Thơ Trần Đăng Khoa, từ thức ngộ đến ngẫm suy

Từ khi tập Góc sân và khoảng trời ra đời, tên tuổi Trần Đăng Khoa đã in vào lịch sử thi ca hiện đại Việt Nam. Tác phẩm ấy đã lập một kỷ lục chưa từng có cho đến nay với gần 160 lần tái bản, được hàng triệu độc giả đón nhận.

Từ ngôi nhà tranh vách đất, từ làng Điền Trì nghèo khó, tên tuổi Trần Đăng Khoa vượt ra ngoài biên giới đất nước, đến nỗi các nhà làm phim tài liệu của Pháp đã về tận quê Trần Đăng Khoa để làm một bộ phim giới thiệu với cả thế giới. Trong phim ấy, người ta thấy thần đồng không mang ánh hào quang huyền thoại gì, mà mà là một cậu bé đen nhẻm, gầy gò, sống giữa thiên nhiên hoang sơ, chơi với những con vật thân thiết, lớn lên trong cảnh nghèo thuần phác của một làng quê bắc bộ, mà có lẽ dưới con mắt của người phương Tây, nó cũ xưa như hiện về từ một thế kỷ khác.

Thần đồng Trần Đăng Khoa

Không, Trần Đăng Khoa không phải là một người ưa nói về sự lớn lao kỳ vĩ. Anh được yêu mến bởi sự giản dị và gần gũi. Dù đã đi khắp những phương trời xa lạ nhưng Trần Đăng Khoa vẫn giữ vẻ hồn hậu thuần khiết của người nông dân xứ sở anh. Bộ quần áo lính đã cũ anh mặc hằng ngày như vẫn còn neo lại dấu vết của những năm gian khổ ở biên giới Tây Nam rồi ở Trường Sa những năm tám mươi của thế kỷ trước. Và trong câu chuyện của anh nhiều khi vương màu hoài niệm. Trần Đăng Khoa nói nhiều đến những ký ức làng quê, nói về mẹ, về cha, về anh em, bạn bè và cái thời trẻ thơ kỳ lạ của chính mình. Cái hồn xưa thăm thẳm của xóm làng, những kỷ niệm thuở ngây thơ theo anh suốt cả cuộc đời. 

*

Phẩm chất đầu tiên của thần đồng Trần Đăng Khoa là sự thức ngộ. Thơ anh, từ trong những bài đầu tiên là sự bừng lóe của cảm xúc, là sự khai mở của trí tưởng tượng, là cảm nhận hết sức tinh tế trước vẻ đẹp thiên nhiên, tạo vật. Chính điều đó tạo nên những vẻ đẹp đa dạng, ấn tượng trong Góc sân và khoảng trời và tạo nên sức sống vượt thời gian của nó.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa hồi trẻ

Chỉ trong vài năm kể từ bài thơ đầu tiên, với khung cảnh là một “góc sân”, Trần Đăng Khoa đã mở rộng không gian đến “khoảng trời”. Từ cái trực quan nhỏ hẹp trong tầm quan sát của một đứa trẻ, Trần Đăng Khoa đã nới rộng chiều kích của suy tư và cảm nhận, gợi những liên tưởng độc đáo của một thi sĩ hiếm có trong đời. Và trong khoảng 140 bài thơ đầu tiên sáng tác từ 6 cho đến 10 tuổi, ta gặp nhiều câu thơ, bài thơ hay đến độ thần tình như: Hạt gạo làng ta, Mưa, Đám ma bác Giun, Trăng ơi từ đâu đến, Sao không về Vàng ơi, Mẹ ốm, Tiếng võng kêu, Đánh thức trầu, Côn Sơn…

Thành công của Góc sân và khoảng trời là ở chỗ tác giả đã tạo nên một thế giới nghệ thuật hoàn toàn mang màu sắc trẻ thơ, hồn nhiên, gần gũi và ảo diệu như trong cổ tích. Đối với Trần Đăng Khoa lúc đó, vạn vật, thiên nhiên như có linh hồn và cậu bé sống hòa đồng, bầu bạn với tất cả. Trong thế giới trẻ thơ của cậu, các loài vật và cây cối, đồ vật bình đẳng, yêu thương, bầu bạn với nhau. Bài Đám ma bác Giun là một ví dụ tiêu biểu về sự hòa ái giữa các loài vật với nhau. 

Sau cái chết của bác Giun thì:

“Họ hàng nhà kiến kéo ra

Kiến con đi trước, kiến già theo sau

Cầm hương, kiến đất bạc đầu

Khóc than, kiến cánh khoác màu áo tang…”

Đọc bài thơ ta như cảm nhận được sự yêu thương của muôn loài với nhau như một phẩm chất nguyên thủy của sự sống mà chỉ có sự tưởng tượng hồn nhiên của trẻ nhỏ mới có thể gọi ra được. Đấy là một điều bình dị mà phi thường bởi nó đã nói lên một trong những điều căn yếu nhất của cuộc sống trong một hình thức đơn sơn, quyến rũ một cách tự nhiên. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đang giao lưu với độc giả

Ở các bài Đánh thức trầu, Sao không về Vàng ơi, Trăng ơi từ đâu đến thì ta thấy rõ cậu bé thần đồng đem cái tình bầu bạn mà đối xử tạo vật. 

Có lẽ không mấy ai không xúc động khi đọc những câu thơ này:

“Trầu ơi hãy tỉnh lại

Mở mắt xanh ra nào

Lá nào muốn cho tao

Thì mày chìa ra nhé! 

Tay tao hái rất nhẹ

Không làm mày đau đâu…”

          (Đánh thức trầu)

Hái trầu chỉ là một hành động bình thường hàng ngày, điều đặc biệt là Trần Đăng Khoa đã biến nó thành nghĩa cử cho tặng lá của cây trầu với cậu bé, và biểu lộ sự quan tâm đến cây trầu qua một cuộc trò chuyện thân tình. 

Với một tâm hồn đa cảm và nhân ái như vậy thì việc mất một con chó vàng do bom Mỹ bỏ khiến cậu bé buồn rầu và nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm thân yêu là một chuyện tất nhiên. Trần Đăng Khoa coi con vật như bạn, yêu thương nó, đối đãi với nó bằng thứ tình cảm đôn hậu chân thành và tình cảm ấy đã bật lên thành những câu thơ da diết:

“Mày bỏ chạy đi đâu?

Tao chờ mày đã lâu

Cơm phần mày để cửa

Sao không về hả chó

Tao nhớ mày lắm đó

Vàng ơi là Vàng ơi…” 

          (Sao không về Vàng ơi?)

Ở một chiều kích khác, trí tưởng tượng và khả năng liên tưởng đặc biệt của cậu bé thần đồng đã được biểu lộ qua bài Trăng ơi từ đâu đến? Quan sát thấy một vầng trăng mà lại hỏi nó từ đâu đến; lại liên tưởng nó với “quả chín”, với “mắt cá”, với “quả bóng”... Và cùng với sự liên tưởng, bài thơ dần mở rộng trường phản ánh theo những chiều kích khác nhau hết sức độc đáo. Bài thơ cho thấy một sức tưởng tượng mãnh liệt, từ một hình ảnh cụ thể tác giả đã tái dựng cả một thế giới nghệ thuật phong phú và đầy biến ảo. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu cùng bạn đọc

Ta gặp lại phương pháp nghệ thuật này ở một trong những bài thơ tiêu biểu của Trần Đăng Khoa giai đoạn này là bài Hạt gạo làng ta. Lấy hạt gạo làm hình tượng nghệ thuật trung tâm của bài thơ, từ đó, nhà thơ biểu lộ sự liên tưởng và ngẫm suy của mình. Thấy được trong hạt gạo có “vị phù sa”, có “hương sen thơm”, có bão, có mưa, có mồ hôi công sức của bao người... chứng tỏ cậu bé thần đồng đã gắn bó, đã yêu, đã trân trọng nâng niu biết nhường nào với quê hương xứ sở, với con người, với sản vật của lao động nơi đây. Nó cho thấy sự vượt trội trong chiều kích tư duy của Trần Đăng Khoa mà dường như ít có một người thơ trẻ nào có thể đạt tới.

Điều đáng khâm phục là trong Góc sân và khoảng trời, dù được viết khi tác giả từ sáu đến mười tuổi nhưng nghệ thuật thơ có nhiều chỗ đã đạt đến sự thần tình. 

“Mái gianh ơi hỡi mái gianh

Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương.”

          (Trường ca Khúc hát người anh hùng)

Những câu thơ như thế này sẽ sống mãi bởi đã chạm vào cõi sâu thẳm của tâm hồn người Việt. Như một người từng trải. Không sự ngẫm suy này không có tuổi! Qua dầu dãi nắng mưa, Trần Đăng Khoa gắn bó như máu thịt với mảnh đất mình sinh ra, để rồi bật lên thành những câu thơ vừa dung dị, thân thuộc lại chứa đựng trong đó những bí mật lớn lao của yêu thương sâu thẳm. 

Còn trong những câu thơ sau đây, nghệ thuật thơ đã đạt đến độ tinh tế, sinh động, để lại ấn tượng độc đáo khó phai mờ trong tâm tư người đọc:

“Ngoài thềm rơi chiếc lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.”

          (Đêm Côn Sơn)

*

Có một điều gần như nghịch lý, đó là chúng ta dường như chú ý nhiều đến thơ Trần Đăng Khoa ở giai đoạn đầu, khi còn niên thiếu mà chưa đánh giá đầy đủ những cống hiến của thơ anh trong giai đoạn sau. Nhà thơ thần đồng dù đã tiến rất xa vào những chân trời mới của sáng tạo nhưng độc giả yêu thơ và cả các nhà nghiên cứu phê bình vẫn chỉ lưu luyến với dấu ấn tuổi thơ trong cuộc đời tác giả. Đó là một hạnh phúc và cũng là một nỗi gian khó của Trần Đăng Khoa. 

Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, năm mười tám tuổi, Trần Đăng Khoa nhập ngũ, đối mặt với cuộc chiến ở biên giới tây Nam, rồi cuộc chiến ở biên giới phía bắc và ra tận Trường Sa. Trong những năm tháng gian nan, thử thách ấy, anh đã có những bài thơ lay động lòng người mà cho đến tận bây giờ, gần năm mươi năm sau vẫn dạt dào sức sống. 

Bài thơ Ngày mai ra trận là tiếng lòng của những người lính trẻ với tình yêu tha thiết cuộc sống, tuổi trẻ, quê hương và người thân. Bài thơ này nói về tâm tư của người lính trong đêm trước khi ra trận. Đó là một đề tài mà trước đây trong thơ ca về chiến tranh của chúng ta không nói đến: 

“Ngày mai, ngày mai nếu mình không trở về

Cậu có nhớ lối rẽ vào nhà mình không cậu?

Cúc tần xanh, tơ cuộn vàng lưng giậu

Mẹ mình thường đứng đó nhìn ra...

Nếu ngày mai bọn mình cùng còn cả

Ta sẽ ôm nhau hát vang trời

Cho mẹ chúng mình ở nhà đừng sốt ruột

Cho sông núi biết chúng mình là những thằng      hai mươi”

Khi đến với Trường Sa, Trần Đăng Khoa đã ghi dấu ấn bằng một loạt bài thơ độc đáo, trong đó có Thơ tình người lính biển, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài, lính đảo hát tình ca trên đảo... Mảng thơ này của anh nói lên hoàn cảnh khắc nghiệt mà người lính đảo phải đối mặt. Hầu hết các bài thơ về đề tài này khắc họa những chi tiết đời thường mà người lính gặp phải: thiếu nước ngọt, phải chiến đấu với cá mập, sống chung với loài chim biển hôi mù, ở trong những lều bạt chung chiêng trong gió bão... Cái ấn tượng độc đáo trong những bài thơ này là bên cạnh những hình ảnh, những chi tiết nói về cái khắc nghiệt khủng khiếp, nhà thơ vẫn thể hiện được một giọng điệu trẻ trung, tếu táo, và lạc quan một cách tự nhiên. Chất lính với những phẩm chất can trường, tình yêu nước và sự hồn nhiên được thể hiện trong những câu thơ sinh động được hàng triệu người đọc đón nhận. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Phạm Tiến Duật

Sau những năm tháng ở Trường Sa, Trần Đăng Khoa được đưa sang Liên Xô học tại Viện viết văn Gorky. Những chân trời mới đang mở ra với biết bao hy vọng với nhà thơ. Nhưng khi vừa mới lên chuyến bay viễn hành đến xứ lạ, khi đang lơ lửng trên bầu trời, lòng anh lại da diết nhớ mẹ, nhớ quê:

“Nhưng con biết đằng sau màu mây ấy

Là một thiên đường có thật

Ở đấy có ngôi nhà gianh vách đất

Là lâu đài của mẹ con mình

Trước cửa dậu cúc tần xanh

Sau lưng, mảnh ao làng

Trăng lên có tiếng cá quẫy

Ở đấy có nàng tiên

Biết hát dân ca và biết cấy lúa

Biết đến với con khi con đau khổ

Và sau mỗi chặng đường gian lao...”

          (Thư viết bên cửa sổ máy bay)

Thơ Trần Đăng Khoa giai đoạn sau này giàu suy nghiệm. Có lẽ những năm tháng Trần Đăng Khoa sống và học tập ở Liên bang Nga là những năm dữ dội. Những cuộc lật đổ, những trào lưu cách mạng, những cảnh giết người thê thảm diễn ra trên khắp hành tinh. Hệ giá trị cũ, những thần tượng cũ sụp đổ và đưa thế giới vào một khúc ngoặt khó khăn. Hiện thực đó thúc bách nhà thơ chọn lựa những quan niện nhân sinh:

“Ở nơi nào kia chiến tranh đang gầm rú

Những quốc gia nào thay ruột đổi ngôi

Trái đất mỏng manh và đáng thương biết mấy

Trước những mưu mô toan tính của con người.”

....

“Tất cả sẽ qua đi chỉ tình yêu còn lại

Tình yêu giữ cho ta mãi mãi là người

Nếu thế giới này không còn tình yêu nữa

Thì biết đâu trái đất đã tan rồi.”

          (Matxcơva - mùa đông 1990)

Những câu thơ này đã cho thấy một tầm vóc lớn, với những ngẫm suy về sự sống. Có một điều lạ lùng trên thế gian này, khi con người càng văn minh, càng có nhiều phương tiện trong tay, thì càng dễ trở nên mất nhân tính, càng rời xa tình yêu đồng loại. Trần Đăng Khoa khẳng định lại ý nghĩa sống còn của tình yêu thương con người chính là vì vậy. Lịch sử có những chỗ vòng vo và mù lòa, khi đó cần đến thiên chức thức tỉnh trái tim của nhà thơ. 

Hành trình thơ Trần Đăng Khoa là hành trình từ sự thức ngộ đến ngẫm suy. Giai đoạn trước, ngay từ khi còn là một cậu bé thần đồng, bên cạnh những bài thơ hồn nhiên, giàu cảm xúc, Trần Đăng Khoa đã có những bài thơ tinh tế, giàu suy ngẫm về cuộc sống. Dần dần, Trần Đăng Khoa càng suy ngẫm nhiều hơn về thân phận con người. Bài thơ nghĩa trang Văn Điển là một trong những tác phẩm điển hình cho thiên hướng này: 

“Trước thiên nhiên con người như khách trọ

Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa

Chúng ta sống bên nhau dẫu năm này tháng khác

Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữ sân ga”.

Nói đến cái mỏng manh, ngắn ngủi của kiếp người không phải để gieo vào cuộc đời này một mặc cảm bi quan. Không, không phải vậy, điều Trần Đăng Khoa hướng đến là đánh thức tình yêu thương đồng loại trong chính bản thân con người. 

“Mặt trời lặn mặt trời còn mọc lại

Ngôi sao lặn vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi

Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá

Con người ơi! Hãy thương lấy con người...”

“Hãy thương lấy con người” - điều tưởng chừng ai cũng biết, cũng hiểu, nhưng thực ra lại là một ước mơ mà cả nhân loại trong suốt hành trình của mình chưa thể đạt đến một cách hoàn toàn. Chiến tranh, thù hận, những mưu đồ xấu xa hủy hoại sự yên lành của cuộc sống vẫn hiện hữu khắp mọi nơi. Hàng ngàn năm trước các vĩ nhân đã kêu gọi con người hãy yêu thương đồng loại và lời kêu gọi ấy sẽ còn gióng lên như một thông điệp nhân văn quan trọng nhất của sự sống. Trần Đăng Khoa, từ rất sớm, đã thức ngộ ra chân lý của văn chương chính là thức dậy tình yêu thương, gạn lọc tình yêu thương trong cõi người còn nhiều tăm tối. Văn chương, đặc biệt là thơ ca, chính là chưng cất của những rung cảm trước cuộc sống. Nhà thơ không chỉ tụng ca vẻ đẹp của cuộc đời mà còn phải cất lên những tiếng đau thương trước sự khốn cùng của những số phận bị ruồng bỏ, bị đàn áp, bị hủy hoại. 

Cảm hứng nhân văn tiếp tục bùng lên mạnh mẽ trong Trần Đăng Khoa khi anh cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và đoàn công tác của Hội Nhà văn Việt Nam có chuyến công tác đến Palestine mùa hạ năm 2023, nhà thơ không khỏi xúc động và anh đã làm hàng chục bài thơ lên án chiến tranh, kêu gọi sự thức tỉnh lương tâm của con người. Palestine là mảnh đất thiêng, nơi đức Chúa giáng sinh và từng hành đạo với mong ước cứu vớt con người. Nhưng hơn hai ngàn năm qua, sự độc ác, những toan tính của kẻ mạnh vẫn đang đẩy dân tộc này vào cảnh cùng quẫn với biết bao người vô tội bị giết chết hàng ngày. Đấy là một nghịch lý của thế giới này. Công bằng, nhân đạo tưởng chừng có thể đến được nhưng rồi lại tuột khỏi vòng tay, trở nên xa vời như một ảo ảnh:

Chúa dừng chân, rửa tội

Bên bờ sông Jozđan

Ngẩng lên, trời rực sáng

Chúa chợt thấy Thiên Đàng

 Ngỡ chỉ còn mấy bước

Tới thế giới Thần Tiên

Mặt người ngời hạnh phúc

Ấm lành và bình yên…

(...)

 Ở trên cây Thánh Giá

Chúa còn bị hành hình

Huống chi con của Chúa

Những kiếp người mong manh…”

           (Bên sông Jozđan)

Suốt hành trình sáng tác của mình, từ thuở còn là một thần đồng đến nay, thơ Trần Đăng Khoa đi vào hai chủ đề lớn là tình yêu đất nước và tình yêu con người, yêu tạo vật. Đấy là một dòng chảy xuyên suốt tạo nên sự nhất quán trong tư duy nghệ thuật của anh. 

Giữa cái thời mà không ít người mệnh danh cách tân sính dùng chữ, tạo nên sự cầu kỳ rắc rối trong lập tứ với hy vọng mang đến một điều gì mới lạ, thì Trần Đăng Khoa vẫn kiên định một lối thơ hồn hậu, gần gũi với tâm hồn người đọc. Thơ Trần Đăng Khoa giản dị một cách tự nhiên. Chúng ta ít tìm thấy dấu vết của sự dụng công, đó là thứ thơ đã đạt đến sự nhuần nhuyễn, điêu luyện, có những hình ảnh đặc sắc gây ám ảnh, có những “chữ mắt” thắp sáng cả bài thơ, và đặc biệt, có những liên tưởng bột phát thần tình và bài thơ thường được nuôi dưởng bởi một năng lượng cảm xúc độc đáo, không trộn lẫn. Đọc thơ Trần Đăng Khoa ta phải dùng hồn ta mà cảm nhận. Bài thơ lúc đầu cuốn lấy ta bằng ngôn từ và hình ảnh như có ma lực, rồi nhanh chóng, chúng ta hòa vào nguồn năng lượng bí ẩn, sâu xa và trong lành của nó. 

Song song với thơ, Trần Đăng Khoa còn viết truyện và phê bình. 

Lĩnh vực nào anh cũng đạt được thành tựu. 

Tập phê bình Chân dung và đối thoại của anh nổi sóng dư luận một thời. Và một cuốn khác cũng gây được chú ý là Người thường gặp. Lối phê bình của Trần Đăng Khoa khoáng đạt mà tinh tế, hấp dẫn. 

 Tiểu thuyết Đảo Chìm nói về đời sống của bộ đội ở Trường Sa là một tuyệt tác mà nhà văn Lê Lựu có lần đã coi là thần bút. Đảo Chìm là một bảo tàng lưu giữ ký ức về một thời không bao giờ trở lại giúp ta hiểu thêm những con người canh giữ đất trời của tổ quốc ngoài biển xa. Nói như chính tác giả trong một lần tâm sự: Đọc Đảo Chìm để hiểu tại sao nước biển lại mặn đến thế” - đấy là vị của mồ hôi và máu của những người lính biển. Chúng ta càng hiểu, Tổ quốc mình được như hôm nay thì đã có biết bao con người tận hiến cuộc đời mình nơi đầu sóng ngọn gió trong cái nghiệt ngã vô cùng của thiên nhiên và trước họng súng quân thù. 

Giọng văn Trần Đăng Khoa cực kỳ có duyên. Hoạt. Khả năng quan sát và sử dụng ngôn từ độc đáo. Chỉ bằng vài nét bút đã khắc vào tâm tư người đọc một dấu ấn riêng biệt đậm nét. Chính vì vậy, cho đến nay, cuốn sách đã qua hàng chục lần tái bản với số lượng phát hành kỷ lục.

 *

Về sau này, nhiều lúc Trần Đăng Khoa bồi hồi nhớ về tuổi thơ của mình. Trong những đêm sâu khó ngủ hoặc những ngày trở gió, Trần Đăng Khoa như gặp lại cậu bé thần đồng ngày nào. Căn nhà xưa, mảnh vườn cũ, cánh đồng làng Điền Trì, cha mẹ và người thân... Tất cả đó vừa gần lại vừa xa... 

Những chuyện ngày hôm qua giờ như giấc chiêm bao. Vinh quang khó ai sánh bằng nhưng nỗi buồn cũng nhiều không kể xiết. Anh bảo, dường như anh không có tuổi thơ. Cái đứa trẻ vừa lớn lên đã bị hàng ngàn hàng vạn người soi xét thì còn gì là tự do, làm gì còn sự hồn nhiên. Có lẽ vậy chăng, khi đã có tuổi, trong bài thơ Gửi Bác Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa viết:

“Giờ thì em đã chán

Những vinh quang hão huyền

Muốn làm làn mây trắng

Bay cho chiều bình yên

 

Trả niềm vui cho cỏ

Trả nỗi buồn cho cây

Lại áo tơi nón lá

Ta về với luống cày”.

Nghĩ vậy thôi, nhưng những chuyện bất công, những số phận thảm thương vẫn đeo bám lấy anh. Trần Đăng Khoa dùng nhiều giấy mực đấu tranh làm sáng tỏ chuyện thật giả trong một vụ án đánh tráo tư liệu lịch sử hồi 1975, hoặc tìm hiểu cảm thương cho số phận những tử tù mà anh nghĩ họ có thể bị oan. Trần Đăng Khoa, ở đâu và lúc nào cũng nói về những người đau khổ. Trái tim thi sĩ của anh nhạy cảm và dễ bị đau đớn, phẫn nộ trước nỗi đời ngang trái. 

Tâm hồn của anh trước sau vẫn hồn hậu, nguyên sơ. Tình yêu đời, yêu người nồng cháy trong anh đã làm nên những vần thơ bất tử.

          Hà Nội, tháng 1-2024

THIÊN SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 562, tháng 2-2024

;