Đồng chí Võ Chí Công - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, cả cuộc đời vì nước, vì dân

Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn (bí danh Xuân, Năm Công), sinh ngày 7/8/1912, trong một dòng tộc giàu truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1992 (tháng 9/1992), đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam, với những giá trị chính trị - pháp lý và thực tiễn sâu sắc - Ảnh: Minh Điền/TTXVN

 

Sớm tham gia cách mạng, đến tháng 5/1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ Mỹ Sơn. Sau đó, đồng chí được bầu làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ (tháng 1/1940), Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (tháng 10/1941), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (tháng 12/1942). Giữa năm 1943, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án khổ sai chung thân, sau giảm xuống 25 năm tù và đưa đi giam cầm ở nhà lao Hội An, rồi chuyển lên nhà đày Buôn Ma Thuột. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được trả tự do, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền một cách nhanh chóng ở Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Võ Chí Công trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Quảng Nam và Liên khu V trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Ủy trưởng Tư pháp trong Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Nam; Chính ủy Trung đoàn 93; Bí thư Trung đoàn 95 chủ lực của Khu. Giữa năm 1950, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu V thành lập Ban Cán sự khu Đông Bắc Campuchia, giao đồng chí Võ Chí Công làm Bí thư kiêm Chính ủy Ban Cán sự Khu. Năm 1952, đồng chí trở về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Giai đoạn này, đồng chí tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và lực lượng vũ trang của tỉnh cũng như Liên khu V; "chia lửa" với chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến Mỹ, cứu nước (1954-1975), đồng chí Võ Chí Công được giao giữ các cương vị, trọng trách: Phó Bí thư và Bí thư Liên Khu ủy V (1954-1960); Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961-1965); Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Bí thư Khu ủy V (1964-1975)… Đồng chí đã lãnh đạo quân và dân miền Nam, đặc biệt là ở Liên khu V từng bước đánh bại các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” chỉ đạo giải phóng các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là Đà Nẵng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, đồng chí giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản; sau đó là Phó Thủ tướng phụ trách khối Công - Nông - Ngư nghiệp. Năm 1978, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam.

Ủy ban sửa đổi Hiến pháp họp dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp mới (1991) - Ảnh: Minh Điền/TTXVN

 

Với tầm nhìn xa và sự nhanh nhạy, bám sát tình hình thực tiễn, đồng chí sớm phát hiện những vấn đề bất cập, trói buộc nền sản xuất của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Đồng chí có nhiều ý kiến đề xuất đổi mới với Ban Bí thư và Bộ Chính trị, từng bước tháo gỡ khó khăn, đổi mới tư duy, góp phần quan trọng hình thành Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư về Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong Hợp tác xã nông nghiệp (1/1981). Từ kết quả của “Khoán 100”, đồng chí được Bộ Chính trị tin cậy giao làm Trưởng Tiểu ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, hình thành nên Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (tháng 4/1988) - mở ra bước ngoặt của nông nghiệp đất nước thời đổi mới.

Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (từ tháng 4/1982), đồng chí Võ Chí Công đã có vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương; tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng.

Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986), đồng chí Võ Chí Công tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (1987). Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Hội đồng Nhà nước đã xem xét và công bố những luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Thuế xuất khẩu, Luật Đầu tư nước ngoài… Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đồng chí chỉ đạo xây dựng Hiến pháp mới và được Kỳ họp thứ XI Quốc hội khóa VIII đã nhất trí thông qua, trở thành Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển.

Gần 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Chí Công là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Trong những năm tháng đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến, đồng chí không quản ngại hy sinh, gian khổ, luôn nêu cao tinh thần kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Khi đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng chí luôn là tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm, nếp sống khiêm tốn, giản dị, giàu tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào; luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, giữ vững nguyên tắc, nhưng luôn bám sát thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Đồng chí là tấm gương cao đẹp để mỗi chúng ta trân trọng, tri ân, học tập và noi theo.

 

TRUNG ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

 

;