Mô hình du lịch nông thôn đang được khai thác tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - Ảnh: sodulich.ninhbinh.gov.vn
Du lịch nông thôn là một trong số các loại hình du lịch bền vững nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo, đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10%, doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tỷ lệ tăng hằng năm từ 10-30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, hội họp) chỉ tăng trung bình 4%/ năm (1). Ninh Bình là một tỉnh nằm ở phía Nam của Đồng bằng sông Hồng, từng là kinh đô của các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo. Bên cạnh đó, tiềm năng du lịch tự nhiên rất phong phú với các dãy đá vôi và hang động kỳ ảo, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên với đa dạng sinh học cao. Lợi thế về tiềm năng du lịch tạo cho Ninh Bình một vị trí nhất định trong lòng du khách. Năm 2023, Ninh Bình được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 23 điểm du lịch tuyệt vời nhất.
Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều địa phương đang tiến hành xây dựng nông thôn mới. Du lịch nông thôn cũng được tỉnh Ninh Bình quan tâm đẩy mạnh tại các huyện, xã. Tuy nhiên, quá trình này còn chậm và chưa đạt kết quả tương xứng với tiềm năng như: vấn đề quy hoạch, sản phẩm, nguồn nhân lực, công nghệ và môi trường…
1. Thực trạng hoạt động du lịch nông thôn tại Ninh Bình
Nguồn khách
Theo số liệu thống kê, khách du lịch đến Ninh Bình từ năm 2010 đến năm 2019 tăng gần 2,5 lần, từ 3.096.589 lượt lên 7.650.000 lượt. Sau đại dịch COVID-19, lượng khách du lịch đến Ninh Bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số lượng khách năm 2022 là 3.715.289 lượt. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023, số lượng khách có xu hướng tăng lên 4.515.136 lượt. Trong đó, lượng khách quốc tế bị suy giảm nghiêm trọng. Năm 2019, số lượng khách quốc tế đến Ninh Bình đạt 915.000 lượt, chiếm 12% tổng lượng khách. Đến năm 2022, khách quốc tế còn 60.400 lượt và chỉ chiếm 1,65% tổng lượng khách. Nửa đầu năm 2023 số khách quốc tế tăng lên 220.080 lượt và chiếm 4,8% tổng lượng khách du lịch đến Ninh Bình (2).
Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế, ngành Du lịch Ninh Bình vẫn cố gắng thực hiện nhiều biện pháp để phục hồi và tăng trưởng hoạt động du lịch trở lại. Hầu hết khách du lịch đến Ninh Bình đều tham gia vào các chương trình du lịch tại các vùng nông thôn, ven đô để tham quan, ngắm cảnh. Tuy nhiên, số lượng khách tham gia các tour khám phá làng nghề, nông trại, ẩm thực và trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân nông thôn Ninh Bình còn ít, chủ yếu là học sinh, sinh viên, người nghiên cứu và khách du lịch quốc tế. Trong đó, khách du lịch quốc tế rất yêu thích việc sống cùng người dân bản địa tại các homestay và tham gia vào hoạt động nông nghiệp như: cấy lúa, gặt lúa, bắt cua, bắt cá…
Các sản phẩm, dịch vụ
Trong quá trình khai thác hoạt động du lịch, các doanh nghiệp tại Ninh Bình đã hướng tới các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn như: các sản phẩm nông nghiệp sạch, các đặc sản, các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Bên cạnh đó, các dịch vụ du lịch bao gồm: homestay, thưởng thức đặc sản làng quê, khám phá các cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trải nghiệm cuộc sống làm nông dân, tham quan các trang trại, nông trại.
Tại Ninh Bình có nhiều làng nghề truyền thống như: thêu ren (Văn Lâm), gốm (Bồ Bát), dệt cói và mỹ nghệ cói (Kim Sơn), mỹ nghệ bèo bồng (Kim Sơn), nem chua (Yên Mô), mắm tép (Gia Viễn)… Các làng nghề này là tài nguyên du lịch hấp dẫn khách du lịch tham quan và mua sắm. Ngoài ra, thiên nhiên ưu đãi cho Ninh Bình tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông sản có lợi thế như: dứa, lạc tiên, rau quả tươi, hoa và cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm (lợn, dê, thỏ...), thủy hải sản (tôm, ngao)... Đây là những điều kiện thuận lợi để Ninh Bình có thể triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã có 101 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 33 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao (trong đó có 8 sản phẩm đạt trên 90 điểm).
Mô hình du lịch nông thôn đang được khai thác tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và Khu du lịch động Thiên Hà. Tại đây, khách du lịch có thể nghỉ tại nhà dân, tìm hiểu và khám phá cuộc sống của cư dân địa phương. Đến nay, mô hình đã lan tỏa ra nhiều địa phương trong toàn tỉnh và được triển khai dưới các loại hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm... Các địa phương phát triển mạnh mô hình du lịch này như: xã Gia Vân, Gia Hòa (Gia Viễn); xã Sơn Hà (Nho Quan); xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên (Hoa Lư); xã Yên Mạc, Yên Từ (Yên Mô); thành phố Tam Điệp... Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch nông thôn phần nào đáp ứng được nhu cầu lưu trú, ăn nghỉ của du khách. Hiện toàn tỉnh có 160 hộ kinh doanh homestay với 830 buồng và 1.500 giường.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có nhiều làng nghề; hàng nghìn trang trại, trong đó có 88 trang trại tổng hợp với diện tích đất bình quân 4,5ha/ trang trại. Ngoài ra, Ninh Bình có nhiều cánh đồng đang triển khai các mô hình canh tác mới thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước đến tham quan và chụp ảnh, như cánh đồng dứa Đồng Giao, cánh đồng hoa Ninh Phúc, làng hoa đào Đông Sơn (Tam Điệp)...
Sự hợp tác liên kết trong phát triển du lịch nông thôn
Thực tế, 70% dân số Ninh Bình sinh sống tại nông thôn. Đây là yếu tố thuận lợi để tỉnh đẩy mạnh khai thác, phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả tốt cần có sự hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan: chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương. Hiện tại, chính quyền địa phương còn thiếu định hướng và những quy hoạch cụ thể cho các vùng phát triển du lịch nông nghiệp. Công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế chưa có chiến lược rõ ràng, mới chỉ dừng lại bằng việc tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại và du lịch.
Các doanh nghiệp du lịch chưa chú trọng nhiều đến loại hình du lịch này, đầu tư hạn chế, chủ yếu đưa khách đến tham quan các địa điểm có sẵn mà ít nghiên cứu thử nghiệm các mô hình mới.
Cộng đồng địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc canh tác, sản xuất theo những mô hình mới. Họ đã tích cực tham gia làm du lịch cộng đồng tại nông thôn. Tuy nhiên, nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn về vốn và công nghệ để quá trình sản xuất và kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương đang thiếu liên kết trong việc thực hiện xúc tiến, tìm thị trường cho nông nghiệp và loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn.
2. Một số giải pháp phát triển du lịch nông thôn tại Ninh Bình
Nhận thấy vai trò quan trọng của du lịch nông thôn, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là: đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Quy hoạch và đầu tư cho các điểm du lịch nông thôn
Định hướng, bố trí và tổ chức không gian vị trí các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương. Trước hết, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn tại những khu vực có tiềm năng và có lợi thế gần các điểm du lịch nổi tiếng như các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Kim Sơn, Hoa Lư.
Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống, vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường.
Rà soát và xây dựng các điểm, nhà trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch. Chú trọng trưng bày và trình diễn các sản phẩm làng nghề tiêu biểu như sản phẩm mỹ nghệ cói, bèo bồng Kim Sơn, thêu ren Văn Lâm, gốm Gia Thủy...
Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn…).
Xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản nông thôn, ăn uống, vệ sinh…) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các điểm du lịch với khoảng cách hợp lý.
Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của địa phương
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc, đặc trưng của Ninh Bình, có tính trải nghiệm và giá trị cao, phù hợp với từng đối tượng khách: nội địa, quốc tế, thanh niên, trung niên… Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch nên chú trọng thị hiếu, xu hướng của khách du lịch và đặc trưng riêng của từng khu vực. Huyện Gia Viễn điểm mạnh du lịch homestay và các trải nghiệm sản xuất nông nghiệp lúa nước, trồng và thu hoạch các loại nông sản, thu hoạch và chế biến thảo dược, chăn nuôi gia súc... Huyện Kim Sơn có thể chú trọng phát triển du lịch nông thôn gắn với các hoạt động sản xuất tại làng nghề như mỹ nghệ cói, bèo và các hoạt động nuôi và chế biến thủy sản...
Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao, phục dựng các mô hình sản xuất các đặc sản truyền thống để phục vụ khách du lịch thông qua trải nghiệm thực tế và góp phần bảo tồn các di sản văn hóa tại địa phương. Tỉnh nên tăng cường các hoạt động du lịch gắn với loại hình hát xẩm, tăng cường hiệu quả của các câu lạc bộ hát xẩm để các nghệ nhân có đam mê và duy trì loại hình nghệ thuật này bằng cách để họ tham gia biểu diễn trong các chương trình du lịch. Bên cạnh đó, các đặc sản địa phương cần được quan tâm, giới thiệu, tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm quá trình chế biến và thưởng thức như: thịt dê, cơm cháy, mắm tép, gỏi nhệch…
Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống gắn với du lịch nông thôn trong tỉnh. Nội dung các bài thuyết minh về các điểm du lịch có thể được đăng tải trên các trang web hay fanpage về du lịch của Ninh Bình để khách du lịch dễ dàng tiếp cận.
Phát triển nguồn nhân lực nông thôn có chất lượng
Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, người dân làm du lịch tại khu vực nông thôn: người chèo đò, người bán hàng, lao động trong các homestay…
Giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về du lịch nông thôn thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau như hệ thống loa phát thanh tại các thôn, xóm, các băng rôn, khẩu hiệu, tài liệu tranh ảnh... Bên cạnh đó, đưa các nội dung về tài nguyên du lịch vào các tài liệu giảng dạy trong các chương trình giáo dục phổ thông ở địa phương tỉnh Ninh Bình.
Tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phục vụ du lịch: cung cấp dịch vụ ăn uống (nấu ăn, pha chế…), lưu trú (phục vụ buồng, phòng…), ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp phục vụ khách cho cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; kết hợp với nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa về điểm du lịch và học hỏi kinh nghiệm về phát triển mô hình du lịch nông thôn tại Ninh Bình.
Tỉnh Ninh Bình cũng cần tổ chức mạng lưới chuyên gia du lịch, nông nghiệp và các ngành khác là doanh nhân, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia hỗ trợ các hộ dân, cộng đồng khai thác và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… phục vụ cho hoạt động du lịch nông thôn.
Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của các tầng lớp nhân dân về du lịch nông thôn.
Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình cần đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền xây dựng nông thôn mới.
Gắn việc tổ chức các lễ hội lớn như lễ hội Cố đô Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Quý Minh Đại Vương và các lễ hội truyền thống khác... với hoạt động truyền thông, giới thiệu và kết nối các sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch nông thôn; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế.
Thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tạo liên quan tới các hoạt động du lịch nông thôn tại Ninh Bình như thiết kế các sản phẩm lưu niệm làng nghề, quà tặng, đề xuất các mô hình kinh doanh nông nghiệp, các ý tưởng khởi nghiệp nông thôn...
Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững
Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn tại mỗi huyện với những loại hình đặc trưng: du lịch cộng đồng (khu vực xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư); du lịch nông nghiệp (xã Gia Sinh, Gia Vân, huyện Gia Viễn; xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh); du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên (huyện Nho Quan); du lịch làng nghề (huyện Kim Sơn, huyện Hoa Lư)... Tỉnh Ninh Bình nên ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc và có hiệu quả kinh tế, hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của các thành phần trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách…) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường. Du lịch nông thôn cần sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ, có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số, huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn
Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin và phối hợp giữa cấp tỉnh, cấp xã, thôn và các ngành, lĩnh vực liên quan nhằm triển khai hoạt động phát triển du lịch nông thôn Ninh Bình đồng bộ và hiệu quả.
Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin với các tỉnh thành, địa phương khác nhằm tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch nông thôn (đặc biệt du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch có trách nhiệm, quản lý và thích ứng rủi ro...)
Huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực triển khai của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cho các dự án, chương trình du lịch nông thôn gắn với cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn tại Ninh Bình.
Xây dựng mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để phục vụ cho kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung - cầu.
Sở Du lịch Ninh Bình, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình thường xuyên tổ chức các chuyến farmtrip đến các địa phương trên cả nước để học hỏi kinh nghiệm, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh nên tổ chức các hội thảo chuyên đề về du lịch nông thôn để thu hút sự quan tâm, tiếp thu kinh nghiệm và sự tư vấn từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Tỉnh có thể phối hợp với UNESCO hay các tổ chức quốc tế để tham gia thực hiện các dự án về nông nghiệp, nông thôn, khai thác thế mạnh về du lịch nông thôn của tỉnh như: làng nghề, lễ hội, diễn xướng dân gian, nông nghiệp sạch…
3. Kết luận
Phát triển du lịch nông thôn là xu hướng và là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình. Những giá trị mà du lịch nông thôn mang lại bao trùm nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân nông thôn, ổn định trật tự xã hội, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc và góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay, du lịch nông thôn ở Ninh Bình đã và đang được khai thác, nhưng chất lượng và hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng. Để phát triển loại hình này, trong thời gian tới cần có sự liên kết, tham gia tích cực của các thành phần trong hoạt động du lịch nông thôn. Những sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng của mảnh đất Ninh Bình cùng với nguồn lao động chuyên nghiệp, chiến lược xúc tiến quảng bá tốt sẽ tạo điều kiện cho du lịch nông thôn Ninh Bình xác định được vị trí của mình trong sự phát triển du lịch nói chung.
____________________
1. Nguyễn Anh Phong, Phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn theo hướng đa giá trị, bao trùm và bền vững, Hội thảo phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn, 2023.
2. Sở Du lịch Ninh Bình, Thống kê các chỉ tiêu du lịch giai đoạn 2010 đến 2023, 2023.
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Quyết định số 922/QĐ-TTg, ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
3. Quyết định 147/ QĐ-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
4. UBND tỉnh Ninh Bình, Kế hoạch thực hiện chương trình du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, 2023.
5. Tỉnh ủy Ninh Bình, Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, 2021.
NGÔ THỊ HUỆ - Ths LÊ THỊ HIỆU
Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024