TIỂU THUYẾT KIẾP NGƯỜI 3 - LẠNH NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THI PHÁP THỂ LOẠI

Từ năm 1986, công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước đã tạo bước ngoặt trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… Văn học cũng bước sang một giai đoạn mới với những khởi sắc đầy hứa hẹn. Quan niệm, tư duy nghệ thuật có sự đổi mới khiến cho thi pháp thể loại trong sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ cũng chuyển mình theo. Trong đời sống văn học, tiểu thuyết từ thời điểm đầu đổi mới đến nay là một chặng đường đủ dài để khẳng định vị thế, vai trò của nó trong tiến trình văn học Việt Nam.

Trong những năm gần đây, việc đổi mới thi pháp thể loại trong tiểu thuyết giúp các nhà văn liên tục sáng tạo, phát triển nền văn học Việt Nam đương đại. Những tiểu thuyết mang hơi hướng đổi mới đầu tiên phải kể đến Bến quê (1985), Cỏ lau (1989) của Nguyễn Minh Châu, Thượng đế thì cười (2003) của Nguyễn Khải, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng…

Hữu Ước là một tác giả chuyên viết thể loại tiểu thuyết tự truyện. Với thể loại tiểu thuyết này, nhà văn tự kể lại đời mình một cách khách quan, trung thực; đây là thể loại thịnh hành ở TK XIX; điển hình là bộ ba tác phẩm Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi của M.Gorki.Belinski, một nhà phê bình văn học Nga hàng đầu của phong trào Âu hóa TK XIX đã nhận định rằng tiểu thuyết là sử thi của đời tư. Tức là thể loại tiểu thuyết này chỉ ra khái quát nhất về một dạng tự sự, trong đó trần thuật tập trung vào số phận của một cá nhân trong quá trình hình thành, phát triển của nó. Sự trần thuật ở đây được khai triển trong không gian, thời gian nghệ thuật đến mức đủ để truyền đạt cơ cấu của nhân cách.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, đọc xong những trang viết của Hữu Ước, đặc biệt hai tập đầu của tiểu thuyết Kiếp người, ta có cảm giác của người vừa vượt qua được bãi mìn một cách an toàn bởi ông đã an toàn khi đi qua cuộc đời vô vàn thách thức của ông một lần nữa trong tác phẩm. Cụ thể hơn, nhà thơ Vi Thùy Linh khẳng định rằng Kiếp người là cuốn tiểu thuyết đáng đọc, thuộc hàng đáng kể của nền văn học đương đại Việt Nam 2 thập kỷ qua. Thành công của Hữu Ước trong mỗi cuốn tiểu thuyết không chỉ ở nội dung sâu sắc, thâm thúy mà còn ở sự điêu luyện trong nhiều phương diện thi pháp biểu hiện. Với bài viết này, người viết chủ yếu đi sâu nghiên cứu thi pháp tiểu thuyết trong Kiếp người 3 - Lạnh. Điều này chính là nghiên cứu thành quả lao động nghệ thuật đầy sáng tạo được tuôn trào từ bút lực, tâm lực của trung tướng, nhà văn Hữu Ước.

Bộ ba tiểu thuyết Kiếp người của Hữu Ước lấy mạch tự sự về cuộc đời nhà văn với những kiến giải về sức sống nội tại của dân tộc Việt Nam một cách trọn vẹn, sâu sắc. Tác phẩm lấy bối cảnh rộng khắp đất nước, từ làng quê đến thành thị, từ cuộc sống tự do sau thời chiến đến cách sống trong giam hãm chốn cầm tù, từ cuộc chiến chốn quan trường đến cuộc sống gia đình riêng tư… Tác phẩm được viết theo lối hiện đại, mang tính luận đề cổ điển, ảnh hưởng của đạo Phật. Không khí, tinh thần, tư tưởng đạo Phật gần như can thiệp vào tất cả các tình tiết quan trọng nhất của bộ ba tiểu thuyết đồ sộ này. Tác phẩm này được nhà văn viết trong nhiều năm, đó là những chứng nghiệm sâu sắc của ông về biến thiên của đất nước, sự ảnh hưởng, hiện diện của Phật giáo đối với cuộc sống con người: Phật giáo là một lối sống.

thể nói, Kiếp người là một điểm sáng trong dòng chảy tiểu thuyết tự truyện đương đại Việt Nam. Bộ ba tiểu thuyết này là khúc biến tấu của một chủ đề đã thống nhất, một tư duy thống nhất về sức sống nội tại của con người Việt Nam. Chính những suy tư trăn trở ấy đã làm nên tầm vóc thời đại cho tiểu thuyết Hữu Ước.

Đọc tiểu thuyết Hữu Ước một lần nữa được khám phá lịch sử đất nước thông qua số phận nhân vật, đó là Thanh Hữu, từ anh thanh niên xung phong hăm hở ra chiến trường đến chốn quan trường luôn thượng tôn pháp luật, rồi riêng tư trong nỗi đau mất vợ thấu tim gan. Hệ thống nhân vật chủ yếu là những con người chốn quan trường, chịu tác động, đồng thời cũng góp phần tạo ra lịch sử. Thông qua nhân vật Thanh Hữu, nhà văn đã thể hiện một bức tranh sinh động của giai đoạn đổi mới; anh hiện thân cho người anh hùng mang đầy hoài bão, tham vọng nhưng con đường thực hiện gặp phải đầy những cắc cớ, cạm bẫy.

Kiếp người 3 - Lạnh, Hữu Ước một lần nữa tự truyện lại cả một giai đoạn đổi mới, phát triển báo chí của đất nước. Trở về từ chiến trường khốc liệt, tác giả chứng kiến, tham gia vào lịch sử báo chí dân tộc, cuộc đời ông đẹp đẽ, gian truân nhưng thanh khiết. Thanh Hữu chính là kiểu nhân vật hiện thực chủ nghĩa.

Nhân vật trong tiểu thuyết hơn hẳn các thể loại khác ở khuôn khổ rộng lớn, vì thế nó cho phép các nhà văn khai thác nhân vật một cách toàn diện, tỉ mỉ theo từng bước thăng trầm của số phận để tạo nên hình tượng nghệ thuật sinh động, có sức mê hoặc, ám ảnh; là trọng điểm để nhà văn lý giải mọi vấn đề của đời sống xã hội. Tiểu thuyết tự truyện này cũng được mang đến từ số phận của người vợ Thanh Hữu, người luôn nết na, chịu nhường chịu thiệt, làm mọi điều vì chồng, vì con. Đây là kiểu nhân vật có chức năng khái quát, truyền bá tư tưởng, thường xuất hiện trong các tác phẩm tự sự luận đề. Nguyên lý tính Mẫu trước hết là tụng ca những phẩm tính huyền diệu của người vợ, người mẹ. Kiếp người đã thể hiện phần nào tâm thức Việt dạng cổ mẫu, là tìm về sự nghỉ ngơi, an toàn, tái sinh. Nhân vật Thanh Hữu luôn tìm về bên mộ vợ để nương náu sự bình yên, đó là lý giải của tác giả về tâm thức Việt luôn coi cõi ẩn náu vĩ đại của loài người là mẹ.

Như vậy, nhà văn đã tiếp cận lịch sử thông qua tiểu thuyết tự truyện theo tư duy đối thoại. Chính điều này đã chi phối toàn bộ cách xây dựng bối cảnh, nhân vật, sự kiện… của nhà văn trong tác phẩm. Tiếp cận lịch sử bằng tư duy tự truyện đối thoại đã giúp nhà văn tìm ra cách thể hiện thông qua số phận con người, nhìn lịch sử từ điểm nhìn của hiện tại, thông qua đó để nói về vấn đề luật pháp, dân sinh, dân tộc. Trong Kiếp người, nhân vật thường xuyên độc thoại nội tâm. Nhân vật hiện lên là một khối cô đơn lớn kể cả khi Thanh Hữu đầy quyền lực. Những điều đó cho thấy một đặc điểm rất riêng trong tư duy tự truyện tiểu thuyết Hữu Ước.

Thi pháp kết cấu là một công cụ lý luận quan trọng của phê bình tiểu thuyết. Kết cấu đương nhiên thể hiện quá trình vận động của tư duy nghệ thuật nhà văn. Ở Kiếp người - Lạnh, tác giả sử dụng kết cấu đảo trật tự thời gian, không gian. Đây là một sáng tạo. Việc chọn phương án kết cấu nào cũng nhằm nâng cao sức mạnh biểu hiện chủ đề cho đề tài tác phẩm. Đây là tiểu thuyết hiện đại nên thi pháp kết cấu tâm lý rất quan trọng. Những giấc mơ của nhân vật hắn trong Kiếp người với dòng ý thức không phải trong cõi thực mà đã được lạc vào cõi hư ảo. Đó là những giấc mơ có các nàng tiên, có khi là cơn ác mộng ma nữ… Ngoài những kết cấu trên, nhà văn dùng một phần kết cấu theo trình tự thời gian, kết cấu lồng ghép. Đây là kết cấu tạo ra cho tác phẩm nhiều vỏ bọc. Tất cả các kết cấu này đã được nhà văn sử dụng điêu luyện nhằm gắn kết chặt chẽ các yếu tố trong tác phẩm.

Thế giới trong tiểu thuyết luôn bao la, rộng lớn, khái quát đời sống con người. Không gian nghệ thuật trong Kiếp người - Lạnh xê dịch từ chật chội tối tăm nơi nhà tù đến manh chiếu hẹp đầy ngột ngạt chốn quan trường, bất ngờ lao ra không gian tươi mát ngoài bờ biển. Tác phẩm không chỉ chặt chẽ trong kết cấu mà còn gợi mở phong phú không gian đất nước con người Việt Nam. Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm thể hiện lối tự truyện chiêm nghiệm, quan sát lâu dài, bền bỉ của bản thân tác giả. Hữu Ước có những đột phá trong bút pháp tiểu thuyết của mình khi tác giả đã vận dụng những kinh nghiệm tự sự mới vào tác phẩm của mình một cách độc đáo, sâu sắc.

Trong hơn 20 năm trở lại đây, tiểu thuyết Việt Nam thực sự khởi sắc với những thành tựu mang tính chất bước ngoặt cả về lý luận thể loại, thực tiễn sáng tạo, khẳng định được vai trò xương sống, là trụ cột của nền văn học với những cách tân độc đáo từ hướng tiếp cận đến xây dựng nhân vật, nghệ thuật tổ chức tác phẩm. Kiếp người 3 - Lạnh nói riêng, bộ ba tiểu thuyết của Hữu Ước nói chung đánh dấu một bước ngoặt đột phá, mang ý nghĩa cách tân thể loại. Đây là tiểu thuyết tự truyện luôn được tác giả đặt trong trạng thái động, từ đó, lịch sử phải có phản xạ của đời sống hiện tại. Trong thi pháp tiểu thuyết, Hữu Ước đã sớm tiếp cận với nền văn học phương Tây với những đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại trong kết cấu thể loại, nghệ thuật xây dựng nhân vật, tổ chức cốt truyện, không gian, thời gian nghệ thuật. Nhưng khi đọc tiểu thuyết Hữu Ước, ta lại thấy tâm tư tình cảm đậm chất phương Đông.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : NGÔ THỊ HƯỜNG

;