐỒNG ĐỨC HÙNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;