Trang trí vàng kim trên đồ gốm Việt Nam thế kỷ XV

Những tài liệu công bố ở trong và ngoài nước nhiều năm gần đây đã cho thấy nhiều bằng chứng về trang trí vàng kim trên đồ gốm Việt Nam thế kỷ XV. Ðó là những đồ gốm thuộc sưu tập của các bảo tàng và tư nhân lưu giữ và trưng bày. Ðặc biệt, cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam, 1997-2000) đã thu được kết quả rất lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử gốm sứ Việt Nam thế kỷ XV, trong đó có nhiều loại hình đồ gốm men có trang trí vẽ vàng kim. 

Trải qua gần 5 thế kỷ ằm dưới lòng biển Ðông, ở độ sâu trên 70m, mặc dù đã được các nhà khai quật khảo cổ xử lý theo phương pháp hiện đại nhất nhưng dấu tích vàng kim cùng một vài loại men màu đỏ nâu, xanh lục nhẹ lửa đã bị phai tróc nay chỉ còn dấu vết. Dưới đây là những dẫn chứng vẽ trang trí vàng kim trên đồ gốm có nguồn gốc từ tàu cổ Cù Lao Chàm.

 Trên loại đĩa to dáng chậu, kiểu 1, miệng loe, gờ miệng cắt khấc hình cánh hoa, vẽ trang trí kết hợp men xanh cobalt với men nhiều màu và vàng kim trên men trắng:

Chiếc thứ nhất, đường kính 35cm, trong lòng vẽ núi non, cây lá bằng men xanh cobalt, xen kẽ là chùa tháp, nhân vật, bao quanh là băng hoa chanh vẽ màu đỏ nâu, thành trong đĩa bổ ô chia ra 10 cánh hoa sen đầu vuông, trong mỗi cánh lại vẽ 3 dải mây hình khánh bằng men lam. Dấu vàng kim để lại trên hình núi, trên đường viền cánh sen còn rất rõ (ảnh 01). Ðây là chiếc đĩa lưu giữ tại Bảo tàng Nhật Bản (1).

Chiếc thứ hai, thuộc sưu tập tư nhân, trong lòng vẽ linh thú và mây, bao quanh là băng hoa chanh, băng cánh sen kép, băng lá đề, viền ngoài gờ miệng còn dấu vàng kim. (ảnh 2).

Chiếc thứ ba, thuộc sưu tập tư nhân, trong lòng vẽ cá hóa rồng, linh thú và mây, băng cánh sen trong vẽ cành hoa lá, giáp gờ miệng vẽ băng dây lá hình sin (ảnh 3). 

Cũng trên loại đĩa to dáng chậu, kiểu 2, khác biệt ở vành ngoài miệng tạo lõm hình lòng máng, vẽ trang trí cũng kết hợp men xanh cobalt với men nhiều màu và vàng kim trên men trắng:

Chiếc thứ nhất, đường kính 34,7cm, giữa lòng vẽ hình rắn và hoa lá sen bao quanh thành trong vẽ 5 ô hình thoi, trong vẽ hoa lá. Khoảng giữa 2 ô lại được vẽ thêm 2 ô như hình lá đề (ảnh 4). Ðây là chiếc đĩa thuộc sưu tập độc bản do Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ (2).

Chiếc thứ hai, thuộc sưu tập tư nhân, giữa lòng vẽ 2 con chim đậu trên cành hoa lá, thành trong vẽ 6 ô gần hình thoi, nay chỉ còn dấu vết men lam cobalt và vàng kim (ảnh 5).

Trên loại bình tỳ bà, cao 20cm, phát hiện trong tàu cổ Cù Lao Chàm hiện do Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh lưu giữ. Bình có miệng đấu, cổ eo, vai xuôi, thân dưới phình, chân đế thấp. Trên hai phía thân bình bổ ô hình lá đề men lam, bên trong vẽ hoa cỏ, xen giữa các dải mây men lam cobalt, men đỏ, xanh lục và vàng kim (ảnh 6) (3).

Chiếc ấm gốm hoa lam và vàng kim, cao 25cm, thuộc sưu tập tư nhân, có quai cong, vòi cao, là loại hình gặp nhiều trong tàu cổ Cù Lao Chàm, xung quanh vẽ hoa mai, hoa lá sen và chim, hai phía dưới thân bổ ô hình lá đề trổ thủng chim vẹt và cành lá phủ vàng kim, nay chỉ còn dấu vết (ảnh 7).

Dấu tích vẽ vàng kim rất đáng chú ý trên hai chiếc mâm bồng gốm hoa lam và lam tím vẽ nhiều màu và vàng kim trên men trong sưu tập của ông Nguyễn Văn Dòng (TP Hồ Chí Minh):

Chiếc thứ nhất, cao 27cm, đường kính miệng 33,2cm. Xung quanh thành ngoài của mâm bồng vẽ các đề tài băng dây hình sin xen kẽ hình khánh, cánh sen kép, ngựa có cánh và linh thú. Nhưng đặc biệt ở giữa lòng mâm bồng phủ men xanh tím, vẽ vàng kim hình rồng uốn hình bông hoa 4 cánh, chân có bốn móng và mây. Thành trong vẽ 2 hình rồng chân có bốn móng và mây dải hình khánh. Gờ miệng vẽ băng lá đề. Ðây là hiện vật trang trí vẽ vàng kim ở thế kỷ XV dù ngâm trong nước biển 500 năm nhưng hoa văn vẫn còn đày đủ nhất (ảnh 8a, b)  (4).

Chiếc thứ hai, cao 26 cm, đường kính miệng 35cm. Giữa lòng mâm bồng vẽ phong cảnh sầm uất và sống động với những con thuyền lớn nhỏ bên bến đậu. Trên bến có nhà cửa lâu đài, cờ lọng, nhân vật với y phục khác nhau cùng  cảnh cây lá, chim bay, thú chạy như mô tả về bến cảng Vân Ðồn thời bấy giờ (ảnh 9a, b). Thành trong mâm bồng vẽ băng cánh sen kép kết hợp men xanh cobalt và vàng kim, với cấu trúc xen cài một cánh sen vẽ linh thú 4 chân với một cánh sen vẽ mạng kim quy (5). Chiếc mâm bồng này đã được Bảo tàng quốc gia Singapore mượn trưng bày năm 2008 (6). Không chỉ là một đại diện xuất sắc của dòng gốm men thời Lê Sơ, chiếc mâm bồng còn có nhiều giá trị nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật, văn hóa và kiến trúc.

Ðặc biệt, tượng người phụ nữ quý tộc, cao 37,6cm, thuộc sưu tập độc bản tàu cổ Cù Lao Chàm do Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ. Ðây là một pho tượng gốm nghệ thuật Việt Nam thuộc loại hiếm và quý. Tượng ở tư thế đứng, đầu thẳng, tóc búi cao, trang trí nhiều bông hoa tròn nổi, khuôn mặt thanh tú, mi cong, mũi thẳng, tai dài, 2 tay nâng một chiếc bình trước bụng, xiêm áo nhiều lớp, khăn bao lưng có dải tua dài. Trang trí trên tượng kết hợp vẽ lam dưới men cùng men nhiều màu và vàng kim trên men. Ðề tài trang trí là chim phượng, hoa sen, hoa cúc, mây dải và mây cuộn (ảnh 10). Ở đây, vàng kim còn thấy trên mây dải và dưới bình hoa sen (7).

Trong Catalogue đấu giá cổ vật tàu cổ Cù Lao Chàm của Butterfields tại San Francisco và Los Angeles (Hoa Kỳ) năm 2000 có in hình loại bình tỳ bà gốm men xanh tím, cao 24,1-26,2 cm, có miệng đấu, cổ eo cao, thân dưới phình, chân đế thấp, phủ men xanh và trang trí vẽ vàng kim trên men. Ðến nay, vàng kim chỉ còn dấu tích nhưng các hình trang trí còn rõ vết in từ miệng tới đế. Xung quanh cổ bình vẽ băng lông công, tiếp đến là các ô hình thang vẽ sóng nước, băng sen dây và xung quanh chân là băng cánh sen trong có xoắn ốc (ảnh 11). Cạnh đó còn loại ấm gốm men lam xám cao 23,5cm, có miệng đấu, quai cong và vòi cao, xung quanh cổ và thân vẽ vàng kim trên men: hoa sen dây trong 2 ô hình lá đề, băng hồi văn chữ s gấp khúc, băng lông công nhưng nay chỉ còn dấu vết (ảnh 12) (8).

Trong sưu tập của ô Nguyễn Quốc Hùng (Hà Nội) có chiếc bình tỳ bà gốm men xanh tím có quai, cao 24 cm (ảnh 13). Trên bình còn dấu vết vẽ vàng kim trên men hình thú trong ô lá đề, băng hồi văn chữ s gấp khúc, băng lông công xung quanh cổ bình. Chiếc bình này được tìm thấy từ tàu cổ Cù Lao Chàm, Quảng Nam, thế kỷ XV (9).

Trong sưu tập cổ vật An Biên (Hải Phòng) có chiếc đĩa gốm men lam tím vẽ vàng kim trên men, thế kỷ XV. Ðĩa dáng chậu, vành ngoài miệng tạo lõm hình lòng máng, đường kính 36,5cm. Trang trí vàng kim đã mòn mờ chỉ còn dấu vết băng hoa mai dây, băng cánh hoa, băng cánh sen kép bên trong vẽ dải xoắn ốc (ảnh 14a,b). Chiếc đĩa này đã được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2022 (10).

Trong khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu năm 2002-2004 và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội năm 2008-2009, không chỉ phát hiện “các loại gốm hoa lam, gốm trắng mỏng, gốm vẽ nhiều màu, gốm men vẽ nhiều màu dát vàng, gốm xanh..” (Tống Trung Tín, 2020 : 338) (ảnh 15a,b), mà còn tìm được nhiều bằng chứng về các loại hình đồ gốm ngự dụng “ những đồ gốm cao cấp vẽ nhiều màu kết hợp phủ vàng trên men. Tiêu biểu là những loại đĩa nhỏ và các loại bình rượu có hình dáng đẹp đẽ vẽ hoa văn hình rồng chân 5 móng với đường nét tinh mỹ, bố cục chặt chẽ, phản ánh sinh lực và quyền uy của các bậc đế vương”(11) (ảnh 16a,b).

Như vậy, đề tài trang trí vàng kim trên đồ gốm men Việt Nam thế kỷ XV đã xuất hiện trên một số loại hình đồ gốm phục vụ Hoàng gia triều Lê và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Những đồ gốm trang trí vẽ vàng kim cùng với men xanh cobalt nặng lửa, kết hợp men đỏ nâu, xanh lục nhẹ lửa chính là những  sản phẩm chứng minh trình độ đỉnh cao trong lịch sử nghề gốm cổ truyền Việt Nam.

___________________

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Minh Trí - Kery Nguyễn Long, Gốm hoa lam Việt Nam. Nxb KHXH, Hà Nội, 2001, tr290.

2,3. Nguyễn Đình Chiến và Phạm Quốc Quân, Gốm sứ trong năm con tầu cổ ở vùng biển Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 2008, tr 133, 145.

4,5. Phạm Hy Tùng, Cổ vật gốm sứ có trang kim, Nxb Hồng Đức, 2021, tr37-44; 47-57.

6. Heidi Tan (Cb), Viet Nam from myth to modernity (Việt Nam từ truyền thuyết đến hiện đại), Singapore. 2008, tr93.

7. Bùi Minh Trí, Gốm vẽ nhiều màu Việt Nam trong bối cảnh lịch sử - văn hóa châu Á” Thông báo khoa học 2017, Trung tâm nghiên cứu Kinh thành, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr181-221.

8. Butterfields, Treasures from the Hoi An Hoard in the San Francisco and Los Angeles (Kho báu Hội An "Catalogue đấu giá của hãng"), 2000, tr 338.

9. Nguyễn Đình Chiến, Sưu tập cổ vật tri ân, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2016, tr107.

10. Nguyễn Đình Chiến, “Nhóm cổ vật trong sưu tập An Biên (Hải Phòng): Những giá trị đặc sắc tiêu biểu” Khảo cổ học, số 5- 2022, tr74-82.

11. Tống Trung Tín, Văn hiến Thăng Long- Bằng chứng khảo cổ học, Nxb Hà Nội, 2020, tr338.

 

NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024

       

 

;