Hình ảnh người phụ nữ trong tác phẩm “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”

Đại chiến thế giới thứ II đã lùi xa hơn nửa thế kỉ, đã có biết bao tác phẩm viết về sự kiện lịch sử này như: Ánh sáng vô hình (Anthony Doerr), Không số phận (Imre Kertész), Kẻ trộm sách (Markus Zusak), Những đứa con của tự do (Marc Levy)… Svetlana Alexievich - nhà văn, nhà báo Belarus đã góp thêm một tiếng nói đặc biệt về chiến tranh qua tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ. Tác phẩm đã đạt giải Nobel Văn học năm 2015, bởi lối viết phức điệu, một tượng đài tưởng niệm về sự thống khổ và lòng can đảm của con người trong chiến tranh. Hình ảnh phụ nữ Xô Viết nơi chiến trường đã được khắc họa chân thực, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

 

Ảnh nguồn internet

     Svetlana Alexievich sinh ngày 31-5-1948, là một nhà báo điều tra, một nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực. Bà là người Belarus nhưng viết văn bằng tiếng Nga. Svetlana Alexievich đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm viết về chiến tranh như: Những nhân chứng cuối cùng (1985), Quan tài kẽm (1989), Tiếng vọng từ Chernobyl (1997)… Svetlana Alexievich là nhà văn đầu tiên của Belarus vinh dự được nhận giải Nobel Văn học.

     Những trang nhật ký 1978 - 1985 của Svetlana Alexievich đã giúp chúng ta hiểu phần nào những thôi thúc để tác giả viết nên Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ. Ngay từ thời thơ ấu, bà đã được nghe những câu chuyện kể về ông ngoại bị chết trận, bà nội chết vì bệnh chấy rận trong hàng ngũ du kích. Ba người con của bà ra trận chỉ có một người trở về. Ký ức tuổi thơ là “ký ức về nỗi lo sợ của đứa trẻ ngơ ngác giữa những từ khủng khiếp và không thể nào hiểu nổi” (1). Từ ký ức tuổi thơ, lại được chứng kiến những số phận trải qua cuộc chiến, Svetlana Alexievich đã quyết định dấn thân, làm một cuộc hành trình về quá khứ. Sách về chiến tranh từ trước đến nay phần lớn do đàn ông viết, phụ nữ trong chiến tranh trở thành tù binh của những hình ảnh, cảm xúc đàn ông. Bà khao khát muốn viết nên lịch sử cuộc chiến tranh, “một lịch sử của những người phụ nữ”.

     Bằng sự ngưỡng mộ, trân trọng lịch sử, vào những năm 70 TK XX, Svetlana Alexievich đã tiến hành hàng trăm chuyến đi, đến mọi miền rộng lớn của đất nước; tiếp xúc với những phụ nữ thành phố, phụ nữ nông thôn, phụ nữ bình thường, phụ nữ tri thức, những người trong các binh chủng, nghề nghiệp khác nhau để lắng nghe tiếng nói tâm hồn họ, cùng họ vẽ lên chân dung một thời không dễ quên.

     Chiến tranh đến với phụ nữ thời ấy có phần bất ngờ, không nằm trong sự mong đợi. Tại sao chiến tranh lại có thể xảy ra khi cuộc sống đang rất thanh bình, khi cuộc đời họ còn quá trẻ. Họ mới là các cô gái 16, 17 tuổi, còn quen được gia đình chăm sóc, che chở, chưa từng xa nhà một mình, nhiều người đang sắp bước vào kỳ thi đại học… Nhưng chiến tranh lộ bộ mặt gớm ghiếc qua khói lửa, đạn bom, sự đổ nát, qua tin báo những người bố, người anh em… hy sinh nơi chiến trường, khi những người thân, người hàng xóm trở về mà một phần thân thể gửi lại nơi xa. Các cô gái dù ở thành phố hay nông thôn, đều giống nhau ở trái tim dào dạt tình yêu đất nước, ý thức sâu sắc về trách nhiệm công dân. Họ đã đến các phòng tuyển quân với khát vọng cháy bỏng được ra trận. Maria - nữ bắn tỉa kể lại: “tất cả các cô gái tuổi tôi đều có nguyện vọng ra trận”. Antonina - thợ máy, nhớ lại đến phòng tuyển quân khi chưa đầy 17 tuổi, không được nhận. Cô tuyên bố tuyệt thực. Suốt 2 ngày liền, cô nhịn ăn, nhịn uống, ngồi lì ở phòng tuyển quân mong được xét tuyển. Có những cô gái khi ra trận còn rất nhỏ, lớn lên trong bộ quân phục, sau chiến tranh cao thêm được 10 cm. Những người mẹ, vợ, em gái ở hậu phương cũng căng mình ra làm việc để chi viện cho tiền tuyến, để phục vụ quân đội. Họ động viên chồng con lên đường, chấp nhận những hy sinh, mất mát. Có những phụ nữ tuổi cao, không trực tiếp ra trận được thì hằng ngày tập hắt nước sôi ra đường, với suy nghĩ sẽ cho bọn Đức tắm nước sôi nếu chúng vào Leningrat. Ngay từ những ngày đầu cuộc chiến, các cô gái, bà mẹ đã tự nguyện gánh vác công việc non sông, không coi đó là độc quyền của nam giới.

     Như người ta vẫn nói, đàn ông sinh ra để tham gia chiến tranh, nên mọi việc nơi chiến trường đối với họ không mấy xa lạ. Nhưng với phụ nữ, họ gặp phải không ít khó khăn trong cuộc đời quân ngũ, cuộc sống nơi chiến trường. Khi viết về phụ nữ trong chiến tranh, Svetlana Alexievich không chú ý nhiều đến các sự kiện lịch sử, các hành động phi thường, các kiến thức quân sự mà bà chú ý tới cảm xúc của phụ nữ. Vì vậy, chiến tranh qua lăng kính của phái nữ có ngôn ngữ riêng, màu sắc riêng.

     Trận đầu chiến đấu, mặt đối mặt với kẻ thù, nhiều nữ chiến sĩ không tránh được những phút giây bối rối. Họ lúng túng, gượng gạo cầm súng “như bế búp bê”. Là xạ thủ bắn tỉa, Klavdia đã “run rẩy cả tay chân, nghe xương cốt trèo trẹo”, đã òa khóc khi tên Đức đầu tiên bị cô hạ gục. Người nữ cứu thương lần đầu ra trận chứng kiến sự hy sinh, sự đau đớn của đồng đội, nhìn thấy máu muốn nôn ọe, chóng mặt. Vera - lính bộ binh, nhớ lại lần đầu một mình làm nhiệm vụ canh gác cạnh một nghĩa trang, trong hai tiếng đồng hồ, tóc đã bạc trắng vì sợ hãi. Thiên chức của phụ nữ là yêu thương, nâng đỡ, ban phát sự sống. Chiến tranh đã cuốn họ vào những công việc quá sức chịu đựng.

     Là những cô gái còn rất trẻ nhưng họ sớm phải chứng kiến sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh, chịu đựng những đau thương mất mát nơi chiến trường. Những cuộc đụng độ quyết liệt giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức diễn ra thường xuyên. Bọn Đức bắn cứ như “một trận sấm rền” khiến Nina - xạ thủ công binh “kinh hãi vì tiếng nổ, lửa, tiếng ầm ấy”, đến nỗi vập mặt xuống vũng nước, mất chiếc mũ nồi. Đạn bom đã tàn sát, thiêu rụi những làng mạc, thành phố, triệt hạ sự sống không chỉ của con người mà cả chim muông, đất đai, “thành phố Smolenks đang cháy, cả bầu trời ngập tràn màu bầm tía”. Mọi thứ đều cháy, trên sông Vonga “nước cũng bốc lửa”. Ở Stalingrad “không một tấc đất nào không thấm máu Nga và Đức” (2). Cuộc chiến dữ dội đã cướp đi bao sinh mạng của những chàng trai trẻ. Những nữ cứu thương, y tá, bác sĩ… đau đớn khi chứng kiến nhiều người chết trước mắt mình mà không thể giúp họ, dù chỉ sống thêm một lúc nữa. Tamara - hạ sĩ cận vệ, cáng thương, kể lại “chẳng bao lâu, chúng tôi phải lội trong máu. Chúng tôi có một số lượng thương binh khổng lồ… ” (3). Tâm hồn họ đau đớn, nhức buốt khi 300 người tham gia trận đánh, đến buổi chiều “chúng tôi chỉ còn 10 người”. Người phụ trách nấu ăn xót xa, quặn đau khi nồi cháo tấm nóng bỏng không có người thưởng thức, vì “trong số 100 người ra trận chỉ có 7 người trở về” (4). Nhiều nữ chiến sĩ mang thương tật suốt đời dù tuổi còn rất trẻ. Có những cô gái mới 19, 20 tuổi nhưng tóc đã bạc như bà già, hai lá phổi bị đạn bắn xuyên, hai chân bị liệt. Có những cô gái 24 tuổi đã hỏng toàn bộ hệ thần kinh thực vật… Sự tàn khốc của chiến tranh khiến nhiều chị em bị chấn động, tự nhiên mất khả năng ngôn ngữ, mất kinh nguyệt. Cơ thể ngủ lịm đi, không có ham muốn tình dục. Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng những ám ảnh, dư chấn của chiến tranh còn hằn in trong cuộc sống của các nữ cựu chiến binh. Màu đỏ luôn gợi cho họ nhớ tới máu, tới lửa. Tiếng nổ luôn làm họ hoảng loạn, bỏ chạy, la hét trong đêm. Bằng những lời kể chân thực, những dòng ký ức nối ký ức, Svetlana Alexievich đã đưa ra một thông điệp: chiến tranh là một thử thách khốc liệt đối với con người, đặc biệt đối với phụ nữ, khiến họ không muốn nhớ lại. Nếu phải nhớ lại là những suối nước mắt, là trái tim bị quặn đau, thổn thức.

     Không chỉ chịu thiếu thốn về vật chất, tổn thương về tinh thần, đau đớn về thể xác, người nữ chiến sĩ còn phải vươn lên đấu tranh với thói gia trưởng, sự bất bình đẳng giới còn tồn tại đâu đó trong đời sống. Người ta lo ngại các cô gái sẽ làm được gì nơi chiến trường. Đại tá Borotkine nổi giận khi thấy “họ đã ấn lên lưng tôi những cô gái”, “cái đoàn ba lê này”. Nhiều nam giới không chấp nhận bị phụ nữ chỉ huy. Họ cười nhạo, nhún vai, trề môi, nhổ toẹt nước bọt… khi tiếp nhận một nữ đội trưởng công binh. Thậm chí có những vị tướng quân đã trố mắt, lúng túng, bất bình, không dám tin đội trưởng công binh phá mìn là một cô gái.

     Vượt lên những định kiến về giới, các cô gái đã từng bước, từng bước khẳng định vị thế của mình bằng chính phẩm hạnh, việc làm không kém gì nam giới, thậm chí họ làm nhiều hơn nam giới. Chính những phụ nữ, phái yếu đã nuôi dưỡng, thổi bùng lên sức mạnh của đám mày râu. Albina, trung sĩ, trinh sát nhớ lại: trận đánh bắt đầu, mệnh lệnh “Tiến lên!” được ban ra, nhưng họ không nhúc nhích. “Tôi gỡ chiến mũ của tôi ra để cho mọi người thấy rõ là một cô gái, lao lên phía trước” (5). Và sau đó, mọi người liền đứng lên xung phong. Giữa chiến tuyến ác liệt, Maria đã cất cao tiếng hát khiến tiếng súng hai phía lặng im để các nữ cáng thương kịp đưa chiến sĩ trúng đạn về phía sau. Những người chỉ huy, những người lính đã thay đổi thái độ, trân trọng, tin tưởng gọi họ là “những cô gái dũng cảm”, “những cô gái không bình thường”, “những người đồng chí”.

     Phụ nữ Xô Viết trong đại chiến thế giới thứ II đã phục vụ trong nhiều binh chủng khác nhau. Họ có thể là xạ thủ bắn tỉa, kỵ binh, nữ phi công, lái xe, thợ máy chiến xạ hạng nặng, chiến sĩ súng máy; họ có thể là nữ cáng thương, y tá, bác sĩ, nữ nấu bếp, giặt giũ, đưa thư… Nhưng dù ở cương vị, công việc nào, họ luôn vượt qua mọi khó khăn, tận tâm, tận lực với công việc, góp phần không nhỏ để làm nên chiến thắng.

     Những người nữ phi công tham gia chiến đấu bằng những chiếc máy bay trang bị còn rất sơ sài, bay ở những độ cao vô cùng thách thức với cơ thể nữ “Đôi lúc có cảm giác bụng dính chặt vào cột sống” (6). Nhưng các cô gái đó vẫn bay và bắn hạ những tay cự phách. Những cô gái cứu thương sẵn sàng vọt ra khỏi chiến hào giữa hai làn đạn, hoặc men theo những xe tăng đang bốc cháy để băng bó và đưa thương binh về. Với dáng người nhỏ bé, mảnh khảnh nhưng những cô gái vẫn liên tục mang vác trên mình những người lính bị thương và vũ khí của họ, nặng hơn rất nhiều so với sức lực của một cô gái. Mỗi trận chiến, họ bò ra đến bảy, tám lần để cứu thương binh và đa phần đều bị thương. Những cô gái đã bảo vệ chiến hạm bằng cách tạo ra một màn khói mà thực chất là “kéo đạn về phía mình”. Những nữ y tá, nữ bác sĩ ngày đêm bên bàn mổ “Chúng tôi mổ suốt ngày đêm, suốt 24 giờ”. Một nữ bác sĩ khác tâm sự: chúng tôi đứng mổ liên tục khiến chân phù nề không đi ủng được, mắt khô thật khó khép mí. Họ chạy đua với thời gian để giành lại sự sống cho những người lính. Sau chiến tranh, người ta đã thống kê những tổn thất trong lực lượng y tế tham chiến chiếm vị trí thứ hai sau tổn thất của các tiểu đoàn xung kích. Hỗ trợ cho mặt trận là những người ở tuyến sau với những công việc bình dị nhưng không kém phần vĩ đại. Những người thợ làm bánh mì phải khuân những bao bột nặng tới 60kg, ngày đêm đứng trước lò làm việc. Xenia ở bộ phận phân phối thức ăn, làm việc liên tục suốt 24 giờ. Bị thương ở chân, cô vẫn nhảy lò cò để tiếp tục làm việc. Những cô gái thợ giặt phải giặt hàng núi quần áo thủng, rách, đầy rận, bê bết đất và máu “Ta giặt bằng nước mắt, giũ bằng nước mắt” (7). Đến bây giờ nhớ lại, Maria - thợ giặt vẫn thấy “đau bàn tay và cánh tay”. Nhiều cô gái thợ giặt mắc bệnh hen suyễn, rụng móng, lở loét bàn tay vì ngâm lâu trong nước giặt.

     Thậm chí có những người mẹ phải đem con mình để cùng tham gia công tác. Maria, liên lạc viên du kích, đã mang đứa con 3 tháng tuổi trong mỗi chuyến công tác. Nhờ đó, chị đã vượt qua nhiều đồn bốt của kẻ thù mang về “thuốc men, bông băng, huyết thanh…” cứu những người thương binh trong rừng. “Tôi đau nhói trong tim”, “òa khóc”, “thét lên”, “đau đớn” cho con sau mỗi chuyến đi. Nhưng một, hai ngày sau lại đi công tác. Có những người mẹ để bảo toàn tính mạng cho 30 đồng chí, cho đơn vị chiến đấu, khi bọn SS đang vây quanh, đã lặng lẽ “nhận đứa bé địu từ trên người xuống nước và giữ hồi lâu”. Những câu chuyện mà nghe đến khiến tim ta lịm đi, tâm hồn ta bỗng lặng im, chăm chú. Có những nữ chiến sĩ bị bọn phát xít bắt “lột trần truồng”, tra tấn dã man vẫn không khai nửa lời. Bằng những từ ngữ chỉ cảm xúc, chỉ cảm giác của cơ thể, các cựu chiến binh nữ đã miêu tả rõ nét hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Từ những cô gái vô tư, trong sáng, họ đã thực sự trở thành những người lính anh dũng, quả cảm, can trường.

     Giữa những làn đạn pháo xé nát bầu trời, người nữ chiến sĩ không lo cho tính mạng bản thân, chỉ nghĩ làm sao báo cho đàn chim biết để không qua lại nơi đây. Giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, bãi chiến trường đầy xác người, những người lính vẫn nhắc nhau quan tâm đến chú dê nhỏ. Họ nâng niu một mầm cây mới lớn, dù ngày mai mình có thể vĩnh viễn ra đi. Họ xao xuyến trước vẻ đẹp trong sáng của thiên nhiên. Cô gái đã hái bông hoa tím cài lên lưỡi lê với bao thích thú, đắm say: “Tôi hái chùm hoa tím đó và tôi cắm lên lưỡi lê của tôi” (8). Không chịu rời vị trí canh gác, muốn đứng đến sáng để nghe tiếng chim hót. Trong ký ức của Lioubov, binh nhì, trinh sát, rừng Orcha mãi bừng sáng bởi những bụi anh đào, những đóa hoa xuyên tuyết xanh. Bức tranh thiên nhiên với hương sắc, âm thanh đối lập hoàn toàn với cảnh chiến trường khói súng, chết chóc. Đấy là những cảm nhận hết sức tinh tế, biểu hiện của những tâm hồn phong phú, đa cảm.

     Tình yêu nơi chiến trường không được nói nhiều trong Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ nhưng những câu chuyện tình được nhớ lại, vẫn có vẻ đẹp riêng lấp lánh, huyền diệu, phản chiếu tâm hồn thủy chung, mãnh liệt, giàu đức hy sinh của phụ nữ Xô Viết. Tonia đã lấy thân mình che chở cho người yêu là trung úy Petia khi mìn nổ. Efrossinia - đại úy, bác sĩ đã cùng chồng ra mặt trận vì không muốn xa nhau. Khi đội của chồng đi trinh sát, “Hai ngày ấy tôi không chợp mắt”. Efrossinia đã cùng chồng qua nhiều mặt trận. Khi qua Đông Phổ, gần ngày chiến thắng “Anh ấy chết vì dính mảnh pháo… Một cái chết tức thì… Chỉ một giây”. Efrossinia đã ôm siết lấy chồng, không cho người ta mang đi. “Sống không có anh ấy thì để làm gì”. Cô thiết tha được đưa anh về quê, dù cách đây ba nghìn cây số. Mong có được một nấm mồ của anh ấy. “Và một nơi để trở về sau chiến tranh” (9). Những tình cảm, suy nghĩ, hành động của các cô gái là những bài ca bất tử về tình yêu, mạnh hơn cái chết, lớn hơn chiến tranh.

     Trong chiến tranh, người nữ chiến sĩ luôn phải tự trải qua cuộc đấu tranh với chính mình để giữ tính “người”. Không ít lần họ phải đối mặt giữa cái cao cả và cái thấp hèn, giữa nhân tính và phi nhân tính, giữa chung và riêng… Nhưng nhờ ánh sáng của thiên chức nữ, sự thấm nhuần lý tưởng, họ đã nỗ lực vươn lên, tin tưởng ở ngày chiến thắng. Cô gái bắn tỉa đã vô cùng day dứt khi phải bắn một chú ngựa non để nấu súp cho đơn vị. Dù đã ba ngày không có gì để ăn, phải đi bộ 30km/ngày, mang toàn bộ quân trang, quân dụng, nhưng các cô gái vẫn không động đến món súp. Nhiều lần những người lính Xô Viết đã cứu giúp lính Đức chia sẻ sự sống cho chúng. Mùa đông giá rét, chim chết ngay giữa trời khi đang bay. Những tên tù binh Đức mặc quá sơ sài, rét cóng, người tái xanh: “Tôi đã nhặt một cái bánh, bẻ làm đôi và cho hắn phần nửa” (10). Họ sẵn sàng múc những bát cháo tấm, vốn có ít ỏi, cho lính Đức như chẳng có chuyện gì vừa xảy ra.

     Sẻ chia miếng ăn, sẻ chia sự sống cho những người lính khác chiến tuyến cho thấy vẻ đẹp của lòng trắc ẩn, của tình người sâu nặng. Những lính Đức bị thương đã được các nữ y tá, nữ bác sĩ quan tâm, đối xử, giúp đỡ như những con người, không còn là những kẻ thù “tôi kéo anh thương binh của ta” và “bò lại nhặt hắn”, “tôi tiếp tục kéo cả hai, cứu sống họ”. Những chi tiết chân thật đó tỏa sáng vẻ đẹp cao thượng, nhân hậu của những người lính Xô Viết. Các cô gái trong chiến tranh là những người lính trẻ can trường, dũng cảm, thiết tha yêu cái đẹp, yêu cuộc sống bình yên. Sau chiến tranh, họ phải làm quen lại với cuộc sống đời thường. Họ gặp không ít khó khăn nhưng vẫn ngời sáng phẩm chất ngay thẳng, giàu yêu thương, khiêm nhường của người lính.

     Bằng phương pháp nghiên cứu sâu, phỏng vấn kỹ, thực hiện hơn 500 cuộc trò chuyện, lưu giữ hàng trăm băng cát sét, hàng ngàn mét từ, thư tín cá nhân, sắp xếp các sự kiện thành 17 chương, Svetlana Alexievich đã tái hiện sinh động, cụ thể hành trình khám phá chiến tranh qua hồi ức của những nữ cựu chiến binh. Đó có thể là cuộc gặp gỡ riêng giữa tác giả và người kể, có thể là cuộc gặp gỡ tại gia đình các cựu chiến binh hay trong các cuộc họp mặt đồng đội, ngày kỷ niệm chiến thắng. Sự gần gũi, chân tình, biết nâng niu, trân trọng quá khứ, biết lắng nghe và thấu hiểu tâm hồn đã giúp bà có khả năng làm sống dậy cả một thời thiếu nữ trong mỗi phụ nữ Xô Viết bà gặp. Hình ảnh phụ nữ Xô Viết trong chiến tranh trung thực, dũng cảm, giàu lòng nhân ái, giàu đức hy sinh, khát khao sự sống, trân trọng cái đẹp… sống mãi trong giọng kể, qua những ký ức đau thương nhưng vô cùng vĩ đại. Tác phẩm đã góp thêm một tiếng nói phản đối chiến tranh mạnh mẽ và thống thiết.

____________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Svetlana Alexievich, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Nguyễn Ngọc dịch, Nxb Hà Nội, 2015, Hà Nội, tr.17, 452, 350, 22, 83, 101, 241, 97, 329, 115.

 

Tác giả: Nguyễn Liên Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

;