Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị danh lam, thắng cảnh ở tỉnh Cao Bằng

     Cao Bằng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, cùng với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng và những nét sinh hoạt văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc đã khiến nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Cao Bằng là tỉnh có các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật, dân gian truyền thống đã được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và đang phát huy giá trị. Với địa hình và điều kiện tự nhiên đã tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có tiềm năng thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

 

    1. Tiềm năng du lịch tỉnh Cao Bằng

     Hiện nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 251 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích xếp hạng quốc gia, 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Khu di tích lịch sử cách mạng có Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, nơi gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân... Cao Bằng còn có các di tích, danh thắng tiêu biểu như: Thành nhà Mạc, đền Vua Lê, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, khu du lịch sinh thái Phja Oắc-Phja Đén và các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như: lễ hội Pháo hoa, Nàng Hai, Kỳ Sầm... Ngoài ra, Cao Bằng có cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng và 3 cửa khẩu chính: Trà Lĩnh, Sóc Giang và Lý Vạn cùng nhiều cặp chợ biên giới giao thương với Quảng Tây, Trung Quốc là một thế mạnh để hợp tác phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa, du lịch, phát triển kinh tế xã hội.

 

Thác Bản Giốc - Ảnh: Phạm Lự

 

     Nhờ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm, năm 2017, Cao Bằng đã đón gần 34 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, tăng 92,6% so với năm 2011 và gần 700 nghìn lượt khách nội địa. Các cơ sở lưu trú cũng không ngừng được cải tạo, nâng cấp, xây mới, chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao. Năm 2017, Cao Bằng đón 952 nghìn lượt du khách, doanh thu du lịch đạt 189 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2018, tỉnh đã đón hơn 836 nghìn lượt du khách, trong đó, gần 71 nghìn lượt khách quốc tế (tăng 98,6% so với cùng kỳ), hơn 765 nghìn lượt khách trong nước (tăng 23,7%). Tổng doanh thu du lịch đạt 219 tỷ đồng, tăng 65,6% so với cùng kỳ. Ngành du lịch Cao Bằng tin rằng, năm 2019 này, lần đầu tiên sẽ “cán mốc” đón hơn 1 triệu du khách.

     Xác định du lịch là thế mạnh và tiềm năng của tỉnh, trong những năm gần đây, các cụm du lịch đã và đang được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện và đưa vào khai thác phục vụ du khách... Các khu di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa được quan tâm đầu tư tu bổ, xây dựng; hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, các loại hình văn hóa phi vật thể như hát then, sli, lượn, đàn tính được bảo lưu và phát huy; các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Đi đôi với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tỉnh cũng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút du khách. Cao Bằng cũng đã hợp tác với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.

     2. Khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh du lịch

     Trong những năm qua, du lịch Cao Bằng đã có những bước tăng trưởng đáng kể, tuy nhiên, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả còn thấp hơn mức trung bình của cả nước. Bên cạnh đó, công tác quảng bá và xúc tiến du lịch còn yếu. Sự liên kết, hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch chưa chặt chẽ, hoạt động kinh doanh du lịch của các đơn vị chưa chuyên nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ chưa đồng bộ, thiếu vốn đầu tư. Các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; công tác quy hoạch tour, tuyến du lịch còn rời rạc, thiếu sự kết nối đồng bộ...

     Để từng bước khắc phục những hạn chế, tồn tại và đưa du lịch Cao Bằng phát triển tương xứng với tiềm năng của địa phương, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới, đó là: tiếp tục thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8-12-2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời thực hiện nguyên tắc phát triển du lịch có trách nhiệm; huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội, ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường xã hội hóa hoạt động đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, danh lam, thắng cảnh; bảo tồn và phát triển các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống; ban hành chính sách riêng cho các khu, điểm du lịch về đầu tư du lịch phù hợp với tình hình địa phương; hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu thị trường du lịch; đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh dành cho khách du lịch quốc tế đến Cao Bằng; xây dựng đề án ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch, có kế hoạch, chương trình đào tạo lực lượng tại chỗ phù hợp với thực tế của địa phương; triển khai hiệu quả kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Cao Bằng giai đoạn 2017-2020; tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, hợp tác, khai thác tốt các thỏa thuận hợp tác giữa Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, mở rộng tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong lĩnh vực du lịch, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững của du lịch địa phương.

     3. Điểm nhấn đột phá để phát triển du lịch tại tỉnh Cao Bằng

     Cao Bằng là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng và đa sắc màu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô…, thu hút khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm. Xứ sở của những cọn nước, các suối nguồn trong vắt và những chàng trai, cô gái tươi tắn trong sắc áo chàm thổ cẩm; nhiều lễ hội dân gian truyền thống nổi tiếng, như: lễ hội Nàng hai, lễ hội Lồng tồng, lễ cấp sắc, lễ hội pháo hoa; và những làn điệu dân ca làm say lòng du khách như hát then, hát sli, hát lượn... Bên cạnh các giá trị thiên nhiên như đặc điểm địa chất và đa dạng sinh học, non nước Cao Bằng còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 để lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Ðạo - nơi năm 1944, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; các điểm di tích Chiến thắng Biên giới 1950 (huyện Thạch An)… Ngoài ra, Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: thác Bản Giốc - thác nước hùng vĩ và đẹp bậc nhất Ðông Nam Á; Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Ðén (huyện Nguyên Bình); và các điểm tham quan trong Công viên địa chất (CVÐC) Non nước Cao Bằng... Tất cả những ưu thế ấy là điều kiện, thế mạnh để Cao Bằng trở thành điểm đến không thể bỏ qua của những du khách ưa thích sự khám phá, trải nghiệm.

     Tìm giải pháp khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, Cao Bằng đã xúc tiến xây dựng thương hiệu gắn với danh hiệu CVÐC toàn cầu. Qua nghiên cứu, CVÐC là mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Ðồng thời, giúp phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh trong du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Cuối năm 2015, tỉnh Cao Bằng quyết định thành lập CVÐC Non nước Cao Bằng, và tích cực phối hợp cơ quan chức năng triển khai các bước lập hồ sơ, đệ trình UNESCO xét công nhận danh hiệu CVÐC toàn cầu.

     Sau hơn hai năm nỗ lực thành lập, xây dựng và phát triển, CVÐC Non nước Cao Bằng, với hơn 130 điểm di sản địa chất, văn hóa, lịch sử, phong cảnh độc đáo và có giá trị quốc tế trong phạm vi 9 huyện, Cao Bằng đã có 3 tuyến du lịch hấp dẫn trong CVÐC: tuyến du lịch cụm phía Tây Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay; tuyến du lịch cụm phía Bắc Hành trình về nguồn cội; tuyến du lịch cụm phía đông Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên. Tháng 4-2018, sự kiện CVÐC Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là CVÐC toàn cầu, là cú huých quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh. Danh hiệu CVÐC toàn cầu cùng với bản sắc văn hóa, con người, danh lam thắng cảnh tại Cao Bằng đã tạo được sức hấp dẫn với du khách trong nước và ngoài nước. Quá trình xây dựng hồ sơ để được công nhận là CVÐC toàn cầu cũng là thời gian Cao Bằng tạo lập điểm nhấn đột phá giúp địa phương phát triển du lịch, thu hút du khách.

     Ðể phát triển thương hiệu du lịch bền vững, tỉnh Cao Bằng xác định rõ những bất cập, hạn chế và đề ra giải pháp cụ thể, nhằm thực hiện tốt quy hoạch đầu tư phát triển, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo môi trường cũng như đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, ưu tiên khai thác, phát triển du lịch văn hóa, thiết kế các tour du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, du lịch về nguồn…để bổ trợ lẫn nhau nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng Cao Bằng, không gây nhàm chán. Bởi thế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được tỉnh xác định là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Những năm qua, Cao Bằng đã thực hiện việc thống kê, đăng ký quản lý các di vật, cổ vật, bảo vật; đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hóa dân gian; khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc; mở lớp bồi dưỡng về dân ca, dân vũ truyền thống... Tỉnh có 10 nghệ nhân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; hơn 700 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, cùng với các cá nhân, gia đình, dòng họ đang sưu tầm, lưu giữ các làn điệu dân ca cổ, tổ chức truyền dạy, sáng tác các tác phẩm bằng tiếng địa phương...

     Cao Bằng đã nhìn nhận rõ, do hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đa dạng cho nên mức chi tiêu của du khách còn thấp, thời gian lưu trú chưa lâu. Các dịch vụ phục vụ du khách trên địa bàn còn rời rạc, thiếu liên kết và chưa phong phú, đa dạng. Tỉnh có nhiều sản phẩm, đặc sản chất lượng tốt, có nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, với nhiều món ăn mang hương vị riêng, nhưng lại chưa có khu chợ đêm và phố, khu chợ ẩm thực để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở địa phương còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp.

     Ðể khắc phục hạn chế, đưa du lịch phát triển bền vững, Cao Bằng đã triển khai một số giải pháp: giữ vững và phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh du lịch, hướng tới sự hài lòng của du khách; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch; quảng bá, xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng; đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển du lịch... Trước mắt, tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị CVÐC toàn cầu Non nước Cao Bằng, nhất là 3 tuyến du lịch trải nghiệm.

     Ðầu năm 2018, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt dự án của Công ty cổ phần đầu tư Bản Giốc (giai đoạn 2018-2023), mức đầu tư 920 tỷ đồng xây dựng nhà hàng, khu vui chơi giải trí, thương mại… tại Khu du lịch thác Bản Giốc (xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh). Ðây là lần đầu, Cao Bằng tự thu hút được một dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch. UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định cam kết của địa phương là: coi trọng bảo tồn và phát triển CVÐC toàn cầu Non nước Cao Bằng; khai thác hiệu quả di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học; đồng thời, tăng cường tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Những nỗ lực ấy nhằm sớm phát triển du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

     4. Bảo tồn giá trị di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch

     Xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ hội nhập, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Sở VHTTDL Cao Bằng đã xây dựng Kế hoạch chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Cao Bằng, tiếp tục thống kê, kiểm kê, đăng ký quản lý các di vật, cổ vật, khôi phục và nâng cao các lễ hội đặc sắc....

     Trong bối cảnh hiện nay, thực tiễn cho thấy di tích, danh thắng đã và đang trở thành những tài nguyên du lịch đặc biệt thu hút sự quan tâm của khách tham quan trong nước cũng như khách quốc tế. Việc phát triển du lịch tại địa phương muốn mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan, lưu lại thời gian dài thì địa phương cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng đầy đủ, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ - du lịch. Nhiều hoạt động lễ hội được diễn ra, nhằm khôi phục hoạt động văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng, mặt khác góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương với bạn bè trong nước và quốc tế.

     Du lịch Cao Bằng tiếp tục xác định rõ những lợi thế, khó khăn trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch, từ đó, xây dựng chiến lược thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức hiệu quả và thiết thực, tuyên truyền giới thiệu di sản qua các phương tiện thông tin đại chúng…, từng bước đưa du lịch Cao Bằng phát triển thành ngành kinh tế quan trọng có quy mô và hiệu quả kinh tế cao, tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

______________

     Tài liệu tham khảo

     1. Tạp chí Di sản văn hóa.

     2. caobang.gov.vn.

     3. baocaobang.vn.

     4. Báo cáo tổng kết năm 2017 của Sở VHTTDL Cao Bằng.

 

Tác giả: Nông Anh Nga

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

;