Quản lý sức chứa điểm đến, sức chịu tải du lịch để điểm đến du lịch phát triển bền vững

1. Điểm đến du lịch và sức chứa điểm đến du lịch

Theo Luật Du lịch (2017): “Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch” (1). Định nghĩa này đã chỉ ra các điểm đến du lịch là các không gian cụ thể khách quan ở các địa phương; những không gian này phải có các tài nguyên du lịch; bao gồm hai loại tài nguyên là: tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Các tài nguyên này có thể được khai thác, phát triển các dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Người kinh doanh du lịch phải tiến hành đầu tư, khai thác các tài nguyên thông qua những dịch vụ phù hợp để phục vụ khách du lịch. Để điểm đến du lịch phát triển bền vững, tránh tình trạng khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên du lịch, một yêu cầu đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý điểm đến du lịch là phải quản lý sức chứa điểm đến, sức chịu tải du lịch của điểm đến một cách chặt chẽ, khoa học.

Trước hết, cần phải làm rõ sức chứa điểm đến du lịch (tourism carrying capacity: TCC) là gì? Bất cứ một điểm đến du lịch nào cũng có không gian của nó. Không gian điểm đến du lịch chính là không gian trong đó chứa đựng các tài nguyên du lịch. Các tài nguyên này đã và đang được khai thác, phát huy giá trị, phục vụ hoạt động du lịch tại điểm đến đó. Tất cả các hoạt động muốn tồn tại và phát triển bền vững cần xác định giới hạn của nó. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO): “Sức chứa của một điểm đến là mức độ sử dụng hoặc phát triển du lịch tối đa mà điểm đến có thể hấp thu (chấp nhận) mà không tạo ra sự phá hủy môi trường tự nhiên và các vấn đề kinh tế, xã hội đồng thời không làm giảm chất lượng và kinh nghiệm thu nhận của khách” (2). Thông thường, nói tới sức chứa điểm đến là nói tới số lượng người (du khách) mà hệ thống dịch vụ tại điểm đến có thể phục vụ mà không gây ra sự phá hủy môi trường tự nhiên cũng như môi trường văn hóa trong không gian điểm đến. Điều 20, Luật Du lịch (2017) ghi rõ: “Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” (3). Muốn đạt được mục tiêu này, nhất thiết phải xác định và quản lý sức chứa điểm đến du lịch. Sức chứa điểm đến phụ thuộc vào điều kiện về tài nguyên và năng lực quản lý của cơ quan chủ quản; khả năng cung ứng các dịch vụ trong không gian điểm đến... Từ đó, chúng tôi đưa ra khái niệm: “Sức chứa điểm đến du lịch là một chỉ số định lượng về số lượng du khách trong một thời gian xác định ở không gian điểm đến du lịch. Số lượng này khiến cho các chỉ số cung và cầu của các dịch vụ tại điểm đến bằng nhau trong điều kiện hoạt động bình thường. Điều đó giúp đảm bảo lợi ích của các bên liên quan, bảo vệ tài nguyên, môi trường; là điều kiện tiên quyết để điểm đến hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững”.

Sức chứa điểm đến là một đại lượng mang tính tương đối nhằm giúp người quản lý, nhà quản trị khống chế, điều tiết hoạt động của điểm đến để không xảy ra tình trạng “vỡ trận” trong kinh doanh chứ không phải là đại lượng chỉ hiệu quả kinh doanh. Sức chứa điểm đến là ngưỡng mà nếu vượt qua đó, môi trường du lịch tại điểm đến sẽ bị tác động xấu; nếu không được kiểm soát và kịp thời điều chỉnh sẽ phá hủy sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch. Sức chứa điểm đến du lịch chính là sức chịu tải du lịch của điểm đến để điểm đến hoạt động bình thường, hiệu quả. Quá sức chịu tải này, hệ thống dịch vụ phục vụ khách du lịch tại điểm đến sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và có thể dẫn đến sụp đổ. Theo quy định của Chính phủ, một trong những điều kiện để được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh ngoài một số yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch, thì cần phải: “Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 100.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt khách lưu trú mỗi năm” (4). Điều kiện để được công nhận khu du lịch quốc gia: “Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên” (5). Trong hai quy định trên, số lượng 100.000 lượt khách mỗi năm đối với khu du lịch cấp tỉnh và 500.000 lượt khách mỗi năm đối với khu du lịch quốc gia chính là sức chứa tối thiểu của hai loại điểm đến du lịch.

Trong thực tế hoạt động du lịch, do tính thời vụ mà các điểm đến du lịch rất dễ rơi vào tình trạng “cháy” dịch vụ (mà “dân du lịch” gọi là “thất thủ”) trong mùa cao điểm. Sức chứa điểm đến chính là sức chịu tải du lịch là khả năng đáp ứng ở mức tối đa của hệ thống dịch vụ phục vụ khách du lịch trong những không gian và thời gian xác định. Tuy nhiên, với các điểm đến du lịch luôn có hai dạng “chịu tải”: sức chịu tải lý thuyếtsức chịu tải thực tế; cần xác định, làm rõ hai sức chịu tải này. Sức chịu tải lý thuyết (còn gọi là công suất thiết kế) là những thông số kỹ thuật theo luật định, theo các văn bản pháp quy và các chỉ số kế hoạch, chỉ số kỹ thuật… đã được xác định và thông qua trước. Ví dụ: Khách sạn A đã được xếp hạng, theo công suất thiết kế có 100 phòng; trong đó có 80 phòng 4 giường và 20 phòng 2 giường. Do đó, khả năng đón và phục vụ khách tối đa của khách sạn theo lý thuyết là 360 người/ ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, theo yêu cầu đặt ra của tình hình mà khách sạn hoàn toàn có thể phục vụ hơn số lượng 360 khách/ ngày (chưa kể đối tượng khách trẻ em của các gia đình theo thông lệ chung). Sức chịu tải thực tế (còn gọi là công suất thực tế) của các điểm đến du lịch cũng hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng giống như vậy. Không phải bao giờ công suất thiết kế và công suất thực tế cũng bằng nhau mà luôn luôn có độ “chênh” nhất định. Tùy tính chất, loại hình của điểm đến, đôi khi sức chịu tải thực tế có thể lên tới 300% công suất thiết kế và còn có thể cao hơn nữa. Để một điểm đến du lịch hoạt động đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, về mặt lý thuyết là cung bằng cầu. Tuy nhiên, điều lý tưởng này không phải bao giờ cũng xảy ra. Nhà quản lý phải luôn đối mặt với tình trạng cầu nhỏ hơn cung vào mùa thấp điểm và cung nhỏ hơn cầu vào mùa cao điểm. Từ đó, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, nhà quản lý cần có những chính sách thích hợp để điều tiết công việc kinh doanh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.

2. Công thức tính sức chứa điểm đến, sức chịu tải du lịch của điểm đến

Đối với công tác quản lý sức chứa điểm đến, quản lý sức chịu tải du lịch của điểm đến, nhà quản lý, nhà quản trị cần xác định được chỉ số ngưỡng của “sức chứa điểm đến”. Với các cơ sở lưu trú du lịch thì điều này không khó, nhưng với các điểm đến tham quan du lịch thì điều này sẽ gặp khó khăn. Với mỗi loại hình điểm đến du lịch khác nhau tùy thuộc quy mô và tính chất sẽ có cách tính sức chứa du lịch khác nhau. Dưới đây, chúng tôi đề cập cách tính sức chứa điểm đến cho loại hình điểm đến là di sản văn hóa; ở đó diễn ra hoạt động tham quan của du khách trong các chương trình du lịch văn hóa. Để xác định sức chứa điểm đến, sức chịu tải du lịch của điểm đến di sản văn hóa, trước hết, chúng ta phải xác định “Năng lực vận động tối đa” của điểm tham quan; tức là số người có thể tham gia hoạt động tham quan du lịch ngoài trời (outdoor) trong điều kiện thời tiết bình thường. Để xác định chỉ số này, chúng ta có thể sử dụng công thức sau để tính “Năng lực vận động tối đa”:

Trong đó: Nv là Năng lực vận động tối đa; S là diện tích tổng thể của toàn bộ không gian điểm đến (tính bằng m2); S0 (tính bằng m2) là tổng diện tích ở các vị trí khác nhau trong khu vực điểm đến vì những lý do khác nhau không thể sử dụng trực tiếp vào các dịch vụ phục vụ khách du lịch; S1 (tính bằng m2) là diện tích nội tự, không gian bên trong các tòa nhà dùng làm nơi thờ tự; S2 (tính bằng m2) là diện tích nơi diễn ra các dịch vụ bổ sung trong không gian điểm đến, như: dịch vụ vệ sinh, dịch vụ ẩm thực, dịch vụ bán hàng lưu niệm…; St là diện tích tối thiểu theo thiết kế lý thuyết, tương ứng với mỗi điểm đến nhất định để một du khách hoạt động bình thường trong quá trình tham quan du lịch; Tcp là thời gian hoạt động của điểm đến cho phép du khách được tham quan du lịch trong ngày; Tsd là thời gian sử dụng trung bình để cá nhân/ đoàn khách sử dụng trong quá trình tham quan du lịch tại điểm đến đó.

Như vậy, muốn xác định sức chứa điểm đến, trước hết cần xác định “Năng lực vận động tối đa” của điểm đến. Đây chính là số lượng du khách mà “Diện tích cơ học” trong không gian điểm đến có thể đáp ứng. “Diện tích cơ học” là diện tích mà trong đó các hoạt động tham quan du lịch diễn ra bình thường, không gây ùn tắc trong quá trình tham quan du lịch. “Diện tích cơ học” nằm trong “Diện tích lý học” (tức diện tích tổng thể) của không gian điểm đến. Xác định “Diện tích cơ học” càng chính xác thì việc xác định “Năng lực vận động tối đa” càng chính xác; giúp cho việc xác định sức chứa điểm đến càng chính xác và ngược lại.

Bên cạnh “Năng lực vận động tối đa”, sức chứa điểm đến còn phải được cộng thêm “Năng lực phục vụ tối đa”, tức là số du khách có thể được phục vụ bên trong không gian các khu vực tổ chức dịch vụ bổ sung khác (indoor) nằm trong phạm vi không gian điểm đến. “Năng lực phục vụ tối đa” là chỉ số định lượng dễ dàng xác định trong khuôn khổ tính chất, quy mô của các dịch vụ bổ sung trong không gian điểm đến. Năng lực này chính là thực lực của các hoạt động dịch vụ trong không gian điểm đến; nó hiện hữu khách quan thể hiện qua các báo cáo của các cơ sở dịch vụ, kết quả thẩm định của nhà quản lý mà không phải sử dụng bất cứ công thức nào để tính. Với các điểm đến tham quan du lịch mà để du khách phải sử dụng các phương tiện vận chuyển, thì năng lực phục vụ tối đa chính là sức chịu tải du lịch của điểm đến đó và nó bằng tổng công suất của các phương tiện vận chuyển phục vụ du khách trong không gian điểm đến đó. Ví dụ như điểm đến tham quan du lịch là một khu vực hồ nước, thì năng lực phục vụ tối đa chính là tổng công suất tối đa của các tàu thuyền làm nhiệm vụ chở khách du lịch trên khu vực lòng hồ có thể đảm nhận. Khi đó, năng lực phục vụ tối đa chính bằng sức chứa điểm đến hay chính là sức chịu tải du lịch của điểm đến tham quan du lịch đó. Tùy thuộc vào mỗi điểm đến, có những điểm đến tham quan du lịch sẽ không tính đến “Năng lực phục vụ tối đa” nếu điểm đến đó không có dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng; dịch vụ ẩm thực… lưu giữ du khách trong quá trình hoạt động. Các điểm đến đó chỉ có một lượng khách sử dụng các dịch vụ bổ sung không đáng kể; không ảnh hưởng đến việc xác định sức chứa điểm đến. Khi đó, “Sức chứa điểm đến” bằng “Năng lực vận động tối đa” của điểm đến đó.

 “Năng lực phục vụ tối đa” tạm coi là “năng lực tĩnh” của điểm đến, còn “Năng lực vận động tối đa” tạm coi là “năng lực động” của điểm đến trong không gian hoạt động của điểm đến du lịch. Tổng hợp kết quả của hai năng lực này chính là sức chứa điểm đến và đó cũng chính là sức chịu tải du lịch của điểm đến đó. Từ đó, chúng ta có công thức tính sức chứa điểm đến: Sc = Nv + Np

Trong đó: Sc: sức chứa điểm đến; Nv: năng lực vận động tối đa; Np: năng lực phục vụ tối đa.

Hay: Sức chứa điểm đến = “năng lực tĩnh” + “năng lực động”.

Ví dụ, một điểm đến du lịch là điểm tham quan thuộc loại hình di sản văn hóa có diện tích tổng thể là 100.000 m2; trong đó diện tích nội tự là 3.000 m2; diện tích các khu vực tổ chức các dịch vụ bổ sung là 10.000 m2 và diện tích không thể sử dụng được bất cứ các dịch vụ nào phục vụ khách du lịch là 20.000 m2. Diện tích theo thiết kế lý thuyết mà du khách sử dụng khi tham quan du lịch tại điểm đến đó là 2 m2/ người. Số du khách có thể được phục vụ tối đa trong các khu dịch vụ bổ sung thuộc không gian điểm đến là 1.000 người. Thời gian mở cửa phục vụ khách du lịch của điểm du lịch là 8 giờ/ngày trong điều kiện hoạt động bình thường. Thời gian sử dụng để một du khách tham quan hết khu vực điểm đến đó trung bình là 2 giờ. Khi đó, sức chứa điểm đến được tính như sau:

Trước hết, cần xác định “Năng lực vận động tối đa” của điểm đến:

Trong trường hợp này: Nv: “năng lực động” là 134.000 người; Np: “năng lực tĩnh” là 1000 người.

Vậy, sức chứa điểm đến Sc = Nv+Np = 134.000 người +1.000 người = 135.000 người. Như vậy, sức chứa điểm đến hay sức chịu tải du lịch của điểm đến đó là 135.000 người/ ngày.

Đương nhiên, sức chứa điểm đến không bao giờ là một chỉ số tuyệt đối, nó chỉ là đại lượng chung nhất để chỉ khả năng đáp ứng giúp cân bằng cung - cầu trong hoạt động của điểm đến đó mà thôi. Ngoài ra, muốn tính toán sức chứa điểm đến, sức chịu tải du lịch điểm đến cần phải căn cứ vào khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ bổ sung tại điểm đến đó, như: dịch vụ trông giữ xe; dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn tham quan; dịch vụ vệ sinh; dịch vụ lưu trú (nếu có) có thể đáp ứng được trong điều kiện bình thường. Sức chứa điểm đến, sức chịu tải du lịch hoàn toàn bị chi phối bởi nhu cầu của du khách, tính thời vụ của điểm đến và năng lực phục vụ của hệ thống dịch vụ…

Sức chứa các điểm đến tham quan du lịch cần căn cứ vào tính chất, loại hình các điểm đến tham quan du lịch là điểm đến văn hóa - lịch sử hay điểm đến sinh thái - môi trường để có phương án xác định sức chứa điểm đến, sức chịu tải du lịch phù hợp. Đồng thời với việc tính sức chịu tải du lịch; để bảo vệ môi trường điểm đến cần tính đến lượng rác thải mà khách thải ra trong quá trình du lịch; đặc biệt tại các điểm tham quan du lịch sinh thái. Từ đó có biện pháp để bố trí con người, phương tiện thu gom và khu vực chứa, vận chuyển, xử lý rác thải để không ảnh hưởng đến môi trường ở khu vực các điểm đến tham quan du lịch. Đó là một trong những yêu cầu cốt lõi để điểm đến du lịch phát triển bền vững. Tất cả các nội dung này đều phải tính toán dựa theo thời vụ, mùa vụ du lịch để đưa ra các chỉ số chung nhất mang tính tương đối.

3. Giải pháp để quản lý sức chịu tải du lịch, quản trị rủi ro khủng hoảng trong hoạt động của điểm đến du lịch

Khi đã xác định được sức chứa điểm đến, sức chịu tải du lịch của điểm đến; các nhà quản lý điểm đến cũng luôn cần phải có sự quan tâm đến cả hai tình trạng cầu thấp hơn cung và tình trạng cầu vượt cung để có giải pháp nếu không muốn điểm đến mà mình quản lý rơi vào khủng hoảng. Đối với tình trạng công suất thực tế thấp hơn công suất thiết kế; phải tìm hiểu, đưa ra những giải pháp phù hợp để “kích cầu”, nhanh chóng đưa công suất hoạt động thực tế bằng công suất thiết kế. Đối với tình trạng công suất thực tế cao hơn công suất thiết kế, cần xác định “độ chênh” có thể chấp nhận được. Độ chênh công suất lúc này chính là “sức chịu tải du lịch” của điểm đến du lịch. Dưới góc độ “kỹ trị”, độ “chênh” giữa cung và cầu này là bao nhiêu là có thể chấp nhận được. Tùy năng lực của các Ban quản lý điểm đến; năng lực của Hội đồng quản trị các doanh nghiệp, tập đoàn… mà độ chênh này có thể khác nhau. Về mặt lý thuyết, tùy tình hình cụ thể; độ chênh này tốt nhất chỉ nằm trong phạm vi từ 10% - 25% công suất thiết kế tùy theo quy mô, tính chất điểm đến; năng lực của bộ máy quản lý điểm đến. Tuy vậy, phải làm sao để các cơ quan quản lý, các nhà quản trị cân bằng cơ chế, chính sách, biện pháp của mình để điều tiết hoạt động của điểm đến được diễn ra bình thường theo xu hướng tăng trưởng ổn định, có kiểm soát. Để làm được điều này, vấn đề cần được đặt ra và giải quyết tốt sự vận động của thị trường theo quy luật cung - cầu:

Quy hoạch, đầu tư điểm đến khoa học, phù hợp; có tính đến sự biến chuyển khách quan theo thời gian để tạo ra “biên độ mềm” trong quy hoạch.

Điều tiết hoạt động điểm đến kịp thời, chặt chẽ, liên hoàn, đồng bộ, thích ứng linh hoạt với diễn biến thị trường.

Giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa “giá trịgiá cả”. Sử dụng “công cụ giá” linh hoạt, lấy lợi ích để điều tiết thị trường, tăng hoặc giảm công suất hoạt động điểm đến phù hợp.

Liên kết, phối hợp hành động giữa các cá nhân, bộ phận trong nội bộ điểm đến, cơ quan quản lý điểm đến và sự liên kết giữa điểm đến đối với các doanh nghiệp là đối tác kinh doanh của điểm đến trên phương châm: “Phối hợp hành động chặt chẽ - Cân đối hài hòa lợi ích - Chia sẻ khó khăn, rủi ro (nếu có)”.

Kinh doanh có kế hoạch khoa học; linh hoạt trong vận hành hoạt động, điều tiết kế hoạch kịp thời nhưng không tùy tiện điều chỉnh kế hoạch.

Thông tin, tuyên truyền kịp thời tình hình đến các thị trường gửi khách; các đối tác cung cấp khách để khách hàng tự điều tiết nhu cầu.

Kiểm soát, điều phối từ xa (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) số lượng các dòng khách tới điểm đến tùy theo thời gian, mùa vụ.

Tiết chế và có biện pháp phù hợp để quản lý “lòng tham” của chính nhà quản trị, của các cơ quan quản lý điểm đến. Thực hiện điều khó nhất là tự mình quản lý chính mình.

Kiểm soát sức chứa, sức chịu tải du lịch để bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch; giúp môi trường du lịch có thể phục hồi, tái tạo sự cân bằng thông qua các công việc cụ thể, như:

Kiểm soát lượng vé bán ra đối với các điểm tham quan du lịch; phát hành vé theo khung giờ: với nhiều khung giờ tham quan và mức giá khác nhau để điều tiết lượng khách tham quan du lịch; kiểm soát vé ở hai đầu: thời gian vào và ra để kiểm soát được việc bán vé theo khung giờ tham quan du lịch. Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người quản lý các cấp; người kinh doanh ở các bộ phận cung cấp dịch vụ: cư dân bản địa tham gia kinh doanh dịch vụ; toàn bộ các đối tượng du khách khi đến với điểm đến...

Như vậy, để quản lý sức chứa điểm đến, sức chịu tải du lịch của điểm đến du lịch nói riêng, quản trị điểm đến du lịch nói chung thành công cần có những biện pháp quản lý, quản trị khoa học, phù hợp, linh hoạt, đồng bộ của khoa học quản lý với các phương pháp “quản trị”, “kỹ trị” phù hợp trong đó có việc xác định sức chứa điểm đến, sức chịu tải du lịch của điểm đến.

Đồng thời, cần có sự kết hợp hài hòa “nhân trị”, “đức trị”... trong các hoạt động của điểm đến du lịch trên nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến”. “Bất biến” ở đây là phải đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch trong mọi không gian và thời gian.

_____________________

1, 3. Quốc hội, Luật số 09/2017/QH14, Luật Du lịch, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 19-6-2017.

2. Sức chứa của điểm đến du lịch là gì, dẫn theo vietnambiz.vn, 18-10-2019.

4. Điều 12, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, ngày 31-12-2017.

5. Điều 13, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, ngày 31-12-2017.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị ,Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, 2017.

2. Chính phủ, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, ban hành ngày 31-12-2017.

3. Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, Hà Nội, 2020.

4. Võ Quế, Bàn về tính toán sức chứa cho khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên, itdr.org.vn, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 31-12-2018.

5. Lê Hồng Lý, Dương Văn Sáu, Đặng Hoài Thu, Quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2010.

6. Dương Văn Sáu, Giáo trình Văn hóa Du lịch (Tái bản lần 1 có sửa chữa bổ sung), Nxb Lao Động, Hà Nội, 2019.

PGS, TS DƯƠNG VĂN SÁU - NGUYỄN THỊ BÍCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

;