Xây dựng nếp sống văn hóa và văn minh đô thị ở TP Hồ Chí Minh hiện nay

Sự cần thiết xây dựng nếp sống văn hóa và văn minh đô thị

Văn hoá chính là đặc điểm của dân tộc, triết lý sống của cộng đồng dân cư, nếp sống trở thành chuẩn mực của cộng đồng, đem lại sức mạnh quốc gia. Bởi sức mạnh quốc gia không chỉ đo bằng sức mạnh kinh tế, đo bằng giá trị vật chất mà còn bằng sức mạnh văn hóa. Nền văn hóa Việt Nam được hình thành là thành quả của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước kiên cường, bất khuất, đầy gian khổ hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Trong đó, yêu nước là nền tảng, là động lực của quá trình hình thành văn hóa Việt Nam, đồng thời là hạt nhân cơ bản, là điều cốt lõi nhất tạo nên hệ giá trị của cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Có thể nói, phát huy sức mạnh văn hóa của đất nước, của thành phố cũng là phát huy sức mạnh của mỗi người dân và dân tộc, của Đảng, chính quyền, của người Việt Nam ở nước ngoài... Với vị trí, vai trò và tầm vóc của một đô thị đặc biệt sau 300 năm hình thành và phát triển, có vị trí chính trị quan trọng, trung tâm lớn của đất nước, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức hút và lan tỏa, TP. HCM xác định: “Xây dựng văn hóa và con người thành phố phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, nhân ái, nghĩa tình trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững thành phố. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị - xã hội”.

Đường sách TP.HCM là một trong những điểm văn hóa, văn minh được nhiều người dân đến tham quan

Trong những năm gần đây, đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây ngày càng nâng cao, tương xứng với những thành tựu mà thành phố đã đạt được về phát triển kinh tế sau hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo, khởi xướng. Phát huy những điều kiện thuận lợi, Đảng bộ TP. HCM đã chọn chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Để làm tốt điều này, thành phố đã thực hiện rất nhiều chương trình và các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa vật chất và tinh thần như: cuộc vận động “Thi đua xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp”; thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”; xây dựng “Khu phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Cơ quan văn hóa, đơn vị văn hóa”; thực hiện “Năm an toàn giao thông”, xây dựng “Văn hóa giao thông”, chương trình “Mùa hè xanh” phong trào tình nguyện hỗ trợ mùa thi, các chương trình “Nhà tình thương, nhà tình nghĩa”, “Ngôi nhà mơ ước”, “Mái ấm tình thương”... Tất cả các chương trình và cuộc vận động đều được các sở, ngành và đoàn thể chính trị - xã hội trực tiếp chỉ đạo và triển khai... Nhìn chung, toàn bộ nội dung của các chương trình và cuộc vận động đã mang tính toàn diện, bao quát toàn bộ những yếu tố văn hóa, văn minh, hiện đại, nghĩa tình của thành phố. Hầu như không có chương trình hay cuộc vận động nào hoàn toàn đứng riêng biệt mà được lồng ghép với nhau. Thành phố tập trung xây dựng hoàn thành 6 Đề án phát triển của ngành Văn hóa và Thể thao bao gồm: Đề án “Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa TP. HCM giai đoạn 2020-2030”; Đề án “Nâng cao chất lượng, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao TP. HCM giai đoạn 2020-2025”; thực hiện các chính sách tài năng, có cơ chế đặc thù thu hút nhân tài, tạo động lực phát triển văn hóa, nghệ thuật, thể thao; Đề án “Chiến lược phát triển ngành Văn hóa TP. HCM đến năm 2030”; Đề án “Chiến lược phát triển ngành Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030”; Đề án “Xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TP. HCM đến năm 2030”; Đề án “Tổ chức lễ hội và sự kiện TP. HCM giai đoạn từ năm 2020 - 2030”…

Trong xây dựng nếp sống văn hóa thì việc thực hiện Quy ước trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền quận huyện, phường, xã, thị trấn… góp phần phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng Gia đình văn hóa, Khu phố, Ấp văn hóa ở cộng đồng dân cư, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Hầu hết các Quy ước đã bám sát vào tình hình thực tế và đời sống địa phương, để điều chỉnh mối quan hệ xã hội mang tính tự quản cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa và văn minh đô thị. Năm 2019, toàn thành phố có 1.381/1.990 khu phố, ấp có xây dựng Quy ước cộng đồng, đạt tỷ lệ 63,39%; phấn đấu đến cuối năm 2020, nâng tỷ lệ Quy ước khu phố, ấp được phê duyệt đạt từ 95% trở lên… Bên cạnh việc không ngừng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn, Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM đã ký kết liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Du lịch, Thành đoàn trong việc định hướng thẩm mỹ từ học đường, xây dựng sản phẩm văn hóa chất lượng phục vụ du lịch, trong đó tập trung phát triển văn hóa - nghệ thuật truyền thống…

TP. HCM còn tổ chức kênh “Đối thoại văn hóa” định kỳ có sự tham gia của các sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội. Đây là chương trình đối thoại văn hóa được tổ chức trang trọng, cầu thị theo hình thức trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia, các nhà quản lý, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí, người dân thành phố với lãnh đạo về thực trạng các vấn đề cần đề xuất, hiến kế, kiến nghị với lãnh đạo thành phố nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các nét đẹp riêng về văn hóa của người dân thành phố, gắn với giao lưu văn hóa thế giới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân thành phố. Đây còn là diễn đàn để lãnh đạo thành phố, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ trao đổi, bàn luận những vấn đề cốt lõi, thực trạng của các mặt đời sống đang tác động đến môi trường văn hóa, đến đời sống của người dân nơi đây.

Cùng với đó, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được cải thiện, nâng cao, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của nhân dân thành phố. Các phong trào thi đua yêu nước được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân đem lại hiệu quả thiết thực; nhiều giải pháp, mô hình văn hóa sáng tạo, có ý nghĩa nhân văn, bản sắc văn hóa dân tộc được nhân rộng; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…, góp phần xây dựng lối sống văn hóa trong mỗi cá nhân, gia đình; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh. Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được củng cố. Công nghiệp văn hóa được quan tâm triển khai thực hiện, gắn hoạt động du lịch với quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Thành phố. Thị trường văn hóa bước đầu hình thành; giao lưu, hợp tác về văn hóa ngày càng chủ động góp phần xây dựng và phát triển thành phố theo hướng đô thị thông minh, phát triển bền vững. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng với nhiều chương trình nghệ thuật quy mô lớn, chất lượng, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, thu hút sự quan tâm của du khách đến với thành phố.

Cùng với chuỗi các hoạt động văn hóa, thành phố còn thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị; thực hiện vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, vận động người dân không xả rác ra đường; nâng cao văn hóa, văn minh, trong ứng xử cộng đồng; ứng xử văn minh tại cơ quan công sở; văn minh, văn hóa trong an toàn, giao thông; thực hiện đảm bảo an ninh, trật tự trong địa bàn thành phố. Thời gian qua, TP. HCM đã thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thu gom rác thải và xây dựng thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải trong người dân; tích cực cải thiện môi trường sống, giảm lượng rác thải ra hàng ngày. Bên cạnh đó, thành phố còn tăng cường quảng bá những nét văn hóa về con người và vùng đất TP. HCM nhằm tạo ra một môi trường tham quan, du lịch tốt đẹp. Nhờ đó, diện mạo đô thị của thành phố đã có chuyển biến tích cực. Thành phố còn đẩy mạnh xây dựng văn minh đô thị trong thực hiện văn hóa giao thông, tình trạng uống rượu, bia khi lái xe, hát với nhau từ loa di động đã giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rằng, xây dựng nếp sống văn hóa và văn minh đô thị là trách nhiệm của mọi người dân, nhất là giới trẻ phải rèn luyện cho mình lối sống lành mạnh, vì cộng đồng, ứng xử văn minh trong môi trường đô thị hiện đại. Thế hệ trẻ phải có sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì vậy, cần tổ chức những cuộc thi văn hóa nghệ thuật hàng năm mang tính chuyên nghiệp, định kỳ, phổ biến cho công chúng về nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực, thế giới, việc nâng cao nền tảng văn hóa, tinh thần cho người dân được xem là sức mạnh nội sinh, điều kiện bắt buộc phải có của một thành phố đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ. Chính công cuộc hội nhập sâu rộng với thế giới đã tạo ra cho chúng ta nhiều cơ hội và cả thách thức, cho nên giới trẻ cần đặt cho mình mục tiêu nâng cao trí tuệ, hoàn thiện giá trị, nhân cách, bản lĩnh văn hóa con người thành phố trước tác động của các nền văn hóa khác trong xu thế giao lưu, hội nhập toàn cầu. Đồng thời, thành phố cần chú trọng xây dựng nhân tố con người trong phát triển văn hóa, văn minh đô thị để hướng đến một xã hội công nghiệp, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.

Rõ ràng, bên cạnh những mặt làm được, việc xây dựng nếp sống văn hóa và văn minh đô thị ở TP. HCM vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là thách thức từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa. Một bộ phận công chức, thanh thiếu niên đề cao chủ nghĩa cá nhân, coi trọng vật chất, tiền tài, sính ngoại; chạy theo danh vọng tầm thường; làm cho đạo đức, văn hóa xã hội có biểu hiện xuống cấp, trong khi tệ nạn xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ… Cơ chế, chính sách để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực gặp nhiều khó khăn. Công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để hình thành cơ sở lý luận, đúc kết hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn thành phố còn chậm; chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong quản lý văn hóa. Bên cạnh những chuyển biến thì những gam màu chưa sáng từ karaoke, loa kẹo kéo, rác thải, quảng cáo rao vặt…, vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ các phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn nhân lực cho công tác quản lý môi trường của thành phố chưa đáp ứng để triển khai đồng loạt các giải pháp bảo vệ môi trường.

Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng văn hóa và văn minh đô thị ở TP. HCM hiện nay

Thứ nhất, thành phố cần tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa tương xứng với tăng trưởng kinh tế - xã hội. Quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, đẩy mạnh cơ chế chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Đồng thời, có những giải pháp đồng bộ để phát triển và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về văn hóa của thành phố; tạo ra những hoạt động văn hóa mang đậm dấu ấn thành phố, là điểm đến tiêu biểu cho du khách trong và ngoài nước; quan tâm chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của thành phố.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật; ưu tiên đưa đi đào tạo trong và ngoài nước các tài năng trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Có cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để ngành Văn hóa thành phố thực hiện những bước đột phá mới, đáp ứng sự kỳ vọng và niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Trước mắt cần có các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, nghệ thuật thành phố giai đoạn 2020-2035, trong đó có phân kỳ giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, TP. HCM cần nghiên cứu thực trạng về đời sống văn hóa dưới góc độ hình thành hệ sinh thái về nghệ thuật; hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Thứ tư, TP. HCM cần rà soát lại nhu cầu của các địa phương, đánh giá sự cần thiết của các thiết chế văn hóa tại chỗ để tránh tình trạng xây dựng tràn lan, lãng phí và phát huy được cao nhất chức năng các thiết chế văn hóa tại địa phương. Các sở, ngành cần giám sát hiệu quả các chương trình, công trình thực hiện; chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, đưa Quy ước đi vào đời sống thực chất ở cơ sở; tạo chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động của các cơ quan, doanh nghiệp về việc xây dựng môi trường làm việc văn hóa.

Thứ năm, các sở, ngành cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về giáo dục gắn với xây dựng nền tảng văn hóa, giáo dục để phát triển toàn diện con người từ trong nhà trường. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố. Giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của bản sắc văn hoá truyền thống, văn hóa gia đình, những phẩm chất đặc trưng của con người thành phố trong bối cảnh xã hội hiện đại. 

Tác giả: Phạm Ngọc Hòa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021

;