Tiềm năng của loại hình du lịch làng nghề ở Thanh Hóa
Có nhiều phương thức tiếp cận để phát huy các giá trị văn hóa, tuy nhiên du lịch được xem là phương thức phát huy có hiệu quả nhất. Không phải ngẫu nhiên mà du lịch được xem là “cầu nối” giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa trên thế giới. Qua hoạt động hướng dẫn du lịch, du khách có cơ hội không chỉ được tận mắt nhìn thấy trong thực tế, mà còn được hiểu về giá trị các di sản văn hóa ở nơi mình đến. Nhiều giá trị văn hóa chỉ có thể cảm nhận được trong những khung cảnh thực của tự nhiên, của nếp sống truyền thống cộng đồng mà không thể loại nào, hay diễn xuất nào có thể chuyển tải được. Chỉ có du lịch mới có thể đem lại cho du khách những trải nghiệm đặc biệt, sống động.
Hiện nay, trong các loại hình du lịch, phát triển du lịch làng nghề là hướng đi đúng đắn và phù hợp, được ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch của nhiều địa phương trong cả nước. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở các con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, giải quyết nguồn lao động địa phương, mà hơn thế, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc. Đó là những lợi ích lâu dài không thể tính được trong ngày một ngày hai.
Những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở Thanh Hóa đã được chú trọng, phát triển nhằm tạo ra sản phẩm hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Trên thực tế, du lịch làng nghề Thanh Hóa đã thu hút một lượng du khách đáng kể nhưng vẫn chỉ là những nỗ lực tự phát, chưa hình thành được cách làm chuyên nghiệp.
Thanh Hóa có khoảng 500 làng có nghề, trong đó có gần 190 làng có nghề đã được công nhận. So với các địa phương trong cả nước, làng nghề truyền thống của Thanh Hóa tuy nhiều về số lượng, nhưng chưa mạnh về thương hiệu, hầu hết các làng nghề có quy mô nhỏ, phân tán. Trải qua những thăng trầm, nhiều làng nghề không thể trụ vững và có nguy cơ mai một, thất truyền. Đứng trước thực tế phát triển của các làng nghề, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách duy trì, phát triển. Điều đáng mừng là hiện nay, sau một thời gian mai một, một số nghề truyền thống đã được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Kết quả đó có sự đóng góp của các nghệ nhân - những người có công giữ gìn và phát huy tinh hoa nghề truyền thống, của chính quyền các cấp với nhiều chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề và truyền nghề, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại.
Nghề thủ công mỹ nghệ ở Thanh Hóa - Ảnh: Phạm Công Thắng
Tại vùng biển, đồng bằng, nghề thủ công gắn liền với những tên gọi làng nghề quen thuộc, nổi tiếng như: đục đá làng Nhồi (Đông Sơn), gốm Tam Thọ (Đông Sơn), Lò Chum, Cốc Hạ (thành phố Thanh Hóa), đúc đồng Trà Đông (Thiệu Hóa), dệt chiếu Nga Sơn, nước mắm Du Xuyên, Ba Làng (Tĩnh Gia),... Tại vùng núi rừng xứ Thanh, nghề thủ công truyền thống gắn liền với các dân tộc như: nghề dệt sợi gai của người Thổ, dệt vải lanh của người Mông, dệt thổ cẩm của người Mường, Thái, làm cao chàm và nhuộm vải của người Dao,... Như vậy, trong sản xuất thủ công, yếu tố nguyên liệu luôn được đặt lên hàng đầu nên mỗi nghề thủ công đều gắn liền với vùng đất sinh ra nó, để dần dần, các làng nghề thủ công truyền thống được hình thành. Song, thợ thủ công tự tổ chức và tự tạo nên những thao tác kỹ thuật thích hợp. Những người làm nghề đều theo kinh nghiệm để truyền nghề trực tiếp - bí truyền trong dòng tộc hết đời này sang đời khác... Vì thế, cùng một nhóm nghề thủ công, nhưng chỉ có một số ít làng nghề nổi tiếng. Ví như, nhóm nghề dệt là một nghề thủ công sớm phát triển khắp toàn tỉnh, riêng dệt lụa cũng chỉ có một số làng có sản phẩm lụa bền, đẹp, được nhiều nơi biết tiếng như: Phong Lai (Thọ Xuân), Mỹ Đô (Thiệu Hóa), Bút Sơn (Hoằng Hóa)... Trong khi đó, tại vùng nguyên liệu cho nghề dệt là Quảng Hóa (nay là Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy), lại không có làng nghề dệt lụa tiêu biểu. Tuy sự phân bố của nghề thủ công truyền thống Thanh Hóa khắp các vùng, miền hết sức đa dạng, nhiều nghề được ra đời sớm ở ngay vùng nguyên liệu (đan lát, dệt...), nhưng chưa hẳn đã phát triển, hoặc thất truyền, chỉ trở thành nơi cung cấp nguyên liệu.
Sự đa dạng của nghề thủ công truyền thống Thanh Hóa đã tạo nên nhiều sản phẩm thủ công tự cung, tự cấp cho quê hương, trải hàng ngàn năm lịch sử. Hơn nữa, những thành tựu và tiến bộ kỹ thuật của nghề này nhiều khi là cơ sở thúc đẩy những tiến bộ của nghề kia, thành phẩm của nghề này là nguyên vật liệu để sản xuất cho một nghề khác. Vì vậy, nghề thủ công truyền thống ở một khía cạnh chỉ là nghề phụ, nhưng lại đạt trình độ điêu luyện đến mức trở thành nghệ thuật, người thợ trở thành nghệ nhân đã sáng tạo nên những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao, đóng góp vào nét văn hóa độc đáo của quê hương, dân tộc. Những sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống xứ Thanh, với độ bền, đẹp, tinh xảo, mang tính thẩm mỹ cao, đã vượt ra phạm vi ngoài tỉnh, được nhiều người ưa chuộng như: lụa Hồng Đô (Thiệu Hóa), gốm Lò Chum, các sản phẩm đục đá (làng Nhồi),... Đặc biệt, chiếu Nga Sơn được sánh cùng với gạch Bát Tràng, tơ Nam Định, lụa Hà Đông, là những mặt hàng nổi tiếng cả nước, đã đi vào ca dao quen thuộc của người dân đất Việt.
Để làng nghề ngày càng phát huy được những giá trị tốt đẹp, đặc biệt là gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của mỗi làng nghề truyền thống, tỉnh Thanh Hóa đã công nhận 30 làng nghề, làng nghề truyền thống và 10 nghề truyền thống. Trong đó có 24 làng nghề truyền thống, bao gồm 8 làng nghề cây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh tại 8 thôn thuộc xã Xuân Du (Như Thanh), 3 làng nghề làm nón tại Nông Cống, 4 làng nghề dệt chiếu cói huyện Nga Sơn, làng nghề đúc đồng xã Thiệu Trung, làng nghề bánh đa xã Thiệu Châu (Thiệu Hóa), làng nghề mộc Đạt Tài (Hoằng Hóa), làng nghề bánh gai xã Thọ Diên (Thọ Xuân), bánh lá xã Xuân Lập (Thọ Xuân), làng nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô (Thiệu Hóa), làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng và chế tác đá Đồng Thắng (Triệu Sơn), làng nghề gốm xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa). Theo đó, nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách có liên quan.
Giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch
Rõ ràng, tiềm năng phát triển du lịch làng nghề tại Thanh Hóa rất lớn. Nhiều địa phương cũng nhận thấy lợi ích khi phát triển làng nghề kết hợp du lịch, nhưng việc khai thác hiện nay còn hạn chế. Các địa phương vẫn loay hoay tìm cách phát triển du lịch làng nghề, làm du lịch theo kiểu tự phát, còn du khách vẫn tự tìm đến làng nghề là chính chứ ít đi theo tour. Để có thể phát triển du lịch làng nghề, cần tiến hành nhiều giải pháp sau:
Tập trung quảng bá về các làng nghề, sản phẩm làng nghề, cơ sở, hộ sản xuất và các nghệ nhân của làng nghề nằm trong các tour, tuyến du lịch. Đây là khâu quan trọng, quyết định để hình ảnh làng nghề đến được với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Tổ chức các tour làng nghề kết hợp với các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch về cội nguồn, du lịch nông nghiệp...
Việc phát triển du lịch làng nghề phải hướng tới 3 mục đích: kinh tế, môi trường và cộng đồng.
Công tác lập và quản lý quy hoạch phát triển du lịch phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời quan tâm đến việc mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Bên cạnh đó, làng nghề muốn gắn với du lịch để phát triển phải có sự bắt tay của các doanh nghiệp. Phải có đơn vị lữ hành xây dựng sản phẩm và đưa khách đến các làng nghề. Hiện nay, xu hướng du lịch sáng tạo đang hấp dẫn, bởi thế, khách đến làng nghề không chỉ ngắm nhìn, mua sản phẩm mà còn được tham gia học kỹ năng làm nghề, tự tay tạo ra sản phẩm của riêng mình. Điều quan trọng, các làng nghề phải giữ được nghệ nhân, giữ lại những ngôi nhà có kiến trúc cổ, sưu tầm nhiều sản phẩm nổi tiếng, có phòng trưng bày hiện vật lịch sử phát triển làng nghề. Trong làng phải có người am hiểu nghề, phong tục và văn hóa làng để giới thiệu đến du khách. Hơn nữa, trong việc phát triển gắn với du lịch, các làng nghề nên có hai khu vực: một khu trưng bày sản xuất các mặt hàng, một khu vực để khách trải nghiệm kỹ thuật nghề, xem các nghệ nhân trình diễn.
Ngoài ra, cũng cần có sự liên kết giữa các làng nghề, để khai thác triệt để những tiềm năng còn bỏ ngỏ. Đây còn là phương thức nhân lên sức mạnh thương hiệu, góp phần giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển làng nghề trong hội nhập. Đồng thời, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch để hình thành một đội ngũ làm du lịch tại chỗ theo hai hướng: hình thành đội ngũ quản lý và điều hành hoạt động du lịch tại làng nghề; huy động cộng đồng dân cư tại làng nghề tham gia vào quá trình hoạt động du lịch. Trong đó, ưu tiên vinh danh những nghệ nhân và khuyến khích họ trực tiếp hướng dẫn khách du lịch tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm.
Như vậy, làng nghề vừa là sản phẩm du lịch đặc trưng khi làng nghề đó có khả năng hấp dẫn, thu hút khách, vừa là sản phẩm du lịch bổ sung khi tạo ra những mặt hàng lưu niệm cho du khách. Bởi vậy, vấn đề đi tìm các biện pháp để du lịch làng nghề thực sự phát huy tiềm năng và hiệu quả, đóng góp ngày một lớn, bền vững hơn cho mục tiêu phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa… được coi là nhiệm vụ hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tác giả: Lê Bá Thành - Trịnh Thị Hậu
Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 - 2019