Độc đáo nghi thức lễ cưới của người Ve (huyện Nam Giang, Quảng Nam)

Ở Quảng Nam, từ tỉnh đến cơ sở thường niên hoặc định kỳ tổ chức các lễ hội truyền thống như: lễ mừng lúa mới, Gươl mới, lễ cúng máng nước, lễ hội cồng chiêng... Nhiều lễ hội trước đây đã bị thất truyền, nhưng được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nên đã được phục dựng như: lễ hội tạ ơn rừng của dân tộc Cơ Tu, lễ hội cúng máng nước của dân tộc Xơ đăng, lễ hội cúng đất lập làng của dân tộc Cơ Tu, lễ hội tết mùa của dân tộc Bh'noong...

Tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 4, diễn ra tại tỉnh Bình Định năm 2023, đoàn tỉnh Quảng Nam đoạt giải A với màn trình diễn xuất sắc, tái hiện nghi thức lễ cưới truyền thống của đồng bào người Ve, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vô cùng ấn tượng và độc đáo. Đối với người Ve, nghi thức lễ cưới là trình tự từ tìm hiểu, dạm hỏi, chuẩn bị lễ cưới và tổ chức nghi thức với những lễ vật bắt buộc. Hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, phản ánh góc nhìn thú vị về đời sống người vùng cao, nghi thức lễ cưới của người Ve vẫn đang được gìn giữ, bảo tồn như một dấu ấn độc đáo, đầy bản sắc của tộc người Ve.

Theo phong tục của người Ve, sáng ngày cưới, ông mai mối mời nhà gái sang nhà trai dự đám cưới

Nghi thức lễ cưới là một phong tục truyền thống đặc biệt, mở đầu cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc của đôi uyên ương. Trong lễ cưới truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nghi thức lễ cưới là một phần rất quan trọng, mang nhiều ý nghĩa rất riêng, là bản sắc riêng của một tộc người. Ngày nay, các đám cưới không còn khắt khe với nhiều phong tục cũng như nghi thức phức tạp như trước nhưng vẫn còn lưu giữ lại những nghi thức truyền thống tốt đẹp. Tất cả những nghi thức ấy được thể hiện qua trích đoạn nghi thức lễ cưới của đồng bào người Ve.

Theo phong tục của người đồng bào Ve, khi đến tuổi trưởng thành, nam nữ người Ve thường tìm hiểu nhau trong những ngày đi làm nương, làm rẫy, những buổi tối trăng tròn tụ tập cùng nhau ca hát các làn điệu dân ca, qua đó để tìm người thương và nên duyên vợ chồng.

Giống như bao dân tộc thiểu số khác sống tại các huyện vùng cao, nam nữ người Ve cũng dựa vào việc săn bắn, hái lượm để phục vụ cuộc sống hằng ngày. Những câu chuyện tình yêu đẹp đã xuất phát từ những lần vào rừng tìm kiếm đó.

Vào ngày cưới, nhà gái sẽ gùi sang nhà trai ít nhất 25 gùi củi

Cô gái người Ve tên là Hiên Vượt một ngày vào rừng lấy măng, kiếm rau, vô tình bỏ quên chiếc khăn choàng trên mỏm đá. Đúng lúc đó, một chàng trai tên Hiên Đức đi săn trong rừng vô tình nhặt được chiếc khăn choàng, nhìn thấy những họa tiết được dệt trên chiếc khăn choàng ấy, chàng liền nghĩ ngay đến cô thiếu nữ Hiên Vượt làng bên, chủ nhân chiếc khăn choàng. Chàng liền đem lòng cảm mến. Cô gái trong lúc đi tìm lại chiếc khăn đánh rơi thì bắt gặp chàng trai Hiên Đức cao to, vạm vỡ đang ngồi thổi sáo, tiếng sáo da diết như trao gửi tất cả những nỗi niềm thương mến của chàng. Cuộc gặp gỡ đó giống như một sự sắp đặt của định mệnh.

Sau khi trả khăn, hai người trở về với lòng nhớ nhung tha thiết. Thời gian sau, chàng trai quyết định thưa với bố mẹ để tìm người mai mối sang nhà cô gái xin phép tìm hiểu. Bố mẹ chàng trai đến tìm ông mai mối là người có uy tín, có tiếng nói trong làng và thưa chuyện: “Con trai Hiên Đức chúng tôi đem lòng mến cô Hiên Vượt làng bên. Nhờ ông mai mối qua nhà gái hỏi chuyện giúp chúng tôi”. Ông mai mối nhận lời và cùng bố mẹ chàng trai sang nhà gái để xin phép cho đôi bạn trẻ được đến với nhau.

Nhà trai thưa: “Con trai Hiên Đức của tôi đem lòng yêu thương Hiên Vượt con ông bà nên xin gia đình cho con trai tôi về làm rể”.

Nhà gái đáp: “Nếu ông bà không chê con gái tôi khờ dại, không giỏi giang thì để con bé về phụ ông bà cơm nước, củi lửa, ruộng nương”.

Kết thúc cuộc trò chuyện giữa ông mai mối và hai bên gia đình, hai gia đình đồng ý và chuẩn bị các lễ vật cho nghi thức cưới.

Nhà trai cắt tiết heo hòa với nước suối được lấy ở thượng nguồn để nhà gái nhúng chân, diệt trừ xui xẻo

Theo lễ cưới truyền thống của người Ve, ngày cưới sẽ được chọn vào ngày trăng tròn. Đây là ngày trăng đôi, có hai nửa úp lại vào nhau, rất tốt cho việc kết hôn. Đôi vợ chồng sẽ không lẻ loi, đơn độc trong cuộc sống mà họ sẽ sống với nhau trọn đời như hai mảnh trăng khép lại thành hình tròn. Thời gian chuẩn bị lễ cưới nhanh hay chậm phụ thuộc vào kinh tế của hai bên gia đình.

Nhà trai chuẩn bị một mâm lễ cưới gồm: heo, gà, cá, rượu cần, chiêng, ché. Nhà gái chuẩn bị củi cưới là công việc quan trọng trong quá trình chuẩn bị đồ lễ cho hôn nhân. Sau khi đồng ý, cô gái bắt đầu đi lấy củi tươi đem về nhà, để đến hôm cưới sẽ gùi sang nhà trai, ít nhất 25 gùi củi.

Lễ cưới được diễn ra tại nhà trai. Theo phong tục của người Ve, sáng ngày cưới, người mai mối mời nhà gái sang nhà trai dự đám cưới. Đi đầu là người mai mối, tiếp đến là cô dâu, bố cô dâu, anh em của bố cô dâu… cuối cùng là các cô gái gùi củi. Nhà gái mang theo đồ ăn như: gà, cá, rượu cần…, đồ lễ như: tấm tút, choàng, khố… Khi nhà gái đến cổng, trước khi vào nhà, nhà trai vẩy nước lần lượt lên từng người bước vào nhà, miệng cầu khấn cho hai bên gia đình cùng đoàn kết, làm ăn phát đạt, khỏe mạnh, sung túc… Sau đó nhà trai cắt tiết heo hòa với nước suối được lấy ở thượng nguồn để nhà gái nhúng chân, diệt trừ xui xẻo. Nhà gái trước khi vào nhà trai thì phải nhúng chân vào ống tre có máu heo, vòng chai rồi mới tiến vào trong nhà và trao củi. Củi cưới của cô dâu được bố mẹ chồng đón nhận và đặt vào trong nhà. Nhà gái lần lượt đem củi cưới xếp quanh nhà trai (bắt buộc là củi tươi, vì đồng bào người Ve quan niệm, tươi tượng trưng cho sự sống, sinh sôi, do đó phải chặt củi tươi với đức tin đôi vợ chồng trẻ, gia đình nhà trai sẽ làm ăn phát đạt, hạnh phúc vững bền).

Ông mai mối làm chứng cho lời hứa của cô dâu, chú rể

Sau khi nhận củi cưới, nhà trai mời nhà gái ngồi thành vòng tròn và nghi thức lễ cưới được bắt đầu. Nhà trai đặt mâm lễ cưới (gồm: cá, gà, heo, rượu cần) đưa cho ông mai mối trao cho nhà gái. Nhà gái đặt lễ cưới (rượu cần, gà, cá, những tấm tuốc, chiên, ché) đưa cho ông mai mối trao cho nhà trai. Sau đó, ông mai mối làm chứng cho lời hứa của cô dâu, chú rể. Chú rể hứa sẽ cáng đáng việc gia đình, làm việc lớn và yêu thương vợ cho đến hết đời. Cô dâu hứa sẽ yêu thương chồng con hết mực, vun vén gia đình, hòa đồng với họ hàng nhà trai. Tiếp đến, ông mai mối rót 2 chén rượu đưa cho chú rể, cô dâu. Hai người đổi chén cho nhau uống cạn và cầm tay, cùng nhau hứa hẹn, cảm ơn gia đình hai bên và dân làng.

Mẹ chú rể tặng cô dâu tấm tuốc. Cùng lúc đó, ông mai mối tặng cho 2 vợ chồng 2 bó củi hứa hôn đẹp nhất. Ý nghĩa của phong tục này là chúc cho vợ chồng mới cưới sinh được một con trai và một con gái, cùng những lời chúc tốt đẹp cho đôi vợ chồng.

Tiếp đến là tập tục rất quan trọng, đó là tục đốt ruột gà, một yếu tố quan trọng nhất trong nghi thức cưới của người Ve. Ông mai mối đem đốt ruột thừa của gà, tiếng nổ càng to càng giòn thì đôi vợ chồng sẽ được thần linh chứng giám và sẽ gặp được nhiều may mắn sau này. Sau khi đốt ruột gà, ông mai mối cắt đùi gà cho hai vợ chồng trẻ ăn và uống ngụm rượu cần đầu tiên trong ché.

Cô dâu, chú rể đổi chén cho nhau uống cạn và cầm tay, cùng nhau hứa hẹn, cảm ơn gia đình hai bên cùng dân làng

Sau đó là màn hát lý đối đáp giữa nhà trai, nhà gái như muốn gửi gắm cho con trai, con gái và hai gia đình. Nhà gái hát: “Mong con gái về làm dâu nhà trai được yêu thương, che chở. Gửi gắm đứa con gái còn nhiều điều chưa biết, có lớn mà chưa có khôn. Từ đây xin gửi lại con dâu cho bố mẹ và trăm sự nhờ bố mẹ, họ hàng nhà trai dạy bảo mới lớn khôn...”. Nhà trai hát đối đáp lại: “Cảm ơn cha mẹ, họ hàng nhà gái đã vui mừng đón nhận tình cảm của nhà trai. Từ đây xin được làm rể hiền của gia đình, làm người chồng thủy chung. Lúc nằm xin được đắp chung chăn với vợ, xin được phơi chung quần áo trên một sào...”. Nhà gái hát: “cầu mong cho nhà trai làm ăn phát đạt, nuôi heo, gà, bò đầy chuồng, tuốc, ché đầy kho”. Nhà trai đáp: “cầu cho hai con và tất cả gia đình hai bên sống lâu như đá, như lõi trầm hương”.

Để bày tỏ tình cảm với nhà gái, nhà trai mời nhà gái những miếng thịt mỡ to, vuông vức. Theo phong tục tập quán của người Ve, trong đám cưới nhà trai tùy điều kiện làm thịt trâu, bò, lợn, gà... để thiết đãi mọi người. Đùi sau của những con vật này cùng với một ít thịt ở thăn, một ché rượu to, ngon được nhà trai xếp vào gùi đưa cho người làm mối đem đặt trước mặt bố mẹ cô dâu làm quà biếu nhà gái. Ché rượu nhà gái mang về, còn thịt sẽ chia đều cho những người cùng đi đưa dâu, mỗi người 3 miếng. Những ai không đi được, nhà gái có trách nhiệm đem đến mỗi nhà. Ông mai mối được mỗi gia đình biếu một đầu heo.

Sau khi ăn uống, để chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ nên duyên, cả hai họ nhà trai và nhà gái cùng nhảy múa vui mừng. Người thổi đinh tút, người đánh cồng, người gõ chiêng, các cặp nam nữ nhảy múa vũ điệu truyền thống.

Cả hai họ nhà trai và nhà gái cùng nhảy múa vui mừng với những vũ điệu truyền thống

Theo ông Trần Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam) cho biết: “để tái hiện nghi thức lễ cưới của người Ve huyện Nam Giang tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 4, diễn ra ở tỉnh Bình Định, đoàn tỉnh Quảng Nam đã rất vất vả trong việc vận chuyển, dựng mô hình ngôi nhà của người Ve, chuẩn bị rất nhiều đạo cụ, các lễ vật cho đám cưới… Đồng thời, vận động đồng bào dân tộc người Ve tích cực tham gia luyện tập và biểu diễn. Cũng rất may mắn, đồng bào người Ve luôn có ý thức cộng đồng dân tộc nên tích cực tham gia, giữ gìn giá trị lễ cưới của dân tộc mình, nâng cao sức sống văn hóa bản địa của đồng bào”.

Chị Hiên Thị Vượt - người đóng vai cô dâu cho biết: “nghi thức lễ cưới của người Ve đến bây giờ vẫn được duy trì. Người Ve cảm thấy rất tự hào khi vẫn lưu giữ được nghi thức này”.

Ngày xưa, phong tục cưới hỏi của người đồng bào Ve diễn ra từ 2 đến 3 ngày với những nghi thức cầu kỳ và tốn kém. Ngày nay, người đồng bào Ve đã có sự nhận thức lớn trong việc chấp hành thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc cưới, việc tang và lễ hội, mỗi đám cưới của đồng bào người Ve đảm bảo với quy định nhưng không mất đi bản sắc nguyên gốc, thời gian cưới rút ngắn, nghi thức đơn giản hơn, quà cưới tùy theo hoàn cảnh của hai gia đình.

Ngày nay, những giá trị văn hóa độc đáo trong đám cưới của người Ve đang được huyện Nam Giang nghiên cứu, tái hiện nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản độc đáo này, qua đó gắn với phát triển du lịch cộng đồng theo như mục tiêu đã đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;