PGS, TS, Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh và hành trình hai chiều văn học - văn hóa

PGS, TS, VS Hồ Sĩ Vịnh sinh năm 1933 (các bút danh: Hiếu Giang, Đông Thanh...) là nhà báo, nhà lý luận phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, đã nhiều năm gắn bó với sự nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật cả trên phương diện là một nhà quản lý lẫn phương diện tác giả. Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh vừa từ trần ngày 24-2-2024, để lại bao tiếc thương cho gia đình và bạn bè, đồng nghiệp.

Hồ Sĩ Vịnh đã từng bén duyên với nghề báo khi làm bản tin roneo Thông báo nghệ thuật từ 1971. Ông làm báo từ 1973 khi Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật ra đời. Năm 1976, ông làm Thư ký Tòa soạn, rồi làm Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật rồi Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (1986 -1996). Sau đó, ông còn làm Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam (2001-2006)...

Có lẽ, nghề báo đã giúp ông gia tăng điều kiện đi nhiều, thường xuyên bám sát thực tiễn đời sống cũng như thực tiễn vận động văn học, văn hóa nghệ thuật, và từ những cuộc đi ấy, ông đã ít nhiều phả được hơi thở cuộc sống lên những trang viết thuộc nhiều lĩnh vực. Có thể nói, từ văn học, ông đã mở được đường đến với một lĩnh vực rộng lớn, bao quát hơn nhiều: lĩnh vực văn hóa. Và, cũng có thể nói, ở chiều ngược lại, từ văn hóa, ông đã nhận chân nhiều vấn đề tinh tế, sâu sắc của văn học. Những chuyên luận, những bài viết của ông trong suốt chặng đường hoạt động văn hóa, văn học biểu lộ rất rõ điều đó. Đó cũng chính là sự hữu duyên của một hành trình hai chiều văn học - văn hóa, ở ông, cả những gì đã ra mắt bạn đọc và những gì còn ấp ủ.

Đến nay, ông đã xuất bản khoảng 20 đầu sách về các vấn đề văn hóa - văn học Việt Nam, Nga - Xô Viết và thế giới, tiêu biểu là: A.X Puxkin (1983); M. Gorki với văn nghệ dân gian (1985); V.I. Lênin và sự hình thành người nghệ sĩ kiểu mới (1985); Tìm về bản sắc dân tộc trong văn hóa (chủ biên,1993); Văn hóa vì con người (chủ biên,1993); Văn hóa Việt Nam - một chặng đường (đồng chủ biên,1994); Văn hóa, văn học một hướng tiếp cận (1998); Văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới (1999); Về bản lĩnh văn hóa Việt Nam (2005); Cảm thụ thẩm mỹ và người Hà Nội (2007); Toàn cầu hóa và văn hóa nghệ thuật (2012); Tuyển tập Hồ Sĩ Vịnh (3 tập: 2001, 2009, 2013)...

Với sự kết hợp tổng hòa giữa ba nhà: nhà báo, nhà lý luận phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn hóa, PGS, TS, VS Hồ Sĩ Vịnh là người xông xáo, ham đi, ham nghĩ, ham viết. Có thể nhận thấy điều đó qua số lượng khá nhiều tiểu luận, trang viết tiêu biểu của ông, qua các đề tài lớn ông đã và đang theo đuổi, như: một số vấn đề lý luận cơ bản của đường lối văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ đổi mới; vấn đề bản sắc dân tộc; việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; những vấn đề triết học văn hóa trong triết lý phát triển; vấn đề toàn cầu hóa trong văn hóa nghệ thuật; vấn đề hội nhập văn hóa và giao lưu quốc tế... Những cuốn sách, tiểu luận, tham luận của ông đề cập đến nhiều đề tài thời sự cấp thiết về văn học, văn hóa nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là văn học, văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới. Quan điểm học thuật xuyên suốt của ông là những nhận thức cơ bản về Mỹ học Mác - Lênin, về đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, về những vấn đề văn hóa, văn học quá khứ và đương đại... luôn được triển khai một cách có hệ thống, vừa giữ vững nguyên tắc, vừa cởi mở khoáng đạt trong đánh giá thẩm định. Dù đề cập đến một sự kiện văn học, một hiện tượng nghệ thuật, hay một chân dung văn học, văn hóa, ông đều cố gắng khách quan, chân thực để, ở những bình diện nhất định, làm sáng tỏ quan điểm mới về văn hóa, văn nghệ hiện nay: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực của phát triển. Đọc những tiểu luận, bài viết, cuốn sách của ông, có thể bắt gặp những vấn đề đa dạng, nhiều đề tài lớn, nhỏ, lúc được phân tích, nhìn nhận một cách khá thấu đáo, khi lại chỉ như những phác thảo với tư cách gợi mở, đặt vấn đề... song, đều hàm chứa được những gì mà sự phát triển xã hội, cuộc sống, sự phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật đang đặt ra.

Ở chừng mực nhất định, có thể nói, phần lớn những gì mà ông tâm huyết đã được gói ghém trong bộ sách tâm đắc của ông: Tuyển tập Hồ Sĩ Vịnh, gồm 3 tập:

Tập I (2001): 1.155 trang bao quát ba mảng đề tài lớn; đổi mới và những vấn đề định hướng cho văn học; đặc trưng của văn hóa và ảnh hưởng của nó tới văn học; một số nhà văn hóa và nghệ sĩ lớn của nước Nga - Xô Viết.

Tập II (2009): 1.119 trang tập trung vào các mảng vấn đề: bản lĩnh văn hóa Việt Nam; những vấn đề bản sắc dân tộc và tính hiện đại trong nghệ thuật; một số chuyên đề về đường lối văn nghệ của Đảng; toàn cầu hóa trong văn hóa với sự tiếp biến văn hóa trong thời kỳ hội nhập, giao lưu quốc tế; về văn hóa học, nghệ thuật học, lý luận và phê bình văn học.

Tập III (2013): 1.059 trang tập trung vào các mảng vấn đề: về văn hóa học và phê bình văn học; giao lưu văn hóa thời hội nhập; toàn cầu hóa và văn hóa nghệ thuật; cảm thụ thẩm mỹ của người Hà Nội; về văn học Nga - Xô Viết và nước ngoài những năm 60-70 TK XX...

Với những thành tựu đã đạt được trên con đường hoạt động báo chí, nghiên cứu văn học, văn hóa nhiều năm qua; với một hành trang đồ sộ những xuất bản phẩm riêng có, chung có, mà ấn tượng nhất là bộ Tuyển tập Hồ Sĩ Vịnh có thể phác họa chân dung PGS, TS, VS Hồ Sĩ Vịnh với sự kết hợp hữu cơ của ba bình diện: một nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí, một nhà nghiên cứu phê bình văn học, một nhà nghiên cứu văn hóa.

 Với tư cách một nhà báo, một lãnh đạo cơ quan báo chí của Bộ VHTTDL, Hồ Sĩ Vịnh đã thể hiện rõ tố chất lãnh đạo và phẩm cách nghề nghiệp của mình. Ông là một trong những người đầu tiên góp sức xây dựng bản tin Thông báo nghệ thuật (1971) của Viện Nghệ thuật, rồi Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật (1973) sau này là Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Là người giữ cương vị Tổng Biên tập nhiều năm của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (1986-1996), ông đã chung tay xây dựng và lãnh đạo Tạp chí đoàn kết, vững mạnh, phát triển với những yếu tố cốt lõi đã trở thành truyền thống của Tạp chí, của một cơ quan phát ngôn lý luận cho ngành Văn hóa. Trong một lần trả lời phỏng vấn nhân dịp Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tròn 30 năm, ông từng nói tới 3 yếu tố cốt lõi này, mà đến nay, vẫn có ý nghĩa nhất định trong hoạt động và sự phát triển Tạp chí. “Một là, sự giữ vững tôn chỉ, mục đích, chức năng của cơ quan tạp chí được ghi trong Giấy phép xuất bản của Phủ Thủ tướng. Kết quả này được giữ vững 30 năm qua thật không dễ chút nào, nếu như chúng ta nhìn lại những biến động xã hội trong ngần ấy thời gian của đất nước ta: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt và quyết định; những vấn đề nan giải của tình hình kinh tế, xã hội thời hậu chiến... Hai là, ngay từ hai thập niên đầu tiên Tạp chí thực sự trở thành trung tâm đoàn kết lực lượng nghiên cứu văn hóa học, nghệ thuật học, khoa học xã hội và một số nhà khoa học tự nhiên ở các viện, các trường đại học trong và ngoài nước. Nhiều trí thức tiến bộ dưới chế độ cũ, một số trí thức Việt kiều đều được trân trọng mời cộng tác, viết bài. Từ bấy giờ, Tạp chí được coi là mảnh “đất lành”. Thật ra đội ngũ biên tập không hoàn toàn mạnh, nhưng nhờ lòng thành, đức khiêm, nên người khó tính đến đâu vẫn sẵn sàng cộng tác. Ba là, các vị lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin từ đó cho đến nay là những nhà hoạt động xã hội, những nhà nghiên cứu, trọng học, trọng tài, đặc biệt có tầm nhìn xa rộng, am hiểu đời sống học thuật và sáng tạo nghệ thuật, nên đã có những chủ trương táo bạo, kịp thời, có hiệu quả nhằm tiếp tục phát triển cơ quan lý luận của Bộ trong tình hình không ít khó khăn” (1). Về bản thân, ông tâm sự: “Nếu tính từ năm 1976, lúc bắt đầu làm Thư ký tòa soạn cho đến khi nghỉ quản lý cuối năm 1996, tôi đã có khoảng thời gian 20 năm lo nội dung bài vở, chủ điểm, định hướng học thuật, số trọng tâm... Còn thực tế làm Tổng Biên tập chỉ 10 năm (1986-1996). Đó là thời kỳ khó khăn của đất nước, nhưng cũng là “thời kỳ lãng mạn”, đầy ước mơ, dù chỉ là ước mơ nho nhỏ: ước mơ Tạp chí có một Ban Biên tập có trí tuệ; ước mơ tập hợp được những cộng tác viên là những nhà khoa học sáng giá; ước mơ một chuyên luận của nhiều tác giả được Tạp chí đứng ra xuất bản... ” (2). Những điều mơ ước của ông hồi đó, đến nay, có những điều không còn là mơ ước, cũng có những điều vẫn vẹn nguyên bóng dáng ước mơ trong những người đang gắng sức phát triển Tạp chí hôm nay. Không chỉ thế, ông đã sớm nhận diện quyền lực của báo chí, hay nói cách khác, sức mạnh to lớn của báo chí, trong phát triển văn hóa, phát triển xã hội, Ông nhận thức rõ rằng, “trong xu thế toàn cầu hóa và công nghệ thông tin hiện đại như ngày nay, nếu báo chí được nhà nước có đường lối chính trị tiến bộ lãnh đạo, quản lý thì báo chí sẽ phát huy tác dụng tích cực” (3) và đã sớm đề xuất việc gia tăng vai trò của công nghệ mới trong lĩnh vực báo chí như là một biện pháp hữu hiệu nhằm gia tăng quyền lực báo chí trong phát triển văn hóa xã hội...

 Với tư cách một nhà nghiên cứu phê bình văn học, PGS, TS, VS Hồ Sĩ Vịnh đã chọn con đường xuất phát từ văn học để khai mở chân trời văn hóa. Bắt đầu từ việc nghiên cứu văn học Nga - Xô Viết, dần dần ông đã mở đường đi sang các lĩnh vực như: lý luận văn học, nghệ thuật học, rồi văn hóa học. Có lẽ, từ xuất phát điểm của mình, ông đã nhận ra và luôn khẳng định một vấn đề tiên quyết: văn học có vai trò to lớn trong việc sáng tạo và phát triển văn hóa. Đồng thời, ở chiều ngược lại, ông tán đồng ý kiến cho rằng nghiên cứu văn học Việt Nam từ góc nhìn văn hóa là cách tiếp cận văn học cần thiết và có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển cả văn hóa lẫn văn học. Với ông, cách tiếp cận này không chỉ làm phong phú thêm cách nhìn về văn học mà còn tạo những tương tác thúc đẩy sự phát triển của văn học thông qua những khám phá về giá trị văn hóa của tác phẩm văn học. Những bài viết, tiểu luận của ông về văn học, nghệ thuật, dù là văn học Việt Nam, văn học Nga - Xô Viết hay văn học thế giới, đều ánh lên hoặc tiềm ẩn tín hiệu của mối quan hệ khăng khít: đi từ văn học để mở văn hóa và lấy văn hóa soi rọi văn học. Có thể nói, ở một chừng mực nào đó, ông đã chọn nghiên cứu sâu về văn hóa để có những đóng góp quan trọng về phê bình văn học. Có thể thấy rất rõ mối tương tác hữu cơ ấy qua những tiểu luận của ông về văn hiến (văn hiến giữ nước chiêm nghiệm qua lịch sử văn nghệ, nét văn hiến trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, thậm chí văn hiến địa phương Hà Tây, Hà Tĩnh...); về bản sắc dân tộc trong một số lại hình nghệ thuật (văn học, sân khấu, cải lương, phim truyện...); về phê bình văn nghệ nhìn từ góc độ văn hóa (tư tưởng Phật giáo và cảm hứng nghệ thuật, thơ trong vòng tay triết lý...); hay từ những chân dung văn hóa, văn học được ông phác thảo, ký họa...

Với tư cách một nhà nghiên cứu văn hóa, PGS, TS, VS Hồ Sĩ Vịnh đã có những đóng góp nhất định trong việc nghiên cứu những vấn đề đang đặt ra cấp thiết trong lý luận văn hóa và thực tiễn văn hóa. Đó là bản lĩnh văn hóa Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa, toàn cầu hóa và văn hóa nghệ thuật, giao lưu văn hóa thời hội nhập, văn hóa dân chủ và vai trò của nhân dân, văn hóa lãnh đạo và lãnh đạo có văn hóa, nhân cách văn hóa... Đó là những kiến giải về triết học văn hóa, văn hóa hòa bình, văn hóa hòa giải, văn hóa tâm linh, văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông... Trong đó, hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và thể hiện bản lĩnh văn hóa dân tộc có lẽ là điều ông suy tư nhất. “Hồ Sĩ Vịnh quán triệt sâu sắc quan điểm: Mất văn hóa là mất cả gốc, còn văn hóa là còn tất cả. Bế quan tỏa cảng là bản chất của phong kiến lạc hậu. Mở cửa là bản chất mới của thời đại mới. Ai dám mở cửa, người đó phải có bản lĩnh. Dân tộc nào dám mở cửa, dân tộc ấy phải có bản lĩnh lẫn bản sắc... Hồ Sĩ Vịnh đã bắt đầu từ văn hiến giữ nước qua giá trị văn hóa để bàn sâu về các lĩnh vực: bản sắc dân tộc trong văn học, bản sắc dân tộc trong phim truyện Việt Nam, bản sắc riêng của nghệ thuật cải lương, đặc điểm sân khấu múa rối cổ truyền, cánh cửa phê bình văn học đang mở biên độ đổi mới mỹ học mácxít. Thế có nghĩa với tư cách là một nhà lý luận, Hồ Sĩ Vịnh đã đi từ việc khảo sát bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các loại hình loại thể nghệ thuật, sau đó ông đã nâng lên một tầm khái quát rộng hơn, triết học hơn, đó là tìm biên độ đổi mới mỹ học mácxít ở nước ta” (4).

Ở một bình diện khác, văn hóa cá nhân, nhân cách văn hóa là vấn đề ông luôn tâm đắc và có những kiến giải hợp lý. “Văn hóa cá nhân đối với bản thân từng người là giá trị nhân cách mà mỗi người tự xác định, tự giác thực hiện theo các hệ chuẩn xã hội. Ở các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không giống nhau, nhưng vẫn có giá trị chung. Đó là sự lao động chăm chỉ và có tay nghề, trung thực trong giao tiếp xã hội, có tình thương đối với đồng loại. Đó là những dấu hiệu để phát triển nhân cách” (5). Cách ông điểm nhãn về nhân cách văn hóa cũng biểu lộ một cách nhìn khoáng đạt và thú vị: “Nhân cách văn hóa là cái tôi chân chính, hài hòa giữa lợi ích chung và quyền lợi riêng, giữa cái cộng đồng và cái cá nhân, giữa trách nhiệm và hưởng thụ, giữa lý tưởng và hiện thực. Giải quyết mối quan hệ này là một cuộc vật lộn triền miên. Ý thức cá nhân rất quan trọng. Không thể một lúc, vài năm cải tạo được toàn xã hội nhưng có thể cải tạo từng bước gập ghềnh của mỗi cá nhân. Đòi hỏi rất cao đối với chính mình trong tu dưỡng tâm tính là dấu hiệu nhân cách văn hóa” (6)...

Và, cái cách ông suy ngẫm về triết học văn hóa để thốt ra mệnh đề: bản chất của văn hóa là hòa giải thực sự đáng chú ý khi được bồi đắp bằng một minh chứng thuyết phục. Ông cho rằng lễ hội là một hiện tượng văn hóa hòa giải. “Lễ là niềm tin, là tín ngưỡng, hội là vui chơi, ứng diễn nghệ thuật. Tín ngưỡng thường nhuốm màu tinh bí. Còn vui chơi, ca hát là chuyện thế tục. Vậy mà hai hình thái văn hóa mang hiện tượng đối nghịch: thiêng và tục, đạo và đời, duy lý và duy cảm, trí tuệ và tâm linh lại hòa quyện vào nhau tạo nên luồng giao hòa tâm linh giữa người với người, giữa người với thần - thánh, với vũ trụ. Lễ hội là hiện tượng tâm linh hướng tới cái cao cả, cái thiện, cái mỹ” (7). Theo ông, chính nhân tố hòa giải đã làm cho hai dòng nghịch lưu này hòa nhập làm một, làm cho dòng chảy văn hóa lễ hội mang ý nghĩa triết lý, ý nghĩa xã hội đối với đời sống đương đại...

Còn rất nhiều, rất nhiều vấn đề mà lý luận và thực tiễn văn học, văn hóa đang đặt ra, cũng đang được ông vừa khai mở, vừa ấp ủ... Song, bằng những gì ông đã gói vào hành trang riêng, bằng những gì ông đã dâng tặng cuộc đời, có thể khẳng định: PGS, TS, VS Hồ Sĩ Vịnh là một nhà báo tâm huyết, một nhà lý luận phê bình văn học năng động, một nhà nghiên cứu văn hóa nhạy bén, luôn đổi mới trong tư duy lý luận, cởi mở trong nhận thức, sáng tạo trên hành trình hai chiều dài dặc của văn học - văn hóa.

Và trong tâm thế ấy, xin nhắc nhớ lại ghi nhận của một nhà khoa học nhân văn về ông: “Với một tầm hiểu biết sâu rộng, một lối viết điềm tĩnh, có bản lĩnh lý luận và một tâm huyết vì sự tiến bộ không ngừng của văn hóa và văn học..., Hồ Sĩ Vịnh là một người dâng tặng. Ông dâng tặng tài năng và tâm huyết của mình cho văn học và văn hóa” (8).

_______________

1, 2, 3, 5, 7, 8. Tuyển tập Hồ Sĩ Vịnh, tập 2, Nxb Văn hóa - Thông tin, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2009, tr.1041,1043, 77, 45, 184, 1086.

4, 6. Tuyển tập Hồ Sĩ Vịnh, tập 3, Nxb Văn hóa - Thông tin, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2013, tr.1033, 47.

PHẠM VŨ DŨNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;