Những bài học cuộc sống từ nhân vật trẻ em trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh

Văn học, từ xưa, được coi là một bộ môn nghệ thuật hình thành, phát triển và tồn tại cùng với các loại hình nghệ thuật khác, như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Văn học nuôi dưỡng tâm hồn con người bao đời, bao thế hệ. Văn học thiếu nhi là một bộ phận của chỉnh thể văn học, vì vậy, nó đóng vai trò quan trọng như các bộ phận khác, đặc biệt với trẻ thơ, những ai đã đi qua tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên. Đã có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm văn học thiếu nhi, nhưng trong sự đa diện đó, chúng ta vẫn tìm thấy những điểm đồng nhất, giao thoa, hầu hết tập trung ở các khía cạnh như xác định lứa tuổi độc giả của văn học thiếu nhi, tính giáo dục của văn học thiếu nhi… Tính giáo dục luôn được đặt ở vị trí quan trọng đối với bất cứ tác phẩm văn học nào, song với văn học thiếu nhi, nó càng đóng một vị trí quan trọng hơn, có khi là yêu cầu hàng đầu.

     Nhà văn Võ Quảng đã từng viết: “Văn học thiếu nhi có một nhiệm vụ chủ yếu. Đó là giáo dục trẻ em thành người tốt… đánh thức trong các em tình cảm tốt đẹp, làm cho các em biết tôn trọng, yêu thương, thấy những nhiệm vụ cần làm, sống có tinh thần nhân ái, biết sống một cách tốt đẹp” (1). Nhà văn Tô Hoài cũng nhận định: “Nội dung một tác phẩm cho thiếu nhi bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đạo đức con người” (2). Tác phẩm văn xuôi đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh là một tác phẩm viết cho thiếu nhi mang tên Trước vòng chung kết (1985) đã nhanh chóng gây được ấn tượng với độc giả. Phải chăng, ngay từ những ngày đầu sáng tác, Nguyễn Nhật Ánh đã ý thức được đối tượng trong các tác phẩm của chính mình là các em thiếu nhi? Có lẽ đó chưa hẳn là một sự chọn lựa rõ ràng, nhưng có thể là một điềm báo, và sau nhiều lần khám phá, thử nghiệm ở những lĩnh vực khác nhau, Nguyễn Nhật Ánh nhận ra cái tạng của mình hợp với thiếu nhi hơn cả.

     1. Những bài học cuộc sống từ nhân vật trẻ em

     Nguyễn Nhật Ánh được coi là một trong những nhà văn viết cho thiếu nhi thành công nhất hiện nay ở nước ta, được thiếu nhi và thanh thiếu niên đặc biệt yêu mến. Những tác phẩm nổi tiếng một thời từng làm bao học sinh thích thú như: Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối, Thằng quỷ nhỏ, Bong bóng lên trời, Bàn có năm chỗ ngồi, Bí mật của Mót, Bắt đền hoa sứ, Những cô em gái, Những chàng trai xấu tính, Hoa hồng xứ khác, Còn chút gì để nhớ, Phòng trọ ba người, Mắt biếc, Hạ đỏ, Trại hoa vàng, Ngôi trường mọi khi...

     Ngay cả những người đã qua rồi lứa tuổi mộng mơ ấy vẫn tìm thấy nơi các tác phẩm cổ tích dành cho người lớn, Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ… của Nguyễn Nhật Ánh những kỷ niệm thật êm đẹp, những niềm vui trong trẻo và những tình cảm ấm áp… Những tầng sâu ý nghĩa bên trong các tác phẩm này có thể phù hợp cho bất kỳ ai, không kể già hay trẻ. Ai đã từng đọc Trước vòng chung kết của Nguyễn Nhật Ánh chắc sẽ biết tình yêu bóng đá của nhà văn mãnh liệt đến mức nào. Tác phẩm Tôi là Bêtô cũng có chút gì đó bóng đá, vì nhân vật chính của câu truyện - chú cún Bêtô - được đặt theo tên của cầu thủ Bêbêtô (Brazil). Ngoài viết văn và làm thơ, Nguyễn Nhật Ánh còn là một cây bình luận thể thao (nhất là bóng đá) đặc sắc với bút danh Chu Đình Ngạn trên báo Sài Gòn giải phóng chủ nhật. Cách viết hài hước, dí dỏm và những nhận định sâu sắc của ông đã thu hút rất nhiều fan hâm mộ của môn thể thao vua này. Vì mê Kim Dung, ông thường sử dụng những ngôn từ kiếm hiệp và có những so sánh, liên tưởng khá thú vị giữa võ học và bóng đá. Nguyễn Nhật Ánh dường như khá thành công ở những lĩnh vực mà ông dấn thân, ngay cả lĩnh vực kinh doanh (như việc mở quán ăn Chợ Đo Đo chuyên ẩm thực xứ Quảng). Bí quyết của ông rất đơn giản: chỉ cần có hứng thú và đam mê, nỗ lực hết mình thì sẽ có kết quả tốt. Và nhà văn vẫn đang đam mê sáng tác mỗi ngày, viết tiếp bộ truyện Kính vạn hoa và những tác phẩm đặc sắc khác…

     Nguyễn Nhật Ánh đã thành công bởi mỗi tác phẩm của ông luôn giúp cho độc giả học được một điều gì đó trong cuộc sống. Nhưng nhà văn đã không biến các tác phẩm văn học thành các tác phẩm giáo dục. Đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh người ta có thể học tập được nhiều điều nhưng lại không cảm thấy đó là những điều giáo huấn hay sáo rỗng. Tính giáo dục trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh vì thế mà cũng rất tự nhiên, nhẹ nhàng mà thấm thía, như nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Người giáo dục không có cảm giác mình bị giáo dục” (3).

     Để sáng tác cho thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh trước hết là một người bạn của thiếu nhi, chính xác hơn là một người bạn lớn của thiếu nhi. Nhà văn cùng các em tâm sự, chia sẻ những thú vui, suy nghĩ và hành động. Nhưng đồng thời nhà văn cũng mang đến cho các em sự hiểu biết, đóng vai trò của một người dẫn đường thông minh và tỉnh táo để định hướng cho các em. Truyện Nguyễn Nhật Ánh trước hết là những cuốn sách bổ ích dành cho thiếu nhi.

     Nguyễn Nhật Ánh đã mượn lời của cô giáo Trinh trong Kính vạn hoa để nói về vẻ đẹp và tầm quan trọng của học thức bằng một hình ảnh so sánh thú vị: “Con công trang sức bằng bộ lông, còn con người trang sức bằng học thức”. Dù không phải là loại sách khoa học thường thức nhưng truyện Nguyễn Nhật Ánh đã trực tiếp cung cấp cho các em những kiến thức bổ ích. Bên cạnh những kiến thức liên quan đến bài học và các môn học trên lớp như hình học, đại số, hóa học, vật lý, tiếng Anh, kiến thức về cây xanh và bảo vệ môi trường... các em còn có thêm những hiểu biết về cuộc sống và nhiều công việc khác nhau trong xã hội. Ở một góc độ nào đó, truyện Nguyễn Nhật Ánh còn truyền thụ cho các em những kỹ năng sống. Câu chuyện của Đặng Đạo vì đêm đêm phải giúp mẹ đi gom rác ở chợ mà sáng ra ngủ gật trên lớp, vừa giúp các em hiểu thêm về sự vất vả trong công việc của những cô chú công nhân vệ sinh, vừa giáo dục cho các em suy nghĩ và thái độ đúng đắn với những công việc khác nhau trong xã hội. Chính các em cũng tự nhận thấy rằng không có nghề nào thấp hèn hơn nghề nào, tất cả những công việc lao động chân chính trong xã hội đều đáng được trân trọng. Có những công việc các em được trải nghiệm như: làm một ảo thuật gia (Nhà ảo thuật, Bí mật kẻ trộm), tập làm thày cô giáo với vai trò một gia sư (Ông thày nóng tính, Gia sư, Hoa tỉ muội) hay tập làm thám tử (Thám tử nghiệp dư, Con mả con ma, Mùa hè bận rộn, Kho báu dưới hồ, Khách sạn hoa hồng). Có những công việc các em được tìm hiểu, được giới thiệu như nghề cascadeur với vị võ sư Kim Liên lừng danh (Cú nhảy kinh hoàng), công việc của những đoàn kịch (Đoàn kịch tỉnh lẻ) hay những đoàn làm phim (Cỗ xe ngựa kỳ bí), hoặc công việc và đời sống của những cầu thủ bóng đá (Tấm huy chương vàng). Có những công việc không được giới thiệu riêng và tác giả cũng không có ý định giới thiệu nhưng qua sự quan sát các nhân vật, các em cũng có thể hiểu phần nào công việc đó như nghề nhà báo của ba nhỏ Hạnh (Kính vạn hoa), công việc lãnh đạo cả trường của các thày hiệu trưởng thông qua hình ảnh thày N’Trang Long (Chuyện xứ Lang Biang), hay hiểu một cách khái quát về công việc của các nhà thơ qua hình ảnh ba chị Ni (Tôi là Bêtô). Dư luận gần đây có nhiều ý kiến về việc học sinh ngày nay chỉ biết đến kiến thức sách vở mà thiếu đi kiến thức thực tế, hay học sinh chỉ giỏi phần lý thuyết mà kém phần thực hành. Với cường độ học tập đến chóng mặt, chương trình học lại ngày càng đổi mới, kết quả là cả giáo viên lẫn học sinh đều phải liên tục làm quen, tiếp nhận với sự thay đổi. Thời gian dành cho học chính, học phụ đạo, học thêm ở các trung tâm khiến cho các em không còn thời gian dành cho những mối quan tâm khác bên ngoài nhà trường, bên ngoài việc học. Cho nên việc cung cấp cho các em một vốn hiểu biết dù ở mức khái quát về các nghề nghiệp, các công việc khác nhau trong xã hội là góp phần giúp các em đến gần hơn với cuộc sống. Nguyễn Nhật Ánh đã chứng minh rằng thiếu nhi ngày nay không phải là những chú gà công nghiệp, các em rất thông minh, năng động và sáng tạo, chỉ cần người lớn có sự quan tâm và có những định hướng kịp thời sẽ giúp các em phát triển một cách toàn diện. Một cách giản dị, thiết thực và gần gũi nhất, Nguyễn Nhật Ánh còn giúp bạn đọc nhỏ tuổi học tập được cách quan sát, hành văn, diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu, trong sáng nhưng cũng rất phong phú, giàu hình ảnh. Điều này thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh học sinh ngày nay đang dần xa rời môn văn, học văn với tâm thế đối phó và không ý thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của môn học này. Những đoạn văn như thế này hoàn toàn có thể trở thành những đoạn văn mẫu về tả cảnh cho học sinh: “Bên cạnh những rặng tre xanh ngắt, những cây sầu đông cành nhánh khẳng khiu, những cây bông gòn cao vút và những gốc sứ già trầm ngâm có mặt lâu đời là những ngôi nhà gạch không biết xây lên từ bao giờ đang thi nhau phô các mái ngói đỏ tươi đằng sau các bờ dậu xanh um... những bờ ruộng trải dài hai bên con đường đất đỏ. Và tít tắp cuối đường là lũy tre xanh đêm ngày ríu rít tiếng chim xen lẫn tiếng gió hát rì rào trong lá” (Mùa hè bận rộn).

     Truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh còn là những bài học về tình bạn, tình yêu, tình làng xóm và tình người trong cuộc đời. Đối với lứa tuổi thiếu nhi, đặt ra vấn đề tình yêu có vẻ như không phù hợp. Nhưng phải thừa nhận rằng tâm sinh lý thế hệ trẻ ngày nay đã khác rất nhiều so với các thế hệ cha anh. Các em hiểu biết hơn vì thế cũng mạnh dạn hơn. Đã không còn cái thời con trai, con gái không dám cầm tay, ngồi cạnh nhau. Trên thực tế những “câu chuyện tình yêu” trong truyện Nguyễn Nhật Ánh chỉ là những “rung động” ban đầu, những biểu hiện của “cảm tính” và có thể gọi là thứ “tình yêu học trò”, thứ tình cảm còn trong sáng còn mơ mộng, còn rụt rè và cũng còn rất trẻ con. Kiểu tình cảm này được nhắc đến nhiều lần trong Chuyện xứ Lang Biang với các đôi bạn K’Brawk (Nguyên) và Êmê, K’Brêt (Kăply) và Mua, rồi Tam và Bolobala. Các nhân vật bỗng trở nên đáng yêu hơn khi phải đối diện với những biến động tình cảm hoàn toàn tự nhiên và Nguyễn Nhật Ánh đã viết về điều đó như nó vốn có và không thể khác. Nhà văn đã giúp các bạn nhỏ hiểu rằng mình hoàn toàn có thể tự tin và đối diện với chính lòng mình mà không cần phải e ngại hay sợ sệt, giấu giếm. Sự rung động trong tâm hồn là một điều đáng khen hơn chê cười hay lên án, cấm đoán. Khi con người đã ở một độ tuổi đủ để nhìn mọi việc bình thản hơn thì những tình cảm của tuổi nhỏ ấy lại được nhìn nhận một cách hài hước và bao dung độ lượng hơn nhiều (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ).

     Truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh còn dạy cho các em biết gần gũi và yêu thương loài vật. Chú chó Tai To xuất hiện trong nhà Hạnh vì một lý do có phần mê tín là để giữ hòa khí trong gia đình giữa ba và mẹ, khi mà gần đây mẹ thường có những cuộc khẩu chiến. Thực tế ba đã giải thích với Hạnh về việc đồng ý cho mẹ nuôi con Tai To trong nhà như một liệu pháp tâm lý cho cả ba và mẹ. Nhưng vì lý do nào thì Tai To vẫn được cả nhà yêu quý, cưng chiều. Nhưng rất nhanh chóng Tai To trở thành cái gai trong mắt Tùng, trở thành kẻ thù, một kẻ đáng ghét đã cướp mất đi vị trí của cậu út được chiều chuộng trong nhà. Dưới sự mách nước của Đạt, cậu bạn cùng lớp, Tùng đã nghĩ ra đủ trò để hành hạ Tai To nhằm thỏa mãn sự tức tối và sự ghen ghét, đố kỵ rất trẻ con. Nhưng cũng chính hành động liều mình cứu chủ của Tai To đã giúp Tùng tỉnh ngộ và yêu thương loài vật như thế nào (Xin lỗi mày Tai To). Vẫn là câu chuyện về những chú cún nhưng Tôi là Bêtô lại mang đến cho người đọc sự thích thú khi khám phá thế giới của loài vật đáng yêu này. Vốn được coi là loài vật thông minh, tình cảm, trung thành và rất gần gũi với con người, nhưng người đọc vẫn vô cùng ngạc nhiên khi tiếp xúc với những chú cún trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh, từ chú cún Bêtô đến nhà hiền triết Binô hay cậu bé nghịch ngợm Laica. Nguyễn Nhật Ánh không lạm dụng biện pháp nhân hóa để biến những con vật thành những con người mà chỉ dùng câu chuyện của loài vật để nói chuyện loài người, do đó hình ảnh của những chú cún hiện lên rất chân thực, mang đầy đủ những nét đặc trưng của loài vật đáng yêu này.

     2. Từ bài học cho thiếu nhi đến bài học cho người lớn

     Không chỉ là một nhà văn được thiếu nhi yêu thích, Nguyễn Nhật Ánh còn được xem là nhà văn của mọi lứa tuổi. Điều thú vị là các truyện thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh không chỉ dành cho trẻ em mà còn là món quà quý giá dành cho người lớn, đặc biệt những ai quan tâm, yêu quý, gần gũi và gắn bó với thiếu nhi. Từ góc độ của một người cha, qua các tác phẩm của mình, Nguyễn Nhật Ánh muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh về cách nuôi dạy con cái. Tâm sự và những việc làm của cu Mùi có lẽ sẽ làm các bậc phụ huynh giật mình, không phải để cảnh giác với con cái mà để nhìn lại mình và hiểu các con hơn. Đúng là vì quá lo lắng cho con cái mà nhiều khi các ông bố, bà mẹ không tránh khỏi việc bắt trẻ con phải suy nghĩ theo kiểu của người lớn. Món mì gói đối với người lớn có thể không tốt nhưng đối với bọn trẻ lại là món khoái khẩu. Cái áo màu xanh trong mắt một người mẹ là đẹp nhưng con gái bà lại thích cái áo màu vàng hơn. Giấc ngủ trưa với người lớn là một điều quý giá nhưng đối với trẻ con lại là một cực hình (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ). Từ sự khác biệt về lứa tuổi, về kinh nghiệm sống và trình độ nhận thức dẫn đến sự lệch pha trong tư tưởng, tình cảm cũng như hành động giữa trẻ con và người lớn là một điều hiển nhiên và rõ ràng. Nhưng hình như người lớn thường quên mất điều này, hoặc tự cho mình quyền tối cao trong ứng xử với trẻ con nên đã cố tình quên đi điều đó. Bằng giọng văn hài hước, hóm hỉnh, Nguyễn Nhật Ánh đã kín đáo nhắc nhở các bậc phụ huynh về cách quan tâm đến con cái, đồng thời gợi ý cho họ những cách thức hiệu quả hơn. Thay vì dọa nạt con cái như ông K’Tul quát thằng K’Tub trong mỗi bữa ăn (Chuyện xứ Lang Biang) hay cách ba cu Mùi đối xử với cu Mùi mỗi lần bị điểm kém (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ) thì cha mẹ nên trò chuyện, cố gắng hiểu tâm lý bọn trẻ để có thể làm bạn với chúng. Trẻ con sẽ tâm sự và chia sẻ với người lớn khi chúng thật sự cảm thấy thoải mái và tin tưởng vào người đó. Có lẽ rất nhiều bậc phụ huynh hiểu rõ lý lẽ này, nhưng không phải ai cũng có thể thực hành được. Người lớn nào cũng đã từng qua thời kỳ trẻ con nhưng để hiểu trẻ con không phải là một điều dễ dàng. Muốn gần gũi với thiếu nhi và thâm nhập được vào thế giới của các em, trước hết người lớn phải học cách làm bạn với các em, phải được các em thừa nhận trong thế giới của chúng. Trẻ em hồn nhiên trong sáng nhưng cũng rất nhạy cảm, thông minh. Trái tim con trẻ thường cảm nhận rất chính xác tình cảm mà người khác dành cho chúng. Người lớn dù có khéo léo đến đâu cũng khó có thể che đậy được những giả tạo của mình khi đứng trước một đứa trẻ. Sự tinh nhạy như một bản năng ấy đã được những chú cún trong Tôi là Bêtô phát biểu như một triết lý: “Nếu giỏi ngụy trang, kẻ ác có thể nở nụ cười từ bi và thốt lên những lời ngon ngọt như vớt ra từ một hũ đường. Nhưng hắn ta vẫn không thể che giấu được cái mùi ác”. Vì vậy, để có thể hòa nhập vào thế giới của các em, không có con đường nào khác ngoài con đường của một trái tim chân thành. Sự giả tạo trong ứng xử với trẻ em không chỉ gây phản ứng ngược mà còn rất nguy hại đến nhân cách cho các em sau này. Để giáo dục thiếu nhi, có lẽ người lớn cần có một tâm hồn trẻ thơ và trí tuệ của một người từng trải.

     Bằng những câu chuyện giản dị với những chi tiết nhỏ nhặt và rất đỗi bình thường, Nguyễn Nhật Ánh muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh và người lớn rằng để giáo dục trẻ em, không chỉ cần hiểu tâm tính, đặc điểm lứa tuổi, sẻ chia, sẵn sàng làm bạn mà còn cần phải làm gương cho các em nữa. Cái cách ba mẹ Hạnh dạy con cái và đối xử với mọi người trong gia đình, ứng xử với hàng xóm láng giềng và các bạn của con, cách ba mẹ Ni đối xử với những người họ hàng trong dịp Tết, ba mẹ Quý Ròm tôn trọng sự lựa chọn riêng của người em trai, cách bố Tiểu Long dạy các con, cách dì Năm Sang đối xử với con chồng và các cháu của chồng... tất cả là những bài học rất gần gũi đối với các bậc phụ huynh.

     3. Kết luận

     Nguyễn Nhật Ánh viết truyện cho thiếu nhi để sống lại những ngày thơ ấu, sống lại khoảng thời gian một đi không trở lại của cuộc đời mình. Không chỉ riêng Nguyễn Nhật Ánh, mỗi người trong đời có lẽ cũng ít nhất một lần ao ước được trở lại tuổi thơ, để tận hưởng cảm giác chiều chuộng từ ba mẹ, anh chị em hoặc đơn giản chỉ là để được bé bỏng, hồn nhiên, trong sáng trở lại, được vô tư mà không phải lo toan với bộn bề cuộc sống. Thế nên chỉ có người lớn mới ao ước “bao giờ cho đến ngày xưa”, bởi với trẻ con, cuộc sống chỉ là những chuỗi ngày hiện tại. Chúng có thể ý thức về ngày hôm qua và ngày mai nhưng chưa hẳn cái ngày hôm qua ấy đã được gọi là quá khứ, ngày xưa cũng như thế, khái niệm hiện tại và tương lai chưa hẳn là để chỉ hôm nay và ngày mai. Với trẻ em, cái ngày xửa ngày xưa, lâu lắm rồi ấy chỉ có trong những câu chuyện cổ tích mà thôi. Chỉ có người lớn mới gọi thời gian với nhiều tâm trạng của hoài niệm, tiếc nuối hay lo lắng, băn khoăn đến vậy. Chỉ có người lớn mới gán cho thời gian nhiều màu sắc triết lý đến thế. Ao ước được trở lại tuổi thơ là mong mỏi của nhiều người. Nhưng được sống lại với thời gian ấy, được trải nghiệm một lần nữa có lẽ chỉ là khả năng của một số ít người như Nguyễn Nhật Ánh. Vì vậy, xã hội tạo dựng những không gian vật chất cho thiếu nhi bằng các công viên vui chơi giải trí, những cung văn hóa, những nhà thiếu nhi, còn các nhà văn là nơi tạo dựng cho các em một không gian tinh thần, đó là nơi các em được di dưỡng tâm hồn, được bồi đắp về nhân cách, nơi giúp các em trưởng thành hơn trong cuộc sống.

_______________

1. Võ Quảng, Nghĩ và viết cho trẻ em, Tạp chí Văn học, số 5-1993.

2. Tô Hoài, Văn học cho thiếu nhi hôm nay, Tạp chí Văn học, số 5-1993.

3. Nguyễn Nhật Ánh, Kính vạn hoa, tập 2, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2018.

Tác giả: Trần Thị Thu Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

;