Phát huy giá trị căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên hiện nay

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, mỗi vùng đất, mỗi miền quê Việt Nam đều gắn liền với những chiến công đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Gia Định là địa bàn trọng điểm chỉ đạo chiến lược của Đảng về chiến tranh cách mạng. Nơi đây đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh, ý chí chiến đấu vì khát vọng độc lập, tự do, thống nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam. Việc chăm lo, bồi dưỡng thanh niên luôn có vai trò quan trọng của sự nghiệp cách mạng. Trong đó phát huy giá trị căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Gia Định có ý nghĩa to lớn với việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước của thanh niên hiện nay

Đối với lực lượng cách mạng, Sài Gòn - Gia Định là vùng chiến lược đô thị sát với các vùng chiến lược (nông thôn đồng bằng, rừng núi). Đây là nơi hội tụ truyền thống dân tộc và bản lĩnh của những người tiên phong mở đất, có tinh thần đấu tranh kiên cường trong công cuộc chinh phục thiên nhiên và chống ngoại xâm. Sài Gòn - Gia Định là nơi mở đầu và kết thúc cuộc kháng chiến chống xâm lược thời kỳ 1945-1975. Trên cơ sở những căn cứ kháng chiến đã ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định đã quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng lập những khu căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn. Căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Gia Định phần lớn diện tích thuộc TP.HCM ngày nay. Sự ra đời của hàng loạt căn cứ kháng chiến tại các địa bàn sát nách Sài Gòn đã tạo thành một hệ thống chiến khu bao quanh thành phố như: Củ Chi, An Phú Đông, Rừng Sác, Vườn Thơm - Bà Vụ, Vùng bưng Sáu xã, Hố Bần…

Sự tồn tại của các căn cứ kháng chiến xung quanh Sài Gòn đã khiến các cuộc hành quân càn quét của địch trở thành những trận quyết chiến mang tính chiến lược, đánh giá khả năng và thành bại của cả hai bên tham chiến. Đối với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, để tiêu diệt lực lượng kháng chiến, bảo vệ an toàn cho sào huyệt Sài Gòn, chúng sử dụng tối đa sức mạnh ưu thế quân sự và không từ một thủ đoạn dã man tàn bạo nào đánh phá ác liệt trong suốt 20 năm chiến tranh. Chỉ tính trên địa bàn Củ Chi, số lượng bom đạn Mỹ trút xuống khoảng nửa triệu tấn, trung bình mỗi người dân ở đây phải gánh chịu 1,5 tấn bom đạn. Trong giai đoạn 1960-1975, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã thực hiện hơn 5.000 cuộc càn quét lớn nhỏ vào vùng căn cứ kháng chiến Củ Chi, trung bình mỗi năm có khoảng 330 trận, hơn nửa số đó có sự hỗ trợ của xe tăng, thiết giáp, pháo binh, không quân, công binh và vũ khí hóa học (1). Đối với lực lượng cách mạng, việc giữ vững trận địa, kiên cường bám trụ, bảo vệ lực lượng, đứng vững trên các địa bàn căn cứ xung quanh Sài Gòn là mục tiêu nhiệm vụ chiến lược của chiến tranh cách mạng. Các căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Gia Định vừa là hậu phương tại chỗ, vừa là tiền tuyến cho những thắng lợi của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, của quân và dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mỗi dân tộc đều có lòng yêu nước, tuy nhiên trong thang bậc giá trị của mỗi dân tộc, tinh thần yêu nước có thứ bậc khác nhau. Đối với con người Việt Nam: “Yêu nước là tình cảm đặc biệt của con người, của mỗi người đối với quê hương, đất nước, Tổ quốc mình. Ở Việt Nam tình cảm đặc biệt đó còn phát triển thành tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa yêu nước. Như vậy, nó đã vượt ra khỏi trạng thái tâm lý, tình cảm thông thường của con người để đạt tới giá trị cao về tư tưởng, lý luận và chính trị” (2). Đối với dân tộc ta, chủ nghĩa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, trở thành chuẩn mực cao nhất của đạo lý làm người và đứng đầu trong bậc thang giá trị tinh thần của dân tộc, là nhân tố quy tụ sức mạnh toàn dân tộc và trở thành một trong những nhân tố giữ vai trò quyết định đến sức mạnh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh động lực phát triển đất nước là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (3).

Thanh niên là rường cột của nước nhà. Việc chăm lo, bồi dưỡng thanh niên là mục tiêu, động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Đối với mỗi người Việt Nam nói chung và thanh niên nói riêng, chủ nghĩa yêu nước luôn là động lực tinh thần to lớn và mạnh mẽ, thúc đẩy họ phấn đấu vươn lên. Mỗi giai đoạn cách mạng đều đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ khác nhau với thanh niên. Trong đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc, lòng yêu nước của thanh niên được thể hiện ở tinh thần chiến đấu, hy sinh để chiến thắng kẻ thù xâm lược. Trong giai đoạn hiện nay, lòng yêu nước của thanh niên được thể hiện ở tình yêu quê hương, đất nước, sự gắn bó cố kết cộng đồng; ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có ý chí tự lực, tự cường, tiên phong làm chủ khoa học kỹ thuật, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thanh niên hiện nay đang có điều kiện thuận lợi to lớn để học tập, cống hiến và trưởng thành. Họ đang tiếp bước thế hệ đi trước tiên phong, xung kích trong thực hiện nhiều nhiệm vụ: “Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên nước ta, hết thế hệ này đến thế hệ khác đã luôn luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng dấn thân, hăng hái xông pha đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước” (4). Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực của đời sống xã hội: “Vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng; có biểu hiện xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Dù chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng những biểu hiện đó rất cần được quan tâm để khắc phục, nếu không, nó sẽ là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với rất nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai” (5).

Giáo dục chủ nghĩa yêu nước của thanh niên được tiến hành bằng tổng hợp các biện pháp. Các di tích cách mạng nói chung, căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định nói riêng có ý nghĩa to lớn. Bởi nơi đây là hình ảnh sống, tiêu biểu về sự hy sinh to lớn của nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Để phát huy giá trị căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước của thanh niên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản gồm:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức cho thanh niên về giá trị căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định gắn với giáo dục chủ nghĩa yêu nước. Trong thời kỳ kháng chiến, điều kiện vật chất tuy thiếu thốn, gian khổ, nhưng giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng cho thanh niên có nhiều điều kiện thuận lợi. Bởi vì trước họa xâm lăng, Tổ quốc lâm nguy, bao thế hệ người Việt Nam trong đó có thanh niên sẵn sàng hy sinh cho độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc. Thời bình hiện nay, khát vọng làm giàu chính đáng được đề cao, cổ vũ. Do đó, thanh niên trong khát vọng lập thân, lập nghiệp họ cũng phải đứng trước nhiều tình thế lựa chọn thiệt hơn, toan tính suy nghĩ giữa cống hiến và hưởng thụ. Trong khi đó, các thế lực thù địch thường xuyên lôi kéo, chống phá, khiến một bộ phận thanh niên nhận thức mơ hồ về lịch sử dân tộc và truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng. Trước tình hình này, việc giáo dục truyền thống dân tộc, lòng yêu nước của thanh niên có nhiều khó khăn, khó tạo ra sự đồng thuận mạnh mẽ như trong thời kỳ kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Thanh niên phải biết công lao các đồng chí già, phải thấy các đồng chí già đã trải qua phong ba bão táp, có kinh nghiệm, thanh niên phải học tập. Có một số thanh niên tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan, cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe” (6).

Các di tích cách mạng nói chung, căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định nói riêng là những minh chứng trực quan, sinh động tiêu biểu cho lòng yêu nước của nhân dân ta. Mỗi di tích, hiện vật nơi đây gắn liền với những chiến công cách mạng, tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta. Chính vì vậy, những hiện vật, di tích của căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định tác động to lớn đến nhận thức, tình cảm, lòng yêu nước của mỗi thanh niên. Thông qua các hiện vật, di tích giáo dục lòng yêu nước của thanh niên, đồng thời xuất phát từ lòng yêu nước mỗi thanh niên nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, giá trị của mỗi hiện vật, di tích. Đây là hai mặt của một quá trình thống nhất, vừa là điều kiện, vừa là kết quả của nhau. Khi mỗi thanh niên hiểu rõ giá trị và ý nghĩa lịch sử của mỗi hiện vật, di tích, họ sẽ biết trân trọng sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha, ông đã không tiếc máu xương để đất nước và mỗi người dân trong đó có họ được hưởng cuộc sống hòa bình hôm nay. Do đó, nâng cao nhận thức giúp thanh niên hiểu biết sâu sắc về mỗi di tích, hiện vật để bồi dưỡng tình cảm, lòng yêu nước. Đây là quá trình lâu dài mà trước hết phải luôn giáo dục lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng cho thanh niên. Trên cơ sở những hiểu biết chung đó, khi được tiếp xúc với các di tích, hiện vật bảo đảm tính khoa học lịch sử của căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định sẽ khơi dậy cảm xúc, tình cảm cách mạng, lòng yêu nước của thanh niên.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền về căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước của thanh niên. Giá trị của căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước của thanh niên là rất lớn. Cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ giá trị của các di tích, hiện vật của căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định. Khai thác, truyền tải các giá trị này để khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó cũng chính là sự tiếp nối truyền thống yêu nước mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước mà thế hệ thanh niên ngày nay được trao truyền và tiếp tục phát huy trong điều kiện mới.

Giá trị lịch sử của các hiện vật, di tích thường xuyên được làm giàu và truyền tải với hình thức, phương pháp hiện đại để chạm đến trái tim của thanh niên. Do đó, các khu di tích cần làm tốt hơn công tác trưng bày hiện vật để giới thiệu về giá trị của căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Gia Định. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang đặt ra cơ hội và thách thức to lớn việc tuyên truyền về các di tích cách mạng. Thanh niên và những người trẻ luôn có xu hướng yêu thích cái mới, nhất là công nghệ. Hiện nay, trong giáo dục lịch sử đang có nhiều khó khăn, bất cập. Một trong những khó khăn đó là nội dung truyền tải còn dài dòng, nặng về các con số, sự kiện và hình thức đơn điệu, trong khi đó giá trị, ý nghĩa và bài học lịch sử của mỗi sự kiện ít được chú ý. Trong việc tuyên truyền về các di tích, hiện vật của căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định cũng có những khó khăn chung này. Trong khi đó nội dung, giá trị của các di tích, hiện vật có khả năng khai thác rất to lớn. Bởi đây là sự khai thác các giá trị tinh thần, nó không giống như việc khai thác tài nguyên khoáng sản. Việc khai thác các giá trị tinh thần càng khai thác càng phong phú, ngược lại khai thác khoáng sản càng khai thác càng cạn kiệt. Cần áp dụng công nghệ để số hóa 3D, thực ảo hóa VR các di tích để tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên và đông đảo nhân dân tìm hiểu về căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định.

Các khu di tích cần xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu nhiệt tình, cảm xúc để giới thiệu, thuyết minh về các hiện vật, di tích. Các hiện vật, di tích đã trở thành huyền thoại về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân ta, trở thành nỗi khiếp sợ, ám ảnh, đập tan ý chí của kẻ thù. Giá trị của các hiện vật, di tích thầm lặng cần được đánh thức bởi những lời diễn giải, câu chuyện xúc động qua lời kể, giới thiệu của hướng dẫn viên. Người hướng dẫn viên là cầu nối để thanh niên và khách tham quan hiểu được giá trị và ý nghĩa của các hiện vật, di tích. Không có sự giới thiệu của hướng dẫn viên thật khó để nhiều thanh niên hiện nay hiểu được sự gian khó, tinh thần hy sinh và chiến công thầm lặng của các anh hùng cách mạng và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nhà trường, Đoàn Thanh niên cần tiếp tục tổ chức các buổi tri ân, tưởng niệm, sinh hoạt chính trị, tổ chức tham quan trải nghiệm, các buổi lễ kết nạp đoàn, kết nạp đảng… tại di tích căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định. Thanh niên hiện nay cũng như bao thế hệ người Việt Nam đều luôn có tấm lòng nhiệt thành yêu nước. Mỗi giai đoạn, việc giáo dục lòng yêu nước của thanh niên có thuận lợi và khó khăn riêng, song chúng ta hoàn toàn khẳng định rằng, thanh niên hiện nay đang tiếp bước truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Trước mỗi sự kiện, thanh niên đều thể hiện được bản lĩnh chính trị và lòng yêu nước thiết tha. Vấn đề là gia đình, nhà trường, xã hội phải luôn đồng hành và giúp đỡ để thanh niên tiến bộ. Thông qua các hoạt động đa dạng, phong phú về nguồn để mỗi đoàn viên, thanh niên nâng cao kiến thức, sự hiểu biết về các hiện vật, di tích của căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Gia Định, từ đó khơi dậy cảm xúc, tinh thần yêu nước của thanh niên.

Ba là, tiếp tục làm tốt công tác sưu tầm, duy tu, bảo dưỡng căn cứ kháng chiến chống Mỹ khu Sài Gòn - Gia Định để khơi dậy chủ nghĩa yêu nước của thanh niên. Các di tích, hiện vật là những di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần phải làm tốt công tác sưu tầm, duy tu và bảo dưỡng các hiện vật, di tích. Làm tốt hoạt động này nhằm bảo đảm tính nguyên trạng, tái hiện tính chân thực lịch sử vốn có của di tích. Hoạt động này không chỉ góp phần giữ gìn lâu dài các hiện vật, di tích cho mọi thế hệ người Việt Nam hiểu về lịch sử dân tộc, trong đó có việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước của thanh niên mà còn đóng góp cho sự phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của địa phương có di tích.

Trong điều kiện hiện nay, Ban quản lý các cấp cần tiếp tục bảo tồn các hiện vật, di tích theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa để giữ gìn và trao truyền lâu dài các giá trị lịch sử cho thế hệ mai sau. Cần kết hợp với các cấp, các ngành, các địa phương và cá nhân trong việc tiếp tục sưu tầm các hiện vật để làm phong phú và bổ sung tư liệu cho các khu di tích. Đây là việc cần tiến hành khẩn trương, bởi các hiện vật có nguy cơ bị xuống cấp. Điều quan trọng là cần huy động thanh niên đóng góp công sức, trí tuệ tham gia vào việc sưu tầm, bảo tồn di tích. Mỗi hiện vật, di tích đều gắn với những sự kiện, chiến công cách mạng. Giá trị và sức lan tỏa của các hiện vật cần được thanh niên tiếp nhận gắn với suy nghĩ và tình cảm của thế hệ trẻ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Sài Gòn - Gia Định với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của địch, là địa bàn đấu tranh căng thẳng, quyết liệt giữa lực lượng cách mạng với đế quốc Mỹ cùng đồng minh và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trong cuộc đấu tranh đó, căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Gia Định đã trở thành biểu tượng kiên cường, bất khuất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Giá trị các hiện vật, di tích của căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Gia Định cần được giữ gìn và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước của thanh niên hiện nay (7).

_______________

1. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2015, tr.69-82.

2. Nguyễn Trọng Phúc, Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, in trong sách Một số vấn đề về giáo dục chủ nghĩa yêu nước, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho quân và dân ta trong thời kỳ mới do Trung tướng Phùng Khắc Đăng chủ biên, Hà Nội, Nxb Quân đội nhân dân, 2006, tr.22.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.34.

4, 5. Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, baochinhphu.vn, 15-12-2022.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.277.

7. Bài báo này là sản phẩm đề tài khoa học B2024- SPKT-06 do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chủ trì.

 TS NGUYỄN THỊ PHƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;