Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có nhiều điểm mới, đạt được những kết quả, được cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận quốc tế đồng tỉnh, ủng hộ. Ngày 2-3-2023, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây được coi là cuốn “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn xác định, làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sẽ giữ vững ổn định chính trị xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại; đồng thời bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cho rằng xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”. Trong cuộc phỏng vấn với báo Tintuc.vn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra các điểm mới của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022: Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được sửa đổi, bổ sung, với nhiều đổi mới về nội dung, phương thức và phạm vi hoạt động, bao gồm cả “tiêu cực”. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt những kết quả bước đầu. Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn khâu yếu, việc khó để tập trung chỉ đạo khắc phục; làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, khoa học, có sự phối hợp rất nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao và hiệu quả ngày càng rõ; thực sự là “tổng chỉ huy”, là “nhạc trưởng” của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Gần đây, việc phát hiện, đấu tranh và xử lý một số vụ án lớn cũng như phải kỷ luật một số cán bộ cấp cao, đặc biệt việc ban hành Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8-9-2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật đã cho thấy tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ trong việc xử lý những cán bộ sai phạm, tha hóa, biến chất, kịp thời thay thế những cán bộ không còn đủ năng lực, uy tín.
Toàn cảnh buổi lễ giới thiệu cuốn sách
Nhằm nghiên cứu, xây dựng tài liệu tuyên truyền, giáo dục về lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức biên soạn cuốn sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tiếp thu, hoàn thiện bản thảo cuốn sách; xuất bản gần 55.000 cuốn, cấp phát cho các cơ quan ở Trung ương và các địa phương, nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2-1930 – 3/2/2023) và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (1/2/2013 – 1/2/2023).
Quá trình biên soạn và xuất bản cuốn sách được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bài bản, khoa học, đảm bảo yêu cầu về nội dung, hình thức và tiến độ. Tổ biên soạn đã sưu tầm, tập hợp các tài liệu, tư liệu, hình ảnh có liên quan từ nhiều nguồn tài liệu, ở nhiều thời kỳ khác nhau. Văn phòng Tổng Bí thư, Thư viện Quốc hội, Văn phòng Thành ủy Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp, cung cấp nhiều tài liệu, tư liệu, hình ảnh có giá trị về hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua. Đặc biệt còn có những hình ảnh về hoạt động của đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ thời sinh viên, những bài viết cách đây tròn nửa thế kỷ, khi đồng chí còn là Biên tập viên của Tạp chí Cộng sản...
Bìa cuốn sách
Cuốn sách được biên soạn theo ba nhóm nội dung: Xây dựng bài viết tổng quan về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; tuyển chọn các bài viết, bài phát biểu, kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội, bạn bè quốc tế đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Các bài viết, bài phát biểu, kết luận chỉ đạo được sắp xếp theo thứ tự thời gian, nhằm minh họa, cụ thể hóa, làm sâu sắc thêm nội dung của bài tổng quan; thể hiện hành trình, thông điệp và bước tiến quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, cũng thể hiện tư tưởng kiên định, nhất quán và xuyên suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dù ở bất kỳ cương vị nào và đã trải qua hơn 50 năm công tác, kể từ khi là một biên tập viên cho đến khi là người đứng đầu Đảng ta.
Cuốn sách dày 600 trang, được kết cấu làm 3 phần và gần 100 bức ảnh, trong đó có những bức ảnh lần đầu tiên được công bố.
Phần thứ nhất: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, gồm bài viết tổng quan; 4 bài phát biểu kết luận tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022 và trích kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 36 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo từ năm 2013 đến năm 2022. Nội dung các bài viết đều nhằm hướng đến việc xóa bỏ hiện tượng tham nhũng, tiêu cực ra khỏi nước ta, dựa trên tinh thần “Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực”.
Theo Tổng Bí thư, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược. Do vậy, chúng ta cần phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước cũng như để đất nước phát triển. Để làm được điều đó, Tổng Bí thư cho rằng: phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng.
Kết quả từ những Kết luận tại các Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực các năm đã cho thấy sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong Kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 và định hướng cho giai đoạn tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra định hướng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự… Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức, đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất…
Phần thứ hai: Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc, gồm 22 bài viết, bài phát biểu được tuyển chọn từ hơn 500 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Theo Tổng Bí thư, vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực. Muốn vậy, Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn cũng là một quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Trong quá trình đổi mới và chỉnh đốn, Đảng phải giữ định hướng và không rời xa nguyên tắc; kiên định và phát triển sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng; chống các khuynh hướng: bảo thủ, cơ hội, cực đoan. Trong bài viết Vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước (tr.340), Tổng Bí thư đánh giá cao việc đổi mới và chỉnh đốn Đảng, bảo đảm thực hiện có kết quả những nhiệm vụ chính trị của đất nước: Đổi mới nhưng không phủ nhận thành tựu của quá khứ; không dao động trên những vấn đề nguyên tắc, không lẫn lộn những vấn đề chiến lược với sách lược; kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc nhưng đổi mới sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên cũng mang đến sự thành bại cho sự nghiệp cách mạng. Trong bài Bệnh sợ trách nhiệm (tr.465), Tổng Bí thư đã chỉ ra những biểu hiện của người mắc bệnh sợ trách nhiệm: làm việc cầm chừng, cốt sao không phạm phải khuyết điểm lớn; rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình; thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể; ngại va chạm trong quan hệ với đồng chí, cấp trên, cấp dưới… Đó chính là trở ngại cho công tác Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm, nhược điểm không được khắc phục kịp thời, trình độ, năng lực của cán bộ chậm được nâng cao…
Qua bài viết Của chung, của riêng (tr.472), bạn đọc cũng phần nào hiểu rõ thông điệp mà Tổng Bí thư đưa ra đối với những người chủ của đất nước: phải chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà.
Phần thứ ba: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tuyển chọn 96 trên tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Trong bài viết Niềm tin của nhân dân (tr.525), nhà báo Nhị Lê đã nhắc đến sự suy thoái, biến chất, cửa quyền, kéo bè, kéo cánh, chạy chức, chạy quyền, chạy tội… đang trở thành căn bệnh nguy hại, làm xói mòn lòng tin của người dân vào Đảng. Do vậy, những hành động quyết liệt của Tổng Bí thư như gióng một hồi trống rành rọt, đánh đâu chắc đấy… đã đáp ứng được lòng mong mỏi và lấy được niềm tin của nhân dân. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định: Người cầm cờ là như vậy! Tổng Bí thư đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm được những việc mà trước đây chưa làm được. Điều này cho thấy Tổng Bí thư đã lắng nghe dân, lắng nghe Đảng… từ đó phát động phong trào trực tiếp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để đưa ra được vấn đề như vừa qua. Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, Tất cả đều lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích và quyền lực của dân làm mục tiêu phấn đấu của hành động. Vai trò của người đứng đầu - Tổng Bí thư thường xuyên thể hiện điều này. Đây là tấm gương để chúng ta học tập và noi theo, và cũng là một tấm gương được lòng dân. Trước hết phải trong sạch, làm cho mình phải liêm chính thì mới trong sạch, liêm chính trong tổ chức, mới thúc đẩy cuộc đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, công lý cho xã hội.
Sự kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam còn được sự ghi nhận, ủng hộ của bạn bè quốc tế. GS, TS Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông, Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Peterburg đã nhận định: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được tiến hành ở toàn bộ các nước trên thế giới với ít nhiều thành công khác nhau. Ở những nước đông dân như Việt Nam và Nga, việc đương đầu với cái ác này có phần phức tạp và khó khăn hơn, dù đang thực hiện những bước đi nhất định theo phương hướng đúng đắn… mức phạt cho tham nhũng cần phải nghiêm khắc như ở Việt Nam. Theo ông Frederick Burke, đối tác của Công ty luật quốc tế Baker McKenzie cho rằng: Việc Chính phủ Việt Nam có thể làm được những gì trong vài tháng qua cho thấy họ nghiêm túc kiềm chế các vụ tham nhũng.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại buổi lễ
Trong buổi lễ ra mắt cuốn sách, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, những bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư trong cuốn sách được rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng chí cũng yêu cầu, ngay sau lễ ra mắt cuốn sách, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các cơ quan báo chí, bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp tập trung tuyên truyền, giới thiệu về nội dung cuốn sách đến đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về giá trị của cuốn sách này trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên đọc, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung cuốn sách; đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ; liên hệ với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của địa phương, đơn vị mình. Hệ thống giáo dục quốc dân, nhất là các học viện, trường chính trị, trường đại học, cao đẳng cả nước, trên cơ sở nội dung cuốn sách, xây dựng thành tài liệu học tập, nghiên cứu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, địa phương cần vận dụng đúng đắn, phù hợp các bài học kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu trong cuốn sách này.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng cuốn sách cho đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương
Để lan tỏa giá trị của cuốn sách quý đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về nội dung cuốn sách, song song với việc xuất bản sách giấy, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã giới thiệu, xuất bản phiên bản điện tử cuốn sách trên trang Sachquocgia.vn, Stbook.vn, Thuviencoso.vn và các ứng dụng nền tảng số.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức phát hành phiên bản sách điện tử của cuốn sách
Có thể nói, bằng tư duy lý luận sâu sắc, sự uyên thâm về trí tuệ, với thực tiễn phong phú của tác giả, cuốn sách được trình bày bằng ngôn ngữ gần gũi, có sức thuyết phục. Chắc chắn cuốn sách sẽ là tài liệu nghiên cứu có giá trị, là tư liệu bổ ích đối với cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
HỒNG VÂN - Ảnh: nxbctqg.org.vn