Hệ thống di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ

Anh hùng dân tộc Ngô Quyền hiện nay được thờ phụng chủ yếu ở một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ như: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương và Phú Thọ. Việc phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền xuất phát từ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, ghi nhớ công lao to lớn mà ông đã mang lại cho đất nước. Để giúp người đọc có cái nhìn toàn diện và bao quát về sự phụng thờ anh hùng dân tộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, tác giả tập trung nội dung bàn luận về hệ thống di tích phụng thờ ông bao gồm: khái quát không gian phụng thờ, điện thờ, quy mô, kết cấu kiến trúc di tích phụng thờ, đưa ra đánh giá, nhận định về giá trị lịch sử, giá trị khoa học quân sự, giá trị văn hóa, giá trị giáo dục và giá trị kinh tế dựa trên kết quả nghiên cứu

Không gian phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền tại vùng đồng bằng Bắc Bộ

Phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền tại Hà Nội

Hiện nay, trên địa bàn thị xã Sơn Tây, huyện Mỹ Đức và huyện Đông Anh, nhân dân vẫn truyền tụng nhau về một người anh hùng họ Ngô tên Quyền. Chính vì vậy, ở đây còn lưu giữ nhiều dấu tích về ông như: rặng duối cổ, tương truyền xưa kia là nơi Ngô Quyền cho buộc ngựa, voi chiến; dấu tích vũng Hùm hồ sen là nơi ông cho binh sĩ tập trận trước khi tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng lịch sử; hay như dấu tích đàn trời, nơi Ngô Quyền làm lễ; dấu tích giếng Mục, bãi Xà Mâu. Vùng đất Đường Lâm với những di tích phụng thờ ông bao gồm: di tích lăng mộ Ngô Quyền, di tích đền thờ Ngô Quyền, đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1964.

 Không những vậy, trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Hà Nội hiện có hai di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền bao gồm: đền Thượng Tiết và đình Lương Hiền, tuy nhiên hai di tích này cho đến nay vẫn chưa được xếp hạng. Theo tương truyền, vùng đất này là nơi ông lựa chọn nghỉ chân 2 lần, lần thứ nhất là quá trình di chuyển từ Đường Lâm vào Châu Ái, lần thứ hai từ Châu Ái trở ra thành Đại La để tiêu diệt tên phản đồ Kiều Công Tiễn và chuẩn bị đánh quân Nam Hán. Thời gian nghỉ chân ở đây, ông đã chiêu mộ thêm nhiều binh sĩ, được nhân dân giúp đỡ, cung cấp lương thực, giúp sức cho trận đại thắng trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Bên cạnh đó, trong di tích đền Cổ Loa tại địa bàn huyện Đông Anh, hiện nay còn lưu giữ nhiều dấu vết chứng minh sau khi xưng vương, Ngô Quyền đã chọn Cổ Loa làm kinh đô của đất nước với mong muốn viết tiếp trang sử vàng của dân tộc từ thời Thục Phán An Dương Vương.

Phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền tại Hải Phòng

Hải Phòng là địa bàn có số lượng di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền nhiều nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở 4 quận: Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng và huyện Thủy Nguyên. Tại Hải Phòng, quận Hải An có mật độ di tích phụng thờ Ngô Quyền nhiều nhất, bởi lẽ, khu vực này xưa kia được biết đến với vai trò là đại bản doanh của Ngô Quyền, nơi ông tập trận, xây dựng kho chứa lương thực, cung cấp quân lương chiến đấu.

 Trong tổng số 8 phường thuộc địa bàn quận Hải An chỉ có 2 phường không có di tích phụng thờ Ngô Quyền: phường Thành Tô và Cát Bi. Hiện nay, có 11 di tích thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã được xếp hạng cấp Quốc gia, 9 di tích xếp hạng cấp thành phố.

Quận Ngô Quyền có 3 phường có di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền, trong đó 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích xếp hạng cấp thành phố và 2 di tích chưa được xếp hạng.

Quận Lê Chân có 4 phường hiện đang có di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền. Tổng số di tích phụng thờ trên địa bàn quận là 4, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích xếp hạng cấp thành phố.

Quận Hồng Bàng hiện nay gồm 9 phường, trong đó có 1 phường có di tích phụng thờ và được xếp hạng di tích cấp thành phố. Trên địa bàn huyện Thủy Nguyên có di tích được xếp hạng cấp quốc gia.

Phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền tại Hưng Yên

Tỉnh Hưng Yên có duy nhất huyện Tiên Lữ có 3 di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền, trong đó 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là đền Già, đền Nghĩa Chế và 1 di tích chưa được xếp hạng là đền Vương. Dấu tích về người anh hùng dân tộc Ngô Quyền còn in đậm ở vùng đất Tiên Lữ, người dân nơi đây tự hào có hai đơn vị hành chính được đặt tên theo Ngô Quyền là thị trấn Vương và xã Ngô Quyền. Tương truyền, vùng đất này xưa kia là nơi Ngô Quyền trên đường tiến quân về cửa biển Bạch Đằng đã cho quân sĩ đóng quân tại đây. Bên cạnh đó, khi ông dừng chân tại Tiên Lữ, nhân dân cảm mến tài năng và hưởng ứng sự kêu gọi của ông trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhiều người con ở vùng đất này đã gia nhập đội quân cùng ông đánh giặc. Ngoài đóng góp sức người, nhân dân còn ra sức ủng hộ lương thực. Minh chứng về vùng đất Hưng Yên được xem là vùng hậu cần, bài viết Những di tích đền thờ Ngô Quyền ở vùng Hưng Yên của tác giả Trương Thị Yến có nhắc đến đền Kê Lạc mà ngày nay chính là di tích đền Vương. Theo tác giả, vùng đất này xưa kia có di tích phụng thờ Ngô Quyền với tên gọi là đền Kê Lạc, tuy nhiên, năm 1950, giặc Pháp đã cho phá đền để xây dựng đồn bốt. Các di vật trong đền được nhân dân cất giữ cẩn thận và đặc biệt tại địa danh Kê Lạc xưa kia có rừng cây Kê Lạc, một loại gỗ quý, thân to, thẳng và chịu được nước. Chính Ngô Quyền đã sử dụng loại gỗ này để làm cọc nhọn đóng trên sông Bạch Đằng (1).

Phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền tại Phú Thọ

Trên địa bàn huyện Phú Thọ hiện nay chỉ có duy nhất một di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền là đền Chẹo được xếp hạng cấp tỉnh, tọa lạc tại thôn Nam Cường, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, di tích được xây dựng vào thời Lê, xong cùng với những tác động của điều kiện tự nhiên, yếu tố xã hội, ngôi đền đã xuống cấp và đã được trùng tu nhiều lần, lần trùng tu với quy mô lớn nhất là năm 2017. Với người dân nơi đây, dấu ấn về Ngô Quyền không gắn với giai đoạn trước khi ông xưng vương mà là giai đoạn sau khi định đô về Cổ Loa. Khi đất nước được thái bình, cũng giống như bao vị đế vương khác, Ngô Quyền tìm cho mình những thú vui riêng để cân bằng cùng với công việc. Chính vì vậy, vùng đất Nam Cường xưa kia là nơi ông cùng với Thái tử đến săn bắn, trong những cuộc đi săn ông có dịp cùng nhân dân ăn uống và nghỉ ngơi tại nơi này. Và sau khi ông mất, nhân dân Nam Cường đã lập đền thờ ông trên khu rừng Chẹo, đồng thời là minh chứng về sự hiện diện của ông tại vùng đất này, cũng như thể hiện tình cảm tốt đẹp của nhân dân đối với người anh hùng dân tộc.

Phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền tại Hà Nam

Hà Nam hiện nay còn lưu giữ một di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền tại đình Nguyên Xá, tọa lạc tại thôn Tân Tiến, xã Bồ Đề, huyện Bình Lục. Người dân nơi đây truyền tụng, trên cánh đồng làng có lăng thờ Ngô Quyền, sự xuất hiện lăng mộ Ngô Quyền ở nơi này có liên quan đến Dương Tam Kha. Thực hư về câu chuyện này như thế nào cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ, chưa có sự vào cuộc chính thức của các ban, ngành cùng với các nhà nghiên cứu nên những thông tin trên dừng lại là những truyền thuyết trong dân gian. Trong tài liệu nghiên cứu của Nguyễn Văn Chiến và Ngô Minh có đề cập nội dung “Những truyền tụng dân gian mà theo nhóm tác giả vừa mang tính dân gian, vừa mang tính lịch sử, câu chuyện về Dương Tam Kha tiếm ngôi, được Ngô Xương Văn tha không giết, giáng xuống làm Chương Dương Công”. Hoặc truyền tụng “Ngô Xương Văn đã cho Dương Tam Kha (cậu ruột) về mở thực ấp ở Bình Lục. Rồi bí mật đưa di hài Ngô Quyền về chôn ở đây. Dương Tam Kha đã xin về làng Ngô Xá trông nom mộ phần Ngô Quyền, trả ơn vị nghĩa vua tôi” (2).

Hệ thống thần điện phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền

Hệ thống thần điện trong di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ, Ngô Quyền đứng vai trò là vị thần chủ được nhân dân tôn kính và được đặt ở vị trí trung tâm. Tuy đứng vị trí trung tâm trong điện thờ nhưng cách sắp đặt lại có sự khác nhau ở các di tích. Trường hợp phổ biến, điện thờ chỉ có duy nhất tượng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền, như: Hải Phòng có đình Phụng Pháp, đình Đông Khê, đình Nam Phát, đình Kênh, đình Dư Hàng, Đình Lương Xâm, miếu Trung Hành, miếu Hạ Lũng, đình Hạ Lũng, đình Kiều Sơn, đình Bình Kiều. Ở Hà Nội di tích đền thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm, đền Thượng Tiết và Đình Lương Hiền. Hưng Yên có di tích đền Vương, Phú Thọ có di tích đền Chẹo…

Còn có trường hợp, ngoài tượng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền còn phối thờ các vị tướng, hoàng thân quốc thích cùng ông tham gia trận chiến Bạch Đằng năm 938, như: đình Lực Hành có phối thờ Ngô Xương Ngập, di tích đình Nghĩa Chế ngoài thờ Ngô Quyền còn thờ Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn, đền Dị Chế phối thờ hoàng hậu Dương Thị, Từ Lương Xâm có phối thờ Đào Nhuận và Ngô Tất Tố…

Trường hợp điện thờ có tượng thờ Ngô Quyền và các nhân vật lịch sử không cùng thời với Ngô Quyền như một số di tích ở Hải Phòng phối thờ Đoàn Thượng một danh tướng thời Lý và Phạm Tử Nghi một danh tướng thời Mạc.

Bên cạnh đó, còn có trường hợp điện thờ chỉ có bài vị mà không có tượng thờ Ngô Quyền như di tích đình Xâm Bồ ở Hải Phòng. Trường hợp này chỉ chiếm số lượng hy hữu không phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ.

Về diện mạo đức vương Ngô Quyền trên điện thờ, chủ yếu được tạc là tượng tròn, mang phong cách nghệ thuật điêu khắc tượng thờ TK XIX, số ít di tích mang phong cách TK XX như đình Lũng Bắc. Phần lớn tượng thờ Ngô Quyền tạc trong tư thế thiết triều như: di tích đình Lực Hành, miếu Hạ Đoạn, đình Phương Lưu. Một số di tích tượng Ngô Quyền được tạc trong tư thế ngồi thiền, nghỉ ngơi, thư giãn như miếu Trung Hành. Có những di tích tượng Ngô Quyền được tạc giống nhau như: đình Phương Lưu và đình Kiều Sơn với tay phải cầm quạt, tay trái đặt trên gối, mặt vuông chữ điền, râu ba chỏm, mắt sáng. Về mặt tượng chủ yếu tạc mặt vuông vức hình chữ điền, kiểu như một bậc quân vương. Trang phục sắc hoàng kim, trang trí nổi hình rồng, hình long vân, hổ phù, long cuốn thủy, sóng nước. Có thể thấy, diện mạo Ngô Quyền được tái hiện trên điện thờ mang dáng dấp của một bậc đế vương, bởi lẽ trong tiềm thức của nhân dân ngài là một vị vua có công lao to lớn đối với đất nước.

Tại điện thờ còn có các bức đại tự, câu đối ca ngợi công đức, vị trí của Ngô Quyền, sự biết ơn của nhân dân đối với ông. Bên cạnh đó, phần lớn các di tích phụng thờ ông trong cung cấm còn có long đao, kiếm, hòm sắc phong nhằm biểu dương sức mạnh, khẳng định khí chất của một bậc đế vương và ghi nhận sự phụng thờ ông của nhà nước, nhân dân.

Kiến trúc di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền

Quy mô kiến trúc

Các di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền ở vùng đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu xếp loại quy mô trung bình, nhỏ, ít di tích có kiến trúc quy mô lớn. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, anh hùng dân tộc Ngô Quyền được phụng thờ phổ biến trong các công trình kiến trúc đình làng, thuộc nhóm quy mô trung bình như: đình Lũng Bắc, Hạ Lũng, Lương Xâm, Xâm Bồ, Kiều Sơn, Lực Hành, Phương Lưu… Bên cạnh đó, có những ngôi đình quy mô nhỏ như: đình Nam Phát, Cát Khê. Đối với các miếu thờ, phần lớn quy mô nhỏ như miếu Xâm Bồ, Hạ Đoạn, miếu Hạ Lũng. Các ngôi đền thờ như đền thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm, đền Thượng Tiết ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) xếp vào quy mô nhỏ và trung bình. Hiện nay, di tích có quy mô lớn tiêu biểu là di tích Từ Lương Xâm (Hải Phòng).

Như vậy, di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền ở các địa phương thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ chưa có sự tương xứng - nơi thờ tự của một bậc đế vương, đặc biệt là quy mô kiến trúc di tích đền thờ, lăng thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm, Sơn Tây.

Kết cấu kiến trúc

Các di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ có kết cấu kiến trúc hài hòa, mang đặc trưng phong cách vùng đồng bằng Bắc Bộ. Kết cấu kiến trúc bao gồm công trình kiến trúc phụ trợ và công trình kiến trúc chính đảm bảo cho không gian phụng thờ ngài mang tính trang nghiêm.

Về hướng di tích, phần lớn các di tích đều quay theo hai hướng chính là hướng Nam và hướng Tây. Đại đa số các di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có quy mô trung bình nên có hai kết cấu mặt bằng kiến trúc phổ biến được xây dựng: bố cục mặt bằng hình chữ đinh và bố cục mặt bằng hình chữ công. Trường hợp một số di tích được làm theo bố cục mặt bằng hình chữ đinh như: đền Nghĩa Chế, đền Dị Chế, đình Đông Khê, đình Lạc Viên, đình Cát Bi, đình Bình Kiều, đình Phương Lưu. Di tích được xây dựng theo bố cục mặt bằng hình chữ công như đình Dư Hàng Kênh. Bên cạnh đó, với di tích có quy mô lớn như Từ Lương Xâm, mặt bằng kiến trúc được xây dựng theo kết cấu nội công, ngoại quốc. Tuy nhiên, mặt bằng kiến trúc này không phổ biến ở các di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện nay.

Các hạng mục kiến trúc bao gồm nghi môn, sân, đối xứng hai bên là hai nhà tả vu và hữu vu, gian tiền tế, tòa đại bái và hậu cung. Các gian được làm theo số lẻ, theo quan niệm truyền thống của người Việt. Tùy theo chức năng, mỗi gian được bài trí đồ thờ, tượng thờ, hệ thống các bức hoành phi, câu đối ca ngợi công đức, tài năng và sự biết ơn của nhân dân đối với anh hùng dân tộc Ngô Quyền.

Giá trị hệ thống di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền

Giá trị lịch sử

Các di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền là bằng chứng cho giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành lại quyền tự chủ của dân tộc những năm đầu TK X. Bên cạnh đó, thông qua các di tích phụng thờ anh hùng dân tộc, hậu thế biết nhiều hơn về ông một người tài trí vẹn toàn, người biết hội tụ sức mạnh toàn dân để làm việc lớn, đồng thời đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới của dân tộc Việt Nam, giai đoạn độc lập, tự chủ sau hơn nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ.

Sự có mặt các di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền tại vùng đồng bằng Bắc Bộ là cơ sở để các nhà nghiên cứu nhìn nhận và đánh giá về không gian của trận Bạch Đằng lịch sử năm 938. Thông qua hệ thống các di tích phụng thờ ông tập trung ở Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội cho thấy vùng lõi của trận Bạch Đằng chính là ở đây. Bên cạnh đó, dựa vào địa thế, vị trí đặc trưng của các tỉnh có di tích phụng thờ, cùng với những hiện vật, trò diễn còn lưu giữ tại các di tích cho thấy Hải Phòng xưa kia là chiến trường chính, nơi chứng kiến sự thất bại của quân Nam Hán. Đồng thời, vùng hậu cần đóng góp thành công cho trận Bạch Đằng của Ngô Quyền là các tỉnh giáp với Hải Phòng.

Di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền là bằng chứng sống tái hiện chân dung về một vị tướng giỏi những năm đầu TK X, đồng thời là không gian nhắc nhở hậu thế mai sau về chiến thắng đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 có vai trò to lớn đối với lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ hòa bình cho dân tộc, khẳng định chủ quyền và tinh thần đoàn kết, kiên cường chiến đấu của dân tộc Việt Nam.

Các di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền hiện nay còn lưu giữ nhiều di vật, hiện vật có giá trị lịch sử ví như tại di tích đình Dư Hàng Kênh của thành phố Hải Phòng hiện nay còn lưu giữ pho tượng Ngô Quyền được chế tác vào TK XVI, kiệu bát cống tương truyền có từ thời nhà Mạc. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ hòm sắc luân lưu của cả tổng Đông Khê, gồm có 6 đạo sắc của triều đình. Như vậy, thông qua các di tích phụng thờ anh hùng dân tộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều di vật, hiện vật được lưu giữ mang giá trị lịch sử sâu sắc, không chỉ phản ánh giai đoạn lịch sử gắn với anh hùng dân tộc Ngô Quyền mà còn thể hiện sự tôn kính của nhân dân với ông qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Giá trị khoa học quân sự

Hiện nay, những di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên và những dấu tích ở Hải Dương cho thấy, trong trận Bạch Đằng, Ngô Quyền đã sử dụng chiến thuật thành lập vùng lõi và vùng đệm nhằm tạo thế vòng vây khiến quân địch khó có đường trốn thoát. Bên cạnh đó, với một khoảng thời gian ngắn để chuẩn bị đối phó với đội quân hùng mạnh về số lượng, Ngô Quyền đã tận dụng tối ưu địa thế hiểm yếu vùng cửa sông Bạch Đằng, kết hợp cảnh quan hai bên cửa biển, tận dụng nguồn nhân lực là người dân địa phương, những người thạo nghề sông nước, am hiểu tình hình để huấn luyện chiến đấu. Để đối phó với quân Nam Hán, Ngô Quyền đã xây dựng phòng tuyến, sơ đồ chiến thuật trọng tâm là vùng cửa biển Bạch Đằng, vùng tả ngạn, hữu ngạn sông Bạch Đằng. Cụ thể, đối với vùng cửa biển Bạch Đằng, Ngô Quyền cho quân sĩ lấy cọc gỗ đẽo nhọn đầu và bịt sắt đóng ngầm, chi tiết này được ghi lại trong sách Đại Việt sử ký toàn thư. Bên tả ngạn sông Bạch Đằng, ông cho Dương Tam Kha, cùng với Đào Nhuận bố trí sẵn lực lượng, chờ thời cơ để chặn đánh quân giặc. Phần Hữu ngạn giao cho Đỗ Cảnh Thạc và ba anh em họ Lý có nhiệm vụ kết hợp với cánh quân của Dương Tam Kha, tạo thành thế gọng kìm để tiêu diệt quân Nam Hán. Như vậy, Ngô Quyền đã hình thành một thế trận phòng thủ liên hoàn, tạo thành vòng khép kín nhằm chặn mọi đường rút của quân địch.

Ngô Quyền là bậc thày trong vận dụng kiến thức địa lý, am hiểu thiên văn cho nên ông lựa chọn địa điểm, thời gian phù hợp để hiện thực hóa sơ đồ chiến thuật trận địa cọc trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Về địa điểm, ông nhìn nhận vị thế hiểm yếu xung quanh vùng Bạch Đằng. Bởi lẽ, vùng này có sự kết hợp giữa cửa biển và cửa sông, hai bên là đồi núi, các đảo nổi giữa sông với kích thước khác nhau. Từ địa hình đặc biệt trên Ngô Quyền đã tận dụng để hình thành các tuyến phòng thủ và tấn công quân địch. Về thời gian, nhiều quan điểm cho rằng trận Bạch Đằng năm 938 được diễn ra vào tháng Chạp và toàn bộ trận đánh chỉ diễn ra trong vòng một ngày dựa trên sự tính toán thủy triều lên xuống của con sông Bạch Đằng. Sau này, những kinh nghiệm của ông đã được hậu thế áp dụng và lịch sử Việt Nam ghi nhận thêm hai lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng vào năm 981 và năm 1288.

Sự hiện diện các công trình di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ một lần nữa cho thấy sự khéo léo của ông khi vận dụng chiến lược gần dân, sử dụng sức mạnh đoàn kết của nhân dân, đặc biệt là chính sách liên kết vùng phụ cận. Ông nhìn ra những ưu thế của các vùng và khai thác các ưu thế đó trong xây dựng chiến lược của mình. Do đó, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, mọi công việc chuẩn bị đã được ông nhanh chóng hoàn thành và cục diện đã có sự thay đổi từ thế bị động chuyển sang thế chủ động sẵn sàng tiếp chiến với quân xâm lược.

Giá trị văn hóa

Các di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền ở vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện nay phần lớn mang phong cách kiến trúc nghệ thuật triều Nguyễn. Ví như di tích đền và lăng thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm, theo truyền ngôn của người dân địa phương thì đền thờ được xây dựng lại vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) và lăng Ngô Quyền được xây lại vào năm Thành Thái thứ 16 (1907). Di tích Từ Lương Xâm ở Hải Phòng tương truyền được xây dựng từ thời Hậu Lê, tuy nhiên được trùng tu lại dưới triều Nguyễn. Trong nhiều công trình kiến trúc phụng thờ Ngô Quyền ta bắt gặp họa tiết trang trí, điêu khắc đặc trưng của triều Nguyễn ví như tại đình Hàng Kênh, đôi rồng trên bờ nóc được đắp vẽ mang phong cách triều Nguyễn.

Hệ thống các di vật được lưu giữ trong di tích bao gồm: hệ thống tượng thờ, kiệu thờ, các đồ thờ tự, hệ thống bia, đặc biệt là các bản sắc phong từ thời Lê, Mạc, Nguyễn. Những hiện vật trên là tư liệu quý khẳng định về sự tồn tại và phát triển của di tích theo thời gian. Bên cạnh đó, cho thấy sự phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ có từ lâu đời và cho đến nay vẫn được lưu giữ. Đền thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm còn lưu giữ 9 bản sắc phong việc phụng thờ Ngô Quyền. Đình Dư Hàng Kênh, Hải Phòng hiện còn lưu giữ 5 sắc phong với nội dung phong cho Ngô Quyền là Thành Hoàng làng và cho phép phụng thờ ông.

Giá trị văn hóa tinh thần tiêu biểu trong di tích phụng thờ anh hùng dân tộc vùng đồng bằng Bắc Bộ là hệ thống các nghi lễ, lễ hội được người dân các địa phương thực hành và lưu giữ cho đến ngày nay. Các nghi lễ phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền gắn với lễ Tết truyền thống của người Việt, với lễ tiết nông nghiệp, với ngày thánh đản, ngày thánh hóa, kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Bên cạnh đó, tại các di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền còn diễn ra các nghi lễ mang tính thế tục của người dân địa phương, những khi gia đình có việc lớn như dựng vợ, gả chồng cho con, xây dựng một căn nhà mới, quyết định làm một công việc mới, mong cho con cái học hành tiến tới người dân địa phương đến di tích và gửi gắm ước vọng đến ngài. Đặc biệt, tại các di tích, hằng năm diễn ra lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn của ngài. Tuy nhiên, thời gian mở hội ở mỗi địa phương thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ lại có sự khác nhau, như ở Sơn Tây, Hà Nội lễ hội được diễn ra vào tháng Tám, Hải Phòng tất cả các di tích đều mở hội vào tháng Giêng, Hưng Yên mở hội vào tháng Hai, Phú Thọ tổ chức vào tháng Ba.

___________________

1. Trương Thị Yến, Những di tích đền thờ Ngô Quyền ở vùng Hưng Yên, Bảo tồn, tôn tạo và xây dựng khu di tích lịch sử - văn hóa Đường Lâm, UBND thị xã Sơn Tây, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2005, tr.139.

2. Nguyễn Văn Chiến - Ngô Minh, Phát sáng di tích lịch sử văn hóa đình Nguyên Xá, tài liệu nội bộ, Hà Nam, 2017, tr.7.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quang Ngọc, Chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Phòng, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1982, tr.82.

2. Sở Văn hóa - Thông tin Hải Phòng, Bảo tàng Hải Phòng, Hồ sơ di tích Từ Lương Xâm, xã Nam Hải, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, bản đánh máy, 1982.

3. UBND quận Hải An, Di sản văn hóa quận Hải An những dấu ấn lịch sử, Nxb Hải Phòng, 2013.

4. UBND thành phố Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ngô Quyền vị tổ trung hưng đất nước, Nxb Khoa học xã hội, 2020.

BÙI THỊ HỒNG THOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024

;