Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” giai đoạn 2011 - 2020 (theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ), trong những năm qua, Cục Văn hóa cơ sở đã tham mưu trình Lãnh đạo BVHTTDL phê duyệt, ban hành các chương trình, dự án, kế hoạch triển khai các mô hình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số địa phương nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống; huy động sức mạnh của toàn xã hội, phát triển văn hóa dân tộc; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội, nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch; phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong việc thực hiện chương trình, dự án về bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương; gắn kết chặt chẽ các chương trình phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như: Dự án “Chương trình hoạt động lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng quốc gia giai đoạn 2015-2020” (Quyết định số 3965/QĐ-BVHTTDL ngày 16 tháng 11 năm 2015) và Dự án “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số” giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 2733/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 8 năm 2016).

Để triển khai hiệu quả các dự án của BVHTTDL về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, Cục Văn hóa cơ sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, SVHTTDL các tỉnh, thành phố tiến hành khảo sát, lựa chọn các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, còn lưu giữ được các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo để triển khai xây dựng các mô hình. Tổ chức thành lập các mô hình câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, nghề thủ công truyền thống và mở các lớp truyền dạy về kỹ năng, nghiệp vụ về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cho nhân dân và các thành viên tham gia mô hình; hỗ trợ đạo cụ, nhạc cụ, nguyên liệu cho các mô hình, câu lạc bộ duy trì, xây dựng sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch ở địa phương.

Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của dân tộc La Ha gắn với phát triển du lịch, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La

Từ năm 2017 – 2020, Cục Văn hóa cơ sở đã triển khai xây dựng 14 mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh như: “Mô hình bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu); mô hình “Bảo tồn và phát huy nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Phù Lá gắn với phát triển du lịch” tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai); mô hình “Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, Lô Lô gắn với phát triển du lịch” tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang; “Mô hình bảo tồn và phát triển các làn diệu dân ca, dân vũ của dân tộc Si La, Na Ha, Xá Phó, Pà Thẻn... gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Sơn La, Điện Biên”…

Qua các mô hình trên, nhiều lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nghiên cứu phục dựng và xây dựng trở thành các sản phẩm văn hóa độc đáo phục vụ phát triển du lịch ở địa phương. Vai trò chủ thể văn hóa trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Các cấp chính quyền địa phương ngày càng quan tâm, đầu tư, hỗ trợ đến công tác gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trở thành nguồn lực, lợi thế của địa phương về xây dựng, phát triển thương hiệu, sản phẩm du lịch như: mô hình dệt thổ cẩm của dân tộc Lự, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; mô hình nghề dệt thủ công truyền thống của người Phù Lá (Xá Phó) tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; mô hình Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang… trở thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tạo sự phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế của các địa phương có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện.

Câu lạc bộ thêu dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn, La Chí gắn với phát triển du lịch, huyện Lâm Bình, tỉnh Hà Giang

Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong giai đoạn tiếp theo, Đảng và Nhà nước, BVHTTDL và chính quyền địa phương cần tiếp tục có các chính sách, chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với các dân tộc có dân số ít người, các dân tộc có điều kiện kinh tế khó khăn. Gắn kết giữa công tác bảo tồn và phát triển kinh tế, du lịch của địa phương, trong đó chú trọng đến việc bảo tồn một số giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một, biến đổi mạnh mẽ như: tiếng nói, chữ viết, trang phục, âm nhạc, nghề thủ công truyền thống... Gắn kết giữa phát triển kinh tế với công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống một cách hài hòa, bền vững, tránh đầu tư dàn trải, trọng tâm, trọng điểm dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dân và điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Lựa chọn một số loại hình văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của các dân tộc xây dựng thành các sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Tác giả: Duy Chiến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021

 

;