Phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam

Thời gian qua, du lịch nông nghiệp đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Tuy nhiên so với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển thì du lịch nông nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tối ưu, khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế, phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, góp phần phát triển nền nông nghiệp sinh thái, có giá trị gia tăng cao, cần tiếp tục được đẩy mạnh.

1. Tiềm năng, lợi thế của du lịch nông nghiệp Việt Nam

Du lịch nông nghiệp là xu thế ngày càng được ưa chuộng. Trên thế giới, loại hình du lịch này đã hình thành từ lâu, gắn với những tên gọi khác nhau như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông trại, kỳ nghỉ đồng quê, homestay, farmstay, villagestay. Đây là loại hình du lịch được xây dựng, tổ chức dựa trên hoạt động sản xuất nông nghiệp để phục vụ nhu cầu tham quan, giáo dục, trải nghiệm cho du khách tại nông trại, trang trại hoặc bản làng, thôn xóm. Tại đây, du khách được tham quan, tìm hiểu và cùng người dân địa phương tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp như: nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, thưởng thức, mua sắm nông sản... Trên thực tế, du lịch nông nghiệp đã trở thành một ngành kinh tế tích hợp, đưa sản vật nông nghiệp, văn hóa sản xuất nông nghiệp, nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ du lịch.

Các mô hình du lịch nông nghiệp hiện nay khá đa dạng, tập trung vào 3 loại hình chính với những đặc điểm và hoạt động đặc trưng:

Nông nghiệp kết hợp du lịch: được tổ chức dựa trên các hoạt động trải nghiệm tại làng nghề truyền thống, vùng sản xuất nông nghiệp đặc trưng, thông qua các hoạt động như: trồng rau, tưới nước, bắt cá, cấy lúa, giã gạo…

Du lịch sinh thái kết hợp trang trại: là loại hình du lịch vừa đáp ứng nhu cầu tìm về với thiên nhiên, tận hưởng khung cảnh mộc mạc yên bình và trải nghiệm các hoạt động sản xuất tại trang trại như: gieo trồng, chăm bón, thu hoạch các loại nông sản.

Du lịch sinh thái kết hợp vườn: chủ yếu phát triển tại vùng chuyên canh các loại cây ăn quả, mang lại cho du khách trải nghiệm độc đáo như: dạo mát, thu hoạch hoa quả, câu cá, nấu món ăn địa phương và thưởng thức tại chỗ, hay mua về làm quà.

Du lịch nông nghiệp không chỉ là hướng đi đem lại nhiều lợi ích, có hiệu quả kinh tế cao mà còn là một xu hướng phát triển bền vững, đang được quan tâm đầu tư phát triển mạnh trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Một mặt, phát triển du lịch xanh - bền vững đang là mục tiêu mà du lịch nước ta hướng tới, trong đó du lịch nông nghiệp cũng là hình thức tích cực, hấp dẫn, góp phần phát huy lợi thế vốn có cũng như thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn nước ta. Mặt khác, phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam theo hướng nông nghiệp xanh, hiện đại, phát triển bền vững, có giá trị gia tăng cao mà còn là một sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội hiện đại trong việc tham quan, học tập, trải nghiệm, hưởng thụ các sản phẩm nông nghiệp xanh, đã và đang mang lại “làn gió mới”, sức sống mới cho người dân nông thôn trên cả nước.

Việt Nam có nguồn tài nguyên phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phong phú. Với diện tích nông thôn rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, vùng miền, với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng, tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn rất đa dạng, phong phú. Việt Nam cũng là nơi có một nền nông nghiệp chuyên canh lâu đời, phương thức canh tác độc đáo, với nhiều sản vật quý. Bên cạnh đó còn có các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc rất đặc sắc, người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện, chân tình... Đây là tiền đề quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

2. Thực trạng du lịch nông nghiệp Việt Nam

Nhận thức được vai trò, tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch nông nghiệp, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ban, ngành, nhất là Bộ VHTTDL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, triển khai nhiều đề án, chương trình, kế hoạch kết hợp phát triển du lịch và nông nghiệp, gần đây nhất là Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó đều xác định du lịch nông nghiệp là nội dung, giải pháp quan trọng.

Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, mang lại sắc thái, sức sống mới ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp với những cách làm sáng tạo, phát huy những lợi thế, giá trị khác biệt đã được hình thành và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Hiện nay, ở Việt Nam nhiều mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp đã được hình thành, như: du lịch miệt vườn ở miền Tây; du lịch vườn điều Tây Ninh; du lịch nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt; du lịch vườn rau Trà Quế - Hội An; tham quan và trải nghiệm vườn nho, trang trại cừu ở Bình Thuận, Ninh Thuận; tham quan, trải nghiệm ruộng lúa ở Tây Bắc... là những địa chỉ thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đến nay, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý; trong đó, có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn, với khoảng hơn 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động.

Hoạt động du lịch nông nghiệp mang lại nhiều giá trị to lớn về sản xuất nông nghiệp, đồng thời giúp phát triển, quảng bá du lịch địa phương, hộ kinh doanh. Nhờ đó giúp tăng nhu cầu tiêu thụ, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản và thúc đẩy phát triển thương mại nông nghiệp. Sự phát triển của loại hình du lịch nông nghiệp giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời duy trì, quảng bá văn hóa, đời sống nông thôn, vùng miền. Nhờ làm du lịch, người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút, trở nên tự tin, năng động hơn. Nhiều nét đẹp văn hóa của cộng đồng, làng xã được khôi phục trở thành sản phẩm du lịch. Cùng với đó là nông, lâm, thủy sản, nghề truyền thống, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP tăng thêm giá trị, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch khác biệt, tạo điểm nhấn đặc biệt trên hành trình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn. Những phương thức canh tác độc đáo của người nông dân cùng với những sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế cùng tham gia khám phá và trải nghiệm. Qua đó, người nông dân đã mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập. Du lịch nông nghiệp đã hình thành nên các dịch vụ nhà nghỉ homestay của người nông dân tại nhiều vùng nông thôn. Đây là một hình thức trải nghiệm thú vị đối với du khách khi được cùng sinh hoạt, khám phá bản sắc văn hóa, cùng tham gia trải nghiệm canh tác và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp với người dân địa phương. Hình thức dịch vụ này không những giúp người dân nâng cao thu nhập, mà còn góp phần nâng cao dân trí cho người dân nông thôn trong quá trình giao tiếp với khách du lịch. Đây chính là nền tảng quan trọng nhằm nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và trình độ dân trí của người nông dân, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không đơn thuần mang lại thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác: định vị hình ảnh nền nông nghiệp sinh thái Việt Nam bốn mùa hoa trái, thông qua đó có thể tiếp thị, quảng bá nông sản ngay tại nông trại, ruộng vườn; giới thiệu, quảng bá hình ảnh nông thôn Việt Nam giàu bản sắc văn hóa; tăng tính cấu kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, cùng nhau giữ gìn hồn quê; khơi gợi tình yêu với nông nghiệp, yêu thiên nhiên…

Du lịch nông nghiệp là một hướng đi mới, vừa giúp phát triển, quảng bá du lịch địa phương, giúp duy trì, quảng bá văn hóa, đời sống nông thôn, vùng miền, vừa đem lại giá trị to lớn về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế và mục tiêu, yêu cầu của sự phát triển, nhất là mục tiêu xây dựng những sản phẩm du lịch sinh thái, xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, có giá trị gia tăng cao thì du lịch nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Nhiều địa phương chưa nhìn thấy những tiềm năng từ loại hình du lịch này, thiếu quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu khác biệt, sao chép lẫn nhau. Nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông nghiệp chưa đồng bộ khiến du khách khó tiếp cận. Số lượng, quy mô các doanh nghiệp du lịch nông nghiệp còn hạn chế. Tính liên kết giữa ba bên: nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp lữ hành còn yếu, thiếu gắn kết. Hoạt động quảng bá, kết nối, tư vấn chưa được định hướng. Cơ chế chính sách hỗ trợ chưa trở thành động lực để phát triển một ngành Du lịch vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa mang giá trị xã hội.

3. Giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Nhằm phát huy tốt tiềm năng và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đưa loại hình du lịch nông nghiệp trở thành dòng sản phẩm chủ đạo thu hút được nhiều khách du lịch, khai thác tốt hơn các sản phẩm nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội tích cực hơn, thời gian tới, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết cần tập trung vào một số giải pháp như:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Trong đó, cần tập trung tăng cường giáo dục nâng cao ý thức trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp xanh, bền vững; ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử cho người dân bản địa và du khách; tạo sự giao lưu văn hóa, phong tục tập quán giữa các dân tộc và các quốc gia khác nhau; tăng cường các mối quan hệ trong cộng đồng; sự gắn bó của chính quyền địa phương và người dân bản xứ; giáo dục ý thức về phong cách ứng xử trong cộng đồng. Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, trong chương trình, mục tiêu phát triển du lịch nông thôn. Tổ chức các lễ hội (đặc biệt là lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội trái cây theo mùa và theo vùng miền), hoạt động kết nối du lịch các vùng, miền; truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tích cực tổ chức các cuộc thi sáng tác ý tưởng liên quan tới du lịch nông nghiệp, nông thôn (tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm truyền thông, thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng du lịch…). Tổ chức giải thưởng Du lịch nông nghiệp cấp huyện, tỉnh, quốc gia.

Thứ hai, đẩy mạnh quy hoạch, lựa chọn sản phẩm đặc thù, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, xác định sản phẩm đặc thù để đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu riêng. Một trong những hạn chế lớn của du lịch nông nghiệp nước ta hiện nay là thiếu quy hoạch theo chiến lược lâu dài, do đó nhiều mô hình ra đời một cách tự phát, nhỏ lẻ, có sự trùng lặp lớn, hiệu quả không cao và thiếu tính bền vững. Do vậy, làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch nông thôn là việc làm rất cần thiết. Quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương cần dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc đặc sắc, riêng có của địa phương, theo đó cần tập trung ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp ở những nơi có lợi thế về tài nguyên, kết nối với các khu vực động lực phát triển du lịch, trung tâm du lịch, gắn kết các điểm du lịch nông thôn với các thành thị, trung tâm kinh tế, xã hội. Các địa phương có tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn cần xây dựng đề án, chương trình hoặc kế hoạch phát triển, gắn với rà soát các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với các quy hoạch liên quan (về tái cơ cấu kinh tế, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học...). Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Tạo không gian đổi mới, sáng tạo, hình thành sản phẩm mới, xanh và bền vững, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, tăng tính trải nghiệm, trách nhiệm cho du khách. Hiện nay, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp theo hướng mỗi địa phương một sản phẩm đặc thù, theo chương trình OCOP là một hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả cao, cần được áp dụng phổ biến trong quá trình phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.

Ba là, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch nông nghiệp. Hiện nay, Nhà nước và các ban ngành địa phương đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách, đề án, kế hoạch liên quan, tạo điều kiện để phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, nhiều cơ chế chính sách không còn phù hợp, cần phải rà soát để kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh và xây dựng mới. Do vậy, cùng với Trung ương, các địa phương, ban, ngành cần dựa vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước để xây dựng, hoàn thiện, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, sự đa dạng và đặc thù của du lịch nông nghiệp, nông thôn yêu cầu mỗi địa phương cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, dựa trên điều kiện của từng địa phương. Các chính sách hỗ trợ về phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường… cần được xem xét, lồng ghép phù hợp. Các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện bằng các nghị quyết, đề án, kế hoạch để phát triển loại hình du lịch này. Thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg, ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng các ngành và địa phương cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách như: xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật gắn với hoạt động quản lý nhà nước; xây dựng cơ chế quản lý, giám sát và phát triển có sự tham gia của cộng đồng; xây dựng hệ thống công cụ giám sát và hướng dẫn thực hiện quy trình đánh giá chất lượng điểm, dịch vụ du lịch. Rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, gồm: các chính sách về sử dụng quỹ đất đai; chính sách đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách hỗ trợ (nguồn lực, đào tạo, thông tin...) cho từng đối tượng chủ thể tham gia đầu tư, cung cấp dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ tiếp cận tài chính, vốn vay ưu đãi. Hướng dẫn thực hiện việc công nhận khu, điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn đạt chuẩn.

Bốn là, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao trình độ, năng lực cho lao động du lịch nông nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, giữ vai trò quyết định trong phát triển du lịch nông nghiệp. Hiện nay, lao động nông nghiệp, nông thôn ở nước ta chiếm phần lớn, đa số có trình độ canh tác, sản xuất nông nghiệp cao, lành nghề, có nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, lực lượng tham gia làm du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, trình độ, năng lực làm du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là về khả năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, năng lực quảng bá, phát triển sản phẩm. Chính vì vậy, việc bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp cần tiếp tục được quan tâm. Để thực hiện tốt, trước hết cần tiến hành rà soát, đánh giá số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp, nông thôn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các hộ, cộng đồng kinh doanh du lịch nông nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường cho đội ngũ cán bộ, lao động du lịch nông nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phục vụ du lịch như: cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp, thái độ phục vụ khách cho cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; kết hợp với nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa về điểm du lịch và học hỏi kinh nghiệm về phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tại các địa phương trong và ngoài nước. Các địa phương căn cứ vào thực tế, nhu cầu của mình có thể thực hiện đào tạo, bồi dưỡng với hình thức tại chỗ, gửi đến các trường dạy nghề du lịch, các khóa học tại chức ngắn hạn, dài hạn hoặc thường xuyên tổ chức các hội thảo về du lịch nông nghiệp, các cuộc thi chuyên môn tay nghề, tham quan các mô hình hay để trao đổi học hỏi kinh nghiệm. Đưa các nội dung bồi dưỡng, đào tạo về du lịch vào các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương và vùng. Tổ chức mạng lưới chuyên gia du lịch, nông nghiệp và các ngành khác là doanh nhân, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia hỗ trợ các hộ dân, cộng đồng khai thác và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ cho hoạt động du lịch nông nghiệp. Cần ưu tiên sử dụng tri thức, những người đã qua đào tạo, có chính sách đãi ngộ hợp lý với những nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp. Quan tâm xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch nông nghiệp chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển người bản địa.

Năm là, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch nông nghiệp. Liên kết, hợp tác là nhu cầu tất yếu trong phát triển. Quá trình, liên kết, hợp tác có vai trò to lớn trong giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, giúp cho những mô hình hay, cách làm sáng tạo được lan tỏa; giúp du lịch nông nghiệp khai thác tốt hơn tài nguyên có sẵn, có thêm nhiều nguồn lực mới cho phát triển; đồng thời giúp các sản phẩm nông nghiệp dễ dàng tiếp cận nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Những năm qua, hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, không chỉ trong các ngành, các vùng trong nước và còn với nhiều nước trên thế giới, điều đó đã thật sự tạo sức lan tỏa, kích cầu du lịch nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển. Để hoạt động du lịch nông nghiệp được lan tỏa, phát triển hơn nữa cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch nông nghiệp giữa các ngành, các địa phương trong nước, các đơn vị trong khu vực và quốc tế. Sự liên kết, hợp tác cần hướng tới việc tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin và phối hợp nhằm triển khai hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp đồng bộ và hiệu quả; tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin với các quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch nông nghiệp; huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực triển khai của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cho các dự án, chương trình du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông nghiệp; giới thiệu và quảng bá các điểm đến du lịch nông thôn ở Việt Nam cho khách quốc tế.

Kết luận

Phát triển du lịch nông nghiệp là một hướng đi hiệu quả, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững và có giá trị gia tăng cao. Là một đất nước có nền nông nghiệp lâu đời, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, thời gian qua du lịch nông nghiệp đã được xem là nội dung, giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững. Du lịch nông nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều giá trị to lớn không chỉ về kinh tế mà cả về văn hóa, xã hội, tuy nhiên còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư tương xứng. Tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức; bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số; tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông nghiệp là cần thiết để đưa du lịch nông nghiệp Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng và cơ hội vốn.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Đoàn Mạnh Cương, Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, vietnamtourism.gov.vn, 5-8-2020.

2. Thu Hòa, Phát triển du lịch nông nghiệp trên thế giới và thực trạng ở Việt Nam, consosukien.vn, 7-11-2019.

3. Lê Minh Hoan, Giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, baodautu.vn, 16-3-2023.

4. Lê Minh Hoan, Tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn mới, tapchicongsan.org.vn, 1-12-2023.

5. Hà Trung, Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp nông thôn, nhandan.vn, 2-6-2023.

6. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

7. Thào Xuân Sùng, Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo định hướng Đại hội XIII của Đảng, tapchicongsan.org.vn, 12-3-2022.

ĐẬU ĐỨC THIÊM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

;