Từ lễ hội Bà Chúa xứ núi Sam Châu Đốc, An Giang bàn về tính cách của người dân vùng Tây Nam Bộ

Cuộc sống của người dân Nam Bộ nói chung, Tây Nam Bộ nói riêng luôn hòa hợp và gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Họ sở hữu tính tình linh hoạt, phóng khoáng, mở thoáng, hào hiệp, thiết thực và bao dung... (1). Điều đó bắt nguồn từ tính cách truyền thống của người Việt, biến đổi dưới sự chi phối của bối cảnh tự nhiên - xã hội Tây Nam Bộ và chịu sự tác động của quá trình giao lưu tiếp biến với các nền văn hóa bên ngoài, nhất là những đặc trưng tính cách văn hóa phương Tây (2). Tại Châu Đốc, An Giang, lễ hội Bà Chúa xứ núi Sam như bức tranh sống động về quan niệm nhân sinh sâu sắc của cư dân Tây Nam Bộ. Nghiên cứu sâu về lễ hội này, đặc biệt thông qua việc xem xét các lễ vật được dâng lên trong các nghi thức cúng tế, sẽ là phương tiện quan trọng để tiếp cận và hiểu rõ hơn về các đặc trưng nổi bật trong tính cách của dân cư nơi đây.

Áo và mão được chọn trong đêm Mộc Dục  - Ảnh: Ngọc Phương

1. Đặt vấn đề

Tuy là vùng đất mới, với hơn 300 năm hình thành và phát triển (tính từ khi vùng đất này thuộc quyền cai quản của nhà Nguyễn), nhưng Tây Nam Bộ lại có những đặc trưng độc đáo, góp phần hình thành nên sự đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam. Với đặc điểm vị trí địa lý gần xích đạo, nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa, lượng mưa nhiều đã mang lại những thuận lợi rất giá trị cho Tây Nam Bộ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ một vùng đầm lầy, lau sậy, rừng thiêng nước độc, Tây Nam Bộ nhanh chóng “thay da đổi thịt”, trở thành vùng đất trù phú. Người dân vì thế mà cũng mau chóng an cư lạc nghiệp. Bên cạnh đó, sự quần tụ của 4 dân tộc anh em Khmer, Kinh, Hoa, Chăm đã góp phần tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc.

Lễ hội Bà Chúa xứ núi Sam ở Châu Đốc, An Giang thể hiện rất rõ nhân sinh quan của con người Tây Nam Bộ. Thông qua hệ thống lễ vật dâng Bà, người dân vùng Cửu Long gửi gắm vào đó ước vọng muôn thuở về một cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc. Tìm hiểu một vài lễ vật đặc trưng của lễ hội vùng núi Sam sẽ thấy rõ hơn tính cách con người Tây Nam Bộ từ bao đời nay.

2. Khái quát về tín ngưỡng và lễ hội Bà Chúa xứ

Nói về sự xuất hiện của Bà Chúa xứ cũng như tín ngưỡng thờ Bà, trước hết đó là câu chuyện được dân gian lưu truyền cách đây khoảng 200 năm: có một bọn cướp quấy nhiễu vùng biên giới đã đến vùng núi Sam. Tại đây chúng gặp tượng Bà trên đỉnh núi. Chúng tìm cách đem đi nhưng không sao xê dịch được bức tượng. Biết tin, dân làng đã kéo lên rất đông với những người lực lưỡng, khỏe mạnh, định chuyển pho tượng xuống núi, nhưng lạ thay tượng không hề lay chuyển. Khi ấy Bà bèn đạp đồng cho một người phụ nữ, tự xưng là Chúa xứ Thánh Mẫu, mách cho dân nếu muốn đem Bà xuống núi chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên di tượng. Quả nhiên khi 9 cô gái đồng trinh được cử đến thì tượng Bà trở nên nhẹ nhàng và di chuyển một cách dễ dàng. Dân làng vui mừng chuyển tượng Bà xuống chân núi. Nhưng khi đến chỗ miếu Bà bây giờ, bỗng dưng pho tượng trở nên rất nặng không sao di chuyển được nữa. Dân làng cho rằng Bà muốn ngự tại đây nên lập miếu thờ, đó là khoảng thời gian những năm 1820-1825 (3).

Đoàn rước lên đỉnh núi Sam thỉnh Thánh Mẫu  - Ảnh: Ngọc Phương

Một truyền thuyết khác gắn với chiến công của Thoại Ngọc Hầu và việc trùng tu ngôi miếu làm lễ Vía Bà. Dưới triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu giữ trọng trách trấn giữ biên giới Tây Nam, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần ông xuất quân, bà vợ thường đến bên chân tượng khấn vái, mong Bà phù hộ cho Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Về sau để tạ ơn những điều ứng nghiệm, vợ Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong ba ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng lấy những ngày trên làm ngày lễ Vía Bà.

Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam, một hiện tượng sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú không chỉ đối với người dân trong vùng mà còn lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Lễ hội diễn ra từ 24 đến 27-4 âm lịch hằng năm, gồm các lễ thức sau:

Lễ tắm Bà: là lễ thức rất quan trọng, mở đầu của mỗi kỳ lễ Vía, được xem như là hoạt động trọng tâm, thu hút hàng ngàn lượt khách hành hương tham dự.

Lễ thỉnh sắc: là nghi thức rước sắc thần Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà để dự lễ hội, bắt đầu từ 15 giờ ngày 25-4.

Lễ túc yết và xây chầu: bắt đầu lúc 0 giờ đêm 25 rạng ngày 26-4. Sau lễ túc yết là xây chầu, nghi lễ này có hai mục đích: xin phép Bà để cho dân làng dâng những lời ca điệu hát hầu Bà; cầu Bà phù hộ để được mưa thuận gió hòa, đất đai màu mỡ, cuộc sống mọi người được an khang thịnh vượng.

Lễ chánh tế: tổ chức vào 4 giờ sáng ngày 27-4, gồm đầy đủ các bước cúng tế long trọng như cúng túc yết.

Lễ hồi sắc: diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 27-4, là nghi thức cuối cùng, kết thúc lễ hội.

Điểm đặc biệt trong lễ hội Bà Chúa xứ núi Sam không chỉ thể hiện ở quy mô rộng lớn của lễ hội; số lượng đông đảo người dân từ khắp nơi đổ về mà còn ở hệ thống lễ vật dâng cúng rất phong phú, đa dạng.

3. Tính cách của người Tây Nam Bộ thể hiện trong lễ vật dâng Bà

Lễ hội Bà Chúa xứ núi Sam đại diện cho một phần của di sản văn hóa truyền thống đặc sắc tại khu vực Tây Nam Bộ. Trong suốt hai thế kỷ, dù chứng kiến nhiều biến động và thay đổi của thời cuộc, cộng đồng người dân nơi đây đã bảo tồn và duy trì các giá trị truyền thống cốt lõi. Đồng thời, họ không ngừng đổi mới, sáng tạo thêm những nghi thức - hoạt động phù hợp với bối cảnh xã hội theo từng thời kỳ. Quá trình này phản ánh tính động và linh hoạt của văn hóa tại vùng đất này, cho thấy sự kết hợp giữa việc bảo lưu truyền thống và chấp nhận sự đổi mới, đặc trưng cho một nền văn hóa mở tại vùng đất non trẻ phía Tây Nam.

Việc quan sát lễ hội Bà Chúa xứ núi Sam cung cấp một cái nhìn sâu sắc về phong tục tín ngưỡng địa phương. Đặc biệt, việc dâng lễ vật lên Bà Chúa xứ là một điểm nổi bật, với sự phong phú không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng và loại hình. Các lễ vật này bao gồm các sản phẩm cao cấp, thực phẩm đắt giá và những món ăn truyền thống, thể hiện sự đa dạng trong văn hóa và kinh tế của cộng đồng. Sự phong phú và đa dạng trong các lễ vật dâng cúng tại lễ hội phản ánh sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong các thực hành tín ngưỡng tại khu vực này. “Người ta cho rằng chính thần thánh là người mà ta cần mua chuộc và các vị thần thánh biết trả lại cái giá của những sự vật” (4). Chính vì thế, “Con người muốn được những gì thì phải thỉnh cầu thần linh. Muốn thỉnh cầu được thì phải dâng cúng, hiến tế. Dâng cúng càng nhiều, hiến tế càng lớn thì việc cầu xin sẽ dễ dàng hơn (dương sao - âm vậy)” (5). Niềm tin về sự cho - nhận giữa thế giới trần tục và thế giới thần linh đã bao đời tồn tại một cách tự nhiên như thế trong tâm thức người Việt nói chung, người dân Nam Bộ nói riêng.

Tính cách linh hoạt, phóng khoáng qua lễ vật heo quay cúng Bà

Heo quay được xem là lễ vật phổ biến nhất mà người hành hương dâng lên Bà nhằm mong cầu những phúc lành trong cuộc sống. Và khi nguyện ý đạt thành, họ cũng dùng heo quay để biểu thị lòng biết ơn đối với Bà trong lễ cúng tạ ơn. Theo Marcel Mauss là có một sự đua tranh để xem ai tặng quà nhiều nhất và có giá trị nhất (6). Có cầu tức có cung, thể hiện sự ứng biến linh hoạt của một nền kinh tế mở, nên đoạn từ Châu Đốc đến miếu Bà và con đường vòng quanh núi Sam, lò quay heo và các cửa hàng bán heo quay với mật độ tập trung khá dày đặc để đáp ứng nhu cầu du khách.

Tính bộc trực, linh hoạt của người Tây Nam Bộ thể hiện khá rõ trong cách nghĩ đưa đến cả trong cách giao tiếp, ứng xử với thần linh. Phải chăng vì vậy mà người giàu thì mua heo cúng Bà, người không có tiền thì chọn phương án thuê. Ngay cả khi có tiền nhưng mua cả con có phần lãng phí, người Tây Nam Bộ nghĩ đến việc thuê cho tiết kiệm. Việc cho thuê heo quay cũng từng xuất hiện và chiếm khá nhiều giấy mực của báo chí. Tuy nhiên, cần giải thích rõ về hiện tượng văn hóa này. Đây là quy trình thuê heo quay nhằm mục đích dâng cúng trong các nghi lễ. Theo đó, du khách sẽ mua một con heo quay và dùng nó trong nghi thức cúng bái. Sau khi hoàn tất các lễ thức, thay vì giữ lại con heo, họ thường bán lại cho cửa hàng hoặc lò quay mà họ đã mua, nhằm thu hồi một phần chi phí. Sau đó, chủ lò quay sẽ bán con heo đó như sản phẩm thịt heo quay thông thường tại các chợ.

Tuy nhiên, quy trình này đã nhận phải nhiều ý kiến từ cộng đồng, khách hành hương và các bên liên quan, vì nó có thể được coi là thiếu tôn trọng đối với thần linh. Do đó, người dân cũng nhanh chóng tìm ra giải pháp rằng, sau khi thực hiện nghi thức cúng bái, khách trực tiếp mang heo quay đến các chợ gần đó để bán hoặc xử lý, thay vì thông qua dịch vụ thuê và bán lại với chủ lò quay. Quá trình này phản ánh sự thích ứng của cộng đồng địa phương với những thách thức văn hóa và đạo đức, đồng thời duy trì tính chất linh thiêng của các lễ vật trong nghi thức tôn giáo.

Trong một chừng mực nào đó, từ hình thức thuê heo cúng còn cho thấy tính cách phóng khoáng, linh hoạt và thực dụng của người dân Tây Nam Bộ. Tính linh hoạt giúp con người không bị xơ cứng mà luôn mềm mỏng, uyển chuyển tùy thời điểm để xác định được cái gì là có ích, là cần thiết cho cuộc sống và thúc đẩy con người nhanh chóng điều chỉnh cho sát hợp với thực tiễn (7).

Chính sự phát triển của cơ chế thị trường, sự linh hoạt giữa cung - cầu, cộng thêm tính phóng khoáng của con người Tây Nam Bộ nên phát sinh dịch vụ “môi giới heo quay”, giới thiệu cơ sở uy tín và chuẩn bị mâm cúng (heo quay, hoa, nhang, đèn, muối, rượu, vàng mã…). Bên cạnh việc mời chào để bán heo quay, họ còn hướng dẫn tận tình cách thức cúng Bà, cũng như tư vấn đầy đủ về lễ vật, giá cả và trình tự cụ thể, mà khách hàng không phải chi trả thêm bất cứ khoản nào. Khách có thể đặt heo quay bất cứ lúc nào trong ngày, kể cả 1-2 giờ sáng, không cần đặt trước tiền cọc nhưng mọi dịch vụ vẫn tiến hành một cách chu đáo nhất. Có thể vì niềm tin vào Bà quá lớn, ít ai dám lấy việc lễ Bà làm trò đùa, hay do tính cách phóng khoáng, bao dung, ưa mạo hiểm của người dân Tây Nam Bộ mà người ta có thể tin tưởng nhau đến vậy. Ở đây cho thấy mối quan hệ rất tự do, cởi mở giữa người mua và người bán, thể hiện sự linh hoạt của cơ chế thị trường được xây dựng trên nền tảng là niềm tin tâm linh và tính cách hào sảng của người dân Nam Bộ.

Tính cách thực tế, cởi mở qua vàng mã và đồ chế tác bằng vàng

Khác với những cơ sở thờ tự trên cả nước, khi mà vàng mã đã trở thành một loại hàng hóa chủ yếu của thị trường tâm linh nội địa, thì ở lễ hội Vía Bà, vàng mã không phải là vật dâng cúng được khách hành hương ưa chuộng. Vàng mã ở đây chỉ là một bộ vàng mã mà người đi lễ gọi là tập cúng Bà, gồm bộ áo, mão và một chút tiền vàng để trong túi nilon. Không ai mua nhiều túi đó và không ai mua nhiều tiền bằng mã, để cúng và đốt (8). Việc sử dụng vàng mã không xảy ra một cách rầm rộ và mang tính “thái quá” như những nơi khác. Điều này được lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Trong đó, vẫn còn quan điểm cho rằng đốt vàng mã là biểu hiện của mê tín dị đoan. Thêm vào đó, Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam cùng chính quyền địa phương ra sức tuyên truyền bà con hành hương hạn chế việc đốt vàng mã nhằm hạn chế lãng phí tiền của và tránh gây cháy nổ ở miếu Bà nhất là vào mùa lễ Vía.

Nền văn hóa mở với lối sống thực dụng của người Tây Nam Bộ có thể xem là nguyên nhân của việc này. Họ thể hiện những điểm này trong cách sống, cách nghĩ và cả cách thực hành các nghi thức trong đời sống tâm linh. Các phong tục của người Tây Nam Bộ cũng không đóng khung cứng nhắc mà rất “đời”, luôn được vận dụng một cách rất linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể từng nơi, từng lúc (9). Người dân quan niệm, cúng là phải dâng sản vật ngon, đẹp, chất lượng, nói chung là “xài được” chứ không dâng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lên thần. Không chỉ trong lễ hội mà trong những nghi thức cúng cho người chết, họ cũng ít khi sử dụng đến đồ mã. Thực tế, những ngày lễ Tết, người Tây Nam Bộ không dùng nhiều hàng mã như người miền Bắc.

Thay bằng việc sử dụng vàng mã, tín đồ của Bà Chúa xứ lại ưa chuộng dâng cúng tiền thật, vàng thật. Những người hảo tâm muốn công đức, thì thường là công đức bằng vàng và áo, mão. Người được Bà độ cho toại nguyện thì dâng lên Bà những mỹ từ để tạ ơn. Người ta đúc những hình Bà bằng vàng, đặt lên trên nền nhung đỏ, để trong hộp kính cùng những mỹ từ như: Phước, Lộc, Thọ; Kính dâng Bà Chúa xứ, Tạ ơn Bà, Kính dâng Thánh Mẫu, Tạ ơn Thánh Mẫu, Chúa xứ Thánh Mẫu... giá trị là vài chỉ vàng hay một, thậm chí vài cây vàng (10). Tư duy cụ thể và lối sống chuộng hành động là những biểu hiện của tính cách thực dụng của người Tây Nam Bộ. Họ nghĩ gì nói đó, nói gì làm đó không câu nệ rườm rà, cúng Bà là từ tâm và phải thiết thực. Theo nguồn tin từ Ban Quản trị, chỉ tính riêng năm 2016, khách hành hương dâng lên Bà 80 cây vàng các loại (SJC, 24k, 18k), 124 khánh vàng và 1.542 biển vàng.

Năm 2014, Ban Quản trị lăng miếu núi Sam trích 162 lượng vàng (162 cộng lại là 9 thể hiện sự trường tồn và hợp phong thủy) từ nguồn công đức dâng cúng Bà của du khách, chế tác thành đồ trang sức. Sợi chuỗi gồm 3 lớp, 187 hạt. Mỗi hạt chuỗi được chạm trổ hình những đóa hoa mẫu đơn tinh xảo tượng trưng cho sự cao quý, sang trọng và nhân từ.

Ông Huỳnh Văn Đường - Trưởng Ban Quản trị lăng miếu núi Sam cho biết, sợi vòng đeo cổ này toát lên vẻ độc đáo, sang trọng, mang nhiều ý nghĩa về tâm linh. “Hoa văn trên hạt chuỗi chủ có hình chim phụng phun những hạt châu nhỏ, được kết thành dây, tỏa ra nhiều hướng, với ý nghĩa “phun châu nhả ngọc”, thể hiện hàm ý Bà Chúa xứ luôn ban phước lành đến bá tánh trên khắp thế gian”. Ngoài dây chuỗi kỷ lục 162 lượng vàng, ông Thái Công Nô - Phó Trưởng Ban Quản trị lăng miếu núi Sam cho biết, Bà còn có thêm một chiếc kiềng chế tác từ 20 lượng vàng. Ban Quản trị sẽ thay đổi giữa chiếc kiềng và chuỗi vàng để du khách đến hành hương chiêm ngưỡng (11). 

Ở đây cho thấy một cách ứng xử hòa hợp từ người đi lễ cho đến Ban Quản trị lăng miếu, tất cả đều hướng về nhân vật trung tâm Bà Chúa xứ. Họ dâng lên Bà những gì hiện hữu cụ thể, có giá trị trên thị trường và trong cuộc sống cõi trần. Ban Quản trị rất trân quý tấm lòng hỷ cúng của bà con nên sử dụng chính những gì dân gian ưu ái dành tặng để tô điểm cho Mẫu thần thêm lung linh, củng cố quyền năng của Thánh Mẫu trong lòng nhân dân. Tính thiết thực của con người miền Tây thể hiện rõ khi họ không chuộng giấy tiền vàng mã mà thay vào đó là những vật phẩm thật sự giá trị đối với con người trần thế. Ranh giới giữa thần thánh và con người, giữa thế giới thần linh và thế giới trần tục như mờ đi bởi cách ứng xử của chính chủ thể nền văn hóa mở thoáng này.

Tính cách minh bạch và bao dung qua tiền công đức dâng Bà

Chính quyền Châu Đốc và Ban Quản trị lăng miếu núi Sam đã có những ứng xử khá tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của cơ chế thị trường vào lễ hội và tín ngưỡng bằng những hành động cụ thể và được đông đảo nhân dân ủng hộ. Không có tình trạng thùng công đức được đặt khắp nơi, dưới nhiều hình thức như những cơ sở thờ tự khác. Người ta chỉ đặt các thùng công đức trong khuôn viên miếu Bà và có sự theo dõi, giám sát của camera ghi hình. Đặc biệt, tiền lẻ không xuất hiện trên ban thờ, mâm trái cây, bát nhang... bởi khách hành hương quan niệm rằng đó là việc làm xúc phạm thần linh.

Tiền công đức ở miếu Bà Chúa xứ núi Sam thuộc vào hạng cao nhất cả nước và có xu hướng tăng qua các năm. Tiền công đức là dạng lễ vật đặc biệt, tiền mà người trần dùng để mong nhận được sự bình an. Người càng thành đạt cúng càng nhiều tiền. Tiền cúng dâng Bà ở đây là tiền dương, tiền của người sống. Không có cảnh lấy “tiền dương” để mua “tiền âm” như những cơ sở thờ tự khác.

Rõ ràng, tiền đang thật sự trở thành một loại lễ vật đặc biệt nơi đây, một vật trung gian để bày tỏ đức tin.

Một nguyên nhân cho hiện tượng này, như đã được phân tích ở phần trước, liên quan đến đặc điểm tính cách phóng khoáng và thực dụng của cư dân Nam Bộ. Ngoài ra, đáng chú ý là sự minh bạch và khoan dung trong quản lý công đức của Ban Quản trị và cách thức quản lý của chính quyền địa phương. Điều này đã góp phần xây dựng niềm tin trong lòng khách hành hương. Hằng năm, Ban Quản trị lăng miếu làm báo cáo chi tiết trình UBND thành phố Châu Đốc về tổng thu chi. Trong đó, Ban Quản trị dành một khoản tiền khá lớn để làm công tác từ thiện. Năm 2014, Ban Quản trị lăng miếu thực hiện kế hoạch của Thành ủy Châu Đốc về việc xóa bỏ nhà tranh lá, hỗ trợ 50 căn nhà với tổng số tiền là 1,5 tỷ đồng; tổ chức các chương trình từ thiện: “Vui xuân không quên người nghèo khó”, hỗ trợ kinh phí tiếp bước đến trường, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, hỗ trợ gạo cho gia đình khó khăn, tập vở cho các em nhỏ đến trường, tặng quà tết Trung Thu cho thiếu nhi. Ngoài ra, Ban Quản trị còn hỗ trợ cho 14 hộ gia đình bị hỏa hoạn ở thành phố Long Xuyên. Tính chung, năm 2014 nhà đền dành hơn 4 tỷ đồng cho công tác xã hội từ thiện.

Không những thế, tiền công đức còn được sử dụng vào các công trình phúc lợi xã hội. Trong đó, hai công trình được coi là “đồ sộ” nhất là con đường Tân Lộ Kiều Lương với tổng kinh phí đầu tư trên 400 tỷ đồng và Công viên văn hóa Núi Sam với hai dự án: Nhà tháp cốt khoảng 27 tỷ đồng và tượng phật Thích Ca Mâu Ni 81m khoảng 277 tỷ đồng hiện đang được thi công (12).

Có thể khẳng định rằng, tiền hiến cúng từ nhân dân đã được chính quyền Châu Đốc và Ban Quản trị lăng miếu núi Sam sử dụng đầu tư vào các công trình, phần việc cho chính lợi ích của nhân dân. Chính sự công khai, minh bạch và sự chia sẻ đầy ý nghĩa của nhà đền càng làm tăng sự tin tưởng trong lòng du khách. Nó chính là tính minh bạch, rõ ràng, bộc trực của con người Tây Nam Bộ và sự hào hiệp bao dung, sẵn sàng sẻ chia với cộng đồng. Lễ vật cúng Bà được san sẻ dân chủ trong cộng đồng là điều kiện thúc đẩy cho sự phát triển của niềm tin giữa người dâng lễ - nhà đền - người thụ hưởng.

4. Kết luận

Cộng đồng cư dân vùng Tây Nam Bộ với đặc điểm tính cách: phóng khoáng, hào hiệp, bộc trực, thực dụng, mở thoáng và bao dung được thể hiện rõ ràng trong lối sống, tư duy và hành động cụ thể. Việc thực hành dâng cúng lễ vật trong lễ hội Vía Bà Chúa xứ không chỉ là một lễ thức mà còn là biểu hiện cụ thể của những giá trị văn hóa và đặc điểm tính cách nêu trên. Người dân Tây Nam Bộ thể hiện quan điểm sống rõ ràng, thiết thực, và sự trung thực trong giao tiếp; họ sống theo nguyên tắc “nghĩ sao nói vậy”, “dám nghĩ dám làm”, không chỉ dừng lại ở sự phóng khoáng trong cách sống mà còn thể hiện lòng hào hiệp và sự sẵn lòng giúp đỡ người khác. Những tính cách này chính là đặc điểm riêng biệt, được hình thành, phát triển qua nhiều thế hệ, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Tây Nam Bộ.

__________________

1, 2. Trần Ngọc Thêm, Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng (tái bản), Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP.HCM, 2014.

3. Hội Văn nghệ Châu Đốc, Lịch sử miếu Bà Chúa xứ núi Sam, An Giang, 2004.

4, 6. Marcel Mauss (Ngô Bình Lâm và Phùng Kiên dịch), Khảo về quà tặng, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009.

5. Hoàng Lương, Lễ hội truyền thống các dân tộc Việt Nam các tỉnh phía Bắc, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2002.

8, 10. Lê Hồng Lý, Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2008.

7, 9. Trần Ngọc Thêm (chủ biên), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP.HCM, 2013.

11. Nhật Hưng, Chuyện về sợi chuỗi vàng kỷ lục của Bà Chúa xứ núi Sam, eva.vn, 18-6-2015 và Lê Hồng Lý, Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2008.

12. Báo cáo Tình hình hoạt động Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam năm 2014 và kế hoạch công tác năm 2015 của Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam (131/BC-BQT), ngày 31-12-2014.

 TS BÙI THỊ NGỌC PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

 

;