Tri thức canh tác hốc đá của cư dân bản địa vùng Cao nguyên đá

Với đặc điểm địa hình núi đá hiểm trở thiếu đất canh tác, lại hạn chế về nguồn nước, người Mông và một số tộc người thiểu số khác ở Hà Giang đã sản xuất nông nghiệp bằng kỹ thuật thổ canh hốc đá từ nhiều đời nay. Năm 2014, Bộ VHTTDL đã đưa “Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang” vào Danh mục di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những người phụ nữ làm đất để gieo hạt

Phương thức canh tác độc đáo: gieo trồng trên đá

Cao nguyên đá Ðồng Văn nằm ở phía bắc tỉnh Hà Giang, ở độ cao từ 1000 - 1600m so với mực nước biển, trải dài qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Ðồng Văn. Nơi đây là một trong những di sản địa chất quý giá nhất trên thế giới. Với những đặc điểm riêng biệt về địa chất, cảnh quan, sinh thái và văn hóa, cao nguyên đá Ðồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững và bảo tồn giá trị di sản cho vùng đất này.

Thuở xa xưa, đồng bào người Mông và các dân tộc khác sinh sống trên Cao nguyên đá Ðồng Văn có tập tục du canh, du cư, đốt rừng làm nương, sau vài vụ trồng trọt, khi đất đai bạc màu lại chuyển đi nơi khác. Sau nhiều nỗ lực của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc tổ chức cuộc sống định canh định cư, lại thêm rừng ngày càng cạn kiệt nên đồng bào đã kè nương đá, gùi đất đổ vào hốc đá để trồng cây lương thực. Qua nhiều đời nay, phương thức canh tác này được gọi là thổ canh hốc đá.

. Đốt cỏ tranh làm phân bón

 Với đặc điểm địa hình 3/4 là núi đá, ít sông suối, thời tiết lại ít mưa nên đồng bào sinh sống ở đây thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất canh tác. Ở vùng đất chủ yếu là núi đá, thổ canh hốc đá được ứng dụng rộng khắp với diện tích trên 2.300km2. Tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá không chỉ là những kinh nghiệm trồng trọt ở vùng đất xen lẫn đá mà còn là một hệ thống tổng hòa nhiều thành tố. Bao gồm: nhận thức tộc người, hiểu biết và kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, công cụ sản xuất, văn hóa truyền thống có liên quan đến các tộc người được tích lũy, điều chỉnh và giữ gìn qua nhiều thế hệ. Kỹ thuật thổ canh hốc đá ngày càng hoàn thiện đã giúp cuộc sống của đồng bào nơi đây cũng ngày một ấm no hơn. Chính thức được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” vào năm 2014, tri thức thổ canh hốc đá mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, gắn liền với tiến trình cư trú của các dân tộc ở vùng Cao nguyên đá với lịch sử trải dài hàng nhiều thế kỷ. 

Tri thức canh tác hốc đá không phải là của một nhóm người hay một dân tộc cụ thể mà chủ thể văn hóa là tất cả những người, cộng đồng người thuộc các dân tộc đang sinh sống, mưu sinh bằng tri thức canh tác nương đá thuộc địa bàn cả 4 huyện vùng  núi đá Quản Bạ, Yên Minh, Ðồng Văn, Mèo Vạc. Họ là một cộng đồng lớn với thành phần bao gồm các dân tộc như: Mông, Lô Lô, Pu Péo, Cờ Lao, Hoa, Tày, Nùng và một số dân tộc ít người khác.

Trồng ngô ở vùng núi đá cũng phải dùng những công cụ sản xuất thật đặc biệt

Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang minh chứng cho sức sống mạnh mẽ, vươn lên mãnh liệt để thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của bà con các dân tộc nơi đây. Tri thức thổ canh hốc đá còn thể hiện tinh thần giữ đất, giữ làng, dù khó khăn đến đâu, đồng bào các dân tộc vẫn tìm tòi sáng tạo, để duy trì cuộc sống, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Kỹ thuật thổ canh hốc đá, còn liên quan đến những câu chuyện cổ tích về các loài cây trồng đã mang lại lương thực, những bài dân ca ca ngợi cuộc sống lao động sản xuất của đồng bào nơi đây. 

Ngô trên cao nguyên đá

Bên cạnh những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được thiên nhiên ban tặng, các tỉnh vùng núi phía Bắc còn có một di sản khác cũng rất được người dân ở đây nâng niu gìn giữ như một báu vật, đó là giống ngô bản địa. Ngô bản địa từ lâu đã là một phần trong lối sống, tập tục và kiến thức canh tác của người Mông. Lối canh tác truyền thống qua bao đời cho ra một số giống ngô có chất lượng tốt và thân thiện với hệ sinh thái. Với đặc thù núi cao, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn và thường xuyên thiếu nước, việc canh tác nông nghiệp ở các vùng người Mông không chỉ yêu cầu kỹ thuật canh nông ở trình độ cao mà còn cần giống cây thích ứng với môi trường địa hình bản địa. Giống ngô bản địa này cũng rất phù hợp với kỹ thuật thổ canh hốc đá.

Mùa xuân là mùa người dân bản địa làm đất để gieo hạt

 Ðồng bào các dân tộc ở vùng cao nguyên đá Hà Giang nhiều đời nay vẫn lưu giữ thói quen tự nhân giống ngô bản địa bằng cách lựa những bắp đẹp nhất, hạt đều, khỏe nhất làm giống cho mùa sau. Rất ít người trồng ngô lai vì nếu không hợp đất và khí hậu, ngô có thể không ra bắp, hạt lại dễ bị mọt và không dùng làm mèn mén được. Ngô bản địa cây ngắn, thấp, tuy thời gian sinh trưởng dài nhưng cây ngô đã quen đất, quen nước ở vùng núi đá, lại chịu được khô hạn và chống chịu sâu bệnh tốt. Cây ngô như là bạn của người Mông, bền bỉ trụ lại cùng họ trên vùng núi đá tai mèo, bám vào những hốc đá để vươn lên trong khí hậu khắc nghiệt. 

Vào mùa xuân, người dân bản địa bắt đầu làm đất để trồng ngô. Ðối với nương đã được khai phá và canh tác nhiều vụ, chỉ cần dọn lại những phiến đá, tu sửa những đoạn kè bị xói lở, làm sạch cỏ đốt thành tro làm phân bón là có thể canh tác tiếp. Ở vùng cao nguyên đá, hầu hết các nương rẫy đều ở địa hình nhiều đá tai mèo, không thể san bằng được. Người dân thường làm thành những hốc đá kín, sau đó đổ thêm đất để trở thành “hốc canh tác”. Mỗi hốc như vậy có thể trồng được 1 - 2 cây ngô. Kỹ thuật xếp đá đòi hỏi kinh nghiệm và nhiều công sức, bởi phải xếp làm sao cho đá vừa khít với nhau và không bị xói mòn vào mùa mưa. Kỹ thuật cày bừa cũng đòi hỏi kinh nghiệm mà thường phải là đàn ông có sức khỏe mới làm được. Người dân nơi đây thường dùng bò kéo cày, vì chúng dai sức và được huấn luyện để tự động dừng lại những nơi có đá hộc. Nhờ vậy, người cày kịp thời lách cày ra khỏi tảng đá, tránh gãy lưỡi cày. Ở những nương nhiều đá, không thể cày được, họ dùng cuốc bướm để cuốc tơi đất, dọn cỏ ở từng hốc đá. Tra hạt là công đoạn quan trọng trong canh tác của người Mông, thường dành cho phụ nữ, người già và trẻ em. Người đi đầu cuốc hốc, người tiếp theo tra hạt, người đi sau bỏ phân và người cuối cùng sẽ lấp đất.  

Sau khi thu hoạch rau thì vun đất cho cây ngô

Ngô được trồng thành từng cụm, mỗi gốc có vài cây mọc chen nhau. Do nguồn đất khan hiếm, cùng với cây ngô, người dân còn trồng xen canh một số loại cây khác như: bí, đậu Hà Lan, dưa chuột, rau cải... Khi ngô nảy mầm cũng là lúc các loại rau màu này nảy mầm. Sau 1 - 2 tháng là có thể thu hoạch rau và vun lại gốc ngô. Mỗi năm, người dân ở vùng cao nguyên đá chỉ trồng được một vụ ngô chính. Sau mỗi kỳ thu hoạch, đất được tận dụng để trồng cây lương thực và hoa màu khác. Mấy năm gần đây, khi du lịch Ðồng Văn, Mèo Vạc phát triển, cây tam giác mạch được bà con trồng thêm ngoài vụ ngô chính và loài hoa này đang trở thành biểu tượng hoa của Hà Giang. Tam giác mạch là loại cây dễ trồng, chu kỳ sinh trưởng ngắn. Ngày trước, khi điều kiện canh tác khó khăn, không thể trồng ngô, tam giác mạch từng là nguồn lương thực chính trong mùa giáp hạt.  

Những ruộng ngô trên nương đá, kỹ thuật trồng xen canh các loại cây hoa màu đã trở thành nét độc đáo của phương thức sản xuất nông nghiệp nơi đây. Ðến nay, thổ canh hốc đá vẫn là phương thức canh tác chính trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào vùng cao nguyên đá Hà Giang. Nhờ đó mà bà con nơi đây thích nghi được với điều kiện tự nhiên đặc biệt để ổn định cuộc sống.  

 Cây ngô là cây lương thực chính của bốn huyện vùng cao Hà Giang. Ngô có giá trị vô cùng quan trọng trong đời sống cũng như phát triển kinh tế của đồng bào vùng cao nơi đây, ngoài làm lương thực, ngô còn dùng cho chăn nuôi, ngô còn được chế biến thành những sản phẩm nông nghiệp độc đáo: rượu ngô, bánh ngô, phở ngô… Bên cạnh những làng nghề thu hút sự quan tâm của nhiều du khách như: dệt vải lanh, rèn đúc lưỡi cày..., cảnh quan ruộng xếp đá độc đáo cũng đang dần trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của vùng cao nguyên đá. 

Sức sống mạnh mẽ và tinh thần giữ đất, giữ làng

Cho đến nay, cao nguyên đá Ðồng Văn ở Hà Giang là Công viên Ðịa chất duy nhất trên thế giới có quần thể cư dân sinh sống với hệ thống canh tác trên nương đá rất độc đáo này. Trong Hội thảo tư vấn xây dựng hệ thống di sản nông nghiệp có tầm quan trọng toàn cầu cho canh tác nông nghiệp ở Cao nguyên đá Ðồng Văn, do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Giang tổ chức, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, qua nhiều thế kỷ đấu tranh để tồn tại và đối phó với các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, người nông dân đã xây dựng và phát triển được những hệ thống canh tác nông nghiệp truyền thống bản địa đảm bảo nhu cầu sinh sống ổn định, bền vững, phát triển những kinh nghiệm sản xuất thực tiễn, những sản phẩm nông nghiệp độc đáo. Bảo tồn tri thức canh tác hốc đá là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trong giai đoạn biến đối khí hậu và suy thoái môi trường sống diễn ra nghiêm trọng như hiện nay. Vì vậy, lối canh tác truyền thống này không chỉ đảm bảo sinh kế cho người dân mà còn có đóng góp lớn trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và di sản văn hóa truyền thống.  

Ngô phủ xanh vùng núi đá tai mèo

Tại Hội nghị tư vấn xây dựng hồ sơ “Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá” trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do UBND tỉnh Hà Giang tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học từng đưa ra nhiều ý kiến, khẳng định mối liên hệ giữa tri thức thổ canh hốc đá với việc ứng xử của con người hòa vào thiên nhiên, vũ trụ để tồn tại gắn với văn hóa tín ngưỡng, lễ hội. Tri thức này thể hiện sức sống mạnh mẽ, tinh thần giữ đất, giữ làng.  

 Cùng với trầm tích thời gian, tri thức canh tác hốc đá đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc, bao gồm văn hóa ứng xử với môi trường sống và điều kiện tự nhiên, thể hiện sự thích ứng và hòa hợp con người với thiên nhiên. Thể hiện tinh thần sáng tạo, vượt khó và thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó còn giúp đồng bào ổn định cuộc sống để giữ gìn mảnh đất biên cương của Tổ quốc.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024

;