Công tử Bạc Liêu - từ giai thoại lên màn ảnh

Bộ phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu lấy cảm hứng từ nhân vật nổi tiếng miền Nam những năm đầu thế kỷ 20 vừa công bố trailer và poster đầu tiên, sau gần hai năm kể từ khi tiết lộ những thông tin về dự án. Đây là dự án điện ảnh được UBND tỉnh Bạc Liêu cấp phép quay hình, nhằm góp phần quảng bá những dấu ấn văn hóa đặc sắc của địa phương lên màn ảnh rộng.

Diễn viên Song Luân trong vai cậu Ba Hơn

Từ những giai thoại nổi tiếng một thời

Công tử Bạc Liêu do đạo diễn Lý Minh Thắng cầm trịch, kết hợp với đội ngũ sản xuất từ Cô Ba Sài Gòn nhằm tái hiện những lát cắt văn hóa của một giai thoại và thời kỳ lịch sử. Phim dựa theo những giai thoại đã rất nổi tiếng, theo đó “công tử Bạc Liêu” là cụm từ dân gian ở miền Nam Việt Nam đặt ra vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 để chỉ các công tử, con của những gia đình giàu có sống ở tỉnh Bạc Liêu, trong thời kỳ xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Giai đoạn đó, do chính sách   phân chia lại ruộng đất của thực dân Pháp, rất nhiều người đã trở thành đại điền chủ ở xứ  này. Các đại điền chủ, hào phú quyền quý khắp Nam Kỳ thường cho con lên Sài Gòn học ở các trường Pháp hay đi du học bên Pháp. Tuy nhiên, hầu hết các vị công tử giàu có này do được hưởng cuộc sống giàu có một cách dễ dàng, lại bị ảnh hưởng bởi cuộc sống hào nhoáng chốn phồn hoa đô hội nên thường đi vào con đường ăn chơi để thể hiện mình. 

Nguyên mẫu Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy ngoài đời

Các công tử Bạc Liêu thời ấy, nổi tiếng nhất chính là Trần Trinh Huy - tức cậu Ba Huy (1900-1974). Còn được gọi là Hắc công tử, ông là một tay chơi nổi tiếng số 1 ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Ðược du học Pháp từ sớm, ông là người đầu tiên ở Việt Nam sở hữu máy bay tư nhân. Những lần “dùng tiền nấu trứng”, “đốt tiền tìm hoa tai cho người đẹp”... của ông đều trở thành giai thoại nổi tiếng. Hiện nay, nhà của ông vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và là điểm tham quan quen thuộc của các du khách.

Người em út của Ba Huy là Tám Bò (tức Trần Trinh Khương), cũng là một “công tử Bạc Liêu. Cha của họ là ông Trần Trinh Trạch sống cần kiệm, chí thú làm giàu, nhưng các con trai ông Trạch có sẵn gia sản kếch sù của cha, nên đều mặc sức phung phí tiền bạc. Nhờ vào sự giàu có của cha mẹ mình, Ba Huy đứng đầu trong số các “công tử Bạc Liêu”, đến nỗi danh xưng “Công tử Bạc Liêu” gần như để gọi cho riêng ông. Các “công tử Bạc Liêu” khác còn có ông Phan Kim Cân hay Công tử Cân là chồng bà Sáu Ðông (em gái của “Hắc công tử” Trần Trinh Huy). Phan Kim Cân là người duy nhất trong nhóm công tử Bạc Liêu tự nguyện rời bỏ cuộc sống giàu sang để tham gia hoạt động cách mạng và ông này đã có cuộc sống cuối đời khác với những “công tử Bạc Liêu” vốn chỉ quen tiêu xài hoang phí và cuối đời bị tán gia bại sản.

Bối cảnh phim Công tử Bạc Liêu

Một “công tử Bạc Liêu” nổi tiếng khác là Huỳnh Văn Phước (tức Dù Hột) - con của ông chủ Chá - một người Việt gốc Hoa và cũng là đại địa chủ xứ Bạc Liêu. Theo nhà văn Phan Trung Nghĩa - tác giả cuốn Công tử Bạc Liêu - sự thật và giai thoại, đối tượng khai sinh ra thành ngữ “công tử Bạc Liêu” chính là Huỳnh Văn Phước. Tương truyền Dù Hột rất “chịu chơi” vì rất thích cái thú trả tiền không cần “cân đo đong đếm”. Các công tử tay chơi khác còn Phương Ðình Trung hay Công tử Phương, Công tử Mỹ Tho Lê Công Phước (1901-1950 - còn có biệt danh Bạch công tử. Lê Công Phước để lại nhiều giai thoại về ăn chơi hoang phí nhưng cũng là người có rất nhiều đóng góp cho nghệ thuật Cải lương ở miền Nam khi đó. Ngày nay, “công tử Bạc Liêu” đã trở thành một thành ngữ để chỉ những kẻ ăn chơi, tiêu tiền như nước.

Đến hình tượng công tử trên phim

 Ðến nay, đã có hai bộ phim truyền hình tái hiện lại hình ảnh “công tử Bạc Liêu”. Ðó là bộ phim cùng tên với diễn viên Lê Tuấn Anh trong vai công tử Bạc Liêu và bộ phim Người đẹp Tây Ðô với diễn viên Hoàng Sơn trong vai Ba Dĩnh - công tử Bạc Liêu ăn chơi nổi tiếng đất miền Tây, đồng thời là người chồng nhẫn tâm độc ác của Bạch Cúc (Việt Trinh đóng). 

Bối cảnh phim Công tử Bạc Liêu

Tuy nhiên, bộ phim Công tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng (dự kiến công chiếu vào tháng 12/2024) là phim điện ảnh đầu tiên đưa hình tượng nhân vật nổi tiếng này lên màn ảnh rộng. Sau những vai diễn công tử Bạc Liêu trên màn ảnh nhỏ, nhiều khán giả kỳ vọng vai diễn này sẽ tiếp tục thành công trên màn ảnh rộng.

Ðạo diễn Lý Minh Thắng chia sẻ: “Tôi vốn là người rất yêu thích những giá trị văn hóa, con người Việt Nam và luôn khao khát đưa chúng lên màn ảnh rộng. “Công tử Bạc Liêu” là một nhân vật đặc biệt, đã để lại những di sản, dấu ấn mang tính biểu tượng cho tỉnh Bạc Liêu. Khi giám đốc sản xuất Thủy Nguyễn ngỏ lời mời, chỉ cần nghe cụm từ “công tử Bạc Liêu”, tôi đã rất phấn khích và nhận lời ngay mà không cần suy nghĩ gì!”.

Bộ phim do Xưởng phim Màu hồng sản xuất - đây cũng chính là đội ngũ sản xuất của phim Cô Ba Sài Gòn. Giám đốc sản xuất Thủy Nguyễn cho biết, chị và ê kíp bắt tay làm phim với nguồn cảm hứng từ cuộc đời “công tử Bạc Liêu”, những giai thoại thú vị gắn liền với ông, bên cạnh đó là những bóng hồng trong đời nhân vật nhiều thăng trầm này. Ðặc biệt, chị cũng bày tỏ mong muốn bộ phim sẽ mang đến cho khán giả những hình ảnh đẹp về phong cảnh, con người miền Tây, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất này. Ðại diện nhà sản xuất cũng cho biết: “Chúng tôi luôn muốn làm những dự án thuần túy về con người, vùng đất và văn hóa Việt Nam. Ðây đều là những chất liệu rất đặc sắc nhưng chưa được khai thác sâu trong các tác phẩm điện ảnh. Lần này, chúng tôi chọn hình ảnh công tử Bạc Liêu vì tìm thấy ở ông những yếu tố đặc biệt. Nhiều hành động của ông, nếu đặt ở thời đại của chúng ta vẫn sẽ khiến người khác trầm trồ, vì nó thể hiện tầm nhìn và hành động táo bạo. Câu chuyện công tử Bạc Liêu và Vua Bảo Ðại là hai người hiếm hoi sở hữu máy bay riêng, nhưng chỉ có cậu Ba Huy biết tự điều khiển, là một ví dụ. Thậm chí đến nay vẫn chưa có người nào vừa sở hữu máy bay, vừa biết lái như ông”.

Bộ cánh thời thượng đắt tiền của công tử ba Hơn trong phim

Ðặc biệt, bản quyền tên phim Công tử Bạc Liêu cũng đã được đơn vị sản xuất đăng ký độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ.

Công tử Bạc Liêu là dự án điện ảnh đầu tiên được UBND tỉnh Bạc Liêu cấp phép quay hình, nhằm góp phần quảng bá những dấu ấn văn hóa đặc sắc của địa phương lên màn ảnh rộng. Phim sẽ bấm máy tại một số di tích nổi tiếng như nhà Công tử Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu, cánh đồng muối huyện Ðông Hải…Theo hé lộ từ nhà sản xuất, bối cảnh và trang phục sẽ được đầu tư hoành tráng, nhằm khắc họa lại một giai đoạn lịch sử của miền Tây Nam Bộ cũng như nêu bật được hình ảnh cuộc sống xa hoa của nhân vật Công tử Bạc Liêu vốn đã được biết đến với nhiều giai thoại nổi tiếng. Ðược sáng tạo dựa trên những giai thoại về chàng công tử đệ nhất chơi ngông xứ Nam Kỳ, bộ phim sẽ đưa khán giả trở về những năm đầu thế kỷ 20, khi giới thượng lưu miền Nam khiến cho vùng đất này trở thành điểm đến của những cuộc vui chơi, hình thức giải trí phô trương và tốn kém chưa từng có trước đây. Qua đó cho thấy những lát cắt văn hóa thú vị của một giai thoại và thời kỳ lịch sử.

Trước khi công bố diễn viên, đã có rất nhiều đồn đoán về những diễn viên sẽ được “chọn mặt gửi vàng” vào vai này như: Quốc Huy, Song Luân, Thuận Nguyễn, Bạch Công Khanh... Ðược biết, nhiều gương mặt sáng giá như Dustin, Khương Lê, Võ Ðiền Gia Huy, Tôn Kinh Lâm, Lưu Cao Phát, Phạm Văn Kiên… đã tham gia casting vai công tử Bạc Liêu và cuối cùng, Song Luân đã được chọn để trao vai diễn cậu Ba Hơn - một công tử xứ Bạc Liêu, đệ nhất chơi ngông của Nam Kỳ Lục tỉnh.

Trong trailer vừa được công bố, có thể thấy điểm nhấn đầu tiên được chú ý của tác phẩm điện ảnh này là sự tham gia của diễn viên Song Luân trong vai chính - cậu Ba Hơn. Hóa thân thành biểu tượng của sự xa hoa và phong cách chơi ngông bậc nhất Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, Song Luân hứa hẹn sẽ mang đến một vai diễn thú vị và cá tính. Tạo hình của anh cũng gây ấn tượng mạnh với một vẻ ngoài đẳng cấp: bộ vest trắng đặc trưng, giày Oxford da bóng loáng, mái tóc vuốt keo, tay đeo nhẫn vàng cùng chiếc nón phớt Fedora thời thượng.  

Chia sẻ về vai diễn cậu Ba Hơn, diễn viên Song Luân cho biết anh cảm thấy rất hào hứng khi có cơ hội thể hiện những giai thoại “chơi ngông” nổi tiếng của công tử Bạc Liêu - một hình tượng cực kỳ độc đáo. Khán giả Việt có thể dễ dàng bắt gặp những chàng trai giàu có và ham hưởng thụ trên màn ảnh rộng, nhưng một người không ngại chi tiền đến mức trở thành biểu tượng và có sức ảnh hưởng lớn đối với một vùng miền thì lại là một câu chuyện hoàn toàn mới lạ. Có thể thấy Song Luân đã tập trung đầu tư và luyện tập rất nghiêm túc về ngôn ngữ hình thể lẫn biểu cảm để mang đến một “Công tử Bạc Liêu” đủ thú vị và lôi cuốn khán giả.

Một trong những giai thoại không thể không nhắc đến của công tử Bạc Liêu - đốt tiền để nấu chè - cũng đã xuất hiện một cách ấn tượng trong trailer. Ðây là một trong những giai thoại được khán giả quan tâm nhất và cũng có rất nhiều góc nhìn trái ngược nhau về sự kiện này: ngưỡng mộ, ganh tị bên cạnh hoài nghi... Tính cách phóng khoáng, hào sảng của một công tử con nhà giàu bậc nhất Nam Kỳ Lục tỉnh thể hiện qua lời thoại: “Tôi muốn công tử Bạc Liêu đi đến đâu, sự vui vẻ phải có ở đó”.

MINH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024

;