Thực trạng và giải pháp khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn nhất dải đất hình chữ S với 16.489 km2, tổng số dân trên 3 triệu người gồm 460 xã, phường thị trấn, 3.804 làng, bản, khối phố; dân số chủ yếu sống ở vùng nông thôn, tỷ lệ làm nông nghiệp chiếm 87,3% dân số toàn tỉnh. Tỉnh Nghệ An có 3/61 huyện nghèo của cả nước, 76 xã miền núi khu vực III, 55 xã miền núi khu vực I, 1.098 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 630 thôn khu vực III, 468 thôn khu vực I, 588 thôn đặc biệt khó khăn, 26 xã biên giới giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với chiều dài 419 km.

 

Thời gian qua, công tác chỉ đạo ban hành các văn bản về quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương được triển khai rất kịp thời, ngay từ những năm 2002, ngành VHTT tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành được những văn bản chỉ đạo xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, như: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/12/2016 về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; Nghị quyết số 71/2012/NQ-HĐND ngày 13/12/2012 về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng một số thiết chế văn hóa - thể thao ở các xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khối, xóm trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 về chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025.

Để thể chế hóa chủ trương, cơ chế chính sách của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành: Quyết định số 80/2002/QĐ-UB ngày 6/9/2002 phê duyệt Đề án “Xây dựng thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đồng bộ và phát triển đời sống văn hóa cơ sở tỉnh Nghệ An giai đoạn 2002 - 2010”; Quyết định số 113/2003/QĐ-UB ngày 31/12/2003 ban hành cơ chế chính sách xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở tỉnh Nghệ An thời kỳ 2003 - 2010, Quyết định số 15/2013/QĐ.UBND.VX ngày 25/2/2013 về cơ chế, chính sách xây dựng một số thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Quyết định số 97/2014/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 về việc ban hành quy định chi tiết  về tiêu chí, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn của Bộ VHTTDL” trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 08/2021/QĐ-UBND ngày 07/5/2021 về Quy định nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ và thứ tự ưu tiên xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, tạo hành lang pháp lý các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao đồng bộ ở cơ sở. Đến nay, 100% các xã đã xây dựng quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở gắn với quy hoạch nông thôn mới.

Trong thời gian qua, công tác thực hiện về quy hoạch đất sử dụng, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đã được sự quan tâm, đầu tư cho một số công trình cấp tỉnh như: 1 Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, 1 sân vận động, 1 nhà thi đấu, 1 rạp hát. Hiện nay, đang xây dựng Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ… Các huyện đã sử dụng khá hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện. Tính đến năm 2021, có 16/21 sân vận động huyện (đến nay còn 05 huyện, thành phố chưa có sân vận động huyện: Thị xã Hoàng Mai, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Kỳ Sơn và thành phố Vinh); 8/21 huyện, thành phố, thị xã có nhà thi đấu do huyện quản lý và có 77 nhà thi đấu một môn, nhiều môn do các ngành đơn vị trên địa bàn huyện quản lý, 1 sân gôn quy chuẩn 18 lỗ với diện tích rộng 132 ha, 77 Nhà tập luyện có mái che, 86 sân tenis, 4 Bể bơi 50 m, 25 bể bơi 25 m... Đã có 460 xã, phường, thị trấn đưa chỉ tiêu về xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao vào Nghị quyết HĐND và nhiệm vụ, kế hoạch của UBND xã, phường, thị trấn, có biện pháp triển khai cụ thể tới tận xóm, bản. Đã có 431/460 xã quy hoạch đất cho xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2020, một số huyện đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả như: Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Cửa Lò, Anh Sơn. Hiện tại, 312/460 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 67,8%) ở Nghệ An đã có hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30/5/2014 của Bộ VHTTDL. Đối với làng, bản, khối phố: 3.746/3.804 xóm đã có Nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 98,4%, trong đó 2.206/3.746 Nhà văn hoá đủ diện tích theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 3.070/3.804 xóm có sân thể thao đạt tỷ lệ 80,7%, khoảng 80% xóm có trạm truyền thanh, thiết bị tăng âm loa máy. Nhà văn hoá làng, bản, khối phố hầu hết có diện tích từ 80m2 đến hơn 100m2 và có sân chơi thể thao ngoài trời.

 Về công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên trách về văn hóa, thể thao đối với xã, phường, thị trấn: hiện nay đã có 460/460 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Văn hóa và được cơ cấu từ 2 - 3 người, gồm 1 Phó Chủ tịch phụ trách Văn hóa - Xã hội, 2 công chức Văn hóa - Xã hội (đối với xã, phường, thị trấn loại 1), 1 công chức Văn hóa - Xã hội (đối với xã, phường, thị trấn loại 2, loại 3). Tính đến năm 2021, có 627 cán bộ chuyên trách cấp xã, trong đó có 577 biên  chế (công chức Văn hóa - Xã hội) và 50 hợp đồng. Đối với làng, bản, khối, xóm thì có 3.804 Trưởng thôn phụ trách Nhà văn hóa được tập huấn nghiệp vụ văn hóa, thông tin, thể thao do Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao cấp huyện, xã tổ chức. Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể  thao tổ chức 1 - 3 lớp bồi dưỡng các kiến thức về quản lý, tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao và gia đình ở cơ sở…

 Chất lượng hoạt động ở các thiết chế văn hóa, thể thao rất tốt, việc tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở xã, phường, thị trấn và làng, bản, khối phố ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ, thông tin cổ động, đọc sách, xây dựng nếp sống văn hóa được tổ chức khá đều đặn. Hàng năm, mỗi xã, phường, thị trấn tổ chức được từ 20 đến 30 buổi hoạt động tại chỗ trong đó có 3 - 6 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, văn nghệ quần chúng; 4 - 6 cuộc thi đấu thể thao thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Các hoạt động tại nhà văn hóa, khu thể thao xóm, bản chủ yếu do Chi đoàn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Nông dân… tổ chức, thu hút người dân tham gia ngày càng đông đảo, như tổ chức cưới theo nếp sống văn minh tại nhà văn hóa xóm, chúc thọ người già, tổ chức lễ hội, triển khai các vấn đề về bảo vệ an ninh trật tự, ngày Tết dành cho thiếu nhi, sinh hoạt Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, xây dựng và tôn vinh gia đình văn hóa, làng, bản, đơn vị văn hóa, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...

 

Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cũng đang còn một số tồn tại, hạn chế như:

* Về cơ sở vật chất:

 Đối với thiết chế văn hóa cộng đồng, sau khi thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, địa bàn hoạt động văn hóa ở thôn rộng, quy mô nhà văn hóa nhỏ, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhà văn hóa dẫn đến bất cấp khó khăn trong việc sử dụng, quản lý, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao.

Thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở đảm bảo theo tiêu chí của Bộ VHTTDL và có quy mô phù hợp với hộ gia đình của các thôn sau sáp nhập còn thấp, nhất là khu vực miền núi. Nhiều thôn có quy mô từ 300 - 500 hộ, Nhà văn hóa nhỏ, xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức các hoạt động phong trào.

 Việc thực hiện quy hoạch đất dành cho thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở nhiều nơi chưa hợp lý hoặc chưa đảm bảo theo quy định, nhất là đối với các huyện miền núi cao, thành phố Vinh.

 Việc quy hoạch và xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng ở cấp huyện được quy định tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ (30% số đơn vị hành chính cấp huyện có Nhà thiếu nhi đến năm 2020; 50% đến năm 2030) là không khả thi (hiện nay, tỉnh Nghệ An có 21 đơn vị hành chính cấp huyện mà chỉ 3 địa phương có Nhà thiếu nhi đó là thành phố Vinh, huyện Quỳ Hợp, thị xã Cửa Lò (Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên do Tỉnh đoàn quản lý).

 Tỉnh Nghệ An chưa có công trình văn hóa (Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn), thể dục thể thao (Khu Liên hiệp thể thao, Trung tâm Đào tạo, huấn luyện, thi đấu…) tương xứng với vị trí trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.

 Một số Nhà văn hóa, sân vận động chưa thực sự trở thành những tụ điểm văn hóa văn nghệ của nhân dân ở cơ sở. Các phong trào, hoạt động văn hóa, thể thao ở một số thiết chế văn hóa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn sơ sài, nghèo nàn, có nơi chỉ quan tâm đến hoạt động trọng điểm, các kỳ hội thi, hội diễn mà chưa tổ chức tốt hoạt động thường xuyên, chưa chủ động trong hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa.

* Về tổ chức bộ máy:

Để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thì việc bố trí đủ công chức văn hóa cấp xã là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, Nghệ An đang thực hiện theo Quyết định số 80/2021/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 về việc ban hành Quy định cơ cấu chức danh công chức xã, phường, thị trấn thì đối với xã, phường, thị trấn loại 1 được bố trí 2 công chức Văn hóa - Xã hội; còn đối với xã, phường, thị trấn loại 2, loại 3 được bố trí 1 công chức Văn hóa - Xã hội. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 6/11/2009 của Bộ Nội vụ, công chức Văn hóa - Xã hội phải thực hiện đến 11 nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước; ở thôn, xóm, bản thì không có cộng tác viên văn hóa. Do đó, rất nhiều nhiệm vụ về văn hóa, thể thao, gia đình trên thực tế không triển khai thực hiện được. Một số công chức Văn hóa - Xã hội vì không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ theo quy định nên đã xin thôi việc.

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn và đồng thời khai thác hiệu quả các hoạt động của hệ thống thiết chế VHTT cơ sở, ngành văn hóa, thể thao và các địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp một số nội dung sau:

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, trong đó trọng tâm là đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật và bố trí nguồn nhân lực, kinh phí phù hợp để tổ chức hiệu quả các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp nhằm huy động, bố trí nguồn lực tài chính để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên trên địa bàn.

Đổi mới phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực VHTTDL phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, cụ thể: Bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với các tỉnh, thành đã phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trước thời điểm ban hành Quyết định số 2164/QĐ-TTg cần rà soát, điều chỉnh theo nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp cho phù hợp.

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang bị phương tiện chuyên dùng, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị; kinh phí duy trì bộ máy và các hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ đối với thiết chế cấp tỉnh, huyện, xã. Đối với cấp thôn, hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động từ nguồn ngân sách của địa phương.

Hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tại thiết chế; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và trách nhiệm đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao, cộng tác viên cơ sở.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu phù hợp với điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, đặc điểm dân tộc, vùng miền, các nhóm đối tượng, lứa tuổi. Tổ chức nhiều loại hình câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí để thu hút người dân tham gia hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt ở cấp xã và thôn trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, lợi ích của việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Xây dựng, ban hành cơ chế quản lý, tự chủ, định mức kinh tế kỹ thuật, cơ chế tính giá hoạt động của hệ thống Trung tâm Văn hóa, thể thao các cấp; chế độ ưu đãi đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, trong đó ưu tiên đối tượng là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nghệ nhân dân gian.

Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Kiến nghị với Bộ VHTTDL

Đề nghị Bộ rà soát, nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các Thông tư của Bộ VHTTDL như: Thông tư số 12/2010/TT- BVHTTDL ngày 22/12/2010, Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8/3/2011 và Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30/5/2014 về thiết chế văn hóa, thể thao xã, thôn đảm bảo phù hợp về quy hoạch đất, về quy mô Nhà văn hóa trong giai đoạn mới, nhất là sau khi sáp nhập thôn, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo phù hợp với thực tế.

Ban hành Quy định về tiêu chí điểm vui chơi trẻ em; xác định rõ nội hàm Trung tâm văn hóa - Thể thao xã (thực tế hiện nay ở các địa phương không gọi là Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã).

Ban hành Thông tư hướng dẫn nguyên tắc, tiêu chí, trình tự xây dựng, công nhận mô hình văn hóa cơ sở trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” làm cơ sở pháp lý để các địa phương tham mưu chính sách hỗ trợ mô hình (hiện nay mặc dù mô hình văn hóa ở các địa phương đã được xây dựng rất hiệu quả, thiết thực. Tuy nhiên, việc chỉ đạo xây dựng và nhân rộng thì còn khó khăn bất cập vì chưa có văn bản chỉ đạo thống nhất, không có cơ chế chính sách hỗ trợ).

Phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu đưa vào nội dung Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ bố trí cộng tác viên văn hóa, gia đình ở thôn, bản, khối, xóm nhằm phục vụ việc triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước ở cấp xã và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cộng đồng được hiệu quả hơn.

Nghiên cứu đưa giải pháp thực hiện việc liên doanh, liên kết, cho thuê các cơ sở thể thao, sân vận động huyện, sân vận động xã phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công nhằm khai thác hiệu quả hơn, tránh lãng phí…

 

NGUYỄN TẤT HÀO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

;