Nguồn lực nhân lực ngành Công nghiệp âm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh

Âm nhạc là một bộ phận của văn hóa. Trong xu thế phát triển tất yếu của công nghiệp văn hóa những năm gần đây thì lĩnh vực biểu diễn âm nhạc cũng đang chứng kiến sự “trỗi dậy” nhanh chóng của những hiện tượng, trào lưu mới. TP.HCM được coi là trung tâm văn hóa giải trí lớn nhất cả nước. Sự cuốn hút, sôi động của ngành công nghiệp âm nhạc nơi đây được tạo nên bởi nhịp độ hiện đại hóa không ngừng, tính đa dạng của thị hiếu khán giả và quan trọng hơn cả đó là sự “dồi dào” cả về lượng và chất của nguồn nhân lực.

Ảnh: kyluc.vn

1. Đặt vấn đề

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực như hiện nay, đối với nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hóa trong đó có công nghiệp âm nhạc (CNAN) đã và đang trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội; sự giao lưu, hợp tác chính trị, an ninh quốc phòng và góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, từ thập niên 90 của TK trước, lĩnh vực âm nhạc đã manh nha theo hướng thị trường, đòi hỏi có sự hạch toán sử dụng hiệu quả vốn đầu tư… Giới văn nghệ sĩ cảm nhận được sự đổi mới, hình thành nhận thức coi văn hóa nghệ thuật là một loại “hàng hóa đặc biệt” và bắt đầu tìm tòi phương thức sáng tạo, sản xuất mới nhằm phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Từ đây, CNAN ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và kinh tế.

Để phát triển, CNAN cần nhiều yếu tố, trong đó, nguồn lực với vai trò là nơi bắt đầu, nơi phát sinh, cung cấp các yếu tố để tạo nên sự phát triển. Nguồn lực được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Có nguồn lực vật chất và có nguồn lực phi vật chất. Có nguồn lực đo đếm, định lượng, định hình được, có nguồn lực khó đo đếm, định hình, định lượng. Có nguồn lực là hữu hạn, có nguồn lực được coi là vô hạn. Có nguồn lực bên trong, có nguồn lực bên ngoài. Có yếu tố chưa trở thành nguồn lực hiện hữu, mà chỉ là nguồn lực tiềm năng nếu không được định hướng khai thác, sử dụng hoặc chưa có khả năng đưa vào sử dụng. Vai trò, vị trí của mỗi nguồn lực là khác nhau trong mỗi giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, có thể thấy, ở mọi giai đoạn lịch sử và tiếp cận ở phương diện nào thì con người luôn là nguồn lực trung tâm, quan trọng nhất.

2. Thực trạng nguồn nhân lực

Nhân lực sáng tác, biểu diễn

Sau gần bốn thập niên hoạt động dưới tác động của cơ chế thị trường, bên cạnh sự bùng nổ các ca khúc mới là sự xuất hiện của hàng loạt nhạc sĩ, ca sĩ trẻ và các công ty biểu diễn, tổ chức biểu diễn. Lực lượng này tạo nên một nguồn nhân lực dồi dào tham gia vào chuỗi giá trị của ngành CNAN TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Ca sĩ

Năm 2020, dân số thành phố là 9.227.598 người; trong đó, dân số thành thị chiếm 79% (1). Ngoài ra, TP.HCM còn là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, hằng năm tiếp nhận một lượng lớn dân nhập cư cũng như khách vãng lai trong và ngoài nước đến làm việc, sinh sống, do vậy, đây luôn được coi là “thiên đường” của nền văn hóa âm nhạc sôi động. Từ những ca khúc kết hợp Việt - Pháp tươi sáng trong thập niên 60, bolero trong thập niên 70 đến những điệu disco nhịp nhàng trong thập niên 90 của TK trước… ngành Âm nhạc thành phố đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Sự phát triển không ngừng đó sẽ không thể có được nếu thiếu đi sự đóng góp về tài năng và niềm đam mê của đông đảo ca sĩ thuộc nhiều thể loại nhạc khác nhau.

Có thể nói, sau chủ trương đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1986, đời sống âm nhạc TP.HCM đã trở nên sinh động hơn với sự xuất hiện của nhiều ca sĩ trẻ. Đài Truyền hình Thành phố (HTV) bắt đầu tổ chức các cuộc thi tiếng hát truyền hình đã tìm kiếm và tạo cơ hội thành danh cho các ca sĩ trẻ tài năng như: Như Quỳnh, Như Hảo, Thanh Thúy… Bên cạnh đó là tên tuổi của những ca sĩ được đông đảo công chúng yêu thích: Minh Thuận, Lam Trường, Ngọc Sơn, Đình Văn…

TP.HCM không chỉ là “cái nôi” sinh ra những ca sĩ tài năng mà còn là thị trường thu hút đông đảo giới nghệ sĩ, đặc biệt là ca sĩ tới sinh sống và phát triển sự nghiệp âm nhạc. Không ít trong số các ca sĩ hoạt động ở thành phố đang đứng thứ hạng cao trên thị trường đã được trải qua quá trình đào tạo bài bản về thanh nhạc như: Đoan Trang, Lệ Quyên, Văn Mai Hương…

Về số lượng, năm 1999, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) thực hiện cấp thẻ hành nghề thì con số thống kê cho thấy có hàng nghìn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Đến năm 2002, việc cấp thẻ bị bãi bỏ vì nhiều bất cập và hạn chế. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, năm 2010, lao động hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khoảng 1.314 người, đến năm 2015 tăng lên khoảng 1.552 người và năm 2020 có khoảng 4.049 người không kể số người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc biên chế nhà nước (2).

Ngành CNAN thành phố với lực lượng ca sĩ ngày càng lớn mạnh về lượng, đa dạng về phong cách âm nhạc, nắm bắt tốt thị hiếu công chúng là vậy nhưng lại thiếu điểm nhấn về chất. TS, Đạo diễn, NSƯT Hoàng Duẩn chia sẻ: “TP.HCM là nơi có nhiều ca sĩ nhất cả nước, đủ các thể loại nhạc, ngoài những giọng ca có chất lượng về chất giọng, kỹ thuật, biểu cảm… tốt thì vẫn còn có nhiều những giọng ca cỡ karaoke. Sự phát triển của công nghệ với các công cụ hiện đại dành cho phòng thu thì những giọng ca yếu vẫn trở thành ca sĩ, và đương nhiên là khi đưa lên mạng, những kênh riêng của những ca sĩ này thì người nghe đang nghe là nghe giọng của kỹ thuật, công nghệ chứ không phải là giọng thật của người hát” (3).

Nhạc sĩ

TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước vì vậy nơi đây tập trung đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, các đơn vị hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Thành phố có 30 nghệ sĩ nhân dân, 243 nghệ sĩ ưu tú, 18 nghệ nhân ưu tú, 7 nghệ nhân nhân dân; 15 hội hoạt động lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với 6.723 hội viên (4).

Trong lĩnh vực âm nhạc, năm 2020, chỉ tính số lượng nhạc sĩ đã được kết nạp vào Hội âm nhạc TP.HCM khoảng 425 hội viên sinh hoạt ở 10 Chi hội trực thuộc, bao gồm: 6 chi hội sáng tác, 1 chi hội lý luận, phê bình và đào tạo, 1 chi hội biểu diễn khí nhạc, 1 chi hội biểu diễn thanh nhạc và hợp xướng, 1 chi hội âm nhạc dân tộc (5). Ngoài ra, không tính được số nhạc sĩ không phải thành viên Hội, họ vẫn tích cực tham gia sáng tác, biểu diễn, nhất là các nhạc sĩ kiêm ca sĩ trẻ đang hoạt động trên thị trường. Song, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là sự thiếu hụt đội ngũ kế cận. Khi mà lớp nhạc sĩ gạo cội đang dần vắng bóng, việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ nhạc sĩ trẻ đã trở thành mối quan tâm lớn không chỉ trong các cơ sở giáo dục âm nhạc, mà còn là mối quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ nhạc sĩ. Bởi, chỉ khi nào có được đội ngũ nhạc sĩ trẻ kế tục con đường âm nhạc với kiến thức, tài năng, ý thức xã hội, thì ngành CNAN mới có được những sản phẩm chất lượng cao cả về nghệ thuật và nội dung.

Nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp tổ chức biểu diễn

Có thể nói, hoạt động biểu diễn âm nhạc trên địa bàn TP.HCM rất phong phú, đa dạng; phương thức phổ biến tác phẩm âm nhạc cũng rất linh hoạt với nhiều hình thức, phương tiện khác nhau. Thành phố hiện có 3 đơn vị nghệ thuật công lập có nhiều hoạt động tổ chức biểu diễn thuộc lĩnh vực âm nhạc. Trong đó, số liệu thống kê giai đoạn 2015-2020, nguồn nhân lực của 3 đơn vị này là: Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen: 41 người; Trung tâm Ca nhạc nhẹ: 29 người; Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch: 121 người. Về nguồn nhân lực hoạt động trong ngành CNAN, cho đến nay chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng tính đến năm 2020 có 347 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (6). Bên cạnh đó, giá trị sản xuất của ngành nghệ thuật biểu diễn cũng gia tăng đáng kể: năm 2010 đạt 532 tỷ đồng, năm 2020 đạt 1.395 tỷ đồng (7). Những con số này không có sự phân biệt của lĩnh vực âm nhạc, nhưng với ước tính khoảng 2/3 số lượng các hoạt động có liên quan đến biểu diễn âm nhạc cũng có thể minh chứng phần nào cho sự đóng góp của ngành CNAN với sự phát triển kinh tế của thành phố.

Nhân lực quản lý

TP.HCM là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội, đồng thời là trung tâm hoạt động biểu diễn nghệ thuật lớn nhất cả nước. Có thể nói, so với cả nước, đây là địa phương cần đi đầu trong công cuộc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý.

Theo số liệu thống kê năm 2020, ngành Văn hóa tại TP.HCM có khoảng 576 người là công chức văn hóa làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước (8). Tính riêng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và quảng cáo thì biên chế hành chính của Sở khoảng 175 người và 1054 người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (9).

Kết quả khảo sát các công chức làm công tác quản lý văn hóa tại TP.HCM về mức độ đáp ứng công việc quản lý nhà nước về lĩnh vực âm nhạc của đội ngũ biên chế cho thấy, sự đáp ứng về mặt số lượng chỉ ở mức “trung bình” với tỷ lệ 53,3% (10).

Về vấn đề năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, kết quả tự đánh giá cho thấy: về kiến thức, phần lớn ở mức “tốt” (tỷ lệ 45,4%); nhưng về kỹ năng và ý thức, thái độ thì chủ yếu ở mức “trung bình” (tỷ lệ 46,2% và 43,3%). Khai thác quan điểm đánh giá mang tính khách quan hơn của các chủ thể tham gia hoạt động trong ngành CNAN thành phố về vấn đề nguồn nhân lực quản lý cũng cho kết quả tương tự: 44,9 % cho rằng kỹ năng hành chính và ý thức kỷ luật, đạo đức công vụ của cán bộ quản lý ở mức “trung bình” trong đó, tỷ lệ khá cao người được khảo sát đánh giá mức độ “chưa tốt” đối với tiêu chí “kỹ năng” (11).

Bên cạnh đó, để thích nghi với sự phát triển của ngành CNAN thì đội ngũ cán bộ quản lý không chỉ có năng lực hiểu biết về nghiệp vụ quản lý, về lĩnh vực âm nhạc mà cần nắm vững và cập nhật kiến thức, kỹ năng về công nghệ. Tuy nhiên, kết quả khảo sát: 50,8 % cán bộ quản lý văn hóa tại TP. HCM cho rằng mức độ “áp dụng khoa học công nghệ” trong quản lý ở mức “trung bình” (12).

3. Một số giải pháp

Một số ý kiến mang tính gợi mở về giải pháp đối với nguồn nhân lực của ngành CNAN ở TP.HCM hiện nay như sau:

Thứ nhất, chú trọng bồi dưỡng về thị hiếu thẩm mỹ, năng khiếu nghệ thuật, kiến thức văn hóa và kỹ năng kinh doanh cho lực lượng nghệ sĩ và các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức biểu diễn

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống các trường có đào tạo văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn thành phố, chú ý tính đặc thù của âm nhạc. Ngoài ra, cần xây dựng đề án đào tạo tài năng tại các trung tâm đào tạo âm nhạc của từng khu vực trong một mạng lưới có quy mô toàn quốc. Theo đó, các chi nhánh của trung tâm đào tạo âm nhạc được phân bổ đến từng đơn vị đào tạo văn hóa, nghệ thuật trong cả nước nhưng vẫn hoạt động theo một cơ chế thống nhất. Xây dựng đề án mở các cuộc thi tài năng âm nhạc chuyên nghiệp cấp quốc gia, quốc tế, mở các cuộc thi từ trình độ thấp đến cao theo hướng chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho các học sinh tài năng có môi trường phát triển. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách cụ thể để thúc đẩy các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc. Thực tế hiện nay, các cuộc thi này chủ yếu được thực hiện bởi các công ty truyền thông giải trí tư nhân kết hợp với cơ quan truyền hình. Do vậy, công tác tổ chức thiếu sự định hướng về chất lượng nghệ thuật, về chiến lược thực hiện sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển thị trường âm nhạc và ngành CNAN thành phố. Thậm chí, nhiều cuộc thi có xu hướng tạo “chiêu trò” để tăng lượng công chúng theo dõi và mang nặng tính giải trí hơn là tính sàng lọc, lựa chọn tài năng.

Đối với các cơ sở đào tạo âm nhạc, tập trung đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo hướng tới mục tiêu đầu ra là: nhân tài để tham gia thị trường âm nhạc chuyên nghiệp quốc tế; nhân lực trình độ cao phục vụ nhu cầu xã hội và yêu cầu hội nhập. Theo đó, chương trình đào tạo để đảm bảo chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu thực tế, cần có sự cân đối ba nhóm vấn đề:

Kiến thức: hệ thống tri thức về âm nhạc như lý thuyết âm nhạc, lịch sử âm nhạc, phong cách âm nhạc…là những nội dung bắt buộc; bên cạnh đó cần chú trọng thêm nhóm kiến thức về văn hóa (hiện nay đang bị xem nhẹ) để người học có sự am hiểu về đặc điểm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật quốc gia, vùng miền từ đó tạo cho người học nguồn vốn, làm nền tảng, chất liệu cho quá trình sáng tác, biểu diễn sau này. Khi người học hiểu và yêu thích các giá trị văn hóa dân tộc họ sẽ thuận lợi hơn trong việc chuyển tải những giá trị đó vào trong hoạt động sáng tác, biểu diễn của mình. Đây là giải pháp có tính hành động nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc bên cạnh những giải pháp về chính sách, về tuyên truyền, vận động ý thức.

Kỹ năng: đào tạo nghệ sĩ theo nghề biểu diễn tất nhiên phải có kỹ năng sáng tác và biểu diễn; người học cần được người dạy định hướng dựa trên năng khiếu và khả năng sao cho phù hợp với đặc điểm của các dòng nhạc, thể loại nhạc. Ngoài ra, để có thể tham gia và thích nghi với cơ chế hoạt động của thị trường âm nhạc thì người học cần được bổ sung kỹ năng về khoa học công nghệ, phục vụ quá trình sáng tác, sản xuất; kỹ năng truyền thông marketing để biết cách nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, cách thức đưa sản phẩm đến với công chúng; kỹ năng giao tiếp để tương tác với người hâm mộ và giải quyết mâu thuẫn với “antifan”, thậm chí cần được đào tạo về ngoại ngữ để mở rộng cơ hội hợp tác và vươn ra thị trường âm nhạc quốc tế.

Thái độ: muốn hội nhập quốc tế thì mỗi chủ thể tham gia hoạt động trên thị trường âm nhạc cần xây dựng uy tín thông qua tác phong, phong cách chuyên nghiệp. Do vậy, quá trình đào tạo không thể thiếu việc định hướng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và ý thức công dân trong gìn giữ, bảo vệ nền văn hóa quốc gia.

Ngoài nhiệm vụ đổi mới chương trình, các cơ sở đào tạo nên bổ sung vào quy trình đào tạo khâu kiểm tra, đánh giá xu hướng, phong cách âm nhạc trước khi học và thành lập bộ phận chuyên gia tư vấn, định hướng phong cách âm nhạc phù hợp với năng lực trong quá trình đào tạo cũng như trước khi tốt nghiệp. Đây được coi là hoạt động hướng nghiệp - một mảng chưa nhận được nhiều sự đầu tư quan tâm trong hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý

Quản lý lĩnh vực âm nhạc đang phát triển theo hướng thị trường, công nghiệp như hiện nay có những nhạy cảm, phức tạp mới đòi hỏi người quản lý phải thường xuyên cập nhật thông tin, xu hướng, đồng thời có sự hiểu biết, ứng dụng hiệu quả phương tiện kỹ thuật và các thành tựu khoa học công nghệ vào công tác nghiệp vụ. Đội ngũ nhân lực quản lý phải mang năng lực “tích hợp” vừa hiểu về loại hình nghệ thuật âm nhạc, về chính sách, pháp luật của nhà nước, về đặc trưng lao động nghệ thuật và tâm lý, phong cách của người nghệ sĩ vừa có bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp; có uy tín để dẫn dắt định hướng đối tượng quản lý đến cái Chân - Thiện - Mỹ; biết linh hoạt, chủ động đề xuất, quyết định những hướng giải quyết phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, đối với vấn đề quản lý con người, chúng ta không thể ngay lập tức thay mới hay làm mới mà chỉ có thể từng bước cải thiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trên cơ sở kế thừa và bổ sung, cập nhật; đồng thời cải tiến công tác đào tạo đội ngũ kế cận để thay thế kịp thời khi cần thiết. Một số giải pháp trước mắt là:

Một, xây dựng cơ chế lựa chọn, sử dụng cán bộ. Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cấp chiến lược và nâng tầm đội ngũ cán bộ tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật; cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở. Thực hiện cơ chế tuyển chọn cán bộ công khai, minh bạch, theo hình thức cạnh tranh, trọng dụng người tài, đức.

Hai, xây dựng tiêu chuẩn vị trí việc làm vừa khoa học vừa thực tiễn, lựa chọn và bố trí các cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu, tổ chức thực hiện dựa trên năng lực, trình độ, kỹ năng chuyên môn và phẩm chất đạo đức đảm trách công việc. Nhiệm vụ đặt ra là cần xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt là năng lực xây dựng thể chế, chính sách, các chương trình và kế hoạch dài hạn. Từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa thông qua quá trình tiêu chuẩn hóa, tuyển chọn và bồi dưỡng cán bộ.

Ba, xác định vai trò, chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm tương xứng với công việc. Hoạt động của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung hiện nay đang tồn tại một hiện tượng khá phổ biến đó là sự “lẫn lộn” giữa vai trò của người quản lý với vai trò của các chuyên gia về nghệ thuật. Sự “nhập nhằng” này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người giỏi chuyên môn nhưng kém về kỹ năng quản lý làm hạn chế năng lực cạnh tranh của đơn vị mình trong sức ép của cơ chế thị trường; người giỏi quản lý nhưng thiếu hiểu biết về chuyên môn rất dễ dẫn đến hiện tượng “thương mại hóa” sản phẩm nghệ thuật, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng.

4. Kết luận

Những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường là xu thế hội nhập, mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác quốc tế, sự phát triển của dân trí, của đời sống vật chất đã làm nhu cầu văn hóa nghệ thuật của người dân ngày càng đa dạng. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, bao gồm cả những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Để thúc đẩy ngành CNAN ngày càng hoàn thiện và phát triển đủ sức hội nhập quốc tế đòi hỏi sự nỗ lực của lực lượng nghệ sĩ, các cá nhân, đơn vị hoạt động tổ chức, sản xuất, biểu diễn trong lĩnh vực âm nhạc và đội ngũ cán bộ quản lý của nhà nước.

____________________

1. Cục Thống kê TP.HCM, Niên giám thống kê TP.HCM, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021, tr.52.

2, 4, 6, 7, 8, 9. UBND TP. Hồ Chí Minh, Báo cáo đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, 2023, tr.44, 44, 48, 49, 42, 42.

3, 10, 11, 12. Phạm Phương Thùy, Quản lý nhà nước về thị trường âm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh, 2021, Hà Nội, tr. 51, 63, 63, 63.

5. Ngọc Tuyết, Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh đắc cử Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025, hcmcpv.org.vn, 26-7-2020.

TS PHẠM PHƯƠNG THÙY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024

;