Tóm tắt: Bài viết dưới đây nêu một số đặc điểm sáng tạo của các đạo diễn trẻ của điện ảnh Việt Nam (trong đó có những tài năng trẻ tham gia hoạt động, cống hiến trong lĩnh vực điện ảnh) và 12 gợi mở (có thể xem như những giải pháp), đối với các nhà làm phim trẻ, trong bối cảnh hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa về điện ảnh. Đây là tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.
Từ khóa: nhà làm phim trẻ, tài năng trẻ, sáng tạo.
Abstract: This article highlights some of the creative characteristics of young Vietnamese filmmakers (including young talents involved in and contributing to the film industry) and 12 suggestions (which can be considered as solutions) for young filmmakers in the context of completing the Cultural Development Strategy targets by 2030, international integration, and film globalization. The article was presented at the Conference “Young talent - A creative resource for cultural and artistic development” organized by the Culture and Arts Magazine in November 2024.
Keywords: young filmmakers, young talents, creativity.
Đoàn làm phim "Mưa trên cánh bướm" - Nguồn ảnh: internet
1. Các đạo diễn trẻ và một số đặc điểm sáng tạo
Dám nghĩ, dám làm, đam mê, khát vọng thể hiện bản thân
Nhiều đạo diễn thể hiện sự dám nghĩ, dám làm, như trong khai thác thể loại phim, như Lê Thanh Sơn với Móng vuốt, 2024 (đánh dấu sự trở lại sau những tác phẩm từng ăn khách như Bẫy rồng, 2009; Em chưa 18, 2017) và cũng là bộ phim đầu tiên ở Việt Nam khai thác thể loại sinh tồn (qua chuyến cắm trại ở rừng sâu của một nhóm bạn thân 7 người với sự đối mặt với con gấu dữ, bị cô lập với thế giới bên ngoài và phải tìm cách sinh tồn) dù nội dung phim có thể còn xa lạ, thiếu gần gũi, không đủ sức thuyết phục người xem ra rạp hoặc chưa đáp ứng được thị hiếu công chúng.
Có đạo diễn (như Trấn Thành với Bố già, 2021; Nhà bà Nữ, 2023; Mai, 2024) cho thấy một cách làm phim có nhiều tìm tòi trong nghệ thuật, thủ pháp làm phim và hướng đến khán giả qua sự am hiểu thị hiếu, sự chịu khó làm sản phẩm kết nối tốt với khán giả; cho thấy sự sáng tạo đạt hiệu ứng tốt về doanh thu và chất lượng nghệ thuật.
Nhiều phim thể hiện các nhân vật phù hợp với cách nghĩ, cách cảm, cách ứng xử của người Việt. Nhiều phim khác cho thấy sự nỗ lực phấn đấu để phim truyện cũng có những bộ phim hành động, bom tấn ít nhiều đuổi kịp với phim Hollywood như một cái đích khả thi có thể hướng tới trong những năm tới đây.
Có ý thức chủ thể trong chọn lựa, phản ánh đề tài
Trong việc thể hiện các đề tài lịch sử, dù không phải là chủ nhân của giai đoạn lịch sử đó hoặc là người viết lịch sử mới nhưng có ý thức đối với lịch sử; ý thức chủ thể trong một số đạo diễn đã thôi thúc họ đặt mình vào vị trí trung tâm của chủ thể lịch sử để giả tưởng (Đinh Tuấn Vũ với các bộ phim như Cuộc đời của Yến, 2015; Truyền thuyết về Quán Tiên, 2019... và một số đạo diễn khác).
Nhiều phim cho thấy việc nói đúng suy nghĩ, với thế giới quan trẻ trung, tươi mới trong cách nhìn nhận cuộc sống, phản ánh hiện thực. Chẳng hạn Ròm (Trần Thanh Huy, 2013) là bộ phim hiếm hoi về đề tài giải phóng mặt bằng, với chủ đề được coi là gai góc không chỉ trong điện ảnh mà còn trong xã hội. Câu chuyện vừa là diễn biến ngầm ẩn xuyên suốt bộ phim vừa là vấn đề thời sự nhức nhối, đau đớn, chứa đựng những mâu thuẫn cốt lõi của xã hội đương thời nhưng không mang tính minh họa, tô hồng, ước lệ khi phản ảnh hiện thực mà thẳng thắn và tỉnh táo khi phản ánh hiện thực trạng xã hội xung quanh mình.
Có nữ đạo diễn khéo léo khám phá các chủ đề về hôn nhân, mối quan hệ mẹ con và những rào cản giao tiếp phức tạp với sự tinh tế và hài hước (Dương Diệu Linh với Mưa trên cánh bướm, 2024).
Thể hiện ngôn ngữ điện ảnh, kết hợp các kỹ thuật làm phim
Một số phim mang tính dân tộc không chỉ là những tác phẩm thể hiện đề tài văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn phải thể hiện được tư duy của những người làm phim mong muốn tạo ra sự khác biệt cho phim Việt Nam với phim của các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều phim cho thấy sự mới mẻ của những nhà làm phim trẻ trong tư duy sáng tạo, việc nỗ lực thử nghiệm hướng đi mới cùng với sự cố gắng tạo đột phá trong thủ pháp làm phim, trong dàn dựng của đạo diễn, trong dựng phim (Ròm cũng là một ví dụ sinh động về sự đột phá trong dựng phim tiết tấu) …
Sự sáng tạo và thể hiện phong cách riêng hay liên tục cho ra mắt phim mới
Nhiều đạo diễn bước đầu xác định hướng đi, tìm tòi mới trong chuyển thể và phim nghệ thuật. Điều đó có thể thấy trong nhiều phim độc lập, với nhiều sự thể nghiệm, như Bên trong vỏ kén vàng (Phạm Thiên Ân, 2023) cho thấy các thủ pháp, phong cách của điện ảnh chậm. Cu li không bao giờ khóc (Phạm Ngọc Lân, 2024) tập trung vào một cách kể chuyện mới và phản ánh hiện thực với rung cảm riêng, khi khán giả được đưa vào một không gian mơ hồ giữa quá khứ và hiện tại, nhìn tận mắt văn hóa Việt Nam qua nhiều lăng kính. Tác phẩm của họ với sự ghi nhận quốc tế và trong nước đã góp phần vào việc tạo động lực, truyền cảm hứng cho các nhà làm phim trẻ khác.
Trong nhiều phim của các nhà làm phim trẻ, cho thấy nghệ thuật điện ảnh luôn tự khám phá dần; trong đó, những điều mỹ học mới tạo ra thường đi đôi với kỹ thuật làm phim. Mỗi đạo diễn thường đều có màu sắc, cái tạng và tiếng nói riêng, có thể làm giàu có cho kỹ thuật điện ảnh trong khi cũng thể hiện phong cách riêng bởi phim truyện được hình dung như một thể liên tục (continuously) hàm chứa sự đổi mới không ngừng của các phong cách sáng tạo gắn liền với tư tưởng của nhà làm phim thông qua tác phẩm của họ.
Có đạo diễn liên tục cho ra mắt tác phẩm mới (Trần Hữu Tấn với các phim Bắc Kim Thang, 2019; Rừng thế mạng, 2021; Chuyện ma gần nhà, 2022; Kẻ ăn hồn, 2023, cũng là một trong những phim kinh dị ăn khách của năm). Tuy nhiên, ngoài công tác dàn dựng chưa đắc địa so với kịch bản, trong phần kết phim Cám (2024), khi Tấm bị Bạch Lão (phản diện của phim), nhập vào thân xác, nhân vật này có màn tắm với cảnh nude trong ao sen giữa hoàng cung, để lộ phần thân trên; đạo diễn có thể cắt bỏ cảnh này mà không làm ảnh hưởng nội dung phim.
Chủ nghĩa nữ quyền, sự pha trộn, đan xen thể loại của một số nữ đạo diễn trẻ
Có đạo diễn kiên trì theo đuổi, bám sát và phản ánh sự thật, hiện thực các số phận trong những cảnh quay sống động, đầy cảm xúc khi thể hiện hiện thực cuộc sống của đoàn hội chợ (Nguyễn Thị Thắm trong Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, 2014). Theo cách làm đó, có đạo diễn cho thấy sự đan xen của phim truyện điện ảnh và phim tài liệu, với sự ảnh hưởng, tác động, làm phong phú, giàu có lẫn nhau về phương diện ngôn ngữ loại hình (Hà Thúy Diễm với Những đứa trẻ trong sương, 2021); sự xen lẫn vào nhau khi cùng sử dụng ngôn ngữ loại hình chung nhưng áp dụng sự khác biệt ngôn ngữ của loại phim để thể hiện tác phẩm, nhằm đạt được mục tiêu và hướng đến người xem. Đó là chưa kể các đạo diễn như Hoàng Hà Lê, Nguyễn Li La… với các bộ phim tài liệu giàu tính thể nghiệm.
Đều thuộc các bộ phim điện ảnh độc lập, có nhà làm phim trẻ khác lại khai thác thể loại tâm lý hài - kỳ ảo - kinh dị với sự pha trộn độc đáo giữa chủ nghĩa nữ quyền, văn hóa dân gian và tâm linh - mê tín; sử dụng yếu tố tâm linh trong phim một cách tiết chế, không quá chú trọng vào những pha hù dọa thường thấy trong phim kinh dị (Dương Diệu Linh qua Mưa trên cánh bướm, 2024).
Phim truyền hình dài tập với phong cách trẻ trung
Gần đây, có thể kể bộ phim truyền hình dài tập về nghề lính cứu hỏa, tôn vinh những người lính cứu hỏa cứu hộ, cứu nạn - một trong những công việc được coi là nguy hiểm nhất thế giới (Đi về phía lửa, Trần Thanh Huy, 2024).
Không chỉ tập trung phản ánh tâm tư, tình cảm, khát vọng, sự lập thân lập nghiệp của lớp trẻ hôm nay (Gặp em ngày nắng, Nguyễn Đức Hiếu, 2023), Đi giữa trời rực rỡ (Đỗ Thanh Sơn, 2024) còn mô tả khá chân thực cuộc sống của giới trẻ người dân tộc thiểu số (khắc họa cuộc sống của Pu, cô gái 18 tuổi người Dao đỏ đứng trước ngã rẽ định mệnh khi cầm trên tay 2 tờ giấy báo đỗ Đại học Y và báo nợ của gia đình và phải lựa chọn rời quê hương để theo đuổi lý tưởng thanh xuân hoặc làm tròn chữ hiếu mà chịu gả cho Chải - thiếu gia giàu có nhất bản).
Nhiều nhà làm phim trẻ thể hiện sự tìm tòi, thể nghiệm khi làm phim truyền hình dài tập (Đinh Tuấn Vũ với Nhà mình lạ lắm, 2023), một cốt truyện lạ trong chủ đề cũ, cho thấy sự gần gũi, dễ chạm tới cảm xúc và phù hợp với người xem ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đó là chưa kể các đạo diễn Trần Hoài Sơn, Bùi Tiến Huy, Bùi Đức Việt… với nhiều phim truyền hình dài tập khác, đã thể hiện được phong cách trẻ trung, cách nghĩ, cách cảm, sự dàn dựng, kỹ thuật làm phim (gắn kết ngôn ngữ điện ảnh - truyền hình) ít nhiều có sự táo bạo, đột phá, đạt hiệu quả trên nhiều phương diện.
Phim đầu tay ấn tượng cho cơ sở để kỳ vọng
Tương tự các đạo diễn Phạm Thiên Ân (một đại biểu trẻ xuất sắc của phong cách điện ảnh chậm), Phạm Ngọc Lân, Dương Diệu Linh (trong việc tạo ra những hình ảnh ấn tượng khó phai ngay từ bộ phim đầu tay dù đã có vài phim ngắn trước đó), Vũ Thành Vinh (Hai Muối, giải Cánh Diều Vàng 2024 cho phim đầu tay xuất sắc) cho thấy một tín hiệu tốt trong kết hợp, thay đổi đề tài và nhiều yếu tố mới mẻ trong kỹ thuật làm phim giúp thành công của phim truyện, cho thấy có cơ sở để kỳ vọng…
2. Một số đặc điểm chung
Các nhà làm phim trẻ ít nhiều kế tục các phim của nhiều nhà làm phim tiền bối, gạo cội, khi nỗ lực phản ánh chân thực những vấn đề, tư tưởng chủ đạo của con người, đất nước Việt Nam làm liên tưởng các vấn đề mang tính nhân loại. Một số nhà làm phim trẻ qua đề tài lịch sử gợi mở việc thể hiện cách làm mới về đề tài truyền thống, chiến tranh cách mạng.
Các nhà làm phim trẻ cho thấy sự kế tục xứng đáng nhất định thông qua sự tiếp tục các khuynh hướng sáng tác với các dòng tư tưởng chủ đạo và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa của các thế hệ làm phim trước đây.
Nhiều đạo diễn trẻ được đào tạo chuyên nghiệp lại nhận được sự khuyến khích sáng tác mới nên thường xuyên có sự tìm tòi thủ pháp nghệ thuật mới, khi mỗi bộ phim đều nỗ lực tìm tòi, cách thể nghiệm mới, khi sáng tạo nên các bộ phim nhằm đạt chất lượng nghệ thuật và doanh thu phòng vé.
Trong sự tương quan quan niệm thẩm mỹ giữa các thế hệ, các nhà làm phim trẻ cho thấy những sự khác biệt chính: bối cảnh thời đại khác nhau tạo nên chủ đề phim khác nhau; bối cảnh và tri thức lý luận điện ảnh khác nhau tạo nên đề tài phim khác nhau; trải nghiệm cuộc sống và nghệ thuật khác nhau tạo nên phong cách phim khác nhau; tiếp cận liên văn bản (chuyển thể tác phẩm văn học) khác nhau tạo nên nội hàm phim khác nhau; quan niệm sống khác nhau tạo nên hình tượng nghệ thuật điện ảnh khác nhau…
Các nhà làm phim trẻ ít nhiều tạo dấu ấn sáng tạo qua việc phản ánh hiện thực, khai thác đề tài, áp dụng thể loại qua các giai đoạn; gắn tính dân tộc với tính quốc tế; kết hợp các yếu tố của phim nghệ thuật và giải trí; pha trộn, hài hòa các phong cách… như những thủ pháp mang tính lựa chọn cá nhân.
Nhiều nhà làm phim trẻ cho thấy việc tự làm mới khi kể những câu chuyện của lớp trẻ người Việt, cho thấy phim truyện có thể chứng tỏ được giá trị của mình với dòng phim nghệ thuật chứ không chỉ thiên về giải trí. Thông qua nhiều tác phẩm với việc làm mới ngôn ngữ điện ảnh, họ đã và đang góp phần làm giàu có sự thể hiện các giá trị nội dung và nghệ thuật của điện ảnh nước nhà.
Qua các tài năng, tiềm năng trong nhiều nhà làm phim trẻ cho thấy sự kỳ vọng về một thế hệ làm phim mới. Với sự ghi nhận tại một số liên hoan phim quốc tế, khiến một số nhà làm phim trẻ trở thành những nghệ sĩ đầy hứa hẹn giữa giai đoạn bùng nổ của điện ảnh Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, chưa thể định danh hệ thống các tác phẩm của nhà làm phim trẻ với một hệ tư tưởng mới trong sáng tạo cũng như chưa thể gọi họ là một thế hệ mới trong điện ảnh dân tộc. Điều này khiến chưa thể đúc kết sáng tạo của họ như một trào lưu, làn sóng mới (new wave) hoặc để so sánh điện ảnh mang tính thế hệ với các thế hệ trước.
Một số nhà làm phim trẻ cho thấy sự chủ quan, sau một số thành công bước đầu có thể rơi vào sự ngộ nhận; cho thấy sự tự phát hoặc thiếu sự gắn kết; hoặc sự hợp tác chưa thật hiệu quả trong sáng tạo.
3. 12 gợi mở mang tính giải pháp
Từ phía cơ chế, chính sách, quản lý
Cần những cơ chế, chính sách mang tính chiến lược từ các nhà hoạch định và sự triển khai thực hiện cơ chế, chính sách ấy cho sự phát triển, hỗ trợ nhiều nhất có thể các tài năng trẻ điện ảnh.
Điều đó tạo điều kiện cho sự xuất hiện và duy trì của một lực lượng trẻ như một trào lưu, làn sóng mới, mang tính tập thể để mang lại một làn sóng mang tính xung kích to lớn cho điện ảnh nội địa, bởi nhiều nhà làm phim trẻ ít nhiều mang còn mang tính cục bộ, bộ phận nhỏ lẻ.
Tạo môi trường mà ở đó người nghệ sĩ trẻ được sáng tạo tối đa.
Đó là gợi mở về cơ chế, chính sách cho tài năng trẻ (cơ chế thu hút, phương pháp đào tạo… để người trẻ tham gia sáng tạo nghệ thuật điện ảnh); kết hợp đào tạo của Nhà nước với khả năng tự học, tự trau dồi nghề nghiệp của nhà làm phim trẻ; cần có những tài năng được cộng hưởng bởi lòng tự hào dân tộc, tự hào quốc gia và được đầu tư kinh phí thích đáng; nhà làm phim cần mạnh dạn lựa chọn đưa ra những đề tài thể hiện tiếng nói của giới trẻ đương đại.
Đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực điện ảnh.
Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, phải đảm bảo đồng bộ các yếu tố (mục tiêu, chương trình, giáo trình, nội dung, phương pháp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, các trường đại học phải có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và đồng bộ về cơ cấu), nhất là khắc phục sự hạn chế trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ (chưa rõ nét và chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức; chưa xây dựng được quy trình, mô hình đào tạo phù hợp, thật sự có hiệu quả; chưa có phương thức tích cực và chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp, chính sách, cơ chế quản lý thích hợp và đồng bộ cho đào tạo, bồi dưỡng tài năng…). Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho nhiều nhà làm phim trẻ đi đào tạo ở nước ngoài một cách căn cơ, hiệu quả.
Ổn định, hài hòa các dòng tư tưởng chủ đạo và tạo giá trị căn cốt
Việc nâng cao chất lượng và để các dòng phim truyền thống - cách mạng, nghệ thuật và giải trí cùng phát triển hài hòa là nhu cầu cần thiết và tự thân, nhất là đối với các tài năng trẻ. Hơn nữa, cần tạo nên sức mạnh bên trong của tác phẩm gắn liền với quan hệ tích cực và có mục đích nhất định của các nhà làm phim trẻ đối với cuộc sống, được miêu tả có tính chất công dân và quan hệ thẩm mỹ.
Quan tâm đúng mức tới các chức năng của phim truyện, trong đó có giải trí
Nếu xét các tiêu chí tính giải trí của một phim truyện (thành công trong việc giữ chân khán giả; dẫn dắt và khơi gợi được cảm xúc của họ; khiến khán giả phấn khích; đem đến cho họ sự trải nghiệm thú vị ở các giác quan và kích thích hệ thần kinh của họ; có tác dụng gây được hứng thú hoặc cảm xúc tốt đẹp, dễ chịu…) thì giải trí cùng các chức năng, giá trị khác không chỉ dừng ở sự hợp nhất giữa các phần với nhau mà chính các chức năng, giá trị đó đã phối hợp để tạo nên một thực thể mới mẻ có giá trị lớn hơn phép cộng cơ học các phần cấu thành nên tổng thể tác phẩm điện ảnh.
Đầu tư cho phim của các nhà làm phim trẻ, phù hợp với cơ chế thị trường, công nghiệp điện ảnh và hiện thực hóa việc ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Bên cạnh việc tìm kiếm các dự án được đầu tư đối với các nhà làm phim trẻ, cần kèm theo các chế tài và luật định từ chính sách cụ thể của nhà nước, để phát triển hài hòa các dòng phim khác nhau; đồng thời hiện thực hóa việc ra đời và tác dụng tích cực đối với việc làm phim của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Từ phía các nhà làm phim trẻ
Thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong phim
Một trong những điều quan trọng chính là yêu cầu, tiêu chí khai thác thế mạnh của văn hóa dân tộc, bởi các nền điện ảnh nước ngoài chỉ đón nhận và đánh giá cao những tác phẩm điện ảnh mà qua đó họ hiểu biết sâu sắc về đất nước ta, nhân dân ta, về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời, với việc khai thác giá trị tốt đẹp, thú vị của các chất liệu mang yếu tố văn hóa bản địa.
Tiếp tục đổi mới, tạo nên nhiều cái mới và tích cực tiếp cận, tìm kiếm các cơ hội, dự án được đầu tư làm phim
Các nhà làm phim trẻ cần góp phần tạo nên “5 mới” (diện mạo mới, luồng sinh khí mới, sức sống mới, nguồn lực nhân lực - tài chính - sáng tạo mới, chất lượng sáng tạo nghệ thuật mới) cho điện ảnh dân tộc.
Sáng tác tạo cái mới gắn liền với trình độ phát triển tư tưởng
Trong góc độ sáng tạo và tiếp nhận, ở đây là vấn đề trình độ phát triển điện ảnh thường gắn liền với trình độ phát triển tư tưởng. Để làm được điều đó, cần nỗ lực sáng tạo để tạo hệ giá trị (tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, công nghệ, thương mại, giải trí, thẩm mỹ…) cho điện ảnh dân tộc, cũng như các vấn đề kỹ thuật làm phim chính, phong cách và hình thức phim; ảnh hưởng và góp phần tích cực tạo xnên giá trị, bản sắc của điện ảnh quốc gia và dân tộc.
Làm phong phú các phong cách tác giả qua phim đầu tay, phim thể nghiệm
Với phong cách đạo diễn ngày càng đa dạng, tạo dấu ấn, rõ nét, phim truyện cũng vì thế đang đặt ra cho mình những kiến giải riêng về lịch sử, về xã hội, về con người qua biểu hiện đặc trưng, sự khác biệt trong tính tư tưởng tác phẩm, trong áp dụng các thủ pháp nghệ thuật, trong sự thống nhất về đề tài và cách kể chuyện, trong những lựa chọn mang tính cá nhân hay cá tính sáng tạo.
Tham khảo phương pháp làm phim tiên tiến, hiện đại, nhất là phim truyện Mỹ
Tham khảo 3 tiêu chuẩn nền điện ảnh có ảnh hưởng toàn cầu được Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ đưa ra để khẳng định một nền điện ảnh chuyên nghiệp (có biên kịch giỏi, lành nghề; có kinh phí sản xuất và quảng bá hợp lý; có công chúng khán giả nồng nhiệt); đồng thời tiếp cận sâu sắc với phương pháp làm phim của phim truyện Mỹ (về thẩm mỹ, cách tổ chức, doanh thu, phương tiện kỹ thuật, phương pháp phân tích rèn luyện sâu sắc, đa dạng, hiệu quả), qua các khâu viết kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, quay phim, thiết kế, âm thanh… đã được phát triển ở trình độ nghề nghiệp, thẩm mỹ cao.
Thay đổi tư duy sáng tác; khai thác, áp dụng hiệu quả đề tài, thể loại phim
Thay đổi tư duy sáng tác để hướng tới việc xuất hiện ngày càng nhiều những bộ phim (thông qua khai thác, áp dụng hiệu quả đề tài, thể loại phim…) mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, truyền cảm hứng, lan tỏa được những tư tưởng lớn hơn về bản chất cuộc sống và vượt xa những diễn biến tưởng như đơn giản của câu chuyện phim… như một gợi mở, giải pháp cho vấn đề.
PGS, TS VŨ NGỌC THANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025