Dy Duyên và ánh sáng trên hành trình mới

Dy Duyên là một nhiếp ảnh gia tự do sinh năm 1987, đang làm việc tại Sài Gòn với đam mê bất tận dành cho ánh sáng. “Từ ánh nắng trên tóc người đi đường, bóng đổ của cái cây phủ lên mảng tường trắng, ánh đèn neon của những cửa tiệm hắt trên mặt người hay sự phản chiếu của tia nắng lên những chiếc ly thủy tinh trong tiệm cafe… đều làm trái tim cô rung động dù đã được nhìn thấy những cảnh tượng đó hàng trăm lần... Ánh sáng mỗi ngày tưởng chừng hiển nhiên đó luôn ẩn chứa những điều thú vị qua mỗi chiếc ly, góc cửa sổ, khuôn mặt người… mà chỉ cần một tâm hồn biết lắng nghe và một trái tim biết tưởng tượng là đã có thể kể nên biết bao câu chuyện đặc sắc bằng hình ảnh” (1). Hẳn vì mê đắm ấy mà chị đã viết tác phẩm văn chương đầu tay Cúc Dại và Tia Nắng (Nxb Kim Đồng ấn hành). Trên hành trình nghệ thuật mới này, ánh sáng tự nhiên tiếp tục được khám phá với những điều kỳ diệu nảy nở từ mối quan hệ cộng sinh với những vật thể khác.

Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, hoa cúc và ánh sáng mặt trời là hai biểu tượng được “cấp phép thông hành” với những nét nghĩa đẹp. Ánh sáng mặt trời được khẳng định là một “dữ liệu” không có tính bất biến. Nhưng nếu ánh sáng mặt trời chết đi mỗi tối thì nó lại hồi sinh hằng sáng và con người sẽ tìm thấy ở đó niềm tin về tính trường tồn của cuộc đời và sức mạnh con người. Còn hoa cúc với những cánh được sắp xếp quy củ như những tia sáng phát ra từ một tâm đã được xem là biểu tượng của mặt trời, gắn với ý niệm trường thọ và bất tử. Ở Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, loài hoa này còn đóng vai trò môi giới giữa trời và đất, gợi sự viên mãn, toàn vẹn (2). Lựa chọn Cúc Dại và Tia Nắng làm nhân vật chính cho truyện, Dy Duyên vừa kế thừa giá trị gốc trong từ điển, vừa nhìn ra những vùng sáng khác lạ của biểu tượng. Vì vậy, dẫu vẫn tìm cảm hứng từ sinh thái, vẫn mượn tự nhiên để làm sống dậy câu chuyện về con người, nhưng lần đầu chạm ngõ văn chương của Dy Duyên đã gửi những tín hiệu tích cực đến độc giả.

Một trong những điều thú vị của Cúc Dại và Tia Nắng chính là việc vận dụng kỹ thuật của nhiếp ảnh vào quá trình kiến tạo câu chuyện ngôn từ. Một trong những bài học quan trọng của nhiếp ảnh là phải chú ý đến ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng tự nhiên, vì đây là nguồn dẫn quan trọng của cảm xúc, có thể truyền tải nhiều thông điệp. Giá trị của các tác phẩm nghệ thuật thị giác có mối liên hệ mật thiết với người “bắt sáng”. Trong câu chuyện Cúc Dại và Tia Nắng, nhân vật Cúc Dại đóng vai trò là người bắt sáng. Như Dy Duyên - người chủ động tách mình khỏi đám đông, sống tách biệt và độc lập để nắm bắt các khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc sống, Cúc Dại bằng đời sống của cây cỏ - những sinh vật dành cả đời để đứng yên - đã bắt trúng nguồn sáng đẹp đến từ tự nhiên là Tia Nắng. Từ điểm nhìn của Cúc Dại, câu chuyện tình bạn được kể một cách sáng trong, ấm áp. Góc ban công khô cằn, bụi bặm không còn tẻ nhạt khi Cúc Dại có người lắng nghe, trò chuyện. Bông hoa bé nhỏ thầm biết ơn cuộc đời khi được sinh ra trong ngày nắng đẹp. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Cúc Dại yêu mọi thứ thuộc về hoàng hôn ngay lần đầu tiên nhìn thấy. Còn Tia Nắng, đằng sau sự tinh nghịch trẻ con là phút bối rối khi nghe Cúc Dại hỏi về mẹ và những nỗ lực kiếm tìm người thân giúp bạn. Sợ bạn cô đơn trong ba tháng mùa đông, Tia Nắng lên kế hoạch tìm bạn cho Cúc Dại. Khi cơ hội gieo mầm sự sống cho Cúc Dại đi vào bế tắc, Tia Nắng lại nghĩ ra kế hoạch bất ngờ và cảm động. Chính thời điểm này, nghệ thuật bắt sáng đã mang đến khoảnh khắc thẩm mỹ đầy cảm xúc. Có thể thấy, tác phẩm của Dy Duyên không tạo sức hút bằng những chi tiết kịch tính hay là sự vật lộn về tâm lý của nhân vật. Các khoảng sáng là điểm nhấn ấn tượng của tác phẩm. “Bầu trời vẫn có màu xanh trong của một ngày nắng đẹp nhưng ánh nắng lại hoàn toàn biến mất... Một luồng ánh sáng lấp lánh chiếu thẳng vào góc ban công của căn hộ 308... Cả ngàn màu sắc đan xen vào nhau, cùng xoay vòng tạo thành dãy sắc màu kéo dài đến vô tận... Cúc Dại đã can đảm che giấu giọt nước mắt của mình. Nó đứng thẳng, vươn cao những chiếc lá, xòe rộng từng cánh hoa để trông rạng rỡ nhất có thể”. Chỉ là giây lát, nhưng khoảng sáng vạn sắc ấy đã là kỳ tích không chỉ vì tài bắt sáng của người nhìn. Hình ảnh kiêu hãnh, rạng rỡ của Cúc Dại được tạo nên từ chính sự đánh đổi tất cả ánh sáng trong thời điểm rực rỡ nhất của cuộc đời Nắng gợi nhớ chi tiết đắt giá trong Hoàng tử bé của Saint Expéry. Đấy là lúc hoàng tử bé để con rắn cắn với hy vọng từ bỏ thể xác, nhẹ nhàng bay về với bông hồng của cậu ở hành tinh B612. Quan hệ giữa Tia Nắng và Cúc Dại dẫu chỉ là tình bạn, nhưng cũng mơ mộng và day dứt như tình yêu của hoàng tử bé.

Câu chuyện tình bạn ấy, Dy Duyên đã nương theo chân mùa mà kể và tả. Bốn mùa luân phiên chuyển nhịp để khẳng định cuộc sống vốn dĩ không chỉ có mùa Xuân. Những buồn vui mà thời gian mang đến cũng vô cùng. Mùa Hè cái với cái oi ả, huyên náo của “một ban nhạc chuyên chơi đủ loại nhạc cụ trên trời” là mùa rong chơi mê mải, phiêu lưu bất tận của trẻ con, nhưng không được người lớn chào đón. Dịu dàng mùa Thu là niềm khoan khoái của Cúc Dại và nỗi muộn phiền của Tia Nắng. Cuộc đời Tia Nắng chỉ có một ngày nhưng những cơn mưa Thu đã rút ngắn đời Nắng. Quy luật tất yếu của tự nhiên hé mở bức tranh nhân sinh muôn màu. Dy Duyên đi tìm tuổi thọ cho đời cây, đời nắng; qua bước chuyển của đời nắng, đời cây mà diễn giải về đời người. Với Cúc Dại, mùa hè là tuổi trưởng thành, đánh dấu sự kiện từ đây trở về sau nó sẽ không cần ngủ mười hai tiếng một ngày nữa. Nó nhận ra mình cô đơn biết nhường nào khi bóng đêm bao phủ. Nhưng đời nắng ngắn hơn đời hoa. Tia Nắng là “những đứa trẻ vào buổi sáng, bước sang tuổi trưởng thành vào buổi trưa và kề cận tuổi già vào buổi chiều muộn”. Tuổi trưởng thành bận rộn với kiếm tìm và lạc lối, “tuổi trẻ chưa kịp nhận ra thì quãng đời của nó đã kết thúc”. Nắng chỉ trở nên điềm tĩnh, chậm rãi vào tuổi già. Khoảng lặng suy ngẫm và quan sát là cơ sở tạo ra hoàng hôn - ánh sáng đẹp nhất trong ngày và cũng là trong đời Tia Nắng. Cách luận giải của nhà văn về đời người không mới, nhưng vẫn có thể tạo ra những xôn xao trong lòng người đọc bởi tác giả đã nhìn đời người qua đời Tia Nắng và đời Cúc Dại - những hiện tượng tự nhiên quen thuộc nhưng hiếm hoi được khẳng định tính độc lập về sinh mệnh. Kiểu tiếp cận ấy tự thân đã là một triết lý giàu tính nhân sinh.

Trong thế giới nghệ thuật ngôn từ dành cho đối tượng độc giả chính là thiếu nhi, Dy Duyên không giấu giếm ý định gá gửi triết lý về cuộc đời. Mọi thứ trở nên hợp lý và tin cậy khi những triết lý nhân sinh ấy được mở ra từ lời của hai nhân vật chính. Cúc Dại bằng đời sống lặng yên của cây cỏ nên là người hiểu rõ cuộc sống nhất. Còn Tia Nắng là con của mẹ Mặt Trời với sự gắn kết các thế hệ qua hàng tỷ năm nên chúng không chỉ nhạy cảm với ánh sáng mà còn nhạy cảm với âm thanh. Bài hát của Nắng là trải nghiệm cuộc đời dài rộng. Năm tháng dù dài hay ngắn cũng sẽ bị bỏ lại phía sau, riêng ký ức trong tim thì luôn ở lại, chẳng có gì trên đời xóa được ký ức của ngày hôm nay. Trong mạch chiêm nghiệm ấy, bài học về sự lắng nghe trở thành hệ trọng với mọi sinh vật, vì như nhà văn nói, tất cả mọi thứ trên đời đều có ngôn ngữ riêng. Con đường thức nhận thế giới không chỉ cậy nhờ vào thị giác mà còn phải là sự lắng nghe, cảm nhận. Đấy là kiểu nhận thức mang tính hướng nội nhưng cái kết thì luôn ngọt ngào, như Tia Nắng không có hình dạng rõ ràng còn Cúc Dại vẫn luôn nhìn thấy bạn. Thêm một lần nữa, câu chuyện khiến ta lại nhớ đến Saint Expéry, người đã từng chia sẻ triết lý yêu và cảm nhận bằng trái tim với lý do muôn phần giản dị: người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim mình, cái “cốt tử” mắt sẽ không nhìn thấy. Và thêm một lần nữa mối liên hệ giữa tác phẩm với chất nhiếp ảnh gia trong nhà văn Dy Duyên càng được khẳng định. Con người ấy đã mê mải theo đuổi và tìm thấy hạnh phúc với nghệ thuật không lời, kể nhiều câu chuyện từ trong câm lặng. Vậy nên, với tác phẩm được tạo ra bằng ngôn từ này, Dy Duyên tiếp tục đặt niềm tin về khả năng nhận thức thế giới thông qua sự tĩnh lặng.

Còn nhớ trong một lần trả lời phỏng vấn, Dy Duyên từng nói, con người nhiếp ảnh trong chị giống như một người hát rong, vừa đi vừa hát những bài hát vui vẻ, nhẹ nhàng. Với văn chương, người hát rong ấy vẫn tồn tại, giúp người đọc cảm nhận sự tươi tắn, dễ thương của ngày, của đời. Dy Duyên tìm thấy sự ấm áp ngay trong chính mùa lạnh giá. Mùa Đông có những ấm áp, dịu dàng mà mùa khác không có được. Đấy là mùa khơi gợi cảm giác về một mái ấm, là mùa Giáng sinh đoàn tụ. Mùa Đông dù có dài đến đâu cũng có lúc kết thúc và nỗi cô đơn của con người cũng vậy. Đó là cách Dy Duyên gieo hạt niềm tin trên những trang văn, giống như cách Cúc Dại làm nảy nở những hạt mầm cảm xúc trong lòng Chuột Cống - một cuộc đời nhiều thương tích, kẻ xem bãi rác là thiên đường. Cúc Dại là người đầu tiên gợi nên mặc cảm cô đơn, nỗi nhớ mẹ, niềm yêu thích tiếng hát của con người trong Chuột Cống. Trong vô thức, Chuột Cống đã làm chuyện “điên rồ” nhất trên đời là trò chuyện với ánh trăng. “Trong đêm tối nơi bãi rác chứa đầy những thứ mà con người vứt bỏ ấy, có một con chuột cống đang chăm chú nhìn về phía mặt trăng và khe khẽ nói lời xin chào. Rồi dường như ngừng thở vì hồi hộp. Nó im lặng lắng nghe. Một lời hồi đáp”. Nếu như trong nhiếp ảnh, Dy Duyên có thiên hướng thích cái Đẹp tự nhiên thì khoảnh khắc này lại bồng bềnh giữa thực và ảo. Văn chương của cô gái có giấc mơ hằng đêm là “ngủ trên những đám mây như trong truyện Doraemon” vừa gần gũi cuộc sống vừa mang nét đẹp của trí tưởng tượng bay bổng. Trong tác phẩm thỉnh thoảng vẫn có những vọng âm về con người. Về cơ bản, đấy không phải là thanh âm ngọt và êm. Bí mật của căn hộ chung cư gắn với câu chuyện buồn về bi kịch gia đình. Người đàn ông đã mang cô con gái nhỏ rời ngôi nhà kỷ niệm sau sự ra đi của vợ. Những con người khác, qua điểm nhìn của Tia Nắng, là “những sinh vật buồn chán nhất trên quả đất”. Họ chẳng nghe được ngôn ngữ của ai khác ngoài chính bản thân họ. Họ quan tâm đến giấy tờ. Họ chúi đầu vào những màn hình lạnh lẽo. Khi điện thoại trở thành “bình dưỡng khí” thì người lớn không có thời gian để chuyện trò. May mắn là bên cạnh những người lớn buồn chán như thế vẫn có một tự nhiên sinh động, ấm áp và một Dy Duyên chưa bao giờ đánh mất đứa trẻ trong mình. Tác phẩm Cúc Dại và Tia Nắng được xây dựng trên niềm tin thơ dại. Câu chuyện kết thúc với sự bừng lên rạng rỡ của ánh sáng, niềm vui. Vẫn là căn hộ số 308 ở khu chung cư thứ hai nằm trong những con phố sầm uất bậc nhất thành phố nhưng đã có bao chuyện đổi thay. Ban công nhỏ đã là vườn cúc dại dịu dàng tỏa hương. Con người đã can đảm quay về đối diện với ký ức buồn đau. Con mèo xám bớt vẻ kiêu ngạo. Bầy chim sẻ phô trương và ầm ĩ đã ngẩn ngơ trong im lặng. Vào ngày nắng, những cửa sổ ở các căn hộ đối diện sẽ mở. Những đôi mắt người đã biết tìm ô xy ở thiên nhiên. Tác nhân của những đổi thay ấy là Tia Nắng hay Cúc Dại? Câu trả lời vẫn để ngỏ, nhượng quyền cắt nghĩa, tham gia sáng tạo cho độc giả.

Cúc Dại và Tia Nắng là tác phẩm nghệ thuật dễ thương của Dy Duyên. Một cách tự nhiên, tác giả gieo vào người đọc những cảm tình dành cho cây cỏ, thức dậy trong họ ý nghĩ về khu vườn của riêng mình khi gấp lại trang sách cuối. “Trồng một vườn hoa bao giờ cũng là việc đáng làm nhất trên đời”. Đúc kết ấy dù được nhà văn gây dựng bởi trí tưởng tượng nhưng rất đáng để chúng ta đặt cược. Như niềm tin hào phóng nhưng hoàn toàn có cơ sở dành cho Dy Duyên với hành trình nghệ thuật mới của cuộc đời chị. Ánh sáng đã lên từ bước đầu của hành trình ấy.

_____________________

1. Dy Duyên - Nữ nhiếp ảnh trong mơ của nhiều nàng thơ Việt kể về cuộc tình đặc biệt, không có hội thoại trong suốt 10 năm, vietgiaitri.com, 23-9-2019.

2. Jean Chevalier Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, 2002.

TS THANH TÂM NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;