Bài viết nhận diện các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, thực trạng khai thác tài nguyên phát triển du lịch trên địa bàn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên những tồn tại, hạn chế và nêu một số định hướng nhằm phát triển du lịch của địa phương.
Ðội văn nghệ bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) biểu diễn giao lưu văn nghệ với du khách - Ảnh: vietnamtourism.gov.vn
Là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Điện Biên, Đảng bộ, chính quyền huyện Điện Biên luôn quan tâm tìm ra những giải pháp khai thác các tiềm năng, thế mạnh địa phương để phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, huyện Điện Biên cũng chú trọng vào khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của huyện nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của huyện như sản phẩm chưa thực sự đa dạng, năng lực cạnh tranh thấp, quy mô còn nhỏ cũng như nguồn thu cho ngân sách từ du lịch chưa đạt được như mong muốn... Huyện Điện Biên hiện là địa phương còn nhiều khó khăn. Theo Báo cáo của huyện Điện Biên, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của huyện là 10,4%, thực hiện hỗ trợ 47.310 kg gạo cứu đói giáp hạt cho 872 hộ (3.154 khẩu). Do đó, nhận diện đầy đủ các tài nguyên du lịch, thực trạng khai thác, những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục và định hướng, giải pháp nhằm phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân là vấn đề cấp thiết đặt ra, có ý nghĩa thực tiễn.
Huyện Điện Biên có tổng diện tích tự nhiên 139.626,7 ha, thuộc phía Tây - Nam tỉnh Điện Biên. Phía Đông giáp huyện Điện Biên Đông; phía Đông Bắc giáp thành phố (TP) Điện Biên Phủ; phía Đông Nam giáp huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La; phía Tây và phía Nam giáp Lào; phía Bắc giáp huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Huyện có chung đường biên giới với tỉnh Phoong Sa Ly và tỉnh Luông Pra Bang (Lào) dài 171,202km, có cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc... Vị trí địa lý này tạo điều kiện thuận lợi để kết nối phát triển du lịch với các địa phương trong tỉnh nhất là TP Điện Biên Phủ cũng như với tỉnh Sơn La và Lào.
Điện Biên có địa hình chia thành 2 vùng, trong đó vùng lòng chảo (12 xã) tương đối bằng phẳng, ít bị chia cắt, độ dốc nhỏ dưới 15 độ. Vùng ngoài lòng chảo (9 xã) phân bố quanh vùng lòng chảo có địa hình núi cao chia cắt mạnh, xen giữa các dãy núi cao là các vùng đất bằng nhỏ hẹp. Vùng lòng chảo (cánh đồng Mường Thanh với diện tích trên 140km2 thuộc địa bàn hầu hết các xã của huyện Điện Biên như Thanh Minh, Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn, Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa…) là một địa danh nổi tiếng với câu truyền khẩu “Nhất Thanh (Mường Thanh - Điện Biên), nhì Lò (Mường Lò - Yên Bái), tam Than (Mường Than - Lai Châu), tứ Tấc (Mường Tấc - Sơn La)” để nói về bốn vựa lúa trù phú và gạo ngon bậc nhất Tây Bắc. Đây là điều kiện thuận lợi đối với xây dựng các cơ sở lưu trú ở địa bàn miền núi và khai thác các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch.
Các danh lam thắng cảnh được hình thành trong điều kiện tự nhiên khá phong phú. Động Pa Thơm, xã Pa Thơm (cách TP Điện Biên Phủ hơn 30km, giáp với biên giới Việt - Lào), là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Hang động Chua Ta, xã Hẹ Muông (cách TP Điện Biên Phủ hơn 30km về phía Nam), là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Suối khoáng U Va, xã Noong Luống (cách TP Điện Biên Phủ hơn 15km). Suối khoáng Hua Pe, xã Thanh Luông (cách TP Điện Biên Phủ 5km về phía Tây) là con suối khoáng nóng với nhiệt độ thường xuyên khoảng 600Cvà bên cạnh suối khoáng có hồ nhân tạo Pe Luông rộng 25ha. Các danh lam thắng cảnh trên đây tạo ra những sản phẩm du lịch phong phú, mang tính đặc thù của địa phương.
Ngày 21-11-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 815/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Điện Biên. Theo đó, huyện Điện Biên có 21 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm: Hẹ Muông, Hua Thanh, Mường Lói, Mường Nhà, Mường Pồn, Na Tông, Na Ư, Noong Hẹt, Noong Luống, Núa Ngam, Pa Thơm, Phu Luông, Pom Lót, Sam Mứn, Thanh An, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa, Thanh Yên và thị trấn Thanh Xương. Thành phần dân tộc trên địa bàn huyện và các xã khá đa dạng với 11 dân tộc, trong đó: 49,00% dân tộc Thái; 27,05% dân tộc Kinh; 10,70% dân tộc Mông; 5,99% dân tộc Khơ mú; 3,38% dân tộc Lào; 2,57% dân tộc Tày; 0,48% dân tộc Nùng; 0,36% dân tộc Cống; 0,16% dân tộc Thổ; 0,15% dân tộc Mường; 0,15% dân tộc khác. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, đa dạng như dân ca, dân vũ, dệt thổ cẩm, rượu chít, các món ăn như cơm lam, cá nướng... tạo ra các sản phẩm du lịch vừa đa dạng, vừa có tính đặc thù của huyện Điện Biên.
Các di tích lịch sử, văn hóa phân bố trên địa bàn nhiều xã. Di tích dân quân xã Thanh An bắn rơi máy bay Mỹ bao gồm hệ thống giao thông hào dài khoảng 90-100m, rộng 0,8-1m, nằm trên đồi rộng khoảng 2ha, là di tích lịch sử cấp tỉnh. Thành Tam Vạn hay còn gọi là thành Sam Mứn (theo tiếng Thái), xã Pom Lót (cách TP Điện Biên Phủ hơn 10km), là di tích quốc gia, căn cứ quân sự chống các thế lực xâm lược và cũng là trung tâm kinh tế của các đời chúa Lự tại Mường Thanh. Thành Bản Phủ - đền thờ Hoàng Công Chất, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên (cách TP Điện Biên Phủ khoảng 7km về phía Tây Nam) rộng hơn 80 mẫu, là di tích quốc gia. Đền thờ Hoàng Công Chất ở trung tâm Thành Bản Phủ, thờ họ Hoàng và 6 thủ lĩnh nghĩa quân và còn là nơi tín ngưỡng của nhân dân trong các ngày rằm, năm mới, nhất là ngày lễ hội truyền thống (tổ chức trong các ngày 24, 25 tháng hai âm lịch hằng năm). Các di tích lịch sử, văn hóa và bản sắc văn hóa các dân tộc cùng với các danh lam thắng cảnh là nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú và đặc thù, là thế mạnh, tiền đề cần thiết để huyện Điện Biên khai thác phát triển du lịch.
Đối với cơ sở hạ tầng giao thông, tuyến Quốc lộ 279 đi qua huyện Điện Biên (thuộc các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn, Na Ư, với tổng chiều dài tuyến là 54km) nối sang Lào (cửa khẩu quốc tế Tây Trang) và các tuyến đường của tỉnh (đường tỉnh lộ 139 và 141 có chiều dài 24km). Tuyến Quốc lộ 12 đi qua huyện Điện Biên (thuộc xã Thanh Nưa và xã Mường Pồn, chiều dài 29km)… Cơ sở hạ tầng giao thông là điều kiện quan trọng và cần thiết cho các hoạt động vận chuyển khi được cải tạo, nâng cấp.
Nhằm khai thác các tiềm năng để phát triển du lịch, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ngày 7-5-2021) nêu quan điểm: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và dựa trên ba trụ cột chính bao gồm: du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Triển khai Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên ra Quyết định số 345/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ngày 3-3-2023), trong đó nêu định hướng liên quan phát triển du lịch huyện Điện Biên bao gồm: cánh đồng Mường Thanh được xây dựng là một điểm dừng chân. Các điểm du lịch, điểm tham quan là khu du lịch sinh thái hồ Pe Luông, xã Thanh Luông; điểm du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Uva, xã Noong Luống; điểm du lịch khoáng nóng Hua Pe, xã Thanh Luông; khu du lịch sinh thái hang động Pa Thơm, xã Pa Thơm; khu du lịch hang động Chua Ta, xã Hẹ Muông; khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phức hợp Hoong Lếch, xã Thanh Hưng. Các loại hình và sản phẩm du lịch như sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh (lễ hội Thành Bản Phủ), sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe (khu du lịch sinh thái Pa Thơm, khu vực suối khoáng nóng Uva, Hua Pe...), sản phẩm du lịch cộng đồng (Bản Na Sang II)... Triển khai thực hiện, UBND huyện Điện Biên xác định phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển du lịch như sau: làm tốt công tác phối hợp để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái suối khoáng nóng Uva, động Pa Thơm, khoáng nóng Hua Pe, động Chua Ta. Tiếp tục phát triển hình thái du lịch làng bản văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi, định hướng phát triển cho các làng bản trong huyện thu hút khách du lịch tìm hiểu nền văn hóa, ẩm thực dân tộc, lễ hội của đồng bào địa phương, kết hợp tìm hiểu sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của huyện. Định hướng phát triển du lịch trên cho thấy Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên cũng như huyện Điện Biên rất coi trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phát triển du lịch được huyện triển khai tích cực với nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ. Các đề tài, đề án nghiên cứu nhằm xây dựng các cơ sở khoa học về bảo tồn và phát huy các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch như các di tích lịch sử, văn hóa, bản sắc văn hóa các dân tộc… tiến hành kiểm kê, xây dựng danh mục di sản văn hóa, lập hồ sơ di sản, nghệ nhân ưu tú đề nghị công nhận di sản văn hóa các cấp như lễ hội thành Bản Phủ; Xên bản, múa xòe cổ (dân tộc Thái), lễ tra hạt, lễ cầu mưa (dân tộc Khơ mú), Tết Hoa (dân tộc Cống), Tết té nước (dân tộc Lào)…
Các nghi lễ truyền thống của một số dân tộc được tổ chức phục dựng và duy trì như lễ cầu mưa, lễ tra hạt (dân tộc Khơ mú), Tết té nước (dân tộc Lào), lễ cúng dòng họ (dân tộc Mông), lễ Xên bản (dân tộc Thái), Tết Hoa (dân tộc Cống), lễ mừng cơm mới (dân tộc Nùng)… Lễ hội thành Bản Phủ được tổ chức với quy mô lớn, là dịp tưởng nhớ công lao của thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất trong công cuộc giải phóng Điện Biên, tổ chức sự kiện “Hoa anh đào - Pá Khoang - Điện Biên”, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông. Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được giới thiệu, quảng bá tại các sự kiện văn hóa, du lịch, các hội chợ của tỉnh và khu vực. Thông qua các lễ hội, các trang web giới thiệu sản phẩm du lịch được xây dựng, tổ chức phiên chợ thương mại biên giới nhằm thúc đẩy hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ký kết các hợp đồng du lịch.
Các bản văn hóa du lịch cộng đồng được đầu tư xây dựng và phục vụ du khách như bản Mển (xã Thanh Nưa), bản Pe Luông (xã Thanh Luông), bản Co Mỵ (xã Thanh Chăn), bản Ten (xã Thanh Xương), bản Uva (xã Noong Luống), bản Hoong Lếch Cang (xã Thanh Chăn)... Điểm vui chơi hồ Noong U, điểm nước khoáng nóng Uva là khu du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh... Để khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án về du lịch như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính, pháp lý... huyện khuyến khích người dân đầu tư kinh doanh các loại hình du lịch, đặc biệt du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Nhiều gia đình đã chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa, đường, ngõ, phục dựng một số lễ hội truyền thống, khôi phục nghề sản xuất thủ công truyền thống để phục vụ du khách. Các lớp truyền dạy dân ca, nhạc cụ dân tộc được tổ chức như, lớp múa xòe cổ (dân tộc Thái), lăm vông (dân tộc Lào), cùng với đó là các lớp tập huấn nhằm trang bị cho người dân kỹ năng làm du lịch, các quy định về quản lý khu, điểm du lịch, ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường...
Có thể thấy rằng, huyện Điện Biên đã quan tâm khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị tiềm năng để phát triển du lịch và đạt được những kết quả tích cực về lập danh mục và hồ sơ di sản văn hóa, khôi phục, tổ chức các lễ hội truyền thống, quảng bá du lịch, đầu tư xây dựng các bản du lịch cộng đồng, thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển du lịch, đào tạo nghề... Phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, các sản phẩm du lịch ở đây còn khá đơn điệu, thiếu sự kết nối các sản phẩm của địa phương. Phát triển du lịch còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, toàn diện, còn chủ yếu tập trung ở một số dân tộc, nhiều giá trị văn hóa truyền thống chưa được khai thác. Hệ thống cơ sở hạ tầng nhất là giao thông kết nối đến các điểm du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, cơ sở lưu trú chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể nên chất lượng chưa tốt. Nguồn nhân lực du lịch còn nhiều hạn chế như số lượng lao động có chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề còn ít, đa số chưa được đào tạo cơ bản, chủ yếu mới qua tập huấn và bồi dưỡng ngắn hạn, thiếu các kỹ năng giao tiếp, quảng bá và giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương…
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch của một địa phương, trong đó điểm đến du lịch hấp dẫn là yếu tố quyết định trước hết đối với sự lựa chọn của du khách. Với sự nguyên bản, đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Điện Biên xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, đồng thời cần xác định được các sản phẩm du lịch có tính đại diện cao, tạo điểm nhấn. Sự kết nối giữa các nguồn lực sẵn có về tài nguyên du lịch như giữa cảnh quan thiên nhiên với các di tích lịch sử, văn hóa và các lễ hội, dân ca, dân vũ, ẩm thực… và kết nối giữa các cảnh quan thiên nhiên, giữa các di tích lịch sử, văn hóa và giữa các lễ hội, dân ca, dân vũ, ẩm thực… giúp cho điểm đến du lịch đa dạng về dịch vụ và du khách có nhiều cơ hội hơn về trải nghiệm cũng như có quy mô đủ lớn để bảo đảm lợi nhuận kinh doanh.
Việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông cùng với dịch vụ vận chuyển sẵn có, tiện lợi giúp du khách tiếp cận dễ dàng điểm đến du lịch. Là huyện miền núi, biên giới, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, vì vậy huyện Điện Biên cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông trung tâm và kết nối đến các điểm du lịch. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch liên quan các ngành, các lĩnh vực khác nhau nên sự phối hợp, liên kết chặt chẽ trong quá trình đầu tư là không thể thiếu được nhằm tạo ra sự phát triển đồng bộ, kịp thời. Trên cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi, xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, các loại hình lưu trú cần được xây dựng đa dạng nhằm thỏa mãn nhu cầu du khách như khách sạn, nhà nghỉ, nhà có phòng cho khách du lịch thuê (homestay)…
Nguồn nhân lực cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng bao gồm nhóm nhân lực gián tiếp là đội ngũ quản lý du lịch và nhóm nhân lực trực tiếp bao gồm bộ phận hướng dẫn viên, lễ tân, phục vụ buồng, bàn, đầu bếp... Nhóm nhân lực gián tiếp cần được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện… Nhóm nhân lực trực tiếp, nguồn nhân lực sẵn có của địa phương cần được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp bao gồm sự am hiểu về các sản phẩm du lịch của địa phương một cách sâu sắc, toàn diện, kỹ năng trình bày, giới thiệu, giao tiếp với du khách và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, thân thiện… trong quá trình tham gia hoạt động du lịch. Cơ cấu nguồn nhân lực du lịch cần được xây dựng phù hợp giữa các dân tộc, giữa nam giới và nữ giới, giữa lớn tuổi và trẻ tuổi… nhằm phối hợp, hỗ trợ nhau để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của nguồn nhân lực.
Với sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Điện Biên và huyện Điện Biên, các hoạt động khai thác tiềm năng du lịch đã và đang được triển khai, đem lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, cơ sở hạ tầng du lịch còn chưa đảm bảo, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, từ đó dẫn tới sự phát triển du lịch còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Để phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ về xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch và nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Sự phát triển du lịch góp phần bảo vệ, phát huy tài nguyên du lịch, phát triển kinh tế, xã hội, tạo ra sinh kế mới và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
__________________
Tài liệu tham khảo
1. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên, Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 7-5-2021.
2. UBND tỉnh Điện Biên, Quyết định số 345/QĐUBND của UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 3-3-2023.
3. UBND huyện Điện Biên, Báo cáo số 460/BC-UBND Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023 huyện Điện Biên, ngày 21-11-2022.
TS TRẦN LÊ THANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024