Vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ tuổi vị thành niên

Gia đình có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức trẻ em, đặc biệt là trẻ tuổi vị thành niên. Để trẻ trở thành những công dân tốt, sống có ích cho gia đình và đất nước, điều đầu tiên là do giáo dục gia đình. Phụ huynh cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của gia đình đối với việc giáo dục đạo đức cho trẻ, để quan tâm, quản lý, kiểm soát con em chặt chẽ và kịp thời điều chỉnh, ngăn chặn khi trẻ bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội. Đây là quá trình lâu dài và khó khăn, đòi hỏi gia đình phải phát huy các sức mạnh vốn có của mình, vừa đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải góp công sức, vừa là những tấm gương sáng để trẻ noi theo.

 

     Ở mọi quốc gia, gia đình đều có vai trò to lớn trong sự hình thành và phát triển của cả xã hội. Vì thế, gia đình được coi là tế bào của xã hội. Gia đình còn là tổ ấm thân thương của mỗi người, nơi con người được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta đã nêu ra phương hướng: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” (1). Để thực hiện phương hướng đã đề ra, cần nhận thức rõ vai trò của gia đình trong việc giáo dục hình thành nhân cách, đặc biệt là giáo dục đạo đức cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay, từ đó đề ra những biện pháp để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

     1. Những vấn đề chung về gia đình với việc giáo dục đạo đức cho trẻ tuổi vị thành niên

     Gia đình

     Theo xã hội học “Gia đình là một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở hôn nhân và quan hệ huyết thống, những thành viên trong gia đình có sự gắn bó và ràng buộc với nhau về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ có tính hợp pháp được nhà nước thừa nhận và bảo vệ” (2). Truyền thống đạo đức của gia đình có ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp đến đạo đức, nhân cách một đứa trẻ. Ngay từ khi lọt lòng, trẻ đã được chăm sóc, nuôi dạy cùng với những người thân yêu trong gia đình. Số thời gian trẻ sống ở gia đình nhiều hơn ở trường, do vậy, mối quan hệ ông bà, cha mẹ, anh chị em có ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm của trẻ. Đặc biệt với tuổi vị thành niên, các em dần hình thành thái độ nhận xét, đánh giá về sự quan tâm, mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình… Chính điều này sẽ xây dựng nên tình cảm của các em với các thành viên trong nhà.

     Trẻ tuổi vị thành niên

     Tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển của trẻ từ 11 - 15 tuổi, các em được vào học ở trường trung học cơ sở (từ lớp 6-9, còn được gọi là tuổi thiếu niên). Lứa tuổi này có vị trí đặc biệt quan trọng trong thời kỳ phát triển của trẻ em, vì nó là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành và được phản ánh bằng những tên gọi khác nhau như: thời kỳ quá độ, tuổi khó bảo, tuổi khủng hoảng, tuổi bất trị... (3).

     Đây là lứa tuổi có bước nhảy vọt về thể chất lẫn tinh thần, các em đang tách dần khỏi thời thơ ấu để tiến sang giai đoạn phát triển cao hơn, tạo nên nội dung cơ bản và sự khác biệt trong mọi mặt: thể chất, trí tuệ, tình cảm, đạo đức đặc biệt là sự thay đổi về tâm lý. Ở tuổi vị thành niên có sự tồn tại song song “vừa tính trẻ con, vừa tính người lớn”, điều này phụ thuộc vào sự phát triển mạnh mẽ về cơ thể, sự phát dục, điều kiện sống, hoạt động... của trẻ.

     Trong những giai đoạn phát triển của con người, tuổi vị thành niên có một vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là thời kỳ phát triển phức tạp nhất, cũng là thời kỳ chuẩn bị quan trọng nhất cho những bước trưởng thành sau này. Thời kỳ thiếu niên quan trọng ở chỗ: những cơ sở, phương hướng chung của sự hình thành quan điểm xã hội và đạo đức của nhân cách được hình thành, chúng sẽ được tiếp tục phát triển trong tuổi thanh niên. Hiểu rõ vị trí và ý nghĩa của giai đoạn phát triển tâm lý thiếu niên, giúp chúng ta có cách đối xử đúng đắn và giáo dục trẻ toàn diện.

     Giáo dục đạo đức

     Có nhiều ngành khoa học nghiên cứu về giáo dục, do đó cũng sẽ có rất nhiều quan điểm khác nhau về giáo dục. Tuy nhiên, để nắm được cốt lõi cái nghĩa của giáo dục, nên tìm hiểu và để ý đến gốc rễ của từ “giáo dục”. Từ “giáo dục” theo nghĩa gốc trong tiếng La - tinh là “educere” có nghĩa là “lôi ra”, “đưa ra khỏi”. Vào thời đại La Mã, khi còn đời sống thôn dã và tiếng La tinh là ngôn ngữ của dân chăn cừu thì “educere” chỉ có nghĩa rất đơn sơ là “bước đi trước đàn cừu của mình và dẫn chúng ra ngoài”.

     Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, giáo dục là một hình thái ý thức xã hội, giáo dục tồn tại, vận động theo sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội (4). Giáo dục là một hiện tượng xã hội chịu sự chi phối và quy định bởi nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Hiểu theo nghĩa rộng, giáo dục là một quá trình toàn vẹn hình thành nhân cách, được tổ chức có mục đích, kế hoạch thông qua các hoạt động, các quan hệ giữa người giáo dục và người được giáo dục, nhằm truyền đạt và chiếm lĩnh những kinh nghiệm của xã hội loài người. Theo nghĩa hẹp: “giáo dục là hoạt động chuyên biệt nhằm hình thành những phẩm chất, quan điểm, niềm tin cho con người về các phương diện đạo đức, thể chất, thẩm mỹ, lao động”.

     Theo cách hiểu của Tâm lý học, hệ thống những chuẩn mực được con người tự giác đề ra và tự giác tuân theo trong quá trình quan hệ với người khác và với xã hội được gọi là đạo đức. Ví dụ như mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ là: yêu thương, kính trọng, vâng lời, biết ơn…, với bạn bè là: đoàn kết giúp đỡ nhau; điều chỉnh hành vi cá nhân, cộng đồng và là công cụ tự điều chỉnh mối quan hệ giữa người - người trong xã hội; chức năng phản ánh.

     2. Vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ tuổi vị thành niên

     Bất cứ ai cũng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Gia đình bao gồm những người sống chung dưới một mái nhà, có lợi ích kinh tế chung và có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống. Gia đình vừa là nơi đáp ứng nhu cầu riêng tư, vừa thực hiện chức năng phát triển nòi giống và là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con người. Tuy vậy, quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách của mỗi người là khác nhau, ngay cả với anh em trong một nhà.

     Khi trẻ được sống trong một gia đình nề nếp, có những giá trị đạo đức của xã hội được ông bà, cha mẹ và anh chị em lựa chọn, điều này sẽ tác động trực tiếp, thường xuyên, lâu dài và mạnh mẽ đến trẻ. Do vậy, trẻ dễ dàng tiếp nhận và thực hiện một cách tự nguyện. Trẻ vị thành niên là những người đang phát triển rất mạnh mẽ về óc phê phán và nhận xét, do vậy, dưới sự định hướng, kết hợp với truyền thống đạo đức của gia đình, sẽ tác động rất tích cực tới đời sống và các hành vi đạo đức của trẻ. Khi gia đình không hòa thuận, ông bà, cha mẹ không sống đúng với vai trò của mình, cha mẹ không quan tâm đến con cái, phó mặc việc giáo dục là của nhà trường, không quan tâm trẻ suy nghĩ gì, cần gì… sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đạo đức của trẻ (5).

     Trong mỗi gia đình, vai trò của cha mẹ có vị trí quan trọng. Theo truyền thống Việt Nam, đàn ông thường là chủ gia đình. Người cha là trụ cột, là biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo. Người mẹ là chỗ dựa, là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu thương trong gia đình, nguồn tình cảm vô tận cho các con. Cho nên gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em.

     Khi cha mẹ dạy con phải lễ phép với bố, mẹ nhưng chính họ lại không tôn trọng cha, mẹ của mình (ông bà của trẻ) thì chắc chắn trẻ sẽ không bao giờ lễ phép với cha, mẹ và cả ông, bà. Những bậc cha mẹ luôn quan tâm đến con cái sẽ chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ, dạy con không được nói dối người lớn, phải thật thà và biết nhìn nhận khuyết điểm, biết cảm ơn khi được cho quà. Nhưng cũng có nhiều gia đình thiếu quan tâm đến việc giáo dục con cái, người lớn đối xử với nhau bằng lời nói, cử chỉ, hành động thiếu văn hóa…, những hành động xấu đó đã phản chiếu vào tâm hồn non nớt của trẻ, làm cho các em trở nên cộc cằn, thô lỗ. Môi trường gia đình có vai trò quyết định đến sự phát triển của trẻ em. Những mâu thuẫn trong gia đình hay gia đình tan vỡ đã đẩy nhiều trẻ rơi vào tình trạng hụt hẫng về mọi phương diện, nhiều em không đủ ý chí để vượt qua khó khăn này đã mắc những bệnh như trầm cảm, rối loạn tâm lý hoặc bỏ nhà đi lang thang, phạm tội.

     Yếu tố gia đình chịu trách nhiệm đối với quá trình xã hội hóa ban đầu của cá nhân, ảnh hưởng đến việc hình thành phẩm chất, đạo đức của trẻ. Nếu ngay từ đầu các phẩm chất đó bị sai lệch, trẻ sẽ dễ hư. Ông bà ta xưa cho rằng, muốn con cái trở thành thương nhân thì nên ở gần chợ, muốn con hay chữ thì ở gần trường học, nếu gần trộm, gần cướp thì sớm hay muộn cũng trở thành cướp. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, câu tục ngữ mang tính giáo dục đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Sống trong các gia đình có cha mẹ hoặc người lớn có hành vi thiếu văn hóa, đạo đức, thậm chí có cả những hành vi phạm tội, như: nghiện rượu, trộm cắp, tham ô… thì những hành vi xấu này làm cho trẻ em dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo, dần vi phạm pháp luật. Chỉ có những trẻ có ý chí kiên cường, có lòng tự trọng cao, sớm đánh giá được đúng sai mới tránh được những ảnh hưởng xấu đó. Cũng có nhiều trường hợp cha mẹ là người tốt, có đủ kiến thức nhưng không chú ý đúng mức đến việc giáo dục con cái hoặc không có điều kiện gần gũi trẻ, có người phó mặc cho nhà trường, một số tập trung lo kinh tế gia đình hoặc phải đi công tác trong thời gian dài.

     Gia đình có bố mẹ ly hôn, có con ngoài giá thú… dẫn đến việc con cái bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ và tình thương của cha mẹ dẫn đến việc trẻ có tâm lý lệch lạc, tự do ngang bướng, bất cần. Chúng dễ dàng phạm tội khi bị rủ rê, lôi kéo… Có những gia đình, bố mẹ thiếu hiểu biết hoặc không kiềm chế được nên đã coi việc đánh đập hoặc dùng nhục hình với trẻ như là quyền của họ. Khi trẻ có lỗi, cha mẹ đã buồn bực, lo lắng và trút đòn roi lên đầu con cái. Nhiều đứa trẻ bị bạo hành đã nghĩ gia đình không còn yêu thương, che chắn và bảo vệ mình nữa. Chính cách xử sự này của bố mẹ đã khiến trẻ bị khủng hoảng về tâm lý, tự ti, khó hòa nhập, trẻ trở lên hung hãn, lì lợm, xa lánh mọi người và căm ghét gia đình, từ đó dễ bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng, khống chế thực hiện những hành vi trái pháp luật.

     Con hư còn bởi cách dạy. Sự quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái, thói quen đòi gì được nấy. Bên cạnh sự nuông chiều, cha mẹ bao bọc mọi việc khiến trẻ hình thành tính ỷ lại, dựa dẫm, sống ích kỷ, lười nhác, không ý thức về trách nhiệm, quen được phục vụ, hưởng thụ. Đến một lúc nào đó, khi gia đình không thỏa mãn được hoặc không có điều kiện phục vụ thì con cái trở nên bất mãn, thậm chí thù ghét bố mẹ, chúng thường bỏ nhà đi bụi, tụ tập với bạn bè hư. Nhiều trẻ trộm cắp tài sản của chính cha mẹ mình hoặc của người khác để thỏa mãn những nhu cầu không chính đáng như: đua đòi ăn diện, đánh bạc, hút chích…

     Ngày nay, với những biến đổi của nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường, văn hóa gia đình đang có biểu hiện xuống cấp vì những tác động xấu của đời sống xã hội. Với ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã kích thích nhu cầu ham muốn vật chất, ít chú trọng đời sống tình cảm tinh thần, tình trạng xung đột gia đình dẫn đến đổ vỡ và ly hôn ngày càng gia tăng, làm cho gia đình không được bền vững. Do đó, chúng ta cần đặc biệt chú trọng giải quyết vấn đề gốc rễ là giáo dục con trẻ.

     Trong gia đình, ngoài các mối qua hệ nói trên còn có mối quan hệ giữa ông bà và các cháu, anh chị và các em. Mối quan hệ này càng bền chặt thì càng làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các cá nhân trong gia đình. Các bậc lớn tuổi phải làm gương, tự điều chỉnh hành vi của mình thì mới đáp ứng được vấn đề đạo đức, văn hóa và các mối quan hệ đặt ra trong phạm vi gia đình. Người xưa nói “rau nào sâu đó”, lối sống của cha mẹ và những người trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em.

     Qua một vài phân tích trên đây có thể nhận thấy, vai trò của gia đình là rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho con cái. Truyền thống văn hóa, đạo đức gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển đạo đức, lối sống của trẻ. Khi gia đình coi trọng việc dạy dỗ đạo đức cho con cái sẽ giúp trẻ ý thức được mỗi lời nói cũng như từng hành vi cử chỉ của mình. Trẻ vị thành niên là đối tượng dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi những lời nhận xét, đánh giá, những lối sống, trào lưu sống bên ngoài, do vậy, giáo dục cho các em có một lối sống đạo đức vững vàng là cần thiết, để các em có thể đứng vững và trưởng thành, trở thành một người con ngoan hiền, giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

     3. Biện pháp giáo dục đạo đức trẻ vị thành niên từ gia đình

     Qua việc nghiên cứu lý luận về vấn đề giáo dục đạo đức cho trẻ và tổng hợp kinh nghiệm về vấn đề giáo dục đạo đức, tác giả đề ra một số biện pháp giáo dục đạo đức cho trẻ tuổi vị thành niên trong gia đình như sau:

     Cha mẹ cần coi trọng việc xây dựng nền nếp, truyền thống đạo đức của gia đình. Một gia đình có nền nếp gia phong, cha mẹ yêu thương, quan tâm, lắng nghe và tôn trọng con cái, các thành viên trong gia đình yêu thương đùm bọc lẫn nhau… sẽ giúp các em có được nền tảng đạo đức vững chắc. Cha mẹ cũng nên chú ý để hình thành nên phong cách sinh hoạt trong gia đình, biểu hiện cụ thể như nề nếp, vệ sinh, gọn gàng, ăn nói hòa nhã, văn minh, lịch sự…

     Tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi trong đời sống tâm sinh lý, do vậy, cha mẹ cần nắm bắt và hiểu được những thay đổi này ở trẻ. Cha mẹ cần hiểu được nguyên nhân, biểu hiện khủng hoảng ở lứa tuổi này. Sự thiếu quan tâm, không hiểu về sự phát triển của con cái sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch trong việc tiếp cận và giáo dục con cái. Để việc giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên có hiệu quả, cha mẹ cũng cần thực hiện một số nguyên tắc sau trong giáo dục: Cha mẹ phải luôn luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của con cái. Lắng nghe sẽ giúp con có thói quen chia sẻ, qua đó cha mẹ sẽ hiểu trẻ hơn; không nên kết án, kết luận, đánh giá hay phê bình con cái một cách vội vàng. Điều này sẽ hình thành nên thái độ “tự vệ” cho con khi con muốn trình bày hay lắng nghe ý kiến của bố mẹ. Không nên cắt ngang khi trẻ đang trải lòng. Cho trẻ được nói lên ý kiến của mình là một trong những việc làm cần thiết để phát huy tính độc lập, tự chủ ở các em. Khi con có lỗi, đừng tỏ ra xúc động và tỏ thái độ bức xúc với con cái. Nên đặt những câu hỏi gợi mở để con có thể bộc lộ lòng mình một cách rõ ràng, chính xác và minh bạch. Bức xúc và nóng giận sẽ tạo áp lực lên con cái, dễ dẫn đến việc các em sẽ nói dối cha mẹ. Gia đình nên có những bữa cơm tối cùng nhau. Những bữa cơm góp phần giúp con tránh được những tệ nạn xã hội (tụ tập vui chơi, nhậu nhẹt, say xỉn…). Nên có những công việc cho con cùng tham gia, qua đây, giáo dục con ý thức về lao động, về tinh thần trách nhiệm trong công việc.

     Cha mẹ nên tạo dựng mối quan hệ gần gũi, thân tình với con cái, nên là một người bạn, một nhà tham vấn cho con. Ở tuổi các em, giao lưu bạn bè là hoạt động chủ đạo. Các em dễ tiếp nhận ý kiến từ bạn bè hơn là cha mẹ. Do vậy, để việc giáo dục đạt hiệu quả, cha mẹ cần trở thành một người bạn của con, để con tin tưởng chia sẻ và bày tỏ mọi vấn đề trong cuộc sống. Cha mẹ cũng nên biết những mối quan hệ bạn bè của con, không phải để kiểm soát mà để định hướng, giúp con biết “chọn bạn mà chơi”. Bạn bè có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các em trong giai đoạn này, nên cha mẹ cũng có thể giáo dục con cái thông qua nhóm bạn.

     Để trẻ phát triển một cách toàn diện, cha mẹ nên tạo điều kiện giúp con cái học tập những kỹ năng trong cuộc sống (cho con cái học những lớp kỹ năng sống). Điều này sẽ giúp con cái tập lối sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, phòng ngừa những hành vi có hại cho bản thân và biết cách xử lý để đối phó với những thách thức trong cuộc sống (6).

     Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên cập nhật những thông tin về lứa tuổi của trẻ vị thành niên trong thời đại ngày nay. Cha mẹ nên nắm bắt được những nhu cầu, nguyện vọng của trẻ vị thành niên, nên nhìn nhận sự khác biệt mang tính chất “thời đại” và “thế hệ” trong lối sống và cách suy nghĩ của các em so với thế hệ của mình, để từ đó, cha mẹ dễ đồng cảm với các em trong quá trình giáo dục.

     4. Kết luận

     Trước thực trạng đáng báo động về tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, tội phạm và bạo lực trong một bộ phận học sinh thì giáo dục đạo đức cho học sinh là một vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Để đảm bảo cho việc giáo dục đạt hiệu quả, phải có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

____________

     1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

     2. Bùi Đình Châu, Văn hóa gia đình, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002.

     3. Trần Thị Thu Mai, Tâm lý học giáo dục, TP.HCM, 2010.

     4. Ngô Thị Thu Ngà, Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng đạo đức mới cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sĩ Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2011.

     5. Nguyễn Thị Lan Hương, Quan niệm của Ph. Ăngghen, Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình và ý nghĩa của nó đối với việc nghiên cứu gia đình trong xã hội thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2004.

     6. Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho con tuổi vị thành niên, Tiểu luận môn Tâm lý học giáo dục, 2010.

 

Tác giả: Hoàng Thị Ngân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

 

;