Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi..."

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I (24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. 75 năm sau, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào tháng 11- 2021, câu nói trên của Bác đã được nhắc lại với một khí thế mới.

Nguyễn Sáng, Giặc đốt làng tôi, sơn dầu

Ngày 12/11/2021, trước khi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 ( tổ chức ngày 24/11), Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước đó, ngày 8/9/2016, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã tạo động lực để các ngành văn hóa xây dựng kế hoạch cho riêng mình.

Những dấu ấn trong lịch sử cách mạng

Lịch sử văn hóa Việt Nam cũng đã từng chứng kiến sự tham gia, nhập cuộc của tất cả các ngành nghệ thuật trong những chặng đường cách mạng đấu tranh, dựng xây, phát triển và đổi mới của đất nước. Không khó để tìm thấy những tác phẩm văn học và tác phẩm thuộc các ngành nghệ thuật khác nhau như: hội họa, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh... đã phản ánh, đồng hành cùng các sự kiện, những dấu mốc quan trọng của dân tộc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hàng loạt tác phẩm văn học ra đời vừa phản ánh khí thế cả nước ra trận, vừa là nguồn lực động viên nhân dân, bộ đội, thanh niên... tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và Chính phủ. Những tác phẩm như Đất nước đứng lên, Sống như anh, Hòn đất... đã thể hiện được nhịp sống, tinh thần của dân tộc Việt Nam trong suốt 3 thập kỷ hết chống Pháp rồi chống Mỹ.

Không chỉ phản ánh không khí chiến tranh, thể hiện tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, một mảng văn học đi sâu phản ánh công cuộc xây dựng, kiến thiết miền Bắc để chi viện sức người, sức của cho miền Nam với hàng loạt truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết như Cái sân gạch,Vụ lúa chiêm... 

Cùng với truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết phác họa, xây dựng những con người mới trong chiến đấu, lao động sản xuất như anh Núp, anh Trỗi, chị Tư Hậu, chị Út Tịch, chị Chấm... nhiều tác phẩm thơ ca đã bám sát hiện thực cuộc sống . Các bài thơ như: Đồng chí, Dáng đứng Việt Nam, Mẹ Suốt, Mẹ Tơm, Bài ca vỡ đất... không chỉ nổi lên trên văn đàn mà còn đi vào sách giáo khoa, trở thành đề tài cho các cấp học. 

Không chỉ ở Việt Nam, nền văn học thế giới cũng có nhiều tác phẩm khắc họa thành công những cuộc chiến, những hình tượng đã trở thành biểu tượng cho tinh thần của một thế hệ, một thời đại như Thép đã tôi thế đấy. Cuốn tiểu thuyết của văn học Nga Xô viết từng được dịch ra hơn 80 thứ tiếng, đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, trở thành sách gối đầu giường của một thế hệ thanh niên Việt. 

Ở mảng mỹ thuật, nhiều tác phẩm hội họa phản ánh khí thế thời đại như: Nông dân đấu tranh chống thuế của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Du kích La Hai, Hà Nội đầu năm 1946 của Nguyễn Đỗ Cung, Lớp học ban đêm của Dương Bích Liên, Giặc đốt làng tôi của Nguyễn Sáng, Bộ đội hành quân qua đèo Lũng Lô tiến vào chiến dịch Điện Biên Phủ- ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân, Kết nạp Đảng ở Điện Biên của Nguyễn Sáng… 

Mảng âm nhạc có Tiến quân ca, Chiến sĩ Sông Lô, Tiến về Hà Nội, Tiểu đoàn 307 , Năm anh em trên một chiếc xe tăng… ra đời kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần chiến sĩ. Mang âm hưởng hào hùng, mỗi khi lời hát cất lên, giai điệu, lời ca như cuốn người nghe cùng hòa theo một khí thế sôi nổi, quyết tâm. Mảng nhiếp ảnh cũng nở rộ nhiều bức ảnh ghi lại các trận đánh, chân dung những người lính như : Rào làng chiến đấu, Lớp học bình dân xóa nạn mù chữ, Em nhỏ học trên lưng trâu, Công binh sản xuất súng DKZ, mìn tự tạo, bộc phá, chỉnh sửa súng trường… của các tác giả Hồng Nghi, Đinh Đăng Định, Trần Phượng, Văn Khiêm, Đinh Thúy khắc họa nhiều khoảnh khắc đẹp trong chiến đấu, sản xuất, sinh hoạt của các tầng lớp cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Đặc biệt bức ảnh O du kích nhỏ của tác giả Phan Thoan, 18 bức ảnh về Anh Nguyễn Văn Trỗi trước giờ ra pháp trường hay bức ảnh Nụ cười thách thức bom đạn (hay còn gọi là Nụ cười thành cổ) của Đoàn Công Tính… đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.

Sân khấu cũng ghi nhận nhiều vở kịch nói, cải lương, tuồng, chèo, kịch hát… bám sát hơi thở thời đại, phản ánh phong phú mọi mặt của cuộc sống như vở kịch nói Đôi mắt đã được dàn dựng lại nhiều lần trên sân khấu kịch. Các vở như: Người ven đô, Nổi gió, Lửa hậu phương, Anh Trỗi, Tiền tuyến gọi, Đồng chí, Nhật ký người mẹ hay Bức tranh mùa gặt... cũng được diễn trên rất nhiều sân khấu lớn, sân khấu nhỏ, tại các thành phố hay những cánh rừng, các điểm dừng chân của bộ đội, thanh niên xung phong.

Vở kịch hát Hoa lửa Truông Bồn

Điện ảnh với thế mạnh dễ quảng bá, truyền tải, quy tụ nhiều tác phẩm đình đám như: Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bài ca ra trận, Mẹ vắng nhà... Mảng phim tài liệu, thể loại xung kích luôn có mặt tại các điểm nóng, cùng hành quân với các chiến sĩ, phản ánh các trận đánh hay công cuộc dựng xây của nhân dân miền Bắc với loạt tác phẩm như: Trận Mộc Hóa, Đường ra phía trước, Lũy thép Vĩnh Linh, Nước về Bắc Hưng Hải...

Từ phản ánh, đồng hành, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đã vươn lên “soi đường” khi khắc họa, xây dựng thành công những gương sáng, biểu tượng điển hình trong cuộc sống, chiến đấu, sản xuất hay góp phần khắc họa khát vọng vươn tới hình tượng của đông đảo công chúng. Những hình tượng như mẹ Suốt, anh Núp, chị Sứ… đã có sức lay động, tạo ra hình ảnh, biểu tượng đẹp của một thời. Văn hóa trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã thể hiện vai trò tiên phong trong đấu tranh cách mạng, định hướng thẩm mỹ, kiến tạo đời sống tinh thần, và giá trị văn hóa cho công chúng. 

Đây là những tiền đề quan trọng, nền tảng vững chắc để văn học, nghệ thuật tiếp tục đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ sau 1975 và đặc biệt từ khi đổi mới đất nước. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/5/ 2009 tại Quyết định số 581/QĐ-TTg) đã nhận định: “Sáng tác văn học, nghệ thuật tiếp tục truyền thống tốt đẹp của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ chiến tranh cách mạng; gắn bó, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống, làm phong phú và sâu sắc thêm tính nhân văn của văn học, nghệ thuật nước nhà; mạnh dạn phê phán cái xấu, các biểu hiện biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống, góp phần cảnh tỉnh, ngăn chặn xu hướng tiêu cực trong đời sống xã hội. Có nhiều tìm tòi về nội dung phản ánh, thể nghiệm nhiều phương thức, hình thức diễn đạt mới làm phong phú các thể loại và các sản phẩm nghệ thuật”.

Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn

Xác định văn hóa bao trùm nhiều lĩnh vực và có liên quan mật thiết tới định hướng xây dựng và phát triển con người mới, đồng thời Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa...”.

Trong số các ngành nghệ thuật, điện ảnh với lợi thế là ngành nghệ thuật sinh sau, là tổng hòa của nhiều bộ môn nghệ thuật trước đó nên có những thế mạnh riêng. Nắm bắt đặc trưng đó, điện ảnh cũng là ngành xây dựng cho mình một chiến lược phát triển từ khá sớm. Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành năm 2013. Ở thời điểm xây dựng chiến lược, nhiều chỉ tiêu bị đánh giá là xa vời như sẽ có 30 - 40 phim Việt được sản xuất mỗi năm hay doanh thu hàng trăm tỷ cho phim... Lý giải cho việc đặt mục tiêu khá cao cho chiến lược, lãnh đạo ngành Điện ảnh đã từng trả lời: mục tiêu đặt ra để phấn đấu. Nhưng thực tế đã chứng minh, nhiều chỉ tiêu đã sớm vượt qua như số lượng phim sản xuất mỗi năm hay doanh thu của thị trường với mức tăng trưởng ấn tượng. Cuối năm 2021, Hội thảo Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã có buổi tổng kết với nhiều chỉ số ấn tượng. 

Trong 7 năm (từ 2013 - 2019) điện ảnh chứng kiến quá trình hội nhập quốc tế với nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường điện ảnh Việt Nam ngày một nhiều. Hệ thống rạp với cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại được xây dựng tại nhiều thành phố lớn. Điện ảnh Việt Nam cũng có những dấu ấn nhất định trong các hoạt động hợp tác quốc tế, góp mặt ở hầu hết các LHP quốc tế uy tín trên thế giới.

Phim Lính chiến

Phim Việt đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận về nội dung và chất lượng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường điện ảnh. Số lượng phim truyện chiếu rạp từ năm 2014 - 2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu với trung bình 36 - 40 phim/năm. Nhiều bộ phim đóng vai trò quảng bá điện ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch. 5 năm trở lại đây, bên cạnh dòng phim tài trợ, đặt hàng của Nhà nước, hoạt động sản xuất phim trong khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, xuất hiện nhiều phim có doanh thu cao, đem lại tín hiệu khả quan, góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Nhiều tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, chất lượng nghệ thuật cao đã giành được giải thưởng quốc gia và quốc tế. Đi cùng với chất lượng, phim Việt đã xuất hiện những tác phẩm có doanh thu cao, cạnh tranh bình đẳng với phim ngoại nhập, đem lại tín hiệu khả quan cho điện ảnh Việt. Nhiều bộ phim như: Cua lại vợ bầu, Hai Phượng, Mắt biếc, Em chưa 18, Gái già lắm chiêu, Lật mặt: 48h, Bố già... cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí vượt qua phim ngoại về doanh thu.

Hệ thống rạp chiếu phim, số lượng phòng chiếu, đầu tư máy chiếu phim công nghệ kỹ thuật số hiện đại cũng phát triển mạnh mẽ... Việc đầu tư trang thiết bị chiếu phim kỹ thuật số cho đội chiếu phim lưu động ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đáp ứng được khoảng 50% mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Nhiều bộ phim đóng vai trò quảng bá điện ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc, Gái già lắm chiêu… vừa đạt doanh thu cao vừa quảng bá cho du lịch… Hệ thống rạp chiếu phim, số lượng phòng chiếu, đầu tư máy chiếu phim công nghệ kỹ thuật số hiện đại trong thời gian qua phát triển mạnh mẽ. Hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế có nhiều khởi sắc, thể hiện qua các sự kiện điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài, các sự kiện điện ảnh quốc tế. Với mục tiêu giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra quốc tế, từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 148 LHP quốc tế, tổ chức 48 chương trình giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài...

Dẫu có nhiều kết quả khả quan khi các cấp lãnh đạo ngành, các cơ sở sản xuất, các nghệ sĩ … có mục tiêu để hướng tới nhưng bên cạnh các thành tựu đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Chưa xây dựng được các cơ chế, chính sách phù hợp và đồng bộ để phát triển công nghiệp điện ảnh. Chưa có quy định phù hợp khi hoạt động điện ảnh chuyển sang công nghệ số ở cả ba lĩnh vực sản xuất, phát hành và phổ biến phim, đặc biệt phương thức phổ biến phim trên không gian mạng ngày càng phát triển mạnh... Bản quyền điện ảnh ở Việt Nam những năm qua cũng xảy ra nhiều vụ việc, tình trạng đánh cắp bản quyền của các trang web phim đã gây thiệt hại không nhỏ cho các đơn vị sản xuất, phát hành... Chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh chưa thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào các công đoạn, dự án sản xuất, phát hành phim.

Bên cạnh đó, đầu tư cho sản xuất phim với mức kinh phí còn thấp, việc sản xuất phim hiện nay phần lớn là doanh nghiệp tư nhân. Phim Nhà nước đặt hàng ngày càng ít về số lượng và hạn chế chất lượng. Trong khi đó, việc quảng bá, truyền thông thu hút đầu tư cho sản xuất phim chưa hiệu quả.

Việc đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu, những mục tiêu đã đạt được và những mục tiêu còn dang dở của từng ngành là cơ hội để nắm bắt, đề xuất và bổ sung, triển khai các biện pháp hiệu quả hơn nhằm đạt được những mục tiêu đã đặt ra trong chiến lược. 

Dòng chảy văn hóa Việt Nam hơn 75 năm, nếu tính từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I (24/11/1946), luôn hội tụ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, nghệ sĩ cho một nền văn hóa mang khí thế, tinh thần của thời đại. Dòng chảy đó cũng có lúc lặng trầm khi mở cửa, hội nhập hay khi xã hội hóa các ngành nghệ thuật. Có giai đoạn, khi giá trị kinh tế lên ngôi, có lúc có nơi văn hóa bị xem nhẹ khi chưa thể đong đếm thành tiền, thành giá trị vật chất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã một lần nữa nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa khi đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Hội nghị cũng xác định văn hóa là yếu tố quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước cũng như thể hiện quyết tâm của Đảng, của Nhà nước về văn hóa qua Chiến lược phát triển văn hóa đến 2030 với nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể gắn với thực tiễn phát triển của đất nước. Định hướng, chiến lược và cả các giải pháp đã có nhưng để đạt được mục tiêu đã đề ra rất cần sự vào cuộc và quyết tâm của từng ngành nghệ thuật nói riêng và cả nền văn hóa Việt Nam nói chung. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sẽ lần lượt đề cập đến các khía cạnh trong chiến lược phát triển văn hóa nhằm góp thêm tiếng nói để văn hóa thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng tinh thần của xã hội, và đúng như lời Bác Hồ đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

NGÔ MINH NGUYỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

 

;