Xây dựng văn hóa công sở tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Hoàng Mai (Hà Nội)

Văn hóa công sở (VHCS) là hệ thống các giá trị mang tính chuẩn mực, được các thế hệ công chức, viên chức trong tổ chức hành chính tạo dựng nên và tuân thủ một cách tự giác. VHCS có vai trò rất quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại. Việc xây dựng VHCS tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao (Trung tâm) quận Hoàng Mai thành phố Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo niềm tin giá trị về thái độ làm việc nhân viên và hiệu quả hoạt động của Trung tâm.

Trung tâm quận Hoàng Mai được thành lập vào ngày 13-9-2004 theo Quyết định số 5918/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội. Từ khi thành lập, Trung tâm luôn xác định xây dựng VHCS là xây dựng một nền nếp làm việc khoa học, có kỷ cương, dân chủ. Do đó, đòi hỏi các lãnh đạo, quản lý cũng như tập thể nhân viên phải quan tâm đến hiệu quả hoạt động chung của đơn vị. Muốn như thế, cán bộ phải tôn trọng kỷ luật, phải chú ý đến danh dự của cơ quan trong cư xử với mọi người xung quanh, đoàn kết và hợp tác trên những nguyên tắc chung, chống lại bệnh quan liêu, hách dịch, cơ hội, niềm tin của cán bộ với cơ quan sẽ được củng cố, phát triển cùng với quá trình xây dựng cơ quan, công sở.

VHCS được cấu thành từ các yếu tố nội hàm bên trong và từ những yếu tố bên ngoài. Yếu tố bên ngoài chính là việc hằng ngày chúng ta đến cơ quan, chúng ta có thể cảm nhận được cách bài trí, cảnh quan những nơi làm việc. Yếu tố bên trong hướng tới chính là con người. Nói đến con người sẽ nói đến năng lực, trình độ, phong cách giao tiếp, ứng xử văn hóa… Và tất cả cách ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều được quy định trong các quy chế, những quy định mang tính chất nguyên tắc để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc thù của từng công việc. Trung tâm có chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của quận; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin - thể thao 14 phường và phối hợp các hoạt động theo yêu cầu được giao phó khi được phân công. VHCS có vai trò rất quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm, góp phần xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại.

Thứ nhất, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đoàn kết, nhân văn

Công sở là trung tâm hành chính của cơ quan, đơn vị, nơi thu thập, xử lý thông tin, tham mưu, ra quyết định chỉ đạo, điều hành công việc. Công sở là bộ mặt của cơ quan, đơn vị, xử lý các hoạt động đối nội, đối ngoại, có quan hệ trực tiếp đến người lao động, người dân trên địa bàn và các đối tác liên quan. Công sở hình thành nhiều mối quan hệ như: quan hệ cấp trên, cấp dưới; quan hệ đồng nghiệp; quan hệ với người dân, người lao động; quan hệ với đối tác và các quan hệ xã hội khác. Tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số để nâng cao chất lượng hoạt động tại công sở, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, hiện đại. 

Đồng thời, xây dựng VHCS ở Trung tâm sẽ khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm trong công việc, gây khó khăn cho đối tác làm ăn, người lao động, người dân. Không để môi trường công sở tồn tại các tệ nạn xã hội nghiêm trọng như cờ bạc, mê tín dị đoan…

Cơ sở vật chất của Trung tâm là yếu tố quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân có thể thường xuyên đến sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục, thể thao để từ đó tạo sự hứng khởi về tinh thần, tăng cường sức khỏe để làm việc, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động này còn có tác động tích cực trong việc thắt chặt mối quan hệ, củng cố thêm tình đoàn kết, góp phần vào việc học hỏi lẫn nhau trong công việc và ứng xử xã hội. Tất cả những vấn đề này sẽ không có được nếu có một hệ thống thiết chế văn hóa yếu kém, thiếu thốn, lạc hậu và tạm bợ. Thực tế đã cho thấy, nhiều giá trị văn hóa quý báu của nhân dân ta đã được giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác từ những hoạt động của trung tâm văn hóa, các nhà văn hóa thô sơ của xã, thôn... mà không nhất thiết phải là ở các nhà hát, sân khấu lớn với trang thiết bị hiện đại. Đây cũng chính là cách hình thành và xây dựng VHCS đặc trưng của Trung tâm.

Xây dựng VHCS nhân văn ở Trung tâm là làm cho các nhân tố văn hóa trong không gian hoạt động của công sở đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng sống của con người mà giá trị hướng đến là chân - thiện - mỹ. Con người hoạt động trong môi trường công sở ở Trung tâm sống có nghĩa, có tình, sẵn sàng sẻ chia buồn vui trong cuộc sống, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, lúc hoạn nạn khó khăn… Nhân cách là phẩm chất, năng lực, nghệ thuật ứng xử của con người trong môi trường sống. Nhân cách tạo cho con người có tâm - tầm - tài, lòng tự trọng, biết cách chung sống với cộng đồng xã hội. Nhân cách được đặt trong môi trường hoạt động của công sở, hình thành triết lý sống, lối sống: “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.

Giá trị nhân văn trong xây dựng môi trường VHCS ở Trung tâm thể hiện ở việc các thành viên của công sở có chung khát vọng vươn lên, dám dấn thân cống hiến xây dựng công sở phát triển bền vững, thấm đượm nhân tính.

Thứ hai, góp phần nâng cao ý thức của cán bộ viên chức và người lao động Trung tâm

Nhờ văn hóa, con người mới có thể cảm thụ được giá trị vật chất và tinh thần như ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ, lòng tự trọng… từ đó phát triển tinh thần và nhân cách của cán bộ, nhân viên; nâng cao ý thức, trách nhiệm của họ, góp phần vào sự phát triển của Trung tâm. Trong hoạt động công sở mang đậm màu sắc văn hóa nhân ái và nhân văn, là sự kết nối những giá trị truyền thống và hiện đại, là điều kiện phát triển tinh thần và nhân cách con người.

VHCS cũng là một trong những thước đo đặc biệt, đánh giá giá trị của một cá nhân trong tổ chức và là một trong những yếu tố phản ánh trình độ văn hóa của Trung tâm. Khi chúng ta đến cơ quan để làm việc, sự niềm nở nhiệt tình của các bác bảo vệ, các cô lễ tân chính là ấn tượng đầu tiên đã tạo được thiện cảm ban đầu của đối tác và khách hàng đối với đơn vị. Nếu đáp lại là sự thờ ơ, thiếu nhiệt tình thì sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp đẽ của cơ quan và gây sự khó chịu với đối tác và nhân dân. Thước đo hiệu quả làm nên sự thành công của cơ quan, tổ chức đó chính sự hài lòng của đối tác, khách hàng, công chúng.

Thực tế cho thấy, Trung tâm chính là nơi góp phần nâng cao đời sống tinh thần và hiểu biết về pháp luật của nhân dân, từ đó có thể giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Các buổi sinh hoạt văn hóa ở cơ sở còn là môi trường thuận lợi mà ở đó viên chức được phát huy tính dân chủ, phát huy thế mạnh, họ được mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình với lãnh đạo, với các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần xây dựng địa phương và Trung tâm ngày càng giàu mạnh, văn minh. Mỗi công dân, mỗi gia đình văn hóa thuộc Trung tâm chính là những nhân tố để xây dựng ngôi nhà Tổ quốc. Điều này đã, đang và sẽ được chứng minh từ hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là trong lĩnh vực VHCS.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn giữ vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội; là công cụ trực tiếp đắc lực của cấp ủy, chính quyền lãnh đạo quần chúng, người lao động thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Hay nói cách khác, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chính là cầu nối để truyền tải đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đại đa số quần chúng nhân dân... Trong tình hình nước ta hiện nay phải cảnh giác, đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch thì Trung tâm chính là nơi người lao động có thể “tăng thêm sức đề kháng” để có cái nhìn đúng đắn, tỉnh táo đối với những luận điệu sai trái nhằm chống phá cách mạng, chống phá Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, góp phần duy trì sự ổn định và chuyên nghiệp hóa hoạt động của Trung tâm

Như chúng ta đã biết, VHCS đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo sự gắn kết, thống nhất đồng thuận của các thành viên trong cơ quan thông qua hệ thống các giá trị chuẩn mực chung, từ đó góp phần tạo ra nguồn lực nội sinh cho sự phát triển theo xu hướng chung, giữ vững được thăng bằng, ổn định và phát triển của tổ chức, đơn vị.

VHCS biểu hiện qua các thái độ hành vi xử sự, các nghi thức giao tiếp và ý thức chấp hành kỷ luật trong và ngoài công sở của cán bộ, nhân viên. Sự tự giác thực hiện các công việc, tự giác tuân thủ quy định, quy chế cơ quan của mỗi cán bộ nhân viên sẽ giúp cho Trung tâm phát triển hơn, đảm bảo cho hoạt động công sở được ổn định, hiệu quả, chuyên nghiệp và nghiêm minh.

Trong 19 tiêu chí để được công nhận là nông thôn mới, có tiêu chí: nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VHTTDL; trong đó thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ VHTTDL là 100%. Điều này cho thấy Nhà văn hóa và Trung tâm Văn hóa Thể thao góp phần vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mặt khác tạo điều kiện để người dân nâng cao hơn nữa mức thụ hưởng văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân ở thành thị và nông thôn.

Hiện nay, thiết chế văn hóa hiện đại không chỉ đơn giản có cây đa, bến nước, sân đình mà còn có nhiều cơ sở vật chất khác cũng như đội ngũ cán bộ có tâm, tầm và gắn bó với di sản văn hóa của dân tộc. Đặc biệt nhân dân địa phương cũng chính là chủ thể và đồng thời là khách thể của công cuộc xây dựng các thiết chế văn hóa như Trung tâm Văn hóa quận Hoàng Mai.

Như vậy, ngoài những giá trị nêu trên, Trung tâm còn có ý nghĩa thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, VHCS góp phần tạo nên bản sắc riêng cho hoạt động của Trung tâm

Trong điều kiện môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp như hiện nay, bên cạnh việc sáng tạo để tìm ra những cách riêng giúp làm việc nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn thì có một cách rất hiệu quả để xây dựng giá trị bản thân đó là hình thành những thói quen, lề lối làm việc, phương cách ứng xử cùng hành vi văn minh, lịch sự tại chốn công sở.

Cũng giống như hầu hết các cơ quan, tổ chức khác, tất cả các yếu tố cấu thành nên VHCS của Trung tâm như: các nội quy, quy chế làm việc; lề lối làm việc của cán bộ công nhân viên; hệ thống các giá trị đạo đức, chuẩn mực ứng xử trong giao tiếp; trang phục, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao... đều mang một màu sắc riêng biệt. Đó là dấu ấn của một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, một thiết chế văn hóa đặc thù thực hiện chức năng giáo dục ngoài nhà trường, vui chơi giải trí, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và kinh doanh dịch vụ. Vì vậy, VHCS của Trung tâm vừa phải đảm bảo cả 4 mục tiêu, vừa đảm bảo đặc thù chung của VHCS tại Việt Nam.

VHCS là sự kết nối của hệ thống giá trị từ truyền thống đến hiện đại, vừa mang đậm bản sắc của cái riêng, cái “dân tộc” vừa tuân thủ chuẩn mực chung, chuẩn mực của “thời đại”. Nó biểu hiện sức mạnh tiềm tàng và bản lĩnh của các thành viên trong hoạt động công sở. VHCS ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tổ chức, đến phương thức tồn tại và phát triển của tổ chức. Xây dựng VHCS là xây dựng một nền nếp làm việc khoa học, có kỷ cương, dân chủ, góp phần xây dựng Trung tâm ngày càng phát triển hiện đại hơn.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thị Anh, Vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, Tạp chí Cộng sản, 2014.

2. Lê Thị Trúc Anh, Giao tiếp trong công sở hành chính (trường hợp TP.HCM) từ năm 1986 đến nay, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Đại học Quốc gia TP.HCM, 2012.

3. Nguyễn Tuấn Anh (chủ biên), Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân quận Hoàng Mai (1930-2023), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023.

4. Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2015, tr.15, 21.

5. Nguyễn Duy Bắc, Tập bài giảng quản lý thiết chế văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2011.

6. Bộ VHTTDL, Cục Văn hóa cơ sở, Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, 2010.

7. Nguyễn Văn Cần, Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2015.

8. Nguyễn Đức Cường, Chất lượng công chức phường, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, Học viện Hành chính quốc gia, 2018.

9. Nguyễn Hoàng Linh Chi, Công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay, Luận văn thạc sĩ Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học Xã hội, 2014.

PHẠM QUỲNH ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

;