Nhạc Trịnh phiêu du trong những tà áo ngũ thân

Các bài hát của cố nhạc Trịnh Công Sơn được trình diễn cùng với áo ngũ thân trong đêm nhạc Mưa hồng tại khu nghỉ dưỡng Amour (vườn quốc gia Ba Vì, Hà Nội), đã tạo ra bữa tiệc âm nhạc thỏa mãn mọi giác quan.

Tiếng hát của Hà Lê hòa cùng tiếng kèn của Lê Duy Mạnh

Áo ngũ thân hòa vào giai điệu nhạc Trịnh

Chương trình âm nhạc Mưa hồng được tổ chức trong một đêm cuối tuần vào cuối tháng Ba ở ngoại thành Hà Nội, gần vào dịp kỷ niệm 13 năm ngày mất của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn (1/4/2001-1/4/2024). Bầu không khí thoảng chút se se lạnh do địa hình ở trên đồi núi cao, hay do những cơn mưa bất chợt kéo tới, dường như được hâm nóng bằng những trái tim yêu nhạc Trịnh. Những người thưởng thức nhạc đêm đó phần lớn là những người cư trú trong nội thành Hà Nội, thậm chí có những người hiện đang định cư ở Ðức, Séc cũng về Việt Nam để có thể dự đêm nhạc đầy ý nghĩa này. Trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, rất nhiều khán giả đã tập trung phía trước khán đài để đón chờ sự xuất hiện của ca sĩ Hà Lê và nghệ sĩ kèn saxophone Lê Duy Mạnh. Bất chợt, có cơn mưa rào kéo đến, dường như làm gián đoạn chương trình biểu diễn. Những chiếc ô được giơ cao lên, nhưng không che khuất được sự nóng lòng muốn thưởng thức âm nhạc của những khán giả dành cả một đêm cuối tuần quý giá của mình cho nghệ thuật. Song, cơn mưa bất chợt ấy xuất hiện cùng với sự kết hợp của những ánh đèn màu lấp lánh điểm xuyết màn mưa, càng làm cho đêm diễn thêm phần ý nghĩa. Và làn mưa này không đơn sắc, không đơn điệu mà đúng như tên gọi của nó - Mưa hồng. 

Không gian ngoài trời, thời tiết ban đầu có chút không thuận lợi cũng chưa phải là lý do khiến đêm nhạc lần này trở nên đặc biệt. Khác với những đêm nhạc khác hát về những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay những buổi biểu diễn của ca sĩ Hà Lê, đêm nhạc Mưa hồng còn góp thêm vẻ đặc biệt thể hiện qua trang phục của các nghệ sĩ biểu diễn và ban nhạc trên sân khấu. Trang phục đó là những chiếc áo ngũ thân - gợi lại dòng chảy lịch sử cách đây hàng trăm năm. Không chỉ các nghệ sĩ đứng trên sân khấu mặc áo dài, mà ngay cả các nhân viên, lễ tân trong buổi biểu diễn cũng đều khoác trên mình áo dài năm thân với nhiều màu sắc khác nhau. 

Màn độc tấu kèn saxophone của Lê Duy Mạnh

Ðược biết, những tà áo truyền thống xuất hiện trong chương trình do gia đình nghệ nhân Ðỗ Minh Tám (làng nghề áo dài Trạch Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thực hiện. Có cơ duyên được làm việc cùng đội ngũ Phiêu du Show, nghệ nhân cũng lấy làm vinh dự. Anh chia sẻ, bản thân mình cũng muốn đóng góp một phần công sức để có thể đồng hành cùng các nghệ sĩ, lan tỏa hình ảnh của làng nghề, đồng thời là quảng bá hình ảnh áo ngũ thân đến với công chúng. Nghệ nhân Ðỗ Minh Tám bật mí con số áo ngũ thân phục vụ cho đêm diễn lần này lên tới 20 bộ. Ðể kịp hoàn thiện trang phục cho buổi điểm diễn, anh Tám cùng các thành viên trong gia đình đã cố gắng trong vòng 20 ngày. Trung bình mỗi chiếc áo được một người thợ thực hiện trong vòng 20 đến 26 tiếng. Ðiều đáng nói, toàn bộ sản phẩm đều được làm thủ công. 

Ðối tượng thưởng thức nhạc Trịnh thường tập trung vào lứa tuổi trung niên. Mà ta hẳn cũng biết, đây cũng là lứa tuổi thường quen mắt với hình ảnh tà áo chiết eo gắn liền với phụ nữ. Những chiếc áo ngũ thân tay chẽn, tay thụng (hay gọi áo tấc) dường như vẫn còn là một tà áo mang nặng tính “hàn lâm”, có chút xa lạ, dù đã xuất hiện rất phổ biến trong lịch sử. Bởi chúng thường chỉ được một bộ phận các nhà nghiên cứu, các bạn trẻ đón nhận, hay được các nghệ sĩ, nghệ nhân mặc vào khi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hay được các cụ cao niên sử dụng trong các nghi lễ. Trải qua nhiều năm dài, nhạc Trịnh đến nay cũng được xem là di sản quý giá của nền âm nhạc Việt Nam. Vì thế, lồng ghép 2 di sản văn hóa hài hòa cùng với nhau trong một không gian như vậy là một dụng ý rất thông minh, khéo léo của ban tổ chức. 

Tấm áo kết nối các thế hệ yêu nhạc Trịnh

Dưới góc độ cảm nhận cá nhân, chị Thiên Bình, Tổng đạo diễn của Phiêu du Show chia sẻ, ẩn chứa trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn là những kiếp người từ trong quá khứ vọng về. Áo ngũ thân được lựa chọn trong đêm diễn như thể là sứ giả kết nối, giúp xích gần hơn con người thuộc về hiện tại với con người thuộc về quá khứ, để con người của thực tại được sống lại và thể hiện thật trọn vẹn những cảm xúc của những con người thuộc về quá vãng. 

Khán giả hòa ca cùng với Hà Lê

Bên cạnh đó, điều đặc biệt còn nằm ở độ tuổi của các nghệ sĩ. Trên sân khấu, bên cạnh 2 cái tên Hà Lê và Lê Duy Mạnh thuộc thế hệ đi trước, còn có sự hiện diện của ban nhạc 2Up gồm 4 thành viên là: Anh Khôi, Gia Huy, Tuấn Anh, Lâm. Các bạn là thế hệ sinh sau năm 2000 rất yêu nhạc Trịnh, nhưng dường như chưa trải qua hết tất cả, chưa thấm đẫm hết tất cả các cung bậc cảm xúc trong dòng nhạc này. Dẫu vậy, dù là các nghệ sĩ ở độ tuổi khác nhau, sự chiêm nghiệm về những gì diễn ra trong cuộc sống cũng không giống nhau, nhưng khi khoác trên mình cùng một tấm áo, tình yêu với nhạc Trịnh cũng được hòa làm một. 

Từ góc độ nghệ sĩ thuộc thế hệ đi trước, ca sĩ Hà Lê chia sẻ, đây là lần đầu tiên anh và nghệ sĩ Lê Duy Mạnh hợp tác chính thức. Với tiếng kèn của Lê Duy Mạnh, giọng hát của Hà Lê như được khoác thêm một tấm áo mới. Tấm áo này mang cả 2 nét nghĩa. Ðối với nghĩa bóng, từ trước đó, chưa có sự kết hợp độc đáo như vậy giữa 2 nghệ sĩ. Một Lê Duy Mạnh giữ hồn cổ điển trong nhạc Trịnh, và một Hà Lê thổi làn gió với vào dòng nhạc này. Sự khác biệt đó không tạo ra mâu thuẫn, thay vào đó lại nhuần nhuyễn với nhau, tạo cho nhạc Trịnh một diện mạo mới. Còn với nghĩa đen, đây chính là lần đầu tiên cả hai nghệ sĩ cùng mặc trang phục đặc biệt như vậy biểu diễn. Trong đêm nhạc, tiếng kèn của Lê Duy Mạnh cùng giọng ca của Hà Lê hòa vào trong ca khúc Hãy yêu nhau đi như một lời nhắc nhở hãy yêu nhiều hơn những điều đẹp đẽ, tích cực trong cuộc sống này, trong đó, phải kể tới di sản văn hóa giàu giá trị như chiếc áo dài mà các anh mặc trên sân khấu. Cùng với đó, ca khúc Huế, Sài Gòn, Hà Nội vang lên, đó tựa như sự kết nối tình thương của những người Việt Nam dù ở xa hay gần đều hòa chung một nhịp đập, hòa chung một tình yêu với di sản văn hóa. 

Ban nhạc 2Up gồm các thành viên thuộc thế hệ sinh sau năm 2000

Khép lại đêm diễn Mưa hồng, bên cạnh những tràng pháo tay cho các nghệ sĩ tài năng trên sân khấu, chương trình còn nhận được sự tò mò, quan tâm, thậm chí là yêu thích của không ít khán giả đối với áo ngũ thân. Ðó chính là thành công của đội ngũ Phiêu du Show, vì không mang những ca khúc bất hủ tới cho khán giả thưởng thức, mà còn quảng bá thêm một nét đẹp văn hóa của cha ông. Mong rằng, trong thời gian tới, các đêm nhạc của Phiêu du Show sẽ tiếp tục khai thác trang phục truyền thống để đưa lên sân khấu, nhằm thu hút nhiều khán giả hơn nữa dành sự yêu mến tới loại trang phục này.

QUỲNH HOA - Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 568, tháng 4-2024

;