Lai Châu: Tôn vinh, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

Hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước hào hùng đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh văn hóa dân tộc Việt Nam với những trang lịch sử vẻ vang, rạng rỡ. Đóng góp một phần không nhỏ trong đó là những thành tựu do đồng bào các dân tộc thiểu số góp sức. Chính vì vậy, những năm qua, Lai Châu luôn đặc biệt quan tâm tới công tác tôn vinh cũng như phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại Lai Châu đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách
 

Dẫn chúng tôi thăm một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn như: Bản Lao Chải (xã Khun Há), bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) hay bản Thẳm (xã Bản Hon) để trải nghiệm, khám phá cảnh quan thiên nhiên, những món ẩm thực; bản sắc văn hóa của các dân tộc Lự, Mông, Dao…, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Đường Đỗ Trọng Thi chia sẻ: “Công tác tôn vinh, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Vì vậy, huyện Tam Đường đã thường xuyên quan tâm đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn sống những lễ hội, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dòng họ, tộc người trước nguy cơ mai một thất truyền ngay tại cộng đồng. Cùng với đó là tuyên truyền vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu gắn với xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, tạo sinh kế mới, ổn định đời sống thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn”.

Khác với Tam Đường, huyện biên giới Mường Tè là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào: Si La, Cống, Mảng, La Hủ... Vì vậy, những năm qua, công tác tôn vinh, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều lễ hội như: Mừng cơm mới của dân tộc Si La, tết Ngô của dân tộc Cống hay những bài hát, điệu múa của các dân tộc trước nguy cơ thất truyền đã được khôi phục, bảo tồn, viết thành sách, tổ chức các lớp truyền dạy, dựng video clip để truyền thông, phổ biến đến cộng đồng... Nhờ đó, bản sắc, những nét đẹp trân quý của các tộc người đã thực sự hồi sinh ngay tại cộng đồng. “Để thế hệ con cháu được hiểu biết thêm về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tôi đã phối hợp nghiên cứu, sưu tầm và cùng viết nên cuốn sách Trường ca Xa nhà ca của dân tộc Hà Nhì để truyền lại cho con cháu. Bên cạnh đó, tôi cũng đã chủ động truyền dạy các câu ca dao, tục ngữ, tục thờ cúng tổ tiên... đến thế hệ trẻ của người Hà Nhì trên địa bàn” - Nghệ nhân Dân gian Pờ Lóng Tơ, xã Mù Cả, huyện Mường Tè chia sẻ.

Để có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng cộng đồng, tộc người trong việc tôn vinh và phát huy giá trị đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở qua các kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn có những Nghị quyết chuyên đề nhằm thúc đẩy công tác tôn vinh phát huy bản sắc văn hóa như: Giai đoạn 2015 trở về trước là Nghị quyết số 13/NQ-TU về “Đẩy mạnh xây dựng, nâng cao hiệu quả, chất lượng đời sống văn hóa cơ sở trong giai đoạn tới”. Sau đó là Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016-2020” và hiện nay có Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu".

“Nhờ sự quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện của các cấp ủy, chính quyền địa phương nên đến nay, trên địa bàn tỉnh có 40 lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số được phục dựng, duy trì tổ chức thường niên; 955 đội văn nghệ quần chúng. Hằng năm, có rất nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn cấp tỉnh, cơ sở được tổ chức như: Hội diễn Nghệ thuật quần chúng các xã biên giới; Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc thiểu số; Liên hoan hát Then... đã thu hút hàng ngàn khán giả đến xem, cổ vũ. Điều quan trọng hơn, chính những nghệ nhân, diễn viên tham gia cuộc thi sẽ là những hạt nhân lan tỏa, lưu truyền bản sắc văn hóa của mỗi tộc người. Qua đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của người dân, đồng thời tạo môi trường gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Đặc biệt, các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình thành ngữ, tục ngữ, ca dao, câu đố, truyện cổ tích, các tri thức bản địa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc thiểu số được đưa vào chương trình giảng dạy ở cả ba cấp học trên địa bàn toàn tỉnh. Các loại hình văn học dân gian còn được bảo tồn, phát huy giá trị thông qua những sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc như lễ tết, lễ cưới, lễ lên nhà mới, các nghi lễ vòng đời... qua đó tạo môi trường, điều kiện để các thể loại như Then cổ, ca dao, dân ca, tục ngữ, các loại văn khấn... được bảo tồn, phát huy trong đời sống cộng đồng” - ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết.

Cùng với những cách làm hiệu quả trên công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị các làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc được tổ chức thực hiện thường xuyên thông qua việc mở các lớp truyền dạy chữ Nôm Dao, chữ Thái cổ; truyền dạy kỹ thuật tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong dân tộc Mông; truyền dạy kỹ thuật chế tác và sử dụng đàn tính dân tộc Thái, khèn bè dân tộc Lào; truyền dạy hát dân ca... Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với các nghệ nhân, những người am hiểu về văn hóa các dân tộc ở địa phương đã tổ chức 18 lớp truyền dạy về các trò chơi dân gian, các câu đố, thành ngữ, tục ngữ các dân tộc... Những năm gần đây, công tác tôn vinh, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số còn được gắn kết với việc tổ chức Ngày hội văn hóa, du lịch cấp huyện, tỉnh, khu vực, toàn quốc; Tuần du lịch... nhằm giới thiệu, quảng bá về những nét đẹp, đặc trưng riêng biệt về văn hóa, con người các dân tộc thiểu số đến du khách trong và ngoài nước.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Lai Châu tiếp tục tôn vinh phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số thông qua việc khuyến khích giới trẻ tiếp thu các di sản văn hóa, chú ý phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân cho các dân tộc thiểu số; xây dựng và đề nghị công nhận các danh hiệu di sản văn hóa... nhằm đáp ứng những nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghề  dệt vải, may trang phục vẫn được người Lự ở Lai Châu gìn giữ phát huy
 

 

NHẬT MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

 

;