Nhạc chọn cho sân khấu và điện ảnh - Những dư âm không vui

Âm nhạc đóng vai trò chủ đạo trong nghệ thuật múa

Ai cũng biết rất rõ, âm nhạc luôn là một thành tố không thể thiếu được của sân khấu và điện ảnh. Tham gia vào một hình thức nghệ thuật tổng hợp, tất cả các thành tố đều có vai trò nhất định để đảm bảo tính tổng hoà và tạo được hiệu quả thẩm mỹ tối ưu nhất. Song, rõ ràng, không phải vai trò của mọi thành tố là như nhau với từng loại hình. Ví dụ, với múa thì âm nhạc đóng vai trò chủ đạo, các động tác múa chủ yếu hướng tới mô tả, làm rõ nội dung của âm nhạc thì với sân khấu kịch, với tác phẩm điện ảnh, âm nhạc lại là sự minh họa, làm rõ chủ đề, làm nền… nếu đáp ứng ở mức thấp. Còn nếu âm nhạc đạt tới mức độ cao, phải là sự khơi gợi, hướng suy nghĩ của khán giả tới với tư tưởng, chủ đề tác phẩm, nâng cao trình độ thưởng thức cho khán giả. Chính vì thế, sáng tạo âm nhạc cho một tác phẩm sân khấu, điện ảnh đòi hỏi trình độ của nhạc sĩ và đáp ứng được yêu cầu thể hiện tư tưởng tác giả định chuyển tải. Nơi ngôn ngữ của con người trở nên bất lực vì không thể diễn tả hết, âm nhạc thực sự là một cứu cánh để khắc họa hình tượng nghệ thuật.

Nhưng hiện nay, do yêu cầu làm nhanh, rẻ tiền, đặc biệt là những sai sót trong khâu làm nhạc cho sân khấu, điện ảnh hiện nay hầu như ít người quan tâm, ít tai “nghe nhạc sành” có thể nhận ra. Vì thế đã dẫn tới việc tiến hành làm nhạc theo cách chọn những giai điệu, những ca khúc sẵn có để đưa vào phần âm nhạc cho kịch, cho phim. Ðây là cách làm nhạc xuất phát từ những người làm sân khấu phía Nam, do thiếu kinh phí, do ít thời gian đầu tư, cần làm nhanh… rồi dần lan ra phía Bắc và trở thành tình trạng chung cho sân khấu trong một khoảng thời gian khá dài cho tới tận hôm nay. Người yêu sân khấu thèm muốn có lại được những vở diễn mà ở mỗi vở, đều có những nhạc sĩ sáng tác riêng cho tác phẩm. Lại nhớ tới những nhạc phẩm tuyệt vời được viết cho các vở diễn của người nhạc sĩ nổi tiếng Phó Ðức Phương, những ca khúc đã đứng vững trong nền âm nhạc nước nhà, thậm chí người ta quên rằng nó được viết cho những vở diễn sân khấu như các ca khúc tiêu biểu: Huyền thoại hồ núi Cốc, Hồ trên núi, Chảy đi sông ơi, Lội dòng sông quê, Bên dòng sông Cái, Dòng sông ký ức, Nao nao thác Bà, Nơi áo chàm hồ xanh Ba Bể, Một thoáng Tây hồ, Mái chèo thiên thu, Không thể có thể… đều là những ca khúc ông viết cho sân khấu. Nhạc sĩ Phó Ðức Phương từng tâm sự: mỗi khi nhận được hợp đồng sáng tác cho sân khấu là bị sức ép ghê gớm, vừa bị thôi thúc về việc phải thực hiện đúng hạn hợp đồng, vừa suy nghĩ chủ quan phải sáng tác sao cho hiệu quả và hay. Sau khi đọc kỹ kịch bản, phải làm việc với đạo diễn thống nhất thời gian cho từng phân đoạn, trường đoạn của vở diễn để viết nhạc cho phù hợp, từ nhạc mở màn, nhạc nền và ca khúc cho nghệ sĩ diễn, nhạc chuyển màn, chuyển cảnh, nhạc kết v.v.. Ông đã mất ăn mất ngủ hằng tháng để hoàn thành công việc này, vì vậy những vở sân khấu do ông viết nhạc thường được đánh giá cao vì âm nhạc nâng tầm, “nói hộ” chủ đề tư tưởng cho vở diễn. 

Với sân khấu kịch hát, không ít bản nhạc được thu âm trước rồi hòa với dàn nhạc của đơn vị

Ngày nay, vì lý do kinh phí (nhất là khi đã bị đưa vào hạch toán tự thu chi, rồi xã hội hóa…) vì thời gian dựng vở gấp gáp (người ta còn tự hào khi “khiêm tốn” khoe là do dựng gấp nên chỉ trong vòng dăm chục hôm đã xong vở)… rất hiếm đơn vị đầu tư đặt hàng nhạc sĩ viết riêng cho vở diễn. Lại càng khó hơn nếu đòi hỏi có dàn nhạc “sống”, chơi nhạc trực tiếp cùng diễn viên biểu diễn tác phẩm mà thay vào đó là những bản nhạc thu âm, tiết kiệm được chi phí nhưng lại làm nghèo đi sân khấu vốn là tổng hòa của âm nhạc, diễn xuất, ánh sáng, hội họa. Với sân khấu kịch hát, cũng không ít bản nhạc được thu âm trước rồi hòa với dàn nhạc của đơn vị, vì đạo diễn muốn chắc ăn, ổn định chất lượng, vì dàn nhạc còn thiếu nhạc công nào đó… Trong khi người hiểu biết về kịch hát dân tộc đều biết rõ, âm nhạc trong sân khấu kịch hát là nhạc “tòng” theo ca, nâng đỡ, thậm chí sửa lỗi cho giọng ca.

Tình trạng này trở thành đáng báo động khi ngay với các cuộc Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, thường là được trình làng các tác phẩm có chất lượng nhất của các đơn vị, là những tác phẩm được ưu tiên tối đa trong chất lượng nghệ thuật mà đa số các vở diễn đều sử dụng nhạc chọn, không thuê nhạc sĩ viết khí nhạc cũng như ca khúc chủ đề riêng cho tác phẩm. Có vị nhạc sĩ ngồi trong Ban Giám khảo một Liên hoan sân khấu kịch mang tầm vóc toàn quốc thốt lên: “Không một vở diễn nào có phần âm nhạc có chủ đề xuyên suốt. Ngay cả việc chọn nhạc, chọn ca khúc để lồng ghép vào cũng không có sự thống nhất, ăn nhập với nội dung và diễn biến tâm lý nhân vật”. 

Với sân khấu kịch, với tác phẩm điện ảnh, âm nhạc lại là sự minh họa, làm rõ chủ đề, làm nền

Với phim truyện, tình trạng cũng không khá hơn, dù rằng, kinh phí dành cho phim không phải là quá “bèo bọt”. Ta có thể thấy tình trạng, nhiều phim Việt Nam dùng nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Beethoven, Mozart, Schubert, Tchaikovsky… nhưng lại không tuân thủ bất kỳ một quy luật âm nhạc hỗ trợ tác phẩm khi các tuyệt phẩm âm nhạc này bị đưa vào một cách vô tội vạ không theo tính chủ đề cần có. Người chọn nhạc cũng tỏ ra “điếc nhạc” trong khi đạo diễn lại không hiểu gì về âm nhạc, hoặc coi nhẹ phần âm nhạc trong phim, kịch, dẫn đến cách sử dụng nhạc ngày càng nghiệp dư. Phải chăng đây là thói quen vô trách nhiệm với tác phẩm, thiếu tôn trọng với công chúng? Hay chính xác hơn, phải nói rằng, một số đạo diễn ngày nay thiếu hiểu biết về âm nhạc, rỗng về font văn hóa và làm nghệ thuật nhưng quá toan tính tới vấn đề tăng thu nhập cho cá nhân mình để bớt đi chi phí cần thiết cho các thành phần sáng tạo khác? Dù là thế nào đi nữa, thì tình trạng các tác phẩm sân khấu, điện ảnh ngày càng có nhiều thảm họa về âm nhạc vẫn ngang nhiên tồn tại bởi: có sai thì cũng ít người biết, có người biết thì cũng chỉ kêu khổ thầm chứ không có cách gì ngăn chặn bởi, cái bất bình thường (chọn nhạc ẩu) đã trở thành cái bình thường (mọi tác phẩm đều chọn nhạc ẩu như vậy) nên không còn khiến ai quan tâm tới?.

NGỌC BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 568, tháng 4-2024

 

;