Nghệ thuật tạo hình quay phim trong Người Mỹ trầm lặng

Năm 2002, Người Mỹ trầm lặng là phim Hollywood đầu tiên đưa lên màn ảnh rộng khung cảnh Việt Nam những năm 1950. Với nội dung sâu sắc và cuốn hút, cùng đội ngũ sản xuất gồm nhiều tên tuổi nổi tiếng thế giới như đạo diễn Phillip Noyce, nhà quay phim Christopher Doyle, diễn viên kỳ cựu Michael Caine, cùng ngôi sao mới nổi khi đó là Bredan Fraser, tác phẩm đã tạo nên tiếng vang, khiến khán giả thế giới biết nhiều hơn về con người và lịch sử Việt Nam.

Diễn viên Brendan Fraser và Michael Caine trong phim Người Mỹ trầm lặng

Đôi nét về bộ phim Người Mỹ trầm lặng

Khi ra mắt năm vào năm 2002, Người Mỹ trầm lặng được giới phê bình điện ảnh đánh giá cao. Bộ phim kể về sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh của Pháp tại Việt Nam. Phim đồng thời dựng nên câu chuyện tình tay ba giữa phóng viên người Anh Thomas Fowler (Michael Caine), bác sĩ nhãn khoa người Mỹ Alden Pyle (Brendan Fraser) và Phượng (Đỗ Thị Hải Yến) - cô gái Việt Nam đang là người yêu của Fowler. Người Mỹ trầm lặng được Viện Phim Hoa Kỳ bình chọn là “Phim của năm”, cùng với đó, tài tử Michael Caine nhận được đề cử “Nam diễn viên chính xuất sắc” ở cả giải thưởng Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ và giải BAFTA của Viện Hàn lâm Vương quốc Anh. Với mức đầu tư ngân sách lên đến 30 triệu USD, đoàn làm phim từ Mỹ đã sang Việt Nam để khảo sát và tiến hành quay phim trong nhiều tháng. Hơn 50% cảnh phim được quay tại Việt Nam với các bối cảnh rải từ Bắc vào Nam như Hà Nội, Ninh Bình, Hội An, TP.HCM, được khen ngợi là chân thực và ấn tượng. Điều đó cho thấy hiệu quả về mặt hình ảnh của bộ phim khi quay phim với bối cảnh thực, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đến với khán giả toàn cầu.

Các yếu tố chính của nghệ thuật tạo hình quay phim

Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được hiệu quả về mặt hình ảnh trong một bộ phim là nghệ thuật tạo hình điện ảnh của người quay phim, gọi tắt là nghệ thuật tạo hình quay phim. Người quay phim có trách nhiệm làm việc dưới sự chỉ đạo của đạo diễn, giám sát đội ngũ kỹ thuật máy quay và kỹ thuật ánh sáng để tạo ra hình ảnh theo như kịch bản của bộ phim. Hình ảnh trong phim vốn được lấy từ chất liệu, khung cảnh ngoài đời thực với không gian ba chiều, sau đó được máy quay tạo ra để chiếu trên màn hình hai chiều. Việc sử dụng ánh sáng màu sắc, bố cục hình ảnhcác thủ pháp quay phim là những yếu tố chính làm nổi bật hình ảnh, nhằm tối đa hóa không gian hai chiều đó và đây chính là những yếu tố cơ bản của nghệ thuật tạo hình quay phim.

Ánh sáng và màu sắc tạo nên không khí, cảm xúc

Ánh sáng và màu sắc trong bộ phim Người Mỹ trầm lặng đã được sử dụng để tạo nên không khí và cảm xúc cho cả bối cảnh và từng phân cảnh. Ví dụ, như cảnh phim bác sĩ Pyle gặp lại Phượng ở nhà hàng Cầu Vồng, tuy đã gặp mặt nhau từ trước, nhưng lúc này cả hai mới thể hiện rõ tình ý. Hai nhân vật đã có lần nói chuyện gần gũi đầu tiên, cùng nhảy với nhau trên nền nhạc và có đôi chút ngượng ngùng. Trong một không gian với tông màu đỏ trầm được tạo nên từ ánh sáng của nến và đèn lồng, cùng màu đỏ từ nhiều đồ vật trang trí khác, bối cảnh này vừa tạo nên sự thân mật và sang trọng của một chốn ăn chơi hò hẹn, vừa để khán giả cảm nhận được tình cảm dâng trào đang được giấu kín bởi hai nhân vật. Ngay sau đó là bối cảnh trong căn phòng của nhà báo Fowler, khi ông chuẩn bị lên giường cùng Phượng, tuy cũng là tông màu ấm nóng từ những ngọn nến, nhưng lại bị ảnh hưởng bởi ánh sáng giả đèn đường rọi vào, khiến tông màu ngả sang vàng nhạt. Tuy hành động của Phượng và Fowler có gần gũi hơn, thế nhưng nếu so sánh tông màu ở hai bối cảnh nối tiếp nhau, một đậm đà - một nhợt nhạt, có thể thấy mức độ cảm xúc thực sự của Phượng đối với hai người đàn ông kia. Trái ngược lại, tông màu lạnh được sử dụng ở những cảnh liên quan đến chiến tranh để gợi lên sự nguy hiểm và chết chóc. Ví dụ, như cảnh nhà báo Fowler cùng với toán quân của Pháp phát hiện ra một vụ thảm sát ở khu vực Phát Diệm, một cảnh tượng ghê rợn, gây ám ảnh với tông màu xanh lạnh lùng và chết chóc. Màu xanh ấy ám lên cả gương mặt thất thần của Fowler và nếu nhìn kỹ sẽ thấy nó che mờ cả màu xanh trong đôi mắt đầy kinh sợ của ông.

Bố cục tiền cảnh mang đến góc nhìn chân thực

Một điểm đặc biệt trong bố cục hình ảnh của bộ phim Người Mỹ trầm lặng, đó là sự xuất hiện của nhiều tiền cảnh trong khuôn hình. Tiền cảnh là những đối tượng gần nhất với ống kính máy quay khi quay phim, là phần dẫn đến khung cảnh chính của cảnh quay. Vì hình ảnh vốn là không gian 2 chiều, tiền cảnh tạo ra một sự so sánh xa gần với phần hậu cảnh phía sau, vì vậy nó tăng cảm giác chiều sâu cho hình ảnh, đồng thời hướng sự chú ý của khán giả vào đối tượng chính trong cảnh quay. Tiền cảnh thường được sử dụng như một phương tiện kể chuyện và biểu đạt tình cảm quan trọng, nhằm bổ sung thông tin cho cảnh quay, câu chuyện hoặc phản ánh ý đồ của đạo diễn, xây dựng sự căng thẳng, kịch tính hoặc đưa người xem vào trong câu chuyện. Trong Người Mỹ trầm lặng, ngay ở đầu phim với cảnh sông nước lúc trời chạng vạng tối và những chiếc thuyền gỗ xuôi chèo theo dòng nước, một chiếc thuyền trống được đặt ngay ở tiền cảnh và được chiếu sáng bằng một ngọn đèn treo trên thuyền. Cảnh quay đã tạo nên một khuôn hình tuyệt đẹp với những mảng màu xanh lam của trời, của mặt nước, nhưng được điểm xuyết bằng màu vàng của những ngọn đèn trên những chiếc thuyền gỗ đan xen đằng sau, phía xa là những ngôi nhà được thắp sáng bằng đèn đường, nhưng đôi khi xuất hiện cả nhiều vết đạn pháo bay trên bầu trời. Sự đối lập này tạo nên một không gian vừa yên ắng, thanh bình nhưng ẩn sau đó là một cảm giác nguy hiểm và không thể đoán định. Bỗng chốc máy quay lia xuống, khung cảnh thơ mộng bị xé toang khi chúng ta nhận thấy có một xác người trôi nổi trên mặt nước. Được đặt trên giọng nói đầy cảm xúc của diễn viên gạo cội Michael Caine (Họ nói bạn đến Việt Nam bạn sẽ hiểu được mọi thứ, nhưng sự thư giãn không tồn tại lâu), cảnh phim là một mở đầu hoàn hảo cho một bộ phim với đề tài chiến tranh có yếu tố gián điệp chính trị. Có thể thấy việc đặt tiền cảnh ở đây vừa mang giá trị thẩm mỹ cho hình ảnh, vừa phục vụ cho ý đồ của bộ phim. Với việc được quay ở nhiều nơi trải dài khắp đất nước, đạo diễn Phillip Noyce muốn khắc họa một cách chính xác nhất khung cảnh của Việt Nam vào phim. Chính vì thế, đạo diễn đã không chọn cách dựng trường quay hay thực hiện cảnh quay ở nước ngoài như hầu hết các bộ phim khai thác đề tài Việt Nam khác, mà ông lựa chọn những địa điểm thật để quay phim nhằm tạo ra bối cảnh có độ chân thực nhất. Các con phố nổi tiếng và mang dấu ấn lịch sử của Hà Nội như Hàng Mã, Tràng Thi, Hàng Vải, Trần Hưng Đạo đều được nghiên cứu và thiết kế, treo biển bằng tiếng Pháp để tạo nên vẻ cổ kính tự nhiên, tái hiện bối cảnh giữa TK XX. Có thể kể đến cảnh quay 2 nhân vật chính là nhà báo Fowler và bác sĩ Pyle đi bộ trên phố Hàng Vải, đạo diễn đã bố trí rất nhiều người Việt Nam mặc trang phục truyền thống, đội nón, đạp xe đạp, xích lô... đặc trưng của thế kỷ trước, đi ngang qua tiền cảnh. Những thông tin thêm vào đó ở cảnh quay đã tạo nên sức hút bên cạnh nội dung phim, khi truyền tải được những hình ảnh lịch sử của một con phố đặc trưng ở Hà Nội. Cách sử dụng tiền cảnh này cũng có thể thấy ở hầu hết các ngoại cảnh trên đường phố trong phim.

Đối với những cảnh quay nội, nhà quay phim Christopher Doyle thường bố cục hình ảnh với tiền cảnh là những đồ vật mang nét đặc trưng của Việt Nam. Nơi trọ của nhân vật chính - nhà báo Fowler là tầng hai của một quán cà phê, đoàn làm phim đã khéo léo lựa chọn sử dụng một quán cà phê thật ở Hà Nội. Với những phân đoạn trong bối cảnh này, tiền cảnh trong những cảnh quay là những tấm bình phong, màn, hay ở phòng khách là bộ bàn ghế gỗ, bình hoa gốm hay những khung cửa sổ chớp, gợi lên không khí rất Á Đông. Có thể nói, việc sử dụng tiền cảnh trong các cảnh quay đã mang đến hiệu quả thẩm mỹ cho hình ảnh, bổ sung thông tin, khắc họa một cách chân thực bối cảnh của phim, giúp khán giả cảm nhận được không gian và thời gian đúng với ý đồ của đạo diễn.

Các thủ pháp quay phim làm tăng hiệu quả hình ảnh

Người Mỹ trầm lặng là một bộ phim lịch sử, lại chủ yếu được quay tại địa điểm thực, chính vì vậy việc tạo dựng và sắp xếp bối cảnh đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chi phí lớn. Để có thể phô bày trọn vẹn ý đồ của đạo diễn và sức sáng tạo của nghệ sĩ tạo hình thiết kế mỹ thuật, các cảnh quay trong phim thường có xu hướng sử dụng ống kính góc rộng. Đây là thủ pháp quay phim với loại ống kính có dải tiêu cự nhỏ, từ 35mm trở xuống, giúp mở ra hậu cảnh nhiều hơn với trường nét sâu, tức là nhiều đối tượng trong khuôn hình nằm trong khoảng nét. Trong Người Mỹ trầm lặng, không gian chính là nhà hàng có tên Cầu Vồng, nơi các nhân vật chính thường gặp gỡ và có các cuộc đối thoại quan trọng. Được thiết kế một cách sang trọng, Cầu Vồng là nơi tụ họp của giới thượng lưu, với rượu, các cô đào, dàn nhạc sống, sàn nhảy. Các chi tiết trong bối cảnh đều được dựng lên một cách cầu kỳ, từ bàn ghế, đồ trang trí, đèn lồng treo trên cao... cho đến những nhân vật phụ được huy động đông đảo, ăn vận chỉn chu, tất cả nhằm lột tả một chốn ăn chơi xa xỉ thời bấy giờ. Để tận dụng bối cảnh như vậy, toàn bộ các cảnh quay diễn ra ở nhà hàng Cầu Vồng đều được sử dụng ống kính góc rộng. Với toàn cảnh, ống kính góc rộng khiến khán giả có thể quan sát toàn bộ không gian của nhà hàng với nhiều lớp nhân vật cùng đang hoạt động, tạo nên một không khí nhộn nhịp và đông đúc. Dường như khuôn hình được lấp đầy tất cả những chỗ trống, tuy nhiên, không vì vậy mà hình ảnh bị hỗn loạn hay sáo rỗng, thiếu điểm nhấn. Những nhân vật chính luôn được chiếu sáng nổi bật hơn so với hậu cảnh, trong khi đó những nhân vật phụ tuy tối hơn, nhưng đều được bố cục một cách có ý đồ, không bị chồng lấp, khiến người xem vẫn nhận ra được hành động của những nhân vật ấy. Ngay cả ở cận cảnh, thay vì sử dụng ống kính tiêu cự dài như thông thường, nhà quay phim Christopher Doyle đã lựa chọn ống kính góc rộng. Hiệu ứng hình ảnh của loại ống kính này khiến khán giả nhận ra, dù gương mặt nhân vật chính là trung tâm, nhưng vẫn có thể nhìn thấy được bối cảnh xung quanh với những đồ vật đậm chất Á Đông, cùng với đó ở hậu cảnh là những cô hầu gái đang phục vụ đồ uống, hay những cặp đôi đang khiêu vũ hoặc tán gẫu. Thủ pháp quay phim với ống kính góc rộng này khiến tất cả mọi thứ trong khuôn hình trở nên chân thực và đầy sống động, giúp người xem cảm nhận được bầu không khí tiệc tùng và như được sống trong không gian và thời gian ấy. Không chỉ ở những cảnh nội, mà ngoại cảnh cũng được sử dụng ống kính góc rộng để có thể miêu tả những địa điểm đặc trưng của Việt Nam. Khán giả có thể thấy sảnh khách sạn Continental Sài Gòn với những dãy bàn ghế được làm bằng mây tre đan; cảnh non nước ở Ninh Bình; hay một Hội An lung linh với đèn lồng nhiều màu sắc. Có thể nói việc sử dụng ống kính góc rộng đã giúp truyền tải những nét văn hóa Việt Nam độc đáo từ đời thực lên màn ảnh, nhờ đó hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam cũng được tiếp cận và phổ biến hơn trên thế giới. Để nói về sự đóng góp của nhà quay phim Christopher Doyle trong bộ phim, đạo diễn Phillip Noyce đã nhận xét: Christopher Doyle là một người coi châu Á như mái nhà của mình. Anh cảm thấy được hương vị, giá trị của những triết lý ẩn dưới bề mặt của câu chuyện. Anh ấy tắm đẫm cho mình âm thanh, mùi vị, bóng dáng của châu Á yêu dấu. Chris đã thực sự hiểu rõ giai điệu của vùng đất và đã mang vào bộ phim qua thông qua ống kính máy quay của mình (1).

Một thủ pháp quay phim khác thường được những nhà quay phim sử dụng đó là động tác máy. Phim Người Mỹ trầm lặng được quay với nhiều khuôn hình tĩnh, ít động tác máy, tuy nhiên trong những cảnh chiến tranh, động tác máy đã được sử dụng một cách rất hiệu quả. Trong phân đoạn nhà báo Fowler đi thực địa cùng với quân lính Pháp đến một vị trí mà Việt Minh từng tấn công trước đó, máy quay vác vai được sử dụng xuyên suốt. Cùng với bối cảnh là non nước, cây cối rậm rạp, sự rung lắc của hình ảnh tạo nên không khí căng thẳng, khiến khán giả cảm thấy nhóm người có thể bị phục kích tấn công bất cứ lúc nào, đồng thời mô phỏng những bước chân rụt rè hay hơi thở đầy lo sợ của những người trong cuộc. Ngay sau đó là cảnh nhà báo Fowler cùng bác sĩ Pyle có cuộc đối thoại trong một căn hầm trú ẩn. Lúc này cận cảnh của Fowler được quay một cách khá ổn định, trong khi đó cận cảnh của Pyle có phần rung lắc hơn do chuyển động của máy quay vác vai. Hiệu quả hình ảnh trái ngược thể hiện rõ tâm lý của hai nhân vật, Fowler thì có sự từng trải của một người lớn tuổi, điềm tĩnh đón nhận sự thật được nói ra bởi Pyle; thì trái ngược lại, một Pyle trẻ trung hơn lại đầy hồi hộp khi thừa nhận việc mình có tình cảm với Phượng. Trong một phân đoạn sau đó, khi có cuộc pháo kích cắt ngang cuộc nói chuyện, máy quay vác vai cũng rung lắc theo từng tiếng pháo, giống như cái giật mình của nhân vật. Tiếng pháo càng lớn, cường độ rung lắc cũng tăng dần, thể hiện khoảng cách ngày càng gần của vụ nổ với vị trí của căn hầm, đồng thời bộc lộ tâm trạng hoang mang, lo sợ của nhân vật. Máy quay lúc này vừa là sự tồn tại khách quan từ môi trường, vừa tượng trưng cho nội tâm chủ quan của nhân vật. Một phân đoạn khác gây nhiều ám ảnh trong phim cũng được áp dụng hiệu quả máy quay vác vai, đó là khi quân nổi dậy đánh bom vào dân thường ở con phố trước khách sạn Continental Sài Gòn. Vụ đánh bom đã tạo ra một khung cảnh chết chóc, tang thương với ngổn ngang gạch đá, khói lửa mịt mù, xác chết và người bị thương nằm la liệt. Máy quay lúc này được vác vai theo chân nhà báo Fowler, và đôi lúc lại chuyển thành góc nhìn thứ nhất của ông. Sự run rẩy của hình ảnh, cùng với đó là những cú lia mô phỏng con mắt của người quan sát, đã tạo nên trạng thái kinh hoàng và hỗn loạn của cả nhân vật và của bối cảnh. Sau đó, sự rung lắc giảm dần, hình ảnh chậm lại, biểu hiện cho sự tuyệt vọng và nỗi bất lực tột độ xâm chiếm Fowler khi ông nhìn thấy những người bị thương nhưng không thể giúp gì cho họ. Có thể nói, hiệu quả hình ảnh của động tác máy trong bộ phim đã góp phần diễn tả không khí của bối cảnh, tâm trạng nhân vật, cũng như tăng thêm cảm xúc, truyền tải rõ hơn thông điệp của cảnh quay.

Những bài học thực tiễn từ bộ phim

Có khoảng 100 người Việt đã tham gia vào quá trình sản xuất bộ phim Người Mỹ trầm lặng, trong đó có các đạo diễn nổi tiếng như NSND Đặng Nhật Minh, NSƯT Vương Đức, mở ra cơ hội cho điện ảnh Việt Nam tiếp xúc, trao đổi với những nhà làm phim đến từ một trong những nền điện ảnh phát triển nhất thế giới. Điều này đã mang đến những bài học quý giá cho những nhà làm phim trong nước khi họ được tận mắt chứng kiến và trực tiếp trải nghiệm quy trình làm một bộ phim của Hollywood. Đến nay Người Mỹ trầm lặng vẫn là một trong những bộ phim được đánh giá cao với chủ đề chiến tranh ở Việt Nam và lấy bối cảnh tại chính Việt Nam. Việc phân tích, làm rõ những điểm độc đáo trong nghệ thuật tạo hình quay phim của bộ phim là bài học có giá trị thực tiễn, là tài liệu tham khảo cho những người làm phim ở Việt Nam, đặc biệt là những ai đang theo học chuyên ngành quay phim. Không những vậy, việc tìm hiểu và phân tích hiệu quả hình ảnh từ bộ phim cũng mang đến những cách nhìn mới hơn về bối cảnh ở Việt Nam thông qua các góc máy, cách khai thác độc đáo đến từ những nhà làm phim quốc tế, từ đó những nhà làm phim trong nước có thể phát hiện, tận dụng và phát huy nét đẹp sẵn có của thiên nhiên, văn hóa dân tộc, giúp quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến với thế giới thông qua những tác phẩm điện ảnh trong tương lai.

___________________

1. Phillip Noyce, Từ đường làng tới đại lộ Hollywood, Nxb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2011, tr.451.

BÙI VIỆT HƯNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

 

;