"Nhắm mắt nhìn sao"

Nhắm mắt lại một chút, đó là suy nghĩ đầu tiên khi tôi tình cờ cầm trên tay cuốn tự truyện "Nhắm mắt nhìn sao" của tác giả người khiếm thị Hà Chương.

Tôi nhớ về những năm tháng thời sinh viên của mình, nhớ về người bạn cũ đã lâu không gặp. Anh cũng là một người khiếm thị, khi quen anh, tôi nhớ có lần chỉ đường cho anh tới nhà tôi chơi: “Anh rẽ xuống dốc phố Hào Nam, đến ngôi nhà màu xanh anh nhé”. Anh bảo, “với anh thì màu nào chả như nhau!”. Đó là điều tôi nhớ mãi tới giờ sau gần 20 năm không gặp. Lúc này, trong tôi thôi thúc sự tò mò và muốn hiểu thêm về cuộc sống của những người khiếm thị biết bao. Có một điều tác giả cuốn sách sinh năm 1982, cùng là thế hệ với tôi nên khi đọc cuốn tự truyện của anh rất cuốn hút, với cảm giác khâm phục nghị lực, ý chí của một người đã vượt lên số phận bất hạnh để thành công. Một lần nữa tôi cứ muốn nhắm mắt lại cảm nhận những gì mình đã đọc, đã cảm nhận qua từng trang sách.

Nhắm mắt nhìn sao là cuốn tự truyện của tác giả khiếm thị Hà Chương được Thanh Nhã chấp bút, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào cuối năm 2019. Nội dung của cuốn sách được tác giả kể lại chính câu chuyện cuộc đời mình như một cách nhìn lại về một quãng đường mà mình đã đi qua, trên quãng đường đó có nước mắt, sự tủi thân với bao đắng cay mà hơn nửa đời người tác giả đã trải qua… nhưng bừng lên tất cả là hoài bão, khát vọng và nghị lực của một người không bao giờ đầu hàng số phận.

Tất cả những cung bậc cảm xúc đó được tác giả ghi chép lại chân thật và sinh động trong 4 chương gồm: Ánh sáng và âm thanh cuộc sống; Đà Nẵng ký ức tuổi thơ; Đường vào SHOWBIZ; Thênh thang Sài Gòn… và sau mỗi câu chuyện là lời tự sự của tác giả khi tự vượt qua chính bản thân mình.

Người ta thường bảo “Ngước lên nhìn ánh mặt trời rạng ngời mà nỗ lực tiến bước…”. Nhưng nhắm mắt nhìn sao lại là chuyện khác? Có lẽ, chúng ta ai cũng có lần sẽ hỏi, đôi mắt của người khiếm thị có thể nhìn thấy gì, nếu không phải là bóng tối. Nhưng không, bóng tối do chính chúng ta tự tạo ra trong tâm hồn mình mà thôi. Và âm nhạc cũng như tự truyện Nhắm mắt nhìn sao của Hà Chương đã chạm đến trái tim của những người yêu quý anh - một nghệ sĩ, nhạc sĩ tài năng.

Hãy thử một lần nhắm mắt lại, bạn sẽ cảm nhận và thấu hiểu hơn với những người khiếm thị. Trước mắt họ chỉ là một màn đêm thăm thẳm, họ chỉ có thể cảm nhận mọi thứ bằng đôi tay, bằng sự nhạy cảm của các giác quan khác và trên hết, bằng thính lực của đôi tai. Âm thanh cuộc sống họa nên những sắc màu lung linh trong tưởng tượng của họ và khơi lên trong trái tim họ những giai điệu yêu đời, yêu người. Thế nên, thay vì cứ ngồi im lần mò trong bóng tối, người khiếm thị đã chọn cách đứng lên, đi xuyên qua bóng tối và hướng về chân trời sáng. Nơi ấy có niềm tin, hy vọng và yêu thương, giúp họ vượt qua những giới hạn của bản thân để chiến thắng số phận và vươn tới bầu trời đầy sao của mình.

Con người chúng ta, đặc biệt là những bậc làm cha mẹ, họ luôn mong con mình được bình an mà vui sống. Họ nhiều khi chểnh mảng, cho mình cái quyền quyết định thay con cái. Nhưng có một điều không thay đổi: lòng vị tha cùng sự hy sinh.

“Điều gì đáng sợ hơn bóng tối?

Đó là khi có một đứa con không nhìn thấy ánh sáng.

Vì vậy, những bậc cha mẹ có con khuyết tật đều vĩ đại hơn cách thông thường”.

Tác giả đã được sống trong cái tình đó.

Hai tuổi, Hà Chương đã phải sống trong bóng tối triền miên. Chu du cùng cha mẹ trên chặng đường tìm ánh sáng với hy vọng le lói. “Tôi không thấy đường. Tiền vốn mua bò, mua giống vơi đi thấy rõ theo những chuyến chữa trị ngược xuôi Nam - Bắc của tôi”. Ai cũng ái ngại thả những lời thương hại: “thằng nhỏ đẹp trai, khôi ngô mà tối tăm”. Có chỗ nào tốt cha mẹ cũng cùng con theo để tìm lại được ánh sáng cho đôi mắt trong trẻo của con thơ. Nhưng rồi khi bán hết gia sản để chữa bệnh mà kết quả thì lại bất lực xót xa trong việc chữa chạy bệnh tật cho con mình.

Sau hành trình tìm lại ánh sáng cho con thất bại, anh và gia đình đã tiếp một hành trình khác tuy gian nan, tưởng như đen tối đó thì ánh sáng đã ở cuối đường hầm. Những ký ức tuổi thơ cũng lớn dần lên trong sự nhạy cảm của mình: “Tôi lớn lên, quen dần với bóng tối, nên chẳng còn thấy sợ nữa!”. Với suy nghĩ: Mọi khốn khó ở đời đều có giải pháp để vượt qua, mẹ anh đã tìm ra phương thức giúp đứa con khiếm thị có thể nhận biết được các chữ cái và vở ô ly từ hàng đồ chơi và mấy cây nhang trên bàn thờ. Mẹ lấy chân nhang in mạnh xuống vở tạo ô ly… rồi với những lần tập xe đạp bị đo đường thì “con khóc một, mẹ khóc tới mười. Nhưng con cần được vấp ngã”.

Hà Chương cũng kể về những cảm xúc âm nhạc đầu đời của đứa trẻ gần bảy tuổi ấy qua tiếng đàn của chị Ba. “Thế giới tuổi thơ của tôi đầy âm thanh. Tiếng kẽo kẹt võng đưa, tiếng quạt nan của mẹ, tiếng lửa réo trong nồi cá kho…”. Ba tôi là cao thủ trong nghề lái bò, nhưng có những lúc vẫn nhận phần thiệt về mình để mua giúp cho chủ bò có tiền chữa bệnh. Và tác giả bộc bạch: “Ba tôi - một lái bò, mẹ tôi một phụ nữ làm ruộng đã dạy tôi bài học đầu đời trong kinh doanh: có những cuộc đi buôn lợi nhuận được đong bằng hạnh phúc của con tim!”. “Sau này đi hát, dù không có thù lao, tôi vẫn cháy hết mình trong những đêm nhạc cho các em nhỏ mồ côi, khiếm thị, khuyết tật, từ ký ức chuyện mua bò của ba”.

Cơ duyên anh gặp được cha nuôi, phải chăng thượng đế mang xuống để gieo mầm tương lai cho Hà Chương. Người cha nuôi đã chạy ngược xuôi để lo cho anh đi học, mở ra một chân trời mới là cả tương lai cho tác giả sau này. Đó là việc học tập, viết chữ nhờ vào sáng kiến của mẹ, sự giúp đỡ chân tình của những người như cha nuôi, mẹ nuôi, những mối tình vụng dại của học sinh khiếm thị, trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu ở Đà Nẵng ... Và đến 2004, anh trở thành sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Cùng với đó tác giả cũng nhắc lại những kỷ niệm đặc biệt, những khoảnh khắc và mối tình với người vợ hoàn toàn bình thường với anh.

Cánh cổng trường mở ra, không chỉ là tri thức, nguồn sống mà còn có rất nhiều cơ hội khác. Ngôi trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu với những nguyên tắc, quy định khắt khe đối với những người khiếm thị, cùng nhiều thử thách lớn để có thể sinh hoạt bình thường là cả sự cố gắng phi thường với những người khiếm thị. Chính tại ngôi trường này Hà Chương đã bén duyên với đàn bầu. Anh luôn tâm niệm: “Đừng ngại tìm hiểu hay chinh phục một loại nhạc cụ. Khi chơi được một nhạc cụ, cuộc đời mỗi người đẹp hơn bội phần. Nè, chưa tập đã nói khó thì chữ “khó” là rào cản, ngăn bạn đến với cung bậc tuyệt vời của âm nhạc”.

Phải biết rằng, “Người khiếm thị không có đôi tai thính hơn người thường đâu. Bằng chứng là rất nhiều người khiếm thị không chơi nhạc được. Khi đam mê đủ lớn, bất kỳ ai cũng có thể thành công”. Tác giả kể: “Sau này khi trưởng thành, tôi nhận ra rằng chinh phục trái tim người mình yêu là điều không dễ dàng. Tình yêu dễ quá, đâm chán. Tình yêu được thử thách sẽ vững bền và trường tồn. Đàn bầu cũng vậy. Tôi đến với nó bằng nước mắt và cả máu…”. Với những tháng ngày luyện đàn như luyện võ, “có đôi lúc tay tôi mỏi nhừ như muốn rơi ra từng đốt xương, càng gắng sức gảy, dây đàn căng cứng cứa vào lòng bàn tay tôi chảy máu…”.

Bước ngoặt là lúc anh mạnh dạn đem tiếng hát đến với đời, khi tham gia cuộc thi Vietnam’s Got Talent với bài hát Cõng mẹ đi chơi, anh lọt vào top 3 chung kết cuộc thi. Anh đi từng bước nhỏ, đi từ bóng tối để hướng ra ánh sáng cuộc đời. Hơn bao giờ hết là niềm đam mê, là khát khao được sống và cống hiến vì nghệ thuật, vì cuộc sống tươi đẹp biết bao!

Với ý chí đó, anh đã có buổi biểu diễn đầu tiên nhờ sự dẫn dắt và truyền cảm hứng của những người thầy, những người bạn thân thiết… Món quà của sóng - album đầu tiên gồm mười hai ca khúc viết về Đà Nẵng, Quảng Ngãi, về cây đàn bầu, về bạn bè, về lời ru của mẹ… Quả ngọt cho bao cố gắng của tác giả được gọi là “thợ săn giải thưởng”, những giải thưởng lớn trong đấu trường âm nhạc nước nhà từ năm 1995-2003: 9 huy chương vàng các cuộc thi độc tấu đàn bầu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc, giải B sáng tác ca khúc của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với bài hát Vì sao em không thể. Phát hành hơn 10 album- single và MV, từng lưu diễn tại Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan…

“Chẳng còn ai nói tôi là đứa trẻ đui mù sau này phải đi hát rong xin cái ăn nữa”. Anh nói về điều này như một lời giãi bày, minh chứng cho người còn có cách nhìn khác về những người khiếm thị trên khắp cả nước cũng như truyền cảm hứng để các bạn cùng nỗ lực giống mình. “Người sáng mắt nhìn đời bằng đôi mắt, còn người khiếm thị chúng tôi bước vào đời bằng nghị lực và niềm đam mê. Tôi “nhìn” đời bằng đôi tai và trái tim của người nghệ sĩ. Và tôi luôn cố gắng để mọi người biết rằng tôi cũng yêu đời, yêu cuộc sống chẳng thua kém gì mọi người…”. “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, chúng tôi đã không có được nó cho cuộc đời mình, nhưng không vì thế mà đời sống của chúng tôi kém rực rỡ. Tôi đã nhắm mắt nhìn nắng bằng sự khát khao cháy bỏng của trái tim luôn hướng về ánh sáng, hướng về mặt trời”.

Đọc Nhắm mắt nhìn sao người đọc nhận ra trong cuộc sống không ai là hoàn hảo, ai cũng có khiếm khuyết, chỉ khác là lớn hay nhỏ, khiếm khuyết về thể xác hay tâm hồn. Nhưng quan trọng bạn có dám đối diện, chấp nhận nó và dám thay đổi theo hướng tích cực hay không, đừng để khiếm khuyết đó cản trở ước mơ khát vọng của bạn. Với Nhắm mắt nhìn sao, Hà Chương “muốn lan truyền ngọn lửa và những năng lượng tích cực đến những người xung quanh để họ dễ dàng vượt qua những thử thách đời thường”.

HỒNG HÂN

;