Triển lãm Điệp - Sparkling of scallop paper: Cuộc sống lắng đọng trong hội họa của Mifa

“ĐIỆP | Sparkling of scallop paper là triển lãm cá nhân đầu tiên của nghệ sĩ Mifa. Tên thật của cô là Lê Vũ Anh Nhi, một nghệ sĩ thị giác sống và làm việc tại Đà Nẵng. Các thực hành nghệ thuật của cô chủ yếu về chất liệu sơn acrylic trên giấy điệp - loại giấy truyền thống của Việt Nam được làm từ cây dó và vỏ sò điệp” - lời triển lãm.

Thế giới hội họa hiện lên trong triển lãm khi thì nhẹ tênh thơ mộng, lúc thì mực và chi tiết như chực cuộn trào, lúc thì trầm mặc hay lấp lánh…tất cả mang nhiều cảm xúc nhưng cũng đầy vẻ đẹp của trí tuệ. Trong đó có âm hưởng của những vần thơ Rubaiyat xứ Ba Tư, những tiết tấu cô đọng của thơ Haiku, đường nét và tâm thế của thủy mặc, thư pháp Trung Hoa, hay thế giới chìm dưới biển sâu của gốm Việt cổ… Mượn những câu chuyện trên để chuyển hóa thành nghệ thuật hội họa, nhưng đồng thời trong hội họa của Mifa cũng đọng lại hình sắc của sự sống - những đời sống luôn xoay xở vươn lên, tồn tại. Qua thủ pháp ngẫu hứng, họa sỹ không cần phác thảo trước, đa phần hình trong tác phẩm là trừu tượng. Tuy vậy, đôi chỗ người xem vẫn bắt gặp những hình hài của cuộc sống qua bút pháp biểu hiện hay tự do liên tưởng. 

Cung bậc cảm xúc qua sắc màu

Màu sắc của những chùm tranh theo từng chủ đề khác nhau hiện lên theo thang âm riêng. Một thế giới đầy sương lắng đọng kiệm hình kiệm sắc. Chùm tác phẩm “Thơ thơ” lung linh như hiệu ứng sơn mài và thủy ấn. Đến Rubaiyat thì dữ dội quyết liệt.

Loạt tranh Một thế giới đầy sương được tác giả lấy cảm hứng từ những bài thơ Haiku trong văn hóa Nhật Bản. Haiku là thể thơ đặc biệt ngắn nhất thế giới. Cùng với kịch Noh, nghệ thuật cắm hoa Ikebana, phong cách kiến trúc Nhật Bản, thơ haiku đã thể hiện chung một tinh thần văn hóa tối giản mà sâu sắc của người Nhật. Trong Một thế giới đầy sương của Mifa, mỗi bức tranh hiện lên chỉ với vài nét mực lớn nhưng thể hiện được thần thái cốt cách của hình, mà trong thư pháp gọi là “cốt lực”. Sự kiệm màu kiệm sắc ở đây cho cảm giác lược bỏ, cô đọng. Đôi chỗ chỉ như vết nước loang còn lại cho hình hài tan dần vào nền giấy điệp. Sự đối lập giữa nét mực đen và vết loang không sắc độ, giữa còn - mất, và cũng như trong âm thanh, biên độ càng lớn thì áp suất nén càng sâu, biên độ màu ở đây khiến ý tứ vượt ra ngoài hiệu lực của màu sắc.

Cảm xúc thẩm mỹ về “những thứ lấp lánh như kho báu” được nuôi dưỡng từ thế giới tuổi thơ của Mifa - cô bé lớn lên ở miền biển Đà Nẵng với tuổi thơ lang thang ở bãi biển nhặt vỏ xò vỏ ốc, từ những kho báu trong truyện cổ tích xứ Ba Tư, để thành những huyễn tưởng cá nhân hay chất liệu cho tâm hồn nghệ sĩ. Có thể hiểu rằng, chính sự gặp gỡ với giấy Điệp lấp lánh đã hòa hợp những cảm xúc tuổi thơ đó cùng thế giới văn hóa nghệ thuật trong tác giả để cho cô một sự thông suốt và niềm hứng khởi với hội họa khi cô đang mất kết nối với việc vẽ. 

Thơ Thơ trong triển lãm có lẽ là chùm tranh với màu sắc vui tươi lấp lánh nhất. Bằng những thủ pháp cá nhân, từ một chất liệu màu acrylic, nghệ sỹ tạo ra những hiệu ứng đa dạng, tươi vui trên mặt giấy: từ hiệu ứng sơn đặc, loang màu, ấn triện thủ công, thư pháp và sơn mài…Ở tranh sơn mài, công đoạn mài làm cho các lớp sơn dần hiện lên, tùy từng vị trí mài nhiều hay ít làm các lớp màu đan xen kỳ ảo. Ở loạt tranh này, những vùng màu tương phản được đặt xen kẽ, kỹ thuật chuyển màu làm cho hình và nền không phân biệt, tạo hiệu ứng như các lớp sơn mài.Thơ Thơ là bài ca êm dịu của những điều mâu thuẫn, là sự hòa hợp hoặc tương phản của rất nhiều màu sắc và chuyển động. Nó là sự hồn nhiên, hay việc đánh mất sự hồn nhiên. Thơ tồn tại ở khắp nơi trong cuộc sống, và loạt tác phẩm này chỉ là nỗ lực thể hiện một phần rất nhỏ của tính thơ trong nhận thức hạn hẹp của tôi.”- chia sẻ của tác giả.

Tác phẩm trong chùm tranh Thơ Thơ

Trong các tác phẩm của Mifa, Rubaiyat là chùm tranh với màu sắc dữ dội nhất. Những sắc độ mạnh như tím, xanh nước biển, đen được sử dụng trong kỹ thuật sơn đặc tạo mảng nền lớn cho tác phẩm. Rubaiyat là một thể thơ trong văn học Ba Tư nói về kiếp người và ý nghĩa cuộc đời. Cũng giống như Haiku mang tinh thần Nhật Bản, Ruibaiyat thấm đẫm văn hóa của xứ sở Hồi giáo được kể lại qua những liên tưởng của Mifa: “Với tôi, Rubaiyat là bản hòa âm của nặng nề và thơ mộng, là câu chuyện được kể bởi những tảng đá bằng mây trên bầu trời đêm dài xanh thẳm, về một nền văn hóa đầy mâu thuẫn, đầy tri thức khoa học mà cũng rất sùng đạo, đầy bản năng và quá nhiều sự tinh xảo, đầy tàn bạo mà cũng rất nhạy cảm, nhân văn.”

Thế giới nhỏ bé qua đường nét

Một ấn tượng trực giác khi đối diện với các tác phẩm của nghệ sĩ là sự phong phú của hình và nét. Đối lập với các vệt màu lớn và các mảng loang nhòe là chi tiết sắc xảo của nét. Tập hợp các nét nhỏ tạo thành những cụm hình trong tác phẩm. Hình và nét có khi là nảy sinh bất ngờ theo ngẫu hứng của bút mực, có khi chứa ý tứ của tác giả. Trong các tác phẩm này, các nét được sử dụng chủ yếu trong sự tung hứng với các mảng màu (nét dùng để chặn màu, khẳng định hình) hay để tạo hình những đối tượng nhỏ bé trong thế giới của tác phẩm. Nét tạo nên cái động của tác phẩm.

Nếu như màu sắc đem đến những cảm xúc chung nhất cho các tác phẩm trong triển lãm này thì nét và hình là tác nhân gây xúc động. Trong sự hỗn độn của mảng màu, chấm màu, vệt loang màu đủ các sắc độ, đôi lúc hiện lên hình dáng sự vật. Điều này cho ta liên tưởng như khi bị lạc vào cõi hỗn mang mà chợt phát hiện ra hình thù thân thương của sự sống như cái cây ngọn cỏ hay hình dáng một sinh vật nhỏ bé. Nó hé lên trong ta hy vọng sống và niềm tin vào tồn tại. 

Trong các tác phẩm của Mifa, các sinh vật bé nhỏ được tạo nên từ rất nhiều đường nét trang trí, những chi tiết cách điệu, mang tính thơ - họa - ước lệ nhiều hơn là diễn tả. Để trong các hình hài, hiện lên những thủ pháp, bút ý và cả cảm giác đặc trưng về thẩm mỹ của các nền văn hóa hòa trộn mà như tác giả diễn tả là “Tính thơ của các nền văn hóa”. Chẳng hạn như ở một tác phẩm của series Thơ Thơ, ta bắt gặp hình hài một chú cá đầy màu sắc trong khoảng không trống trải của giấy điệp. Nhưng điều khiến ta nhận thức về chú cá khác biệt là các chi tiết tạo nên chú: vây và râu bằng những nét bút mực của lối vẽ thư pháp Trung Hoa, tương phản là thân hình loang mờ khiến chú cá trong suốt nhưng lại chứa đựng thật nhiều chi tiết bên trong. Những chi tiết trang trí dày đặc đầy màu sắc đem đến hơi hướng của nghệ thuật Ấn Độ. Sự đối lập giữa có và không cho liên tưởng về vòng tròn sắc không trong đạo Phật và sự tạo thành vạn vật từ hư vô. Ở một góc trong tác phẩm khác, ta lại bắt gặp hình hài một chút ếch, một chú chuột, rùa hay chú chim nhỏ lặng lẽ trong thế giới của chúng…

Tác phẩm trong chùm tranh Và biển cùng núi biết rằng tôi biết

Về cảm hứng sáng tác series tranh “Một thế giới đầy sương”, tác giả có cả một diễn giải đầy xúc động:

“Mỗi bức tranh là một giọt sương nhỏ lưu lại nét phác đơn sơ về những phân đoạn vụn vặt trong đời sống và thiên nhiên, khởi nguồn từ những rung động trước nỗ lực tiếp diễn cuộc sống của những thân phận bé nhỏ tồn tại quanh ta trong nỗi vô ngôn hàng ngày. Một con thằn lằn bị liệt hai chân sau rất hung hăng trong bầy, một con dế bị tôi nhỡ đạp mất nửa thân mà ngày hôm sau vẫn còn bò quanh kiếm ăn. Chúng làm tôi nghĩ đến thơ haiku, về cách mà thời gian cùng những vận động cuộc sống được thu lại chỉ trong một vài từ. Và vũ trụ hiện ra trên một cây nấm, một cơn sóng dữ, một chiếc thuyền đơn độc, một chú chuột già mù đứng trú mưa dưới tán cây trong vườn.” 

Thế giới của thơ Haiku là sự kết hợp những điều lớn lao và bé nhỏ. Đặc trưng bởi thế giới quan thẩm mỹ về tính phù du vô thường và sự khiêm nhường đơn sơ theo cách vạn vật tự nhiên vận hành. Càng cảm nhận được cái hay cái đẹp của thế giới trong thơ haiku, ta sẽ càng hiểu hơn về thế giới của Mifa qua giấy điệp, cũng như nhìn vào chi tiết hơn thế giới mà mỗi chúng ta đang đắm chìm trong hiện hữu.

“Một thế giới đầy sương 

Và trong mỗi hạt sương 

Một thế giới đầy vật lộn”

Kobayashi Issa (1763 - 1828)

Hội họa của Mifa hiện lên sống động qua sắc màu và đường nét. Sự ngẫu biến trong sáng tác chính là cách thức triển khai xuyên suốt trong các tác phẩm trên giấy điệp của cô. Để có những sáng tác ngẫu hứng tốt người họa sĩ phải rèn luyện khả năng ứng biến và giàu bản lĩnh trong sáng tạo. Giá trị nghệ thuật của triển lãm trước tiên nằm ở giá trị thẩm mỹ và giá trị tạo hình của tác phẩm. Tiếp đến, nếu không có những ý tứ đằng sau truyền cảm hứng cho bút mực thì hẳn những thực hành nghệ ngẫu hứng đã không thành công như thế. Với nỗ lực khám phá các giá trị của các nền văn hóa, khám phá thế giới hay qua đó cũng chính là hành trình khám phá bản thân, tác giả đã xây dựng nên các tác phẩm đại diện cho chính cuộc sống và bản sắc của cá nhân mình.

TRẦN HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;