Tặng thưởng các tác phẩm chất lượng cao về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Tối ngày 29-12, tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2021. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Đến dự còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và 10 Hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương, lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội, đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương.

Về phía Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương có: PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các ủy viên Hội đồng; cùng các tác giả, thân nhân tác giả được đón nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư và đại diện các tập thể có nhiều thành tích trong tuyên truyền về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Tiết mục văn nghệ chào mừng tại buổi lễ

Đây là hoạt động Ban Bí thư giao Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thực hiện thường niên, nhằm khẳng định, cổ vũ những tác phẩm lý luận, phê bình phục vụ trực tiếp cho định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; động viên, thúc đẩy, phát huy tiềm năng của đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có các tác phẩm tốt phục vụ hiệu quả sự chỉ đạo của Đảng trên lĩnh vực quan trọng và tinh tế này.

Đã có 95 tác phẩm (39 cuốn sách, 56 bài viết) được các cơ quan, đơn vị gửi tham gia, đề nghị Hội đồng xét Tặng thưởng. Căn cứ kết quả của Hội đồng sơ tuyển và Hội đồng xét chọn, Ban Chỉ đạo đã đề nghị Chủ tịch Hội đồng quyết định trao Tặng thưởng cho 20 tác phẩm, trong đó:

1 tác phẩm đạt mức A: Không gian công cộng trong bối cảnh chuyển đổi - nhóm tác giả Trần Minh Tùng (chủ biên), Phan Tiến Hậu, Chu Ngọc Huyền, Phạm Thị Mỹ Lan, Nguyễn Thành Hưng, Trần Anh Tuấn, Huỳnh Thị Bảo Châu, Phạm Thùy Linh.

Nhóm tác giả nhận Tặng thưởng mức A

9 tác phẩm đạt mức B: Lược sử văn học Việt Nam - nhóm tác giả: Trần Đình Sử (chủ biên), Trần Xuân Kính, Nguyễn Văn Long, Huỳnh Như Phương, Vũ Khanh, Lã Nhâm Thìn, Trần Văn Toàn; Đi tìm khuôn mặt La Hầu - tác giả Trần Hậu Yên Thế; Văn học Nam Bộ 1945-1954 - nhóm tác giả: Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lê Thị Tường Vi, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Phương Thúy; Hậu lý luận vẫn là lý luận - tác giả Phương Lựu; Một góc nhìn về văn hóa, nghệ thuật và đời sống - tác giả Phan Hồng Giang; Tiếng cười trên sân khấu kịch nói Việt Nam - tác giả Lê Mạnh Hùng; Kiến trúc xanh và xây dựng phát triển bền vững - tác giả Nguyễn Việt Huy; Lặng lẽ những đời văn - tác giả Ngô Thảo; Quan hệ giữa cũ - mới, giữa xưa - nay trong văn hóa - tác giả Nguyễn Hồng Vinh.

Các tác giả nhận Tặng thưởng mức B

8 tác phẩm đạt mức C: Quy hoạch và giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng - tác giả Phạm Hùng Cường; Phác thảo chân dung nền sân khấu đương đại - tác giả Nguyễn Hiếu; Tuồng - tác giả Trần Trí Trắc; Tự sự về một cuộc chiến tranh qua “Dấu chân người lính”, “Đất trắng” và “Nỗi buồn chiến tranh” - tác giả Nguyễn Anh Vũ; Nghệ thuật biểu diễn vai đào thương của nghệ sĩ cải lương - tác giả Đặng Minh Nguyệt; Những thế giới tiểu thuyết - tác giả Nguyễn Thành; Thuyết tương quan và văn hóa đô thị - tác giả Trần Ngọc Khánh; Nghệ thuật biểu diễn kịch múa, nhận diện và lý giải - tác giả Ứng Duy Thịnh.

Các tác giả nhận Tặng thưởng mức C

2 tác phẩm đạt mức Khuyến khích: Di sản trực tuyến giải pháp toàn cầu cho Việt Nam - tác giả Quyên Gavoye; Triết lý nhân sinh chính trị - xã hội trong bộ ba chèo “Bài ca giữ nước” của tác giả Tào Mạt - tác giả Nguyễn Thị Thanh Nga.

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Nga nhận Tặng thưởng

Bên cạnh đó, 12 cơ quan, đơn vị (nhà xuất bản, cơ quan báo chí) đã công bố nhiều tác phẩm, có đóng góp cho sự phát triển lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2021 đã được vinh danh: Ban Văn hóa, văn nghệ (Báo Nhân dân); Phòng Biên tập Văn hóa, Thể thao (Báo Quân đội nhân dân); Ban Chuyên đề (Báo Công an nhân dân); Ban Văn nghệ (Đài Truyền hình Việt Nam); Ban Văn học, nghệ thuật (Đài Tiếng nói Việt Nam); Chương trình “Không gian văn hóa, nghệ thuật” của Ban Văn nghệ (Đài Truyền hình Việt Nam); Tạp chí Văn nghệ quân đội; Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; Nhà xuất bản Văn học; Nhà xuất bản Mỹ thuật; Nhà xuất bản Quân đội nhân dân; Nhà xuất bản Sân khấu.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Với những cố gắng, nỗ lực trong thời gian qua, chúng ta đã từng bước tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế đã được chỉ ra; lý luận văn nghệ đã nhận diện khoa học sâu sắc hơn về đặc trưng, bản chất và những mối quan hệ nền tảng của văn học, nghệ thuật, góp phần đổi mới tư duy sáng tạo và phê bình, tiếp nhận tư tưởng văn nghệ truyền thống của cha ông ta được chú trọng nghiên cứu; nhiều tác phẩm lý luận văn nghệ của nước ngoài được dịch, giới thiệu và vận dụng trong thực tiễn, đạt được những kết quả bước đầu rất đáng mừng”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Những tác phẩm được vinh danh hôm nay là sự hội tụ của tài năng, tâm huyết và nhất là trách nhiệm với sự phát triển của nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà”

“Phê bình văn học, nghệ thuật đã có nhiều cố gắng trong việc phát hiện cái mới, cái hay, cái đẹp về nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật, định hướng giá trị và thị hiếu tiếp nhận, tạo cầu nối giữa nghệ sĩ với công chúng; khích lệ tìm tòi, đổi mới sáng tạo và củng cố niềm tin của người sáng tác. Tuy nhiên, thực tiễn đã và đang đặt ra cho các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ, cũng như các cơ quan lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật những đòi hỏi lớn hơn nữa, nhằm chấn hưng, xây dựng và phát triển nền lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật dân chủ, nhân văn và khoa học” - đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Trước dấu mốc 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng đến 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong rằng: “Đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của nước nhà tiếp tục hòa mình vào thực tiễn đất nước, thực tiễn sáng tạo để hoàn thành sứ mệnh cao cả, vẻ vang của dân tộc, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đưa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới vào thực tiễn cuộc sống hôm nay”.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị: “Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương với chức năng, nhiệm vụ được giao, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan, quy tụ đội ngũ, tập trung nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam; tăng cường nghiên cứu, lý luận tổng kết thực tiễn, kịp thời tư vấn giúp Đảng, Nhà nước có những quyết sách phù hợp, hiệu quả, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đời sống văn nghệ nước nhà; đồng thời, Hội đồng chú trọng tuyên truyền quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xét chọn, để việc tặng thưởng thực sự chuyên nghiệp, uy tín, tôn vinh kịp thời những thành quả sáng tạo của giới nghiên cứu lý luận phê bình và văn nghệ sĩ trong cả nước”.

Bài, ảnh: VÂN ANH

;