CẢM THỨC CÔ ĐƠN TRONG LINH SƠN CỦA CAO HÀNH KIỆN

Sinh năm 1940, thời kỳ cuộc chiến tranh Trung - Nhật diễn ra khắc nghiệt, Cao Hành Kiện đã có những trải nghiệm tuổi thơ đầy ám ảnh. Chiến tranh kết thúc, tưởng rằng mọi thứ sẽ trở nên tươi sáng, nhưng thời điểm Trung Hoa bước ra khỏi cái bóng đè của Nhật lại là khởi đầu của một giai đoạn mới không kém phần bi thương. Một Trung Hoa đổ vỡ phải gây dựng, chấn chỉnh, để rồi sau đó, tiếp tục chìm đắm trong cuộc biến thiên dữ dội: đại cách mạng văn hóa (1966-1976). Quá khứ đau thương, khổ nhục của bản thân cùng những ký ức về lỗi lầm kinh hoàng của dân tộc đã tạo nên cảm thức cô đơn - nét đặc trưng thẩm mỹ nổi bật trong sáng tác Cao Hành Kiện.

Đặt Linh sơn trong tương quan với các tác phẩm thuộc nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch) của Cao Hành Kiện trải dài hơn nửa thế kỷ, dễ dàng nhận thấy nỗi ám ảnh cô đơn như sự nối tiếp cảm hứng chính xuyên suốt mạch nguồn sáng tác. Linh sơn có 81 chương thì 41 chương nhắc đến cái chết, nỗi cô đơn. Cả ba nhân vật trung tâm: ta, mi, nàng đều ôm những nỗi sợ hãi, cô đơn tột cùng.

Ta một mình lang thang trên con đường dài tìm về cội nguồn, tìm về bản ngã tâm linh. Suốt hành trình, chứng kiến bao điều quái lạ, thê thảm, rùng rợn, ta không khỏi cay đắng cho kiếp phận con người. Quá khứ đau buồn, mất mát vì chứng kiến sự ra đi của người cậu ruột, cái chết đầy thương tâm của người mẹ, không khỏi khiến ta bị bủa vây bởi sự trống trải. Những cảnh tượng hãi hùng của tuổi ấu thơ: cung đường khói bụi ta đã qua khi cùng mẹ chạy trốn; hình ảnh mẹ ướt sũng, tái nhợt, biến dạng bên bờ sông… không tài nào xóa được trong tâm trí. Sự đau đớn tột cùng bởi mất người thân, cùng cảm giác dày vò, dằn vặt khi bị hắt hủi, buộc phải trốn chạy, đã khắc vết sẹo lớn lên tuổi thơ ta. Vết sẹo ấy theo thời gian không thể mờ đi, ngược lại càng thêm nhức nhối mỗi khi ta gặp phải những biến cố trong cuộc đời.

 Đã từng kinh qua một lần chết hụt, cảm thức cô đơn hằn sâu trong cõi lòng ta nên anh càng thấu hiểu, cảm nhận được ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Anh nuối tiếc tháng ngày ngắn ngủi đã qua, nuối tiếc cả những ngày tháng hiện tại chẳng còn nhiều. Một ngày không xa, căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi sinh mạng của bố anh, rồi cũng sẽ đến gõ cửa cuộc đời, mang anh đến cõi âm ty lạnh lẽo. Ngày bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm chỉ là sự nhầm lẫn, anh như rút được một chân ra khỏi cõi chết.

Dấn thân vào văn chương, ta càng tự đẩy mình vào nỗi cô đơn sâu thẳm. Văn chương biến anh trở thành kẻ xa lạ trên chính quê hương mình. Người ta không hiểu anh, bắt anh phải hòa lẫn, phải thỏa hiệp, trong khi anh chỉ muốn là mình. Ta không ngừng hoài nghi tất cả: hoài nghi thế giới, lịch sử, chế độ, con người, thậm chí hoài nghi cả chính bản thân. Hết chất vấn đại văn hào Lỗ Tấn, ta lại quay ra ném những câu hỏi vào lịch sử… Những băn khoăn, trăn trở làm ta trở thành kẻ lập dị, lạc lõng với số đông, trở thành đứa con rơi bị gạt ra rìa xã hội. Ta trở thành nạn nhân của những u mê, lầm lạc của con người. Trên dặm đường đầy gian truân, ta luôn khao khát sưu tầm, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống nguyên sơ như một cách nâng niu, bảo vệ những giá trị tốt đẹp của con người. Ta say mê nghe đạo sĩ hát hết khúc ca này đến khúc ca khác, say mê nhìn ngắm những di tích lịch sử, nhưng cuối cùng lại thất vọng, xót xa chứng kiến sự biến mất của cả một nền văn hóa “một đi không trở lại”. Thế hệ đời sau không thể giữ lại được hồn cốt của cộng đồng. Cơn lốc thay đổi không gì có thể cưỡng lại được đã quét qua, cuốn những điều đẹp đẽ thiêng liêng về cõi hư không. Ta lại hoang mang trong nỗi hoài nghi bất tận: “Ta luôn đi tìm ý nghĩa nhưng rút cục ý nghĩa là cái gì? (1). Bất lực trước những câu hỏi không lời hồi đáp, cô đơn và mệt mỏi bởi những gì chứng kiến, ta đã phân thân, tạo ra mi, ra nàng như những người bạn đồng hành. Ta tách mình ra khỏi bản thể, chiêm ngưỡng mình ở những góc nhìn khác nhau, đối thoại với bản thân để lĩnh hội ý nghĩa cuộc sống, cũng là để thoát khỏi nỗi cô đơn cùng cực. Đó là quá trình ta đấu tranh nội tâm dữ dội, tự buông bỏ mọi vũ khí, chấp nhận bị lột trần, để bước vào cuộc phiêu lưu, khám phá chính mình. Nhu cầu kiếm tìm bản ngã đã thôi thúc ta đập vỡ mình ra từng mảnh nhỏ để tự chất vấn, đối thoại. Ta, mi, nàng là tam vị nhất thể, là sự đa nhân cách của cùng một con người.

Sống cuộc đời “buồn tẻ, không một tia lửa, không một đam mê đến quấy đảo cuộc đời nhạt nhẽo”, mi đã lặn lội đi tìm Linh sơn như một nơi trú ngụ cho tâm hồn. Hành trình của mi là chuyến du hành về quá khứ, qua không gian và thời gian, tìm lại một thời rất xa xưa.

Mi lặng đi trong những đêm cô đơn, dẫu có nàng bên cạnh nhưng vẫn thấy cô độc. Người đàn ông ấy đắm mình trong thế giới riêng, không tìm thấy sự giao hòa với vạn vật. Đi cạnh nàng nhưng mi không thấy sự tồn tại của nàng, trái tim mi không thể chứa thêm bất kỳ thứ gì, ngoại trừ kỷ niệm. Hẳn là khi lắng nghe tiếng mưa gõ tí tách trên lá cây, tiếng gió hú buồn trong thung lũng qua các cành thông, mi càng cảm thấy đơn cô, hoang hoải. Mi tự đối diện với cái bóng của chính mình, thấy mình tội nghiệp, đáng thương hơn ai hết: “một hình bóng lẻ loi, đầu rụt vào giữa hai vai, có một chút thê lương” (2). Có lẽ bởi lo lắng, sợ hãi, bất an, cái bóng rụt đầu như phòng thủ, muốn chạy trốn khỏi thế giới, chìm vào không gian hoàn toàn đóng kín. Như vậy, cả trong đời thực lẫn trong sự phản chiếu, con người lẻ loi ấy vẫn chẳng thể nào thoát khỏi nỗi cô độc kinh hoàng. Mi được miêu tả thường sống trong thời gian quá khứ, hoặc trong những huyền thoại, trong thế giới của người chết. Suốt tuổi thơ, anh không sao quên được cái chết tức tưởi, đau đớn của cụ nội qua lời kể của bố. Cái chết bi thảm, lại thêm sự thù hận của ông nội như bóng ma in hằn, đè lấy tâm trí mi, biến thành một phần không thể xóa mờ trong ký ức, dai dẳng đeo bám, đày đọa mi. Không chỉ miên man trong hồi ức, mi còn lang thang trong huyền thoại, cô đơn, tuyệt vọng, ám ảnh bởi huyền thoại. Những câu chuyện của mi nửa thật nửa giả, là sự nhập nhằng của ký ức và mộng tưởng. Không phải ngẫu nhiên, tác giả để cho mi một mình lạc giữa rừng hoang, giữa bóng tối câm lặng của nội tâm thăm thẳm. Trong đêm mưa rừng, có nàng say ngủ bên cạnh, nhưng mi khẽ khàng nhích ra xa, để hơi lạnh phủ cơ thể rồi trầm lắng nghe tiếng mưa giọt giọt gõ lên tàu lá.

Còn nàng là hiện thân của những người phụ nữ Trung Quốc trải nhiều thời đại. Nàng là một nhưng cũng là số nhiều. Đó có thể là một cô y tá đã chán ngán mùi thuốc sát trùng nơi không gian bệnh viện; là một cô gái bị hắt hủi trong gia đình có bố và người dì ghẻ ác độc; là một phụ nữ có chồng con song quá mệt mỏi với cuộc sống gia đình; cũng có thể là vợ của Đệ Nhị Chúa công, một người đàn bà bất hạnh…

Nỗi cô đơn, những ám ảnh của nàng là nỗi cô đơn của những người phụ nữ có cuộc đời đau khổ. Một mình đối diện với lẻ loi, trống vắng, bị đè nghiến trong hư không tịch mịch, nhiều lần nàng đã thốt lên: “em quá cô đơn, em kêu không có tiếng vọng lại, tất cả chung quanh đều bình lặng, không tiếng suối, không khí nặng nề”; “em gọi hồn anh, em gọi anh, anh phải lại đây, đừng ruồng bỏ em”; “Em sợ, sợ anh bỏ em, đừng bỏ em, em không chịu được cô đơn”, “đừng bỏ em, đừng ruồng bỏ em, em muốn khóc, em không biết tại sao, đừng ruồng bỏ em, đừng ở xa em thế” (3). Tiếng lòng cất lên từ sâu thẳm trái tim “em” là tiếng gọi của nỗi niềm cô độc, tiếng kêu cứu của một tâm hồn sợ hãi giá băng, khao khát niềm yêu, được chở che. Người phụ nữ ấy còn khao khát chiếm hữu tâm hồn người mình yêu, nhưng trái tim đàn ông vẫn khép chặt, nên ước nguyện của nàng vẫn mãi xa xôi. Phải chăng đó cũng là sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà mà minàng tranh suốt chặng đường tới Linh sơn? Trong khi đàn bà tha thiết muốn sở hữu trái tim đàn ông với lòng nhiệt thành, bỏng cháy thì anh ta lại vật chất hóa mọi thứ, nhục thể hóa mọi điều, khiến trái tim đàn bà bị tổn thương sâu sắc. Khoảnh khắc cầm dao chĩa vào mi là giây phút nàng hoàn toàn điên cuồng, bất lực bởi cô đơn, tuyệt vọng. Bất hạnh trong cuộc đời, thất vọng trong tình yêu, nàng nhiều lần nghĩ đến cái chết. Trong tiểu thuyết, hai lần nàng bộc bạch muốn nhìn thấy máu, muốn tự hủy hoại thân thể mình. Thể hiện ham muốn ghê rợn hành hạ bản thân, tìm đến nỗi đau thể xác, thực ra nàng muốn lấn đi sự trống vắng của tâm hồn, giải phóng linh hồn mình thoát khỏi giá băng đáng sợ. Màu đỏ của máu rực lên gay gắt, kích thích, dẫn dụ nàng. Những lúc cõi lòng chết lặng, nàng chỉ muốn máu chảy khắp nơi, loang khắp cơ thể. Nàng sẽ cất tiếng cười man dại, bước vào những ghê rợn ám ảnh, nhập vào những huyền thoại của mi, sự đơn côi của ta và vào tất cả số phận của những người đàn bà đau khổ.

Ta, mi, nàng, ba linh hồn nhưng cũng là một, miệt mài trên hành trình nội tâm đầy bí ẩn, loanh quanh tự nhốt mình vào mê cung giữa cõi trần ai. Mi nàng đồng hành trên chuyến đường đến Linh sơn, kể cho nhau những câu chuyện, đã có lúc hòa hợp nhưng họ không tìm được sự thống nhất trọn vẹn. Nàng vẫn là nàng. Mi vẫn là mi. Trong khoảnh khắc giao nhau để rồi họ lại đẩy nhau xa mãi mãi. Tình yêu là liệu pháp hữu hiệu nối kết con tim, sưởi ấm tâm hồn, nhưng họ không tin vào tình yêu. Nhiều lần nói về tình yêu song họ không giữ lòng thành kính với nó. Tami sợ hãi tình yêu, còn nàng tự nguyện hiến dâng tình yêu chân thành, rồi chẳng tìm nổi một người đàn ông biết đáp trả bằng trái tim chân thành, thuần khiết. Rốt cuộc, nàng lại thả mình theo những dục vọng cuồng điên. Những tâm hồn vĩnh viễn không giao nhau, nên họ cứ mãi lạc loài, cô đơn, vất vưởng. Mi không biết con đường dưới chân dẫn tới đâu, chẳng có cái đích nào rõ rệt; nàng thì lạc lối, chông chênh; ta thì mất phương hướng, thấy phía trước hoàn toàn mù mịt.

Cả cuốn tiểu thuyết chất chồng nỗi cô đơn. Các nhân vật ngụp lặn trong thế giới nội tâm thăm thẳm, chung chạ với lớp lớp linh hồn. Thế giới họ sống vừa là thế giới thực, lại vừa là hư ảo. Lắp ghép những mảnh vỡ số phận, người đọc có thể khái quát muôn vàn nguyên do dẫn tới nỗi cô đơn của con người trong xã hội hiện đại. Thời đại Linh sơn là thời đại môi trường sinh thái bị tàn phá kiệt quệ, môi trường văn hóa truyền thống bị hủy hoại một cách tàn nhẫn. Ông thày tu cuối cùng của khoảng một trăm làng dân tộc Mèo thiểu số quanh vùng đã chết trong nỗi tức tưởi, oán hờn khi chứng kiến những gì mình tôn thờ cả đời bị rẻ rúng. Từ khi người ta chẳng còn chăm lo đến tổ tiên, mọi hào quang lấp lánh bao phủ lấy ông hoàn toàn biến mất. Từ một vị tế sư được trọng vọng, ông trở về làm một ông lão bình thường, già yếu, đơn độc và bị lãng quên. Những tháng ngày nối tiếp nhau buồn tẻ không trường bào, không rượu, không trống, không hát ca. Trụ lại với văn hóa tổ tiên khi mọi người đều quay lưng, ông mơ hồ cảm nhận cái chết đang đến gần. Trong những giây phút cuối đời, càng nuối tiếc quá khứ bao nhiêu, ông càng thất vọng, oán trách con người vô tình bấy nhiêu. Tiếng hát vang lên trong cổ họng khản đặc, khô khốc. Bên bờ sông hiu hắt, câm lặng, ông hát hết canh này đến canh khác. Gió đưa tiếng hát kỳ dị tỏa trên khắp mặt sông, đi đến những con ngõ thẳm cùng. Khúc hát giũ lớp bụi dày, bật ra khỏi quan tài, đòi lấy sự sống từ đôi môi tái nhợt của một cụ già yếu ớt. Nước mắt ông giàn giụa. Những câu hát quay cuồng trong nỗi si mê, điên loạn, chập chờn của sự nhập đồng, trong cô đơn, đớn đau, khổ sở.

Thời Linh sơn cũng là thời đại luân lý đảo điên, con người ứng xử với con người tàn độc. Người ta đấu tố, thanh trừng, đày đọa nhau không chút mềm lòng, thương cảm. Khi sự đố kỵ, ghen ghét nổi lên, bản năng thôi thúc người ta gieo rắc nỗi khổ lên cuộc đời kẻ khác. Không theo đuổi được tình yêu, người ta quay ra đặt điều, vu khống. Vì sự ghen tuông, những người đàn bà vốn mang sẵn thiên tính mẫu dịu dàng, bao dung, sẵn sàng hành hạ, lăng nhục một người đàn bà khác... Đó là thời, cái chúng ta lấn lướt, chèn ép mọi cái tôi đơn độc, yếu đuối. Họ nêu những khẩu hiệu, chủ trương buộc tất cả về một mối, để rồi nhân danh chính nghĩa làm những chuyện tày trời. Họ ngăn ngừa tư tưởng đồi trụy bằng cách đốt hết sách vở, thư tịch cổ, phá nát mọi chùa chiền, miếu mạo. Họ bảo vệ trị an bằng cách cho bắn hàng chục thiếu niên thất tình buồn đời bị nghi là bọn du đãng phạm tội; họ cho người nối người xếp hàng cạnh nhau, xiềng xích trói chân tay rồi nã súng, chỉ cần một người ngã sẽ kéo theo tất cả những người khác đổ rạp xuống lòng sông, làm mồi cho cá, máu nhuộm đỏ một vùng.

Đối diện với nỗi cô đơn, mỗi nhân vật trong Linh sơn tìm cho mình một lối thoát. Có khi họ tìm đến với cái chết để chấm dứt nỗi đau thể xác và tâm hồn. Có khi họ trốn vùi vào miền ký ức xa xăm để kiếm tìm chút dư âm đẹp đẽ của tuổi thơ trong trẻo hoặc đắm mình trong những huyền thoại, những suy tưởng của bản thân. Có người giả hồ đồ, khùng điên, kẻ náu mình vào cõi mộng, kẻ quăng mình vào những chuyến đi xa. Linh sơn có thể coi là một tấn bi kịch đào vong của kiếp người. Một vị quan già khi xưa cúc cung phò tá hoàng đế, lúc tuổi cao sức yếu lại bị gian thần gièm pha, tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Ông quyết định rời bỏ con đường công danh ô trọc, trở về rừng sâu, sống cuộc đời ung dung, tự tại. Ở đó không có lũ ruồi canh, cũng chẳng có nỗi lo lắng phập phồng về an nguy tính mạng. Một danh họa lánh đời đi vào cõi tranh. Những bức họa tuyết của ông mang khí vị thanh cao, thoát tục. Cái thần, cái hồn của tranh đến từ sự im lặng tuyệt đối, từ khoảng sâu thẳm dẫn con người vào cõi tịch mịch cô liêu… Ta, mi, nàng đều chạy trốn đời thực bằng những chuyến đi. Với chiếc ba lô trên vai, ta vượt dặm trường xa xăm, đến những vùng thâm sơn cùng cốc, miệt mài tìm kiếm những giá trị cổ xưa. Anh sưu tầm ca dao, lật tìm vết tích đã bị thời gian chôn giấu, hằng mong muốn níu giữ cả một thời quá khứ huy hoàng, nguyên sơ và đẹp đẽ, khác xa với thế giới chật hẹp, biến chất nơi anh đã rời xa. Mi nàng cũng quăng mình vào chuyến hành hương đến Linh sơn bí ẩn. Mi đi bởi tò mò, rồi càng về sau lại càng trở thành một nỗi khao khát, một nhu cầu cấp thiết. Nàng chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, khỏi cuộc đời nhàm chán, vô vị để tìm lại hứng khởi, lấy động lực tiếp tục sự sống. Chấp nhận cùng mi dấn thân vào cuộc bộ hành đến vùng đất kỳ bí, nàng đã đánh cược cuộc đời, bất chấp rủi ro. Bởi ở khoảnh khắc ấy, ý muốn đào thoát khỏi xã hội mạnh hơn tất thảy mọi âu lo, sợ hãi. Giữa dòng người kiếm tìm sự giải thoát cô đơn, còn có kẻ nương nhờ vào tôn giáo, mong tẩy đi những muộn phiền, vương vấn thế gian. Đó là một cô gái dưới chân núi, vì muốn chuộc lại lỗi lầm của quá khứ mà ngày đêm cần mẫn chong đèn tụng kinh gõ mõ. Cô mong mỏi sự thanh tẩy của Đức Phật rửa hết mọi nghiệp oán, trở về với sự thanh tịnh nguyên sơ, trạng thái hư không tịch mịch, không hỉ nộ ái ố, không thất tình lục dục. Đó còn là một thày thuốc rời bỏ tất cả để đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Biết mình chẳng thể có cơ hội đến với Cơ đốc giáo, ông tìm về với Phật: xuống tóc đi tu, đoạn tuyệt nhân gian…

Nếu tìm hiểu về Cao Hành Kiện, người đọc hẳn không ngạc nhiên khi nỗi ám ảnh cô đơn cứ đeo bám thế giới nhân vật trong Linh sơn và các sáng tác của ông... Linh sơn từng bị coi là bi quan, yếm thế khi đề cập đến vấn đề tưởng như tiêu cực, nhưng trên thực tế, đó chính là cách nhà văn đối diện với cuộc đời để đi tìm ý nghĩa cho sự hiện tồn của bản thân. Linh sơn dù chìm trong màn sương dày hoang lạnh, thê lương, song rốt cuộc vẫn hướng về ánh sáng. Hành trình của ta, mi, nàng suy cho cùng là cuộc hành hương về bản thể. Đó là một quá trình tiếp diễn liên tục, là cách để con người đối diện với chính mình. Nỗi cô đơn chính là thể hiện cái chất người nơi mỗi con người, làm nên một phần tâm hồn người. Khơi gợi nó, viết về nó, lý giải, chiêm nghiệm nó, thiết nghĩ cũng là cách để con người sống đẹp hơn, người hơn.

____________

1, 2, 3. Cao Hành Kiện, Linh sơn, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2001, tr.51, 60,78.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ MAI CHANH - NGUYỄN THỊ HOÀI PHƯƠNG

;