NSND Nguyễn Tiến Dũng: Trọn niềm đam mê với rối

Tên tuổi của NSND Nguyễn Tiến Dũng dần trở nên nổi bật với người yêu Múa rối nói riêng, người đam mê sân khấu nói chung bởi anh đã mạnh dạn đưa lên sân khấu rối nhiều thử nghiệm rất sáng tạo, mang đến luồng sinh khí mới, được nhiều người tôn vinh là “phù thủy” của những con rối khi góp phần quan trọng để nâng tầm cho nghệ thuật Múa rối Việt Nam. Thêm vào đó, anh còn là một nhà quản lý, một người thầy của nhiều diễn viên, nghệ sĩ ngành rối.

Cậu bé Tiến Dũng là con nhà nòi, cha là đạo diễn, NSƯT Hoàng Luận, một trong bảy nghệ sĩ đầu tiên của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Lớn lên tại khu tập thể Nhà hát, môi trường nghệ thuật trong lành, có một tuổi thơ yên ấm, thấm đẫm tình yêu với những con rối, những trò diễn, những câu chuyện về làm nghề của cha và các đồng nghiệp của ông. Nhưng lựa chọn ban đầu của chàng trai trẻ ngày bước chân vào con đường nghệ thuật lại là Kịch nói khi thi tuyển vào Đoàn Kịch nói Quân đội và theo học lớp Diễn viên kịch nói Khoa Sân khấu Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội năm vừa tròn 19 tuổi. Vừa học vừa biểu diễn, cũng từng có thành tích ở môi trường Kịch nói khi giành được Huy chương Vàng cá nhân (vai Sơn vở Người trong bóng tối), song cơ duyên đưa đẩy, chàng Trung úy trẻ quay về với rối và trở thành diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam năm 1998. Chàng diễn viên kịch đã phải học cách điều khiến con rối bằng sự yêu thích và cần cù, chăm chỉ từ thầy, từ bạn, từ những ghi chép của người cha nghệ sĩ. Sự thẩm thấu tới tâm hồn, máu thịt với nghề rối khiến anh nhanh chóng chinh phục được hình thức nghệ thuật này. Chỉ một thời gian ngắn theo nghề, anh đã được giao vai chính, rồi dần ghi dấu ấn riêng qua các vai diễn đạt giải thưởng cao tại các liên hoan, hội diễn rối chuyên nghiệp. Tại Liên hoan Múa rối chuyên nghiệp toàn quốc năm 2003, anh được tặng thưởng Huy chương Vàng vai quan Thanh tra cùng hai Huy chương Bạc vai lâm tặc và thợ săn trong vở Chuyện của trái đất; Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2008: Huy chương Vàng vai Múa phượng trong vở Hồn quê; Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2010: Huy chương Vàng cho vai chú lính chì trong Truyện cổ Andersen; Liên hoan Sân khấu ASEAN năm 2013: anh được nhận giải Nghệ sĩ xuất sắc cho chương trình Nhịp điệu quê hương… 

Để cống hiến nhiều hơn cho rối, anh theo học chuyên ngành Đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội vào năm 2007. Được trải nghiệm từ thời kỳ làm diễn viên kịch, diễn viên Múa rối, anh có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và cách sử dụng con rối để chỉ đạo, truyền dạy trực tiếp cho diễn viên khi dàn dựng, tập vở. Những tri thức cần thiết, những kinh nghiệm khi thể hiện vai diễn ở kịch và điều khiển con rối đã giúp anh khá tự tin để sáng tạo, đổi mới, nâng tầm cho con rối. Nhắc tới anh, người ta nhắc tới một nghệ sĩ đầy nhiệt huyết, luôn đau đáu với những ý tưởng mới, ngập tràn năng lượng để thử, để tìm nghiệm cho những sáng tạo ở rối. Trở thành “thủ lĩnh” của Nhà hát Múa rối Việt Nam, anh được thỏa nguyện để bung mở những sáng tạo rất mới mẻ ấy để rồi đạt tới những thành tựu rất ấn tượng: liên tục đạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở các Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2015 là vở Vũ điệu hoa quỳnh, năm 2018 với Trê và Cóc, Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2018 tổ chức tại Thái Lan năm 2018, Nhịp điệu quê hương vinh dự giành được giải Nhất còn với Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2019 giải Đạo diễn xuất sắc cho vở Thân phận nàng Kiều

 Cảnh trong vở rối Thân phận nàng Kiều

Những tác phẩm được vinh danh này của Nguyễn Tiến Dũng cũng là những tác phẩm được người yêu sân khấu nhớ tới với lòng mến mộ vì sự sáng tạo không ngừng, vì tính thẩm mỹ rất cao. Ai cũng biết, Múa rối khó ở cách thực hiện ý tưởng bởi dù có hay ho tới đâu, mà ý tưởng đó không thực hiện được trong bối cảnh riêng thì cũng coi như… bỏ. Với Vũ điệu hoa quỳnh, mô tả loài hoa mềm mại, mỏng manh, tinh khiết, thật khó để những hình dung đó kết hợp với nguyên liệu tạo tác là tre. Người thưởng thức cảm nhận được nét dân gian pha lẫn hiện đại được lồng ghép mềm mại trong nội dung cũng như hình thức thể hiện của thể loại rối dây đặc sắc. Thêm vào đó, đạo diễn cũng tận dụng một cách khéo léo sáng tạo giữa nhân vật rối, những chuyển động mềm mại, tinh tế của từng cánh hoa được tạo tác từ tre với ánh sáng, công nghệ hiện đại và cảnh trí để trở thành sự tổng hòa, vừa vặn trong tiếp nhận của khán giả. 

Vở rối nước Trê - Cóc đạo diễn Tiến Dũng gây được ấn tượng mạnh với đồng nghiệp trong và ngoài nước khi xử lý thiết kế sân khấu rối nước diễn hai tầng. Vở diễn đã khiến người xem thán phục vì cách xử lý sân khấu thông minh cùng với tạo hình con rối vừa sinh động, ngộ nghĩnh vừa độc đáo. Tại Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2018, vị giám khảo Trung Quốc, Đàm Thanh Thông - Giám đốc Nhà hát Múa rối Hồ Nam hồ hởi nhận xét: “Nghệ thuật múa rối nước lâu nay đã trở thành một đặc sản văn hóa “độc nhất vô nhị” của Việt Nam. Thế nhưng tại Liên hoan lần này, vở Trê - Cóc cùng một số chương trình múa rối nước của Việt Nam đã thực sự có những tìm tòi bứt phá nổi trội hơn so với những chương trình rối nước truyền thống trước đây. Các nghệ sĩ Việt Nam đã tiếp thu được những tinh túy của nghệ thuật rối nước truyền thống và phát triển rối nước với tư duy mới, rất hiện đại từ kỹ thuật điều khiển con rối cho tới các hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng. Tôi tin chắc rằng các chương trình rối nước của Việt Nam khi mang sang Trung Quốc hay quốc tế biểu diễn sẽ rất ăn khách”. 

Cảnh trong vở Nghêu Sò Ốc Hến

Rồi tới vở Thân phận nàng Kiều thì cảm nhận của giới chuyên môn cũng như đông đảo khán giả đều như vỡ òa. Để tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV năm 2019 ê kip dàn dựng mà đứng đầu là đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng đã tự đẩy mình vào tâm thế cao nhất của sáng tạo, của thử nghiệm cái mới mẻ. Truyện Kiều đã được kể lại theo đúng mạch nguyên tác với sự ghép nối giữa các màn bằng lối diễn đạt của nghệ thuật đương đại, với những biểu trưng cho từng nhân vật: Thúy Kiều là khuôn mặt hình cây đàn tỳ bà xinh xắn, thằng Bán tơ là một khuôn mặt lưỡi cày xấu xí, Tú Bà là một khối tròn cùng 2 quả bầu treo nơi ngực, Từ Hải là khuôn hình vuông vắn, Thúc Sinh là một khuôn mặt trái tim với chòm râu dê, Hoạn Thư gương mặt chỉ là chiếc quạt xòe... hoặc độc đáo như mụ mối chỉ là miếng vải hình con bướm và chiếc môi to tướng. Đặc biệt là đội ngũ những con chim lợn với chiếc miệng to tướng, gớm ghiếc, chuyên bà tám xúc xiểm đưa đến những bước thăng trầm lớn cho nhân vật. Sự linh hoạt trong cách di chuyển con rối, di chuyển những gương mặt rối, những quăng bắt mạnh dạn ở từng trường đoạn, hay đôi chỗ gây hoạt náo thích hợp đã cân bằng trạng thái cho người xem. Vượt qua những trói buộc về không gian, thời gian của sàn diễn, các nghệ sĩ đã tìm thấy không khí bảng lảng, giàu màu sắc huyền thoại vốn rất đắc địa của rối để khắc họa nhân vật, khắc họa hình tượng nghệ thuật. 

Điểm qua ba tác phẩm nổi trội của NSND Nguyễn Tiến Dũng để thấy được sự tâm huyết, tính sáng tạo của người đạo diễn này khi luôn có những sáng tạo mới mẻ dựa trên vốn liếng văn hóa, dựa trên phông nền vững chắc của việc thông thạo nghề nghiệp. Những tác phẩm khác như Trăng trẻ thơ, Nét Hồng Lam, Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Aladin và cây đèn thần, Nhịp điệu quê hương… rồi thành tích nổi trội của đơn vị tại Liên hoan Tài năng Múa rối năm 2023 vừa qua đều có dấu ấn dàn dựng của anh, cho thấy gương mặt một đạo diễn luôn sáng tạo, luôn tìm tòi và thể hiện qua nhiều phương thức xử lý đạo diễn. 

Cảnh trong vở Lời thề

Sống trọn với đam mê nghề rối, nhưng người nghệ sĩ này cũng vẫn sẵn sàng lao vào thử sức ở địa hạt khác như kịch nói, cải lương. Anh mạnh dạn nhận lời mời của thành phố Hải Phòng để dựng vở cải lương Huyền thoại Bà Đế tổng hợp sức mạnh của ba đơn vị sân khấu là Đoàn Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Múa rối Việt Nam và Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng. Vở diễn nằm trong Đề án sân khấu Truyền hình Hải Phòng. Rồi lại tích cực cùng Đạo diễn, NSƯT Hồ Ngọc Hà dựng vở Hoa khôi dạy chồng cho Nhà hát kịch nói Quân đội tham gia và đạt giải tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm Quốc tế 2022… Danh sách các vở diễn kịch nói do anh dàn dựng chắc chắn còn kéo dài bởi nét riêng, phong cách riêng đã đóng góp cho loại hình sân khấu này.

Không chỉ là một nghệ sĩ, anh còn gánh trọng trách đứng đầu quản lý nhà hát tầm cỡ quốc gia, NSND Nguyễn Tiến Dũng luôn băn khoăn về lực lượng diễn viên trẻ chưa được ưu đãi thích đáng cũng như chính sách đãi ngộ còn chưa thuyết phục dành cho diễn viên rối và đau đáu tìm đường hướng phát triển riêng cho đơn vị. Những năm tháng chiến đấu với đại dịch COVID - 19, anh tận dụng thời gian ngừng diễn để huấn luyện, truyền lửa nghề và tăng cường năng lực cho các nghệ sĩ trẻ. Vừa được biểu diễn trở lại, nhà hát đã có những đợt diễn dài, những thành tựu đáng ghi nhận. Các chuyến công du liên tục, dù một phần là lợi thế của đơn vị quốc gia, một phần là sự năng động của cá nhân anh cùng tập thể nghệ sĩ. Bằng nhiều con đường, bằng quan hệ rất tốt của mình với giới nghề, anh còn kết hợp với các đơn vị khác để có thêm hoạt động cho đơn vị. Thành tích 450 suất diễn trong 5 tháng đầu năm 2023 đã phần nào cho thấy những nỗ lực của đơn vị và người đứng đầu của Nhà hát hiện nay.

Cảnh trong vở Âm vang đồng quê

Hai vợ chồng đều là lãnh đạo của các Nhà hát lớn (vợ anh là Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch Quân đội), sự yêu thương trong gia đình và hiểu biết lẫn nhau đã giúp anh chị trở thành đôi vợ chồng rất được yêu mến của làng sân khấu nước nhà. NSND Tiến Dũng cũng rất ấm lòng chia sẻ, trong thành tựu của mình, có sự góp sức rất lớn của vợ, của hai con. Năm 2015, đạo diễn được vinh danh NSND như một phần thưởng, sự đánh giá rất đáng trân trọng cho những cống hiến của mình. 

NSND Nguyễn Tiến Dũng chúc mừng các nghệ sĩ của Nhà hát đạt giải tại Cuộc thi tài năng múa rối toàn quốc 2022

Qua các tác phẩm, đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng đã góp phần để nghệ thuật rối được nâng tầm trong mắt khán giả. Nghệ thuật rối với anh, không chỉ là những trò diễn dành cho trẻ con hay khách du lịch mà đã trở thành món ăn tinh thần, thuyết phục được nhiều tầng lớp công chúng, kể cả tầng lớp công chúng có kiến thức nghệ thuật, có đòi hỏi cao.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 550, tháng 10-2023

;